Double test là gì - các mẹ bầu đã thực sự nắm rõ

Double test là gì - chắc chắn một điều hãy còn nhiều mẹ bầu vẫn đang thắc mắc. Để mẹ có một cái nhìn bao quát nhất về xét nghiệm này và thời gian thích hợp để mẹ có thể tiến hành, mẹ hãy cùng Yeutre.vn tham khảo ngay chia sẻ ngắn gọn liên quan như dưới đây nhé.

banner ads

Xét nghiệm Double test
Xét nghiệm Double test giờ đây có lẽ không còn quá xa lạ đối với các mẹ bầu. Ảnh Internet

1. Double test là gì

Double test được coi là một trong những biện pháp sàng lọc trước sinh, giúp mẹ bầu có thể tầm soát những bệnh nguy hiểm của thai nhi như Hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, dị tật ống thần kinh,... ngay từ tháng thứ 3 của thai kỳ.

Các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm bằng cách sử dụng dụng cụ xét nghiệm hóa sinh kết hợp với đo độ mờ da gáy bằng phương pháp siêu âm và tuổi mẹ, tuổi thai,... để đánh giá các nguy cơ mắc các hội chứng trên ở thai nhi.

2. Khi nào mẹ bầu nên đi xét nghiệm Double test

Ở phụ nữ có thai, các bác sĩ đều khuyên nên tiến hành các phương pháp xét nghiệm Double test để có thể tầm soát sớm các dị tật ở thai nhi . Và thời điểm thích hợp nhất dành cho mẹ để thực hiện xét nghiệm này là khi mẹ đang trong kì tam cá nguyệt thứ nhất. Cụ thể là từ 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày, tốt nhất là ở tuần thai thứ 12 - 13 mẹ nhé.

Đối với những đối tượng mẹ bầu sau đây bắt buộc phải được xét nghiệm double test, vì những thói quen cũng như công việc hằng ngày của mẹ rất có khả năng gây dị tật cho thai nhi.

Đó là:

  • Những thai phụ trên 35 tuổi.
  • Những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc lá, các hóa chất hoặc đang trong thời gian điều trị bằng thuốc có thê gây hại cho thai nhi.
chất kích thích
Những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá và chất kích thích nên được xét nghiệm Double test. Ảnh Internet
  • Những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ đặc biệt là phóng xạ liều cao.
  • Những mẹ bầu có tiền sử tiểu đường, bị cúm và sử dụng thuốc trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên.
  • Những thai phụ mà trong gia đình có người mắc các dị tật bẩm sinh.
  • Những mẹ bầu có những biểu hiện bất thường hoặc bị nghi ngờ có biểu hiện bất thường trong kết quả siêu âm.
  • Những mẹ bầu đã từng bị sảy thai hoặc lưu thai

3. Xét nghiệm Double test được thực hiện như thế nào?

3.1 Xét nghiệm Double test sẽ được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm Double test sẽ được thực hiện bằng cách xét nghiệm mẫu máu của mẹ kết hợp với kết quả siêu âm gần nhất. Khi có mẫu máu, các bác sĩ sẽ quan sát để kiểm tra hai yếu tố chính là hormone Beta hCG do nhau thai tiết ra và protein PAPP-A hay protein A huyết tương liên quan đến thai kỳ, có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Các kết quả này sẽ được tính toán chung với các số đo chiều cao, cân nặng, độ tuổi thai, tuổi mẹ, kết quả siêu âm,... bằng một phần mềm chuyên dụng để đưa ra kết quả.

siêu âm
Khi tiến hành xét nghiệm Double test, các bác sĩ cũng sẽ dựa vào kết quả siêu âm nữa đấy mẹ. Ảnh Internet

3.2 Kết quả xét nghiệm Double test

Sau khi kết quả được trả về, sẽ có hai trường hợp xảy ra đó là:

  • Xét nghiệm Double test có nguy cơ thấp: Có nghĩa là thai nhi có ít nguy cơ mắc các hội chứng và dị tật bẩm sinh. Cụ thể: Độ mờ da gáy < 3mm, tỷ lệ bất thường ở khoảng 21,1%. Hoặc được hiệu chỉnh là ≤ 1:100 thì thai nhi được xem như có nguy cơ thấp (âm tính).
  • Xét nghiệm Double test có nguy cơ cao: Ngược lại với kết quả trên, nếu kết quả trả về có độ mờ da gáy của thai nhi ở khoảng 3,5 – 4,4mm, tỷ lệ bất thường ở khoảng 64,5% trở lên hoặc ≥ 1:100 thì thai nhi được xếp vào nhóm nguy cơ cao (dương tính) với các hội chứng và dị tật bẩm sinh.

4. Mẹ phải làm sao khi kết quả sàng lọc có nguy cơ cao?

Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng khi kết quả xét nghiệm có nguy cơ cao. Vì sai số của Double test tương đối cao với độ chính xác < 75%. Do đó, mẹ cần phải được thực hiện thêm những xét nghiệm khác mới có thể chắc chắn hơn về tình trạng của thai nhi.

Bên cạnh đó, Double test chỉ là phương pháp đánh giá nguy cơ của một số hội chứng cơ bản được kể trên và không thể sàng lọc được những hội chứng dị tật khác. Vì thế, mẹ bầu vẫn cần được theo dõi tình trạng sức khỏe trong những lần khám thai định kỳ tiếp theo.

sức khỏe
Sau khi có kết quả xét nghiệm, mẹ bầu vẫn cần được theo dõi tình trạng sức khỏe trong những lần khám thai định kỳ tiếp theo. Ảnh Internet

5. Một số lưu ý dành cho mẹ khi thực hiện xét nghiệm Double test

Cũng như những phương pháp xét nghiệm khác trong giai đoạn thai kỳ, khi thực hiện xét nghiệm Double test mẹ cần phải nắm rõ những lưu ý quan trong dưới đây:

  • Mẹ không cần phải nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm Double test.
  • Xét nghiệm này chỉ thực hiện bằng cách dựa vào mẫu máu và kết quả siêu âm của mẹ nên hoàn toàn không gây hại cho thai nhi.
  • Một lưu ý cực kỳ quan trọng cho mẹ là mẹ nên thực hiện siêu âm trước khi xst nghiệm. Tốt nhất là ở tuần 12 của thai kỳ mẹ nhé.
  • Mức giá xét nghiệm chỉ khoảng trên 500.000 - 1.000.000. Và mẹ nên được thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín.
  • Kết quả xét nghiệm Doubletest sẽ có sau khi mẹ được lấy mẫu máu là 4 - 5 ngày. Mẹ có thể nhận được kết quả sớm hơn, nhưng chi phí có phần hơi đắt một chút đó ạ.
kết quả
Kết quả xét nghiệm Doubletest sẽ có sau khi mẹ được lấy mẫu máu là 4 - 5 ngày. Ảnh Internet

Double test là một phương pháp sàng lọc trước khi sinh được rất nhiều thai phụ quan tâm và thực hiện. Tuy chỉ mang tính tương đối nhưng mẹ vẫn rất cần để có thể tầm soát được các dị tật của con để làm những xét nghiệm cần thiết sau này. Yeutre.vn hi vọng bài viết này sẽ mang đến nhiều điều bổ ích cho mẹ, chúc mẹ bà bé có một thai kỳ thật khỏe mạnh và hạnh phúc nhé.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI