Dạy trẻ 1 tuổi những gì để trẻ phát triển toàn diện?

Khi con cái chào đón sinh nhật đầu đời, với nhiều bậc phụ huynh thời điểm này cũng bước sang một “nỗi lo” mới: dạy trẻ 1 tuổi những gì để trẻ phát triển toàn diện? Bởi, khác với những năm tháng nằm nôi, trẻ 1 tuổi có những đổi thay mạnh mẽ trong thể chất, tính cách lẫn tư duy. Có rất nhiều phương pháp để dạy trẻ 1 tuổi, tuy nhiên dù cách nào đi chăng nữa thì cũng đi đến cứu cánh là hạnh phúc của đứa trẻ. Bài viết dưới đây tổng hợp những điều tiêu biểu mà bố mẹ cần biết khi trẻ lên 1 tuổi, để có thể chủ động dạy con sao cho có kết quả tốt hơn.

banner ads
bố mẹ nên dạy trẻ 1 tuổi những gì
Bố mẹ luôn lo lắng nên dạy trẻ 1 tuổi những gì để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, sau khi thôi nôi là thời gian trẻ em có khả năng phát triển kỹ năng cao nhất, trong đó trẻ cần được dạy 3 kỹ năng chính là: Đi - Nói và Cầm nắm đồ vật.

1.1. Kỹ năng Đi

Với kỹ năng Đi, ở đây muốn đề cập việc bố mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ được vận động một cách tối đa. Ở tuổi này trẻ rất thích “đi”, thích trèo, leo ra khỏi những chiếc cũi, do đó bố mẹ trong thời gian này đừng dọa nạt bé. Nếu bố mẹ mà la mắng, cấm đoán con cái mình vận động lúc trẻ được 1 tuổi thì đó là một thất bại. Nên nhớ rằng, thấy con đi nhiều, “quậy” nhiều thì bố mẹ nên mừng hơn nên lo trong giai đoạn này. Và trách nhiệm của bố mẹ đối với trẻ 1 tuổi nằm ở việc “trông nom và tạo điều kiện” để con được tự do vận động đồng thời tránh khỏi những nguy hiểm.

Để làm được điều này, bố mẹ nên cho trẻ vận động ở những không gian rộng. Tốt nhất là những không gian ngoài trời như công viên, sân nhà... nơi có nhiều cây cối để trẻ vừa “chạy” vừa khám phá thiên nhiên. Hoặc nếu ở trong phòng, bố mẹ cũng nên tạo điều kiện hết mức bằng cách thu dọn bớt đồ đạc để tạo thêm không gian và sự an toàn cho trẻ. Với những nơi như sân gạch bố mẹ có thể mua thêm các loại tấm lót để trẻ vận động “thật đã” mà vẫn bảo đảm an toàn nhé. Và, bố mẹ cũng đừng quên những khoảnh khắc chơi cùng con, hay dạy trẻ tham gia các hoạt động vui nhộn

trẻ 1 tuôi
Bố mẹ nên cho trẻ 1 tuổi vận động ở không gian rộng. Ảnh: Internet

1.2. Kỹ năng Nói

Với kỹ năng Nói, khi đạt 1 tuổi đa số trẻ đã có thể nói được những từ ngữ đơn giản như “ba”, “bà”… Và điều kỳ diệu ở thời điểm này là trẻ hiểu được những lời nói của bố mẹ. Do đó, để phát triển kỹ năng nói cho trẻ 1 tuổi bố mẹ trước hết cần phải học cách lắng nghe và sau đó “nói theo ngôn ngữ” của trẻ. Chính sự thấu hiểu này sẽ khuyến khích trẻ 1 tuổi tập nói nhiều hơn.

Bên cạnh đó, dạy trẻ 1 tuổi tập nói không chỉ dừng ở tập cho con nói theo từ để con bắt chước, mà việc bố mẹ thường xuyên kể chuyện, đọc sách, hát.. cho trẻ 1 tuổi cũng là điều rất cần thiết trong thời gian này, để phát triển kỹ năng nói của trẻ thêm phần hiệu quả.

1.3. Kỹ năng Cầm nắm đồ vật

Với riêng kỹ năng Cầm nắm đồ vật, với trẻ 1 tuổi bố mẹ hãy tạo điều kiện để con mình được chơi với những đồ vật như quả bóng, tháp nhựa… Với những đồ chơi này, bố mẹ có thể chơi cùng trẻ bằng cách hướng dẫn con giơ lên, hạ xuống hoặc chỉ bảo con cầm đồ chơi để chỗ này chỗ kia…

Nói tóm lại, với riêng 3 kỹ năng Đi - Nói và Cầm nắm đồ vật, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý khi con đủ 1 tuổi. Hãy luôn sẵn sàng, giúp đỡ, khuyến khích con mình phát triển 3 kỹ năng này thay vì cấm đoán, e ngại hoặc giữ trẻ quá kỹ. Và, đây cũng là 3 kỹ năng bố mẹ nên dạy trẻ đầu tiên, trước khi bắt đầu dạy những kỹ năng quan trọng khác mà trẻ 1 tuổi nên được tiếp nhận để hoàn thiện và phát triển tốt nhất trong giai đoạn của mình. 

nên dạy trẻ 1 tuổi những gì
Tập cho trẻ 1 tuổi kỹ năng cầm nắm đồ vật. Ảnh: Internet

2. Dạy trẻ 1 tuổi những gì? - Hãy dạy con khám phá mọi thứ

Theo ngôn ngữ của nhiều bố mẹ, 1 tuổi là thời điểm trẻ “biết phá” do đó nhiều người chọn cách nghiêm khắc để dạy dỗ trẻ. Điều này hoàn toàn không phù hợp, trước hết 1 tuổi không nên gọi trẻ là “biết phá” mà phải gọi đúng là biết “khám phá”, “phát minh”. Do đó, ở lứa tuổi này bố mẹ phải cho trẻ được trải nghiệm tối đa theo sở thích của con.

Ví dụ, trước trường hợp trẻ 1 tuổi cầm chiếc ly uống nước lên và thả ra rồi ly vỡ tan tành bố mẹ sẽ ứng xử thế nào? Sẽ gay gắt mắng và cấm đoán con đến gần những chiếc ly còn lại? Không! Bố mẹ không nên như thế! Tuyệt đối không được la mắng con ở giai đoạn này, thay vào đó bố mẹ hãy tự trách mình sao không tìm một nơi để cất những chiếc ly an toàn hơn. Đặc biệt, bố mẹ hãy sẵn sàng cho suy nghĩ rằng chính việc bé làm vỡ ly là bé đang khám phá và tư duy theo cách của riêng bé.

trò chơi cho bé 1 tuổi
1 tuổi trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Ảnh: Internet

Với trẻ 1 tuổi thì mọi hành động đều đã gắn với một mục đích rõ ràng, và dù một trò chơi trong mắt của bố mẹ là “quậy phá” thì vẫn mang đến những niềm vui nho nhỏ, riêng tư cho chính đứa trẻ. Trong ví dụ trẻ 1 tuổi cầm lấy chiếc ly và thả xuống khiến ly vỡ với riêng trẻ đó là một trải nghiệm, một kiểu “chơi mới” chỉ riêng bé hiểu mà thôi.

Vì thế, trong giai đoạn trẻ 1 tuổi hãy dạy trẻ khám phá mọi thứ quanh mình, hãy để trẻ chơi theo cách riêng của trẻ, và việc của bố mẹ là quan sát, khích lệ, động viên và giữ an toàn cho trẻ mà thôi.

Chính việc tạo một môi trường tự do khám phá mọi thứ, trẻ 1 tuổi sẽ tìm thấy được niềm vui, qua đó kích thích sự phát triển của trí tuệ.

3. Chuyện trò và đọc sách chính là cách hay để dạy trẻ 1 tuổi

Ở giai đoạn 1 tuổi, mỗi đứa trẻ đã hình thành kỹ năng hiểu lời và bắt chước bố mẹ. Do đó những gì mà bố mẹ chuyện trò với trẻ cũng chính là đang dạy dỗ trẻ làm theo.

Lời khuyên ở đây là, các bố mẹ hãy trò chuyện với con thật nhiều. Bất kể khi nào bên con hãy tạm bỏ chiếc điện thoại thông minh xuống, gác lại hết những công việc, mối quan hệ… để trò chuyện với con. Hoặc trong cả những khi thay quần áo cho trẻ, đưa trẻ đi ra công viên dạo mát, khi ăn cơm… cũng hãy tâm tình với trẻ.

Bên cạnh đó, những lúc bên con cũng chính là lúc dạy con những kiến thức cơ bản nhất. Ví dụ, bố mẹ tắm cho con thì hãy chỉ cho con biết bộ phận nào là tay, mắt, chân, mũi… Hoặc chơi trò chơi với con thì hãy dạy con tên của đồ chơi, màu sắc của đồ chơi… Tất nhiên, dạy ở đây là một cách gọi khác của trò chuyện, 1 tuổi trẻ không phải “học” mà là nghe và bắt chước từ từ. Hãy khai mở trí tuệ của trẻ bằng sự gần gũi như thế bố mẹ nhé.

Bên cạnh trò chuyện với con thì 1 tuổi cũng là thời điểm cực kỳ thích hợp để đọc sách cho con nghe mỗi ngày. Theo các chuyên gia, đọc sách cho con nghe chính là cách dạy con nhỏ tốt nhất.

đọc sách cho trẻ 1 tuổi
Đọc sách cho trẻ là cách tốt nhất để dạy trẻ nên người. Ảnh: Internet

Lúc này, bố mẹ hãy tìm lại những cuốn sách mà bố mẹ mua cho trẻ từ lúc trẻ 5 tháng tuổi và hãy đọc cho trẻ nghe câu chuyện trong đó, kết hợp với việc chỉ dẫn trẻ những nhân vật xuất hiện trong sách như: voi con, vịt con, gà gô, hổ vằn…

Chính đọc sách cho trẻ lúc 1 tuổi là bí quyết để trẻ yêu mến sách và tiếp cận với con đường khai phá tri thức sau này. Và tất nhiên, lợi ích trước mắt của trẻ 1 tuổi được nghe đọc sách chính là trẻ sẽ có một lượng từ phong phú theo thời gian (bố mẹ đừng nghĩ “con nít 1 tuổi” thì biết gì nhé).

Và nếu bố mẹ nào muốn con mình có thói quen đọc sách sau này ngay bây giờ có thể sắm giá sách riêng cho con được rồi đấy. Ở trên giá sách này mỗi ngày bạn sẽ dạy trẻ chọn lấy một cuốn sách và đọc, cứ thế dần dà theo thời gian thói quen đọc sách hình thành nên trong con người của trẻ.

4. Top 4 trò chơi để dạy trẻ 1 tuổi phát triển tư duy

Ở 3 phần trên của bài viết này đề cập nhiều đến hai từ “học” và “dạy”. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải biết “học” hay “dạy” ở đây không theo đúng nghĩa mà người lớn chúng ta nghĩ. Thay vào đó, bố mẹ phải biết trẻ được “dạy”, được “học” ở đây đồng nghĩa với được chơi. Và có rất nhiều trò chơi để “dạy” trẻ 1 tuổi phát triển tư duy, nhưng dưới đây đề cập 4 trò chơi đơn giản nhất mà bố mẹ nào cũng có thể áp dụng:

  • Tìm châu báu : Bố mẹ hãy giấu những đồ chơi của trẻ trong một chỗ nào đó của căn phòng, sau đó nói với trẻ hãy đi tìm đồ chơi đó. Trò chơi có tên gọi “tìm châu báu” này từ trước đến nay chưa bao giờ nhàm chán với trẻ nhỏ. Và 1 tuổi là thời điểm để trẻ có thể chơi được (lớn hơn một chút thì trẻ sẽ chơi trốn tìm). Với riêng trò chơi sẽ dạy trẻ tư duy về trí nhớ, suy luận và mang đến những khoảnh khắc bất ngờ, vui sướng khi trẻ tìm được đồ vật.
  • Đoán đồ vật ở đâu (tập tầm vong tay không tay có) : Với trẻ 1 tuổi, bố mẹ có thể nắm một quả bóng nhỏ trong tay, sau đó đảo tay và bảo bé đoán quả bóng nằm trong tay nào. Nếu bé đoán đúng nhiều lần chứng tỏ trí nhớ bé rất tốt, và bố mẹ có thể tăng “cấp độ khó” bằng việc bỏ quả bóng trong 3 cái bát nhựa cùng màu chẳng hạn. Với riêng trò đoán đồ, trẻ sẽ có cơ hội suy luận nhiều, vận dụng trí nhờ nhiều, và tất nhiên không thể thiếu lợi ích niềm vui dành cho trẻ.
trẻ 1 tuổi khám phá trò chơi
Những trò chơi như thế này giúp trẻ phát triển tư duy. Ảnh: Internet
  • Cho trẻ bắt chước bố mẹ : Như đã phân tích ở trên, 1 tuổi là thời gian trẻ bắt đầu có thói quen bắt chước bố mẹ. Thế nên bố mẹ hãy “tận dụng” cơ hội này tập cho bé bắt chước. Ví dụ, ban đầu bảo bé bước chước cười nói, sau đó tạo cơ hội cho bé bắt chước chỉ tay vào hình ảnh, con vật… Trò chơi này vừa gắn kết bố mẹ với bé, vừa giúp phát triển tư duy bé.
  • Kéo đẩy : Vì 1 tuổi trẻ rất hiếu động nên bố mẹ hãy tìm cách “tận dụng” sự hiếu động này. Và trò chơi kéo đẩy là một gợi ý thú vị. Với trò chơi này, bố mẹ ngồi đối diện với con và bắt đầu đẩy đồ chơi (quả bóng, xe ôtô…) về phía con sau đó bảo trẻ đẩy ngược lại. Trò chơi đẩy kéo đơn giản này sẽ luyện cho trẻ 1 tuổi khả năng phản xạ, phán đoán, đồng thời rèn tính chia sẻ cho người khác.

Sau cùng, khi con cái mình bước vào tuổi đầu đời, bố mẹ phải biết rằng hiện nay có rất nhiều phương pháp để dạy trẻ. Vì thế, bố mẹ nên chọn cho mình một phương pháp dạy trẻ tốt nhất, phù hợp nhất với con mình. Và nhớ rằng, dù phương pháp nào đi chăng nữa thì cũng phải nhớ hai điều: hãy cho con tiếp xúc với thiên nhiên thật nhiều và hãy cho con được chơi đúng nghĩa. Đừng để câu hỏi “nên dạy trẻ 1 tuổi những gì” làm hoang mang bố mẹ nhé.

Đức Lộc tổng hợp

Đã có 2 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI