1. Cách dạy trẻ 1 tuổi với trò chơi đánh trống
- Bạn cần dụng cụ gì : hãy chuẩn bị một cái lúc lắc, những chiếc thìa, nồi, chảo, chuông, chũm choe, hay trống.
- Thực hiện : bạn dùng các dụng cụ trên để tạo ra âm thanh, tiếng nhạc hay những giai điệu vui nhộn theo nhịp phách. Hãy chơi cùng trẻ cũng như khuyến khích trẻ chơi một mình.
- Kỹ năng học được : trò đánh trống giúp trẻ học được cách phối hợp cũng như kỹ năng nghe và khám phá âm nhạc.
2. Chơi trong nhà đồ chơi
- Bạn cần dụng cụ gì : bạn có thể sử dụng thùng các tông lớn hoặc nhà đồ chơi, đường hầm mua tại cửa hàng.
- Thực hiện : hãy dựng một pháo đài bằng thùng các tông hoặc đường hầm/ nhà đồ chơi, tạo một lối vào và một lối ra sau đó khuyến khích trẻ ra/ vào (lúc đầu bạn có thể cần làm mẫu cho trẻ xem). Bạn có thể làm cho trò chơi trở nên vui nhộn hơn bằng cách chơi một số trò giả vờ như gõ cửa hay bấm chuông cửa và hỏi xem có ai ở nhà không.
- Kỹ năng học được : cách dạy trẻ 1 tuổi tham gia trò chơi này, con sẽ học được kỹ năng xã hội, kỹ năng vận động thô và khám phá.
3. Gọi điện thoại
- Bạn cần dụng cụ gì : bạn có thể dùng điện thoại đồ chơi hoặc điện thoại cũ để chơi cùng trẻ.
- Thực hiện : bạn hãy cầm 1 cái điện thoại và đưa cho trẻ 1 cái, sau đó giả vờ gọi điện thoại cho nhau hoặc cho một người tưởng tượng nào đó. Trong khi chơi, bạn hãy sử dụng giọng điệu và tạo ra những biểu cảm thật vui nhộn. Một số loại điện thoại đồ chơi có chức năng ghi âm giọng của bạn và trẻ và phát lại, khiến trò chơi vui và sinh động hơn.
- Kỹ năng trẻ học được : những cuộc hội thoại tưởng tượng sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ cũng như xã hội rất tốt.
4. Bữa tiệc trên bờ biển
- Bạn cần dụng cụ gì : Với cách dạy trẻ 1 tuổi tham gia trò chơi này, bạn hãy chuẩn bị cát, nước, vài cái xô, thìa, xẻng nhựa và chậu lớn.
- Thực hiện : chơi với cát và nước là những hoạt động rất có lợi cho sự phát triển kỹ năng của trẻ. Bạn hãy đổ đầy cát hoặc nước vào chậu lớn và để trẻ tự do đào, xúc, đổ,…theo ý mình. Bạn có thể cùng chơi với trẻ cũng như khuyến khích trẻ chơi một mình. Khi chơi, bạn hãy nói chuyện hoặc hát. Bạn nên khuyến khích trẻ bắt chước những gì bạn làm và ngược lại. Ngoài ra, hãy để một trẻ khác cùng chơi với bé.
Một điều quan trọng bạn cần lưu ý là bạn không bao giờ được để trẻ chơi với nước một mình mà không giám sát.
- Kỹ năng trẻ học được : trò chơi này giúp trẻ phát triển sự khéo léo, khả năng sáng tạo, kỹ năng xã hội đồng thời kích thích xúc giác của trẻ.
5. Cách dạy trẻ 1 tuổi cùng nói chuyện qua ống nghe
- Bạn cần dụng cụ gì : bạn có thể tận dụng những lõi giấy vệ sinh để cùng chơi với trẻ.
- Thực hiện : bạn hãy nói chuyện hoặc tạo ra những âm thanh vui nhộn với trẻ qua những lõi giấy vệ sinh hình ống và quan sát phản ứng cũng như phản hồi của trẻ với sự thay đổi giọng điệu của bạn. Bạn cũng hãy để trẻ thử thực hiện để xem bé có thể tạo ra những âm thanh gì. Trẻ ở độ tuổi lên 1 rất thích chơi với ngôn ngữ và hoạt động này giúp tạo cơ hội cho bé thực hành những âm thanh mới và lạ. Ngôn ngữ thực ra là sự bắt chước âm thanh, và từ bập bẹ đến những từ có nghĩa, quả là một bước ngoặt đáng nhớ.
- Kỹ năng trẻ học được : nói chuyện qua ống nghe là một trò chơi khá thú vị giúp trẻ luyện tập cho thính giác cũng như học được sự luân phiên, đổi lượt là như thế nào.
6. Trò đi lấy đồ
Thực hiện : bạn có thể yêu cầu bé đi lấy những món đồ quanh nhà như quả bóng, ly/ giày của bé, và đưa lại cho bạn. Đây là trò chơi rất hữu ích, vừa giúp trẻ thực hành kỹ năng về ngôn ngữ tiếp thu vừa cho trẻ cơ hội thể hiện với bạn những gì trẻ có thể làm được.
Trong khi chơi, bạn hãy thêm vào một số yêu cầu có vẻ ngớ ngẩn một chút như đặt chiếc tất lên đầu nhưng góp phần tăng tính vui nhộn của trò chơi.
- Kỹ năng trẻ có thể học được : Cách dạy trẻ 1 tuổi tham gia trò lấy đồ sẽ giúp trẻ hiểu được những chỉ dẫn và phát triển kỹ năng ghi nhớ.
7. Trò những bước chân “dinh dính”
- Bạn cần dụng cụ sau : giấy sticker hoặc băng keo 2 mặt bản lớn.
- Thực hiện : bạn hãy cắt một đoạn giấy sticker hoặc băng keo 2 mặt dài khoảng 5-7 cm, lột mặt sau của giấy dính và dán cố định lên sàn hoặc thảm, mặt dính lên trên. Sau đó hãy để trẻ bước đi, nhảy hoặc chỉ đứng trên mặt giấy dính và ngọ ngoạy ngón chân. Đây là một trò chơi rất thú vị giúp trẻ học và hiểu về cơ thể mình.
Thông thường, ở vai trò cha mẹ, ngay cả trong các trò chơi chúng ta cũng muốn đặt ra luật hay các quy tắc nhưng đối với “những bước chân dinh dính” thì trẻ sẽ được vui vẻ một cách tự do.
Bạn cũng có thể đặt những món đồ chơi nhỏ lên mặt dính của giấy và để trẻ trải nghiệm cảm giác nhặt chúng lên.
- Kỹ năng trẻ có thể học được : hoạt động này giúp trẻ nhận biết cơ thể, tăng sự nhạy cảm cũng như phát triển các cơ.
8. Trò chấm đỏ đáng yêu
- Bạn cần dụng cụ sau : một cây son môi
- Thực hiện : bạn hãy dùng cây son chấm một chấm lên mặt trẻ, sau đó phân tán sự trập trung của trẻ vài phút rồi cho trẻ nhìn vào gương. Nếu trẻ phản ứng bằng cách chạm vào mũi mình hoặc cố gắng lau vết son đi chứng tỏ trẻ nhận thấy được có gì đó khác lạ so với hình ảnh của mình thường ngày. Đây là độ tuổi mà trẻ bắt đầu tò mò mình là ai khi được soi gương. Tuy nhiên nếu trẻ không có phản ứng như vậy, bạn cũng đừng lo lắng, vì nó sẽ sớm xảy ra thôi.
Thay vì vẽ gì đó lên mặt trẻ, bạn có thể đội một chiếc mũ trông hơi “ngớ ngẩn” lên đầu trẻ và quan sát trẻ cố gắng lấy nó xuống.
- Kỹ năng trẻ có thể học được : trò chơi này giúp trẻ nhận dạng và nhận biết được bản thân.
9. Trò cùng đếm
- Thực hiện : bạn hãy dạy cho trẻ đếm số qua ngón tay hoặc ngón chân mình bằng cách chỉ vào số lượng ngón tương ứng với mỗi lần bạn đọc số. Việc trẻ đếm số đúng thứ tự hay không không quan trọng, vì ở giai đoạn 1 tuổi này các con số cũng chỉ như những từ mới khác mà trẻ tiếp thu hằng ngày.
Ngoài đếm ngón tay, chân bạn cũng có thể đếm số bậc cầu thang khi trẻ leo cầu thang hay đếm số đèn khi bạn cùng trẻ dừng đèn đỏ,…
- Kỹ năng trẻ có thể học được : kỹ năng đếm số cơ bản và kỹ năng phản hồi giữ lời nói và vật tương ứng.
10. Trò viết trên mảnh vụn
- Bạn cần công cụ sau : gạo, mảnh vụn bánh, khay đựng bánh quy.
- Thực hiện : bạn hãy rải gạo hoặc mảnh vụn bánh lên khay đựng bánh quy và hướng dẫn cho trẻ cách dùng ngón tay để viết lên đó như thế nào. Hoạt động này vừa giúp trẻ luyện kỹ năng khéo léo của ngón tay vừa tạo cơ hội cho bé học cách mô phỏng, bắt chước hoạt động của anh chị hoặc người lớn trong nhà.
Bạn có thể dùng cát cho trẻ chơi, nhưng cần giám sát trẻ thật kỹ.
- Kỹ năng trẻ có thể học được : sự khéo léo của ngón tay/ bàn tay cho khả năng viết sau này.
11. Trò giao hoán
- Bạn cần dụng cụ sau : đường hầm đồ chơi, các mảnh lắp ghép, đồ chơi gồm nhiều phần.
- Thực hiện : bạn chia bộ đồ chơi của trẻ thành 2 phần và đặt chúng ở 2 đầu của đường hầm để trẻ phải di chuyển qua lại nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ (lắp ghép, xếp hình,…).
- Kỹ năng trẻ có thể học được : trò giao hoán giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, sự tập trung chú ý, xử lý cảm giác cũng như cách hoàn thành một chuỗi hoạt động gồm nhiều bước.
Cách dạy trẻ 1 tuổi tham gia những hoạt động vui nhộn kể trên sẽ rất hữu ích trong việc giúp trẻ phát triển các giác quan, khả năng vận động cũng như kỹ năng ngôn ngữ, xã hội. Các trò chơi này đơn giản, rất dễ thực hiện, và có thể bạn đã cùng chơi với trẻ một hoặc nhiều trò trong đó. Nếu đã thực hiện bạn hãy tiếp tục duy trì, còn nếu chưa, hãy cố gắng đầu tư thời gian để giúp tạo nền tảng cho con phát triển thuận lợi và toàn diện nhé.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch