1. Finger Math là gì?
Chúng ta đều biết, khi vào lớp 1, trẻ sẽ bắt đầu làm quen với Toán học. Trong năm học đầu đời này, trẻ học đếm, học các phép tính trong phạm vi 10 đơn vị và dễ dàng tính nhẩm qua 2 bàn tay. Tuy nhiên, càng về sau độ khó của Toán học càng tăng lên, và khi vượt qua con số 10 nhiều trẻ sẽ cảm thấy bỡ ngỡ với môn học này.
Finger Math - Toán học ngón tay ra đời từ chính cách tính nhẩm qua hai bàn tay của trẻ. Theo phương pháp này, trẻ không chỉ tính nhẩm dễ dàng trong phạm vi 10 đơn vị mà nới rộng lên con số 100 mà không cần nhớ nhiều. Phương pháp toán tư duy này hiện đã được áp dụng ở nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Khi so sánh với phương pháp học toán truyền thống, trẻ em phải tính toán các phép cộng trừ trên giấy nháp với từng bước một, thì phương pháp toán tư duy này giúp trẻ tính nhanh hơn, không theo các bước mà chỉ nhớ "các quy ước" là đủ. Chính vì giúp trẻ tính nhanh, tính gọn, hiệu quả cao mà hiện có rất nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con em mình học theo phương pháp này.
2. Học toán Finger Math có tốt không? Lợi ích và tác hại của phương pháp này là gì?
Trước khi cho con em mình theo học bất kỳ phương pháp nào phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó. Finger Math suy cho cùng vẫn chỉ là một phương pháp học (giữa rất nhiều cách học khác) nên sẽ có những mặt lợi ích lẫn tác hại của nó. Dưới đây là thông tin chi tiết mà phụ huynh nên nắm rõ.
2.1. Lợi ích của toán tư duy với trẻ nhỏ
Có thể thấy một số lợi ích của phương pháp học toán này như sau:
- Hỗ trợ trẻ tính toán dễ hơn : Với cách học toán ngón tay trẻ sẽ có khả năng tính nhẩm nhanh trong phạm vi 100.
- Giúp trẻ tập trung hơn : Phương pháp học toán này sẽ học theo các quy ước, quy luật nên giúp trẻ tập trung hơn trong việc học các con số.
- Phát triển tư duy : Nếu trẻ nắm rõ các quy ước theo phương pháp học này sẽ hình thành tư duy nhanh nhạy. Theo thời gianm trẻ không cần nhớ các quy tắc này nữa mà vẫn có thể tính nhẩm với kết quả chính xác nhất.
- Kích thích não phát triển : Một số nghiên cứu cho thấy phương pháp học này kích thích cả hai bán cầu não phát triển, giúp trẻ thông minh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng điều này hoàn toàn không chính xác.
- Tạo niềm vui, hứng thú với Toán học : So với cách tính toán truyền thống phải theo tuần tự từng bước thì phương pháp học toán này sẽ giúp trẻ hứng thú hơn với Toán học.
2.2. Tác hại của Finger Math với trẻ nhỏ
Mặt trái của học toán ngón tay theo một số chuyên gia gồm có:
- Có thể khiến trẻ bị nhẫm lẫn : Học toán ngón tay theo các quy ước, quy luật. Nếu trẻ nhớ được các quy ước, quy luật thì tính toán khá dễ dàng, nhưng nếu trẻ khó nhớ, không nhớ thì việc học càng gây khó khăn cho trẻ.
- Trái với phương pháp học toán ở Việt Nam : Phương pháp học này chưa đưa vào chương trình học ở Việt Nam. Nên trẻ học theo phương pháp này có thể bị "nhiễu" khi đi học ở trường.
- Gây áp lực học tập lên trẻ nhỏ : Câu chuyện thành tích giáo dục vốn đã quá quen thuộc, và phương pháp này theo các chuyên gia xuất phát từ nhu cầu "thành tích" đó. Nếu phụ huynh ép trẻ đi học sớm có thể gây áp lực không nhỏ lên trẻ.
- Phát triển trí thông minh còn là câu hỏi bỏ ngỏ : Như đã đề cập ở trên, câu chuyện học toán tư duy giúp trẻ thông minh hay không vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng cách học này không hỗ trợ giúp trẻ phát triển trí tuệ.
- Tốn kém chi phí : Các khóa học toán ngón tay hiện nay thu mức học phí khá cao.
3. Có nên cho con theo học phương pháp này không?
Ở Việt Nam, khi tìm kiếm thông tin về Finger Math phụ huynh sẽ nhận thấy rất nhiều bài viết ngợi ca về phương pháp học này. Cụ thể, các bài viết này cho rằng đây là cách học tính nhẩm siêu nhanh, siêu hiệu quả, giúp trẻ thông minh vượt trội.
Phụ huynh có thể đọc những bài viết như thế, nhưng không dừng ở việc đọc một chiều mà hãy tìm kiếm thêm nhiều bài viết khác ở góc độ phản biện. Qua đó, phụ huynh có cái nhìn tổng quan hơn về cách học này. Cụ thể, ở những bài viết khác, các chuyên gia phản biện sẽ cho chúng ta thấy toán tư duy có thực sự giúp con em mình tư duy tốt hay không.
Sau khi đã lắng nghe nhiều ý kiến, phụ huynh có thể quan sát, hỏi ý kiến con cái của mình có thực sự thích học hay không. Với những trẻ nhỏ, nếu lịch học đã quá dày (thực tế chương trình mới có lịch học gần như kín thời gian) thì tốt nhất hãy tạm gác giấc mơ "tính nhẩm siêu việt" lại.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hỏi ý kiến của những phụ huynh khác từng có con em học theo cách này. Các ý kiến từ người đi trước sẽ thực tế hơn, chi tiết hơn. Ví dụ, phụ huynh có thể tham gia các nhóm trên Facebook để lắng nghe những câu chuyện, hay đọc báo trong và ngoài nước để biết thực hư của phương pháp học này tốt hay không. Từ đây phụ huynh sẽ cân nhắc và lựa chọn con đường cho cho em mình.
Cuối cùng, theo tìm hiểu của Yeutre.vn, phương pháp học Finger Math hiện chưa đưa vào chương trình học chính thống ở Việt Nam. Chính vì thế, nếu trẻ đi học rất có thể bị "chênh" so với cách học ở trường, gây nhiều áp lực cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, với lứa tuổi trẻ mẫu giáo , trẻ lớp 1 việc đi học quá sớm, nhớ những quy ước, quy tắc theo cách học này có thể gây tác dụng ngược phụ huynh nhé!
Đức Lộc