Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói và 3 điều quan trọng mẹ nhất định phải biết

Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói là một quá trình đòi hỏi không chỉ sự kiên nhẫn mà còn cần sự thấu hiểu và tính khoa học của mẹ. Và, quá trình này đã bắt đầu với từng bước từ cơ bản đến nâng cao, ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, hoặc ít nhất là ngay từ khi con ra đời. Vậy để dạy trẻ 1 tuổi tập nói sao cho đạt kết quả tốt nhất, Yeutre.vn mời mẹ cùng tham khảo bí quyết rất hay sau đây.  

banner ads
Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói cần nhiều nỗ lực
Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói là một quá trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả con và cha mẹ. Ảnh Internet 

 

1. Làm thế nào nếu bạn đã bỏ qua thời kỳ cơ bản đầu tiên từ trong bụng mẹ?

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng, bạn được khuyên là nên giao tiếp với con ngay từ khi còn trong bào thai. Đây là giai đoạn nền tảng quan trọng, xây dựng cho con những viên gạch đầu tiên từ âm thanh, tích lũy ngôn ngữ, âm điệu,...

Tuy nhiên, thực tế cần nhìn nhận rằng, khái niệm dạy con từ trong bụng mẹ để phát triển ngôn ngữ không phải quen thuộc với tất cả mọi bố mẹ. Có rất nhiều người đã bỏ lỡ giai đoạn nền tảng này.

Nếu, bạn cũng nằm trong số những bố mẹ đã lỡ mất giai đoạn nền tảng đầu tiên, để dạy con về ngôn ngữ, chuẩn bị cho việc phát ra thành âm thanh sau này, bạn cũng đừng lo lắng, vì mọi thứ đều có thể bổ sung, ở thời kỳ thứ 2 từ sơ sinh cho đến 1 tuổi này. 

Dạy trẻ tập nói từ khi còn trong bụng
Dạy trẻ tập nói bắt đầu từ khi con còn trong bụng mẹ. Ảnh Internet 

Vậy trong giai đoạn 1 tuổi, mẹ cần chuẩn bị những gì để cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói có hiệu quả nhất? Lời khuyên hữu ích cụ thể cho mẹ như dưới đây:

banner ads

1.1. Nắm những cột mốc quan trọng của trẻ trong việc học nói diễn ra ở 3 năm đầu đời

Các cột mốc quan trọng này được phân chia như sau:

1.1.1. Giai đoạn mới sinh

Bé sẽ nhăn mặt, khóc, vặn vẹo người là những thể hiện cảm xúc, nhu cầu thể chất, sợ hãi, thất vọng hay mệt mỏi,...Đây có thể xem là "tiếng nói" đầu tiên của trẻ, mà mẹ cần phải học cách lắng nghe, hiểu tiếng nói này của con, nhằm hiểu con hơn. Đây cũng là một bước chuẩn bị rất tốt cho các giai đoạn sau. 

Em bé sơ sinh
Khi con mới sinh, tiếng khóc chính là tiếng nói của con. Ảnh Internet 
1.1.2. Giai đoạn 3 tháng tuổi

Con lắng nghe giọng nói của bạn, quan sát để nhận diện cảm xúc trên khuôn mặt bạn để hiểu thông tin. Và từ đây, con sẽ bắt đầu có những phản ứng giao tiếp đầu tiên một cách cụ thể hơn. Tiếng nói của bé lúc này vẫn là cảm xúc và mẹ khi hiểu, sẽ hoàn toàn nắm bắt được dễ dàng. Con và mẹ có thể giao tiếp cùng nhau, cũng như, mẹ có thể bắt đầu quá trình dạy trẻ chuẩn bị cho giai đoạn tập phát âm, thể hiện ngôn từ trong tương lai không xa.

1.1.3. Giai đoạn 6 tháng tuổi

Con bắt đầu bập bẹ, phát âm một số từ như "ba-ba", "da-da", "a-a". Những từ được trẻ phát âm đầu tiên này là tiền đề cho việc phát âm những chuỗi từ phức tạp hơn sau đó.

Tuy nhiên, chuỗi từ mà trẻ phát âm được trong giai đoạn này thường là những chuỗi âm tiết ngẫu nhiên mà không có ý nghĩa cụ thể, cũng như trẻ không thực sự hiểu âm mình phát ra.

Có thể coi, giai đoạn 6 tháng - 8 tháng của trẻ là giai đoạn trẻ thử bật âm tiết ra khỏi cổ họng của mình vậy. 

Trẻ 6 tháng tuổi phát âm được từ baba
6 tháng tuổi, trẻ đã có thể phát âm một số từ như "ba ba", "da da". Ảnh Internet 
1.1.4. Giai đoạn 9 tháng tuổi

Lúc này con đã sang một trang mới trong việc phát âm và hiểu. Trẻ có thể hiểu một số từ cơ bản như "không", "tạm biệt", "bye bye". Việc phát âm tiết hoặc tạo âm thanh của trẻ cũng diễn tiến trong một phạm vi rộng hơn.

1.1.5. Giai đoạn 12-18 tháng

Trong giai đoạn này, hầu hết các bé đều đã nói được một số từ đơn giản như "ma ma", "ba ba",...Trẻ có thể hiểu được nhiều cụm từ hơn ví dụ như bạn yêu cầu con làm gì đó, hoặc ngăn cản bé làm gì đó, con hoàn toàn hiểu mệnh lệnh hay câu cảm thán của bạn.

Chẳng hạn, bạn nói "đừng nghịch cái đó con", trẻ sẽ dừng lại và nhìn bạn, vì trẻ hiểu điều bạn yêu cầu. Hay, khi con cầm chiếc đũa trên bàn ăn và nghịch, bạn yêu cầu "bỏ xuống cho mẹ!", "con không được nghịch cái này, nguy hiểm đấy!" trẻ sẽ bỏ xuống vì hiểu được những câu mệnh lệnh đơn giản đó của bạn.

Từ giai đoạn này trở đi, mẹ sẽ nhận thấy sự tiến bộ rất rõ của trẻ trong việc phát triển ngôn ngữ và giao tiếp bằng lời nói. Con sẽ xâu chuỗi được vài từ trong cụm từ ngắn, hoặc hiểu và diễn đạt ý mình bằng các từ đơn hoặc 2-3-4 từ có nghĩa.

Việc nắm cột mốc liên quan đến phát triển ngôn ngữ, của trẻ theo các giai đoạn trên, có ý nghĩa nhất định, giúp mẹ dạy trẻ tập nói có kết quả tốt hơn. 

Trẻ 12  18 tháng
Ở giai đoạn 12-18 háng, trẻ đã có thể hiểu được một số câu từ và có thể biểu đạt ý mình chính xác qua 2-3 hoặc 4 từ có nghĩa liên quan. Ảnh Internet 

2. Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói mang lại kết quả tốt nhất

Như vậy, dựa theo các cột mốc phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, phát âm của trẻ như vừa đề cập ở trên, cho chúng ta thấy rõ được một tiến trình phát triển rất cụ thể của trẻ liên quan đến ngôn ngữ.

Ở 1 tuổi, theo từng giai đoạn, thực chất trẻ đã hiểu những gì bạn nói, theo từng mức độ phát triển của con, trước khi con có thể bật âm, hay diễn đạt bằng ngôn từ. Đôi khi, con có thể nói một vài từ nhưng thực chất, con có thể hiểu gấp nhiều lần số ngôn từ mà trẻ có thể phát ra. Do đó, mẹ đừng lo là mẹ dạy con không hiệu quả, mà, một khi mẹ hiểu và áp dụng đúng, tận dúng đúng thời điểm và dạy trẻ một cách phù hợp, chắc chắn sẽ nhận phản hồi rất tích cực. 

Mẹ hiều giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Mẹ cần hiểu các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của con, để áp dụng cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói cho hiệu quả. Ảnh Internet 

Vậy cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói làm sao cho có kết quả đó, mẹ hãy cùng tham khảo 10 điểm đáng chú ý sau đây:

2.1. Quan sát

Quan sát là yếu tố đầu tiên cực kỳ quan trọng mà mẹ không nên xem nhẹ trong cách dạy trẻ tập nói .

Vì trẻ ở độ tuổi này chưa thể diễn đạt được ý muốn của bản thân hay quan điểm của con trong giao tiếp hay sinh hoạt, nên quan sát kỹ càng để hiểu trẻ, từ đó có thể xây dựng những cuộc đối thoại, giao tiếp hiệu quả. Nhờ vậy, bạn hiểu trẻ hơn, con cũng có được cơ hội để phát triển kỹ năng giao tiếp của bản thân. Đây chính là yếu tố cần thiết, để khích lệ con nỗ lực tập nói.

Con của bạn có thể đưa hai tay khi bạn đi ngang qua với ý muốn được bạn bồng bế. Trẻ cũng có thể đưa cho bạn một món đồ chơi, với ý muốn được bạn chơi cùng. Hoặc, con cũng có thể đẩy thìa thức ăn ra xa khi bạn đút, đẩy chén ăn với ý nói rằng con đã ăn đủ, hoặc con không thích món ăn này.

Những lúc như thế, việc quan sát và phản ứng nhẹ nhàng của bạn như mỉm cười, giao tiếp bằng mắt, trả lời con để khuyến khích trẻ từ việc giao tiếp không lời thành những cuộc nói chuyện có ngôn từ được phát ra sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Quan sát trẻ
Quan sát là yếu tố cực kỳ quan trọng trong cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói. Ảnh Internet 

2.2. Lắng nghe

Lắng nghe tiếng bập bẹ của bé, mẹ hãy lặp lại âm thanh tương tự để giao tiếp cùng con. Cũng như bạn hãy tạo ra hay phát âm những âm đơn giản và khích lệ con lặp lại. Hãy thật kiên nhẫn, dành thời gian và cơ hội để trẻ có thể "nói chuyện" với bạn theo cách này, con sẽ dần tiến bộ hơn đấy mẹ ạ.

2.3. Khen ngợi trẻ

Dù là nỗ lực nhỏ nhất, việc khen ngợi hay tán thưởng con ngay cả khi bạn chẳng hiểu trẻ "nói gì" là cách giúp bé học được "sức mạnh" của lời nói.

2.4. Làm gương

Trẻ rất thích nghe giọng nói của bố mẹ, những người thân gần gũi, đặc biệt là mẹ. Trẻ cũng rất chú ý và thích thú khi được nghe bố mẹ nói chuyện cùng nhau. Và từ những cuộc nói chuyện này, trẻ sẽ cố bắt chước để có thể nói chuyện cùng. Nên, vợ chồng bạn cùng những người thân hãy thường xuyên nói chuyện trước mặt trẻ, đồng thời cho trẻ tham gia vào cuộc nói chuyện, cũng như nói chuyện với trẻ để tạo cơ hội cho con phát triển lời nói.

Bạn càng nói chuyện với bé nhiều, sử dụng từ ngữ ngắn gọn, câu đơn giản và chính xác, trẻ càng thích thú và nỗ lực học hỏi hơn. 

Bố mẹ nói chuyện cùng trẻ
Bố mẹ nói chuyện cùng nhau để trẻ bắt chước và cùng nói chuyện với con dể con tập nói nhé. Ảnh Intermet 

2.5. Chú ý chi tiết, kỹ lưỡng

Nếu ngồi trong bàn ăn, trẻ chỉ vào đĩa mì và la hét đòi ăn bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ lấy mì cho trẻ như con muốn hay hỏi han trẻ để xác nhận chuyện trẻ muốn ăn? Chúng ta không hiếm gặp nhiều trường hợp, mẹ sẽ lấy thức ăn như mong muốn đòi hỏi của trẻ như một cách nhằm chặn đứng hoặc giải quyết sự ồn ào của con. Nếu làm như thế, thì hẳn chúng ta đã đánh mất một cơ hội tốt để dạy trẻ tập nói và giao tiếp với trẻ rồi đó.

Nếu bé của bạn chỉ vào đĩa mì và muốn gây rối bởi muốn ăn, việc bạn nên làm là hãy làm dịu trẻ, chỉ vào mì và hỏi lại con " con muốn ăn mì phải không?, "con muốn ăn thêm mì phải không?, và khi lấy mì cho con rồi, bạn cũng đừng quên hỏi trẻ "con có thích không?", "mì với phô mai rất ngon phải không?"....Và qua một thời gian với thói quen này, bạn sẽ phải ngạc nhiên về sự tiến bộ trong giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, phát âm từ ngữ lẫn phát triển cảm xúc đấy. 

Hỏi chuyện trẻ
Chú ý và chịu khó hỏi chuyện trẻ để khuyến khích con giao tiếp, nói chuyện. Ảnh Internet 

2.6. Kể chuyện

Hãy nói chuyện với trẻ và kể lể với trẻ dù là việc bạn làm những việc vặt. Khi tắm cho con bạn có thể hỏi trẻ "con có lạnh không?", "con có muốn chơi cùng chú vịt con không?', "giờ mẹ sẽ gội đầu với dầu gội thơm cho con nhé!"; hay khi thay quần áo cho trẻ bạn có thể nói "ồ con mặc chiếc áo này xinh quá!, "con có thích mặc quần này không?", hoặc khi nấu đồ ăn cho con, bạn có thể kể cho bé nghe "đây là củ cà rốt này", "củ cà rốt này màu gì vậy nhỉ!", "à củ cà rốt này màu cam", "con ăn cà rốt này tốt cho mắt này!",....

Đôi khi, bạn cảm thấy mình thật "ngớ ngẩn" hoặc nghĩ rằng, trẻ làm gì hiểu để mà kể lể. Đừng nhé! Bạn cứ kể lể cho dù là ngớ ngẩn như thế đi, chỉ cần thử làm như thế trong một khoảng thời gian ngắn thôi rồi kiểm chứng, bạn sẽ thấy rằng, sự "ngớ ngẩn" kể lể của mình đúng là một trong những cách kỳ diệu để dạy trẻ 1 tuổi tập nói đấy.

Kể chuyện, nói chuyện cùng bé - cách này không chỉ đơn giản là giao tiếp, mà trong cách dạy trẻ tập nói , yếu tố này còn giúp trẻ dần dà học được cách biểu đạt một cách chính xác bằng ngôn từ, liên quan đến sự việc cụ thể. 

Mẹ kể chuyện
Kể chuyện là một cách hay không thể thiếu trong cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói. Ảnh Internet 

2.7. Kiên nhẫn và nhẹ nhàng

Ngay cả khi bạn không thể hiểu trẻ nói gì, bạn hãy tiếp tục cố gắng. Nhẹ nhàng lặp lại những gì mà bạn nghĩ ra được liên quan đến điều trẻ nói và hỏi lại trẻ xem, đó có phải là điều trẻ muốn nói. Bạn cứ thử đi, chắc chắn bạn sẽ thấy, chính con cũng mang lại cho mình cơ hội để "phát triển" bản thân, trong việc tương tác với trẻ. Bạn sẽ không ít lần phải ngạc nhiên, khi việc bạn đoán, bạn hiểu lại chính xác điều con đang muốn biểu đạt đến thế.

Và, thái độ này của bạn cũng chính là một phần thưởng lớn lao cho trẻ, một sự khích lệ không nhỏ để con nỗ lực "nói chuyện" hơn. 

Mẹ dịu dàng với trẻ
Nhẹ nhàng là thái độ đầy khuyến khích giúp trẻ "nỗ lực" nói chuyện với bạn hơn. Ảnh Internet 

2.8. Để con làm chủ trong các tình huống cần thiết

Đây là cách "trao quyền" cho con để con cảm thấy việc giao tiếp là một "trò chơi thú vị" mang tính hai chiều. Con nói bạn nghe và con nghe bạn nói. Con làm theo bạn và bạn làm theo trẻ để trẻ thêm phần hứng thú hơn, cố gắng hơn trong việc biểu đạt, để bạn hiểu trẻ, nhằm có một "cuộc chơi công bằng" trong giao tiếp và sử dụng ngôn từ để thể hiện bản thân.

2.9. Chơi cùng trẻ

Chơi giả vờ và tưởng tượng với trẻ là việc mà hầu hết các bố mẹ đều làm cùng trẻ. Bạn cũng có thể thực hiện ngay với con trong độ tuổi 1 tuổi này. Đâu là cách cực kỳ hữu hiệu giúp trẻ nhận thức âm thanh tinh tế hơn, phát triển kỹ năng bằng lời nói hiệu quả hơn.

Ví dụ, bạn cùng trẻ chơi với đồ chơi là một chú khủng long chẳng hạn. Khi bạn mô tả tiếng của khủng long, hoặc diễn tả khủng long như thế nào kèm lời nói sinh động, cũng sẽ kích thích trẻ học theo, ghi nhận, nhớ. Và lần sau cùng chơi, con sẽ biểu đạt được những điều tương tự khi được hỏi bằng lời nói. 

Chơi cùng trẻ
Chơi và giao tiếp cùng trẻ khi chơi cũng là cách hay dạy con tập nói hiệu quả. Ảnh Internet 

2.10. Đọc lớn tiếng và hát cho trẻ nghe

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe rằng, việc bạn đọc diễn cảm một bài thơ hay câu chuyện với giọng đọc truyền cảm, có ngữ điệu, hát một bài nhạc giai điệu ngọt ngào...không chỉ khiến trẻ thích nghe, làm cho trẻ thư giãn, có trải nghiệm nhất định về âm thanh, âm vực, từ được phát âm, giai điệu....mà còn khiến trẻ hứng thú bắt trước, học theo.

Bạn có thể thử ngay lúc này và sẽ thấy rõ ràng, rằng việc đọc lớn tiếng hay hát cho trẻ nghe có tác động tích cực đến thế nào, trong việc tập cho trẻ nói.

3. Mẹ cần làm gì khi con chậm nói?

Thực tế, cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói không phải trong mọi trường hợp đều thành công mĩ mãn. Mẹ cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định khi dạy con. 

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ một vài trường hợp trẻ chậm nói , ngay cả khi mẹ tập cho con đúng cách và rất tích cực.

Việc trẻ chậm nói xảy ra có thể do những lý do nào đó mà chúng ta cần tìm hiểu, xác định nguyên nhân, chẩn đoán đúng, nhằm có cách phù hợp hơn, giúp con phát huy khả năng nói, dùng ngôn từ của mình trước tuổi đi học.

Nếu mẹ nghi ngờ việc con chậm nói là có lý do nào đó, hãy mang con đi bác sỹ để kiểm tra sớm. Vì việc chẩn đoán và khắc phục càng sớm, càng tốt cho trẻ hơn. 

Mẹ đưa bé đi khám bác sỹ
Tùy vào từng trường hợp sẽ có những chẩn đoán để xác định nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Ảnh Internet 

Liên quan đến việc chậm nói, để kiểm tra tìm nguyên nhân, trẻ sẽ được:

3.1. Kiểm ra thính giác

Kiểm tra thính giác cho trẻ nhằm xem xét khả năng trẻ có bị giảm hay mất thính lực hay không. Do đây là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói. Theo các chuyên gia, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 3 trẻ bị giảm hoặc mất thính lực. Nó cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói sau này.

3.2. Xem xét khả năng trẻ có bị các vấn đề về phát triển ngôn ngữ hay không

Rối loạn ngôn ngữ được xem là một trong những nguyên nhân liên quan đến vấn đề phát triển ngôn ngữ, khiến trẻ chậm nói. Do đó, trẻ cũng sẽ được kiểm tra về vấn đề này, để có cách điều trị thích hợp. Trong đó, việc cha mẹ thường xuyên giao tiếp, chơi cùng trẻ với các trò chơi mang tính cải thiện ngôn ngữ, giọng nói được xem là một trong các phương pháp điều trị, để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ hiệu quả.

3.3. Sàng lọc phát triển

Tại Hoa Kỳ, theo con số thống kê, có đến 17% trẻ em bị khuyết tật về phát triển hoặc hành vi trong đó có rối loạn phổ tự kỷ hoặc khuyết tật nhật thức. Và đây cũng chính là những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Vì vậy, xem xét lại vấn đề sàng lọc phát triển của trẻ, sẽ giúp khoanh vùng nguyên nhân để tìm ra cách cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ hiệu quả hơn. 

Rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Ảnh Internet

Có thể nói rằng, cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói là một chủ đề khá thú vị để bàn luận. Và qua sự bàn luận này, chính cha mẹ cũng được "học" thêm rất nhiều điều giá trị, để hoàn thiện hơn cách dạy con của mình, cụ thể ở vấn đề phát âm, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, biểu đạt cảm xúc, ý kiến, suy nghĩ và quan điểm qua lời nói. Dù trẻ 1 tuổi còn khá nhỏ, xong chúng ta nên nhớ rằng, mọi thứ cần phải có tiến trình bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và cơ bản. Dạy trẻ tập nói cũng là một tiến trình bao gồm rất nhiều điều nhỏ nhặt cộng lại qua thời gian. Và trong tiến trình cũng như thời gian ấy, không chỉ có sự cố gắng của trẻ, mà cha mẹ cũng cần phải nỗ lực kiên trì rất nhiều. Nhờ đó, con yêu mới từ những tiếng bập bẹ, có thể phát âm thành những từ, chuỗi từ, chuỗi câu có ý nghĩa trong giao tiếp của mình ở các giai đoạn sau.

Nguồn tham khảo: WebMD & Zero to Three

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI