Dạy trẻ 2 tuổi cách chia sẻ - cải thiện tính "giữ của, keo kiệt" của các con không khó

Dạy trẻ 2 tuổi cách chia sẻ là một chủ đề khá thú vị và rất có ích đối với các bậc cha mẹ. Vì chúng ta thường thấy trẻ ở độ tuổi này có vẻ “ích kỷ”, mà theo cách nói dân dã là “những thần giữ của tí hon”. Vậy tại sao trẻ lại có biểu hiện như vậy và làm thế nào để dạy trẻ cách chia sẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads

Dạy trẻ 2 tuổi biết chia sẻ
Dạy trẻ 2 tuổi cách chia sẻ là chủ đề khá thú vị. Ảnh Internet 

1. Biểu hiện thường thấy của trẻ 2 tuổi

Một buối đẹp trời, bạn có thể thấy cô con gái 2 tuổi của mình hét lên “của tớ” và giằng lấy con búp bê của một người bạn cùng chơi. Hay một ngày khác, bạn thấy cậu con trai 2 tuổi của người bạn hét lên “không” khi thấy bạn nhặt quả banh yêu thích của cậu và lăn trên sàn nhà.

Bạn có thể nghĩ rằng những đứa trẻ này thật là ích kỷ, cứ đà này chúng sẽ không có bạn mất.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu tâm lý của một đứa trẻ 2 tuổi: trẻ hành động theo cách nhìn nhận của lứa tuổi mình đối với thế giới xung quanh mà trong đó, những đồ vật hay món đồ chơi của trẻ là của riêng chúng. Những đứa trẻ 2 tuổi bắt đầu hiểu về sự sở hữu và đang phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân, điều này khiến “của con” và “không” trở thành hai từ yêu thích của chúng. 

Trẻ khóc khi bị lấy đồ
"Của con" là từ yêu thích của trẻ 2 tuổi. Ảnh Internet 

Tất nhiên, một số trẻ 2 tuổi có thể rất vui khi cho bạn một chiếc bánh quy, nhưng hầu hết trẻ muốn sở hữu nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều trẻ 2 tuổi chưa sẵn sàng chia sẻ. Chắc chắn, trẻ có thể chơi bên cạnh những đứa trẻ khác nếu bạn để mắt đến chúng, tuy nhiên bạn nên chuẩn bị tâm lý cho những mâu thuẫn có thể xảy ra về cho và nhận giữa bọn trẻ.

Thực ra, chia sẻ là một hoạt động cần được học và phải mất chút thời gian. Và mặc dù trẻ 2 tuổi vẫn còn khá nhỏ nhưng bạn đã có thể bắt đầu giới thiệu cho con những ưu điểm của việc chia sẻ, từ đó xây dựng nền tảng cho việc hình thành đức tính tốt đẹp này cho cho trẻ khi con lớn dần. 

Trẻ 2 tuổi đang chơi
Bạn có thể giới thiệu cho trẻ 2 tuổi ưu điểm của việc chia sẻ. Ảnh Internet 

Vậy làm sao để dạy trẻ 2 tuổi cách chia sẻ, bạn hãy thử thực hiện những cách dưới đây nhé.

2. Những cách giúp bạn dạy trẻ 2 tuổi về sự chia sẻ

2.1. Hãy thực hành trò đổi phiên và cho-nhận

Bạn hãy thường xuyên thực hành trò đổi phiên/ luôn phiên với trẻ, ví dụ như các trò sau:

  • Bạn lật một trang sách (trong giờ đọc trước khi ngủ), sau đó trẻ lật một trang
  • Bạn xếp một khối lắp ghép lên trên khối hình của trẻ, rồi tới trẻ xếp một khối lên trên khối của bạn
  • Bạn và trẻ thay phiên nhau xếp ô chữ
  • Bạn ôm/ hôn gấu bông của trẻ sau đó đưa lại cho trẻ ôm/ hôn

Bạn có thể áp dụng với những trò chơi khác mà trẻ yêu thích hay hứng thú. Chúng sẽ giúp trẻ hiểu được rằng chia sẻ và thay phiên cũng rất vui và việc trẻ đưa một món đồ cho ai đó không có nghĩa là trẻ không bao giờ lấy lại được nó. 

Mẹ chơi cùng trẻ
Hãy thực hành trò đổi phiên cho - nhận với trẻ. Ảnh Internet 

2.2. Đừng phạt trẻ vì con “keo kiệt”

Nếu bạn nói với đứa trẻ 2 tuổi của mình rằng con ích kỷ và phạt con vì bé không chia sẻ đồ chơi với trẻ khác, hay ép con trao một món đồ (một đồ vật hay đồ chơi yêu thích mà có thể là rất quý giá đối với con) thì đây không phải là cách dạy trẻ 2 tuổi , càng không phải dạy con sự hào phóng, mà là bạn đang khơi mào và khuyến khích sự phẫn nộ của trẻ.

Theo tiến sỹ về phát triển và tâm lý học tại đại học George Mason ở Fairfax, Virginia - Susanne Denham thì bạn không bao giờ nên trừng phạt một đứa trẻ đặc biệt là trẻ 2 tuổi vì không chia sẻ, đó là một quyết định rất mang tính cá nhân. 

Trẻ đang nổi giận khi chơi
"Keo kiệt" là một quyết định mang tính cá nhân của trẻ 2 tuổi. Ảnh Internet 

2.3. Hãy trò chuyện, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ về việc chia sẻ

Bạn hãy giúp trẻ tự khám phá những cảm xúc liên quan đến việc chia sẻ. Nếu bạn của trẻ giữ hoặc lấy lại một món đồ chơi nào đó, hãy giải thích cho trẻ hiểu cảm giác của bạn mình như thế nào. Ví dụ: “Bạn Josie rất yêu gấu bông của bạn ấy và muốn ôm gấu ngay bây giờ”. Bạn cũng hãy giúp trẻ đưa cảm xúc của mình vào lời nói. Ví dụ: “Mẹ biết con rất muốn búp bê của con”, hay “Mẹ biết con buồn vì bạn lấy đồ chơi của con”.

Ngoài ra bạn hãy dành cho trẻ nhiều lời khen ngợi vì trẻ đã nới lỏng sự sở hữu của mình. Ví dụ tại bữa ăn xế, bạn hãy nhận xét về việc trẻ và bạn của con đã đáng yêu như thế nào khi cùng chơi và ăn bánh quy. Hãy chỉ cho con thấy rằng thật vui khi cùng chia sẻ với người khác. 

Mẹ trò chuyện với trẻ
Trò chuyện, giúp trẻ bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ về việc chia sẻ. Ảnh Internet 

2.4. Hãy cổ vũ để giúp trẻ thực hiện việc chia sẻ từng bước nhỏ

Trẻ 2 tuổi đôi khi thể hiện thái độ sở hữu của mình một cách thái quá, thậm chí không muốn người khác chạm vào đồ vật của mình.

Bạn hãy giúp trẻ cải thiện tình trạng này bằng cách khuyến khích trẻ rằng con thật dễ thương vì cho người khác xem món đồ chơi của mình. Khi trẻ được ủng hộ bằng lời khen ngợi của bạn, con sẽ thấy an toàn để nới lỏng “sự keo kiệt” của mình. 

Mẹ cổ vũ trẻ
Cổ vũ để giúp trẻ thực hiện việc chia sẻ từng bước. Ảnh Internet 

2.5. Hãy thiết lập sân chơi cho trẻ

Nếu bạn đang dự định tổ chức một buổi gặp gỡ cho trẻ và bạn của chúng, hãy để trẻ cất món đồ chơi đặc biệt yêu thích của mình vào một chỗ khác trước khi bạn bè chúng đến. Ở khu vực vui chơi, bạn hãy đặt những món đồ chơi đơn giản như xếp khối hình, bút màu và sách tô màu, quần áo hóa trang, đất sét,…Bạn hãy nói với trẻ và bạn của con rằng chúng có thể chia sẻ những món đồ chơi đó và khen ngợi khi chúng thực hiện. Nếu một trong số trẻ có biểu hiện “chiếm hữu” đồ chơi làm của riêng, hãy phân tán sự chú ý của chúng bằng một câu hỏi, một món ăn nhẹ hoặc một trò chơi khác. 

Trẻ chơi cùng nhau
Mẹ thiết lập sân chơi cho trẻ. Ảnh Internet 

2.6. Hãy tôn trọng những món đồ của trẻ

Nếu một đứa trẻ 2 tuổi thấy rằng đồ chơi, quần áo, sách hay màu của chúng bị xáo trộn hoặc bị người khác sử dụng một cách tự do thì không có gì lạ khi chúng không muốn chia sẻ những món đồ đó với ai.

Vì vậy trước tiên bạn hãy tôn trọng trẻ, hãy hỏi ý kiến của con trước khi đụng vào hoặc mượn một món đồ gì đó của chúng. Nếu trẻ nói không, hãy chấp nhận và yêu cầu anh chị em, bạn bè, người thân hay bảo mẫu cũng làm tương tự. 

Mẹ và trẻ vui vẻ
Tôn trọng những món đồ của trẻ. Ảnh Internet 

2.7. Bạn hãy làm gương cho trẻ - trẻ bắt chước ngay cả khi bạn chưa dạy trẻ 2 tuổi về cách chia sẻ

Không có gì khiến trẻ học được sự hào phóng nhanh và hứng thú hơn là sự làm mẫu của bạn. Vì vậy hãy thử cho trẻ ăn thử cây kem của bạn, cho trẻ mượn khăn của bạn, hoặc hỏi ý kiến trẻ nếu bạn muốn dùng đồ của chúng. Bạn hãy sử dụng từ chia sẻ để mô tả những gì bạn đang làm và đừng quên dạy con rằng những điều vô hình như cảm xúc, suy nghĩ hay những câu chuyện cũng có thể chia sẻ được.

Quan trọng nhất, bạn hãy để trẻ thấy bạn cho và nhận, thỏa hiệp và chia sẻ với người khác. 

Mẹ và bà trò chuyện
Mẹ hãy làm gương cho trẻ về sự chia sẻ. Ảnh Internet 

Bạn có thể nghĩ rằng việc dạy trẻ 2 tuổi chia sẻ theo những cách như trên là quá sớm hay quá khó, trẻ không thể tiếp nhận được. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng trẻ em rất thông minh, và khả năng nhận thức của chúng có thể khiến người lớn chúng ta ngạc nhiên. Vì vậy, hãy quan sát để hiểu trẻ và áp dụng cách giáo dục con về việc chia sẻ một cách phù hợp. Như vậy, bạn sẽ giúp trẻ hình thành được một đức tính tốt đẹp khiến cuộc sống sau này của con trở nên ý nghĩa hơn.

Theo Baby Center

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI