Tập đi là giai đoạn mới mẻ và thích thú, khi bé có thể bắt đầu tự khám pháp thế giới của riêng mình, ở mức độ đỡ bó hẹp hơn. Để cùng quan trải qua giai đoạn này an toàn, hạn chế tốt đa các rủi ro, cũng như giúp bé mau biết đi và đi lại nhanh vững vàng, Yeutre.vn chia sẻ cùng mẹ một số nguyên tắc an toàn, mà người lớn chúng ta phải thuộc nằm lòng khi dạy bé tập đi nhé!
1. Đặt thanh chặn ở những nơi nguy hiểm bé có thể đến
Mẹ đang dạy bé tập đi và bé mới biết đi có thể đi vòng quanh nhanh hơn mẹ nghĩ. Nhiều khi, chỉ trong một “tích tắc” mẹ rời mắt khỏi bé, là bé đã “dịch chuyển” lúc nào mẹ không hay. Do đó, tốt nhất, khi có bé đang độ tuổi tập đi trong nhà, mẹ nên sử dụng các thanh chặn ở những nơi nguy hiểm mà khả năng bé có thể đi qua như cầu thang, cửa sổ thấp, cửa ra vào, lối vào nhà tắm, nhà bếp… để đảm bảo an toàn cho bé. Các thanh chặn nhằm tránh trường hợp bé lao xuống cầu thang, vào nhà tắm trơn trượt, hay nhà bếp chứa đầy những vật dụng không an toàn cho bé.
2. Loại bỏ những cạnh sắc nhọn có thể gây trầy xước cho bé
Lúc dạy bé tập đi, mẹ nên lưu ý loại bỏ các loại bàn thấp có cạnh sắc khó che chắn, để ngăn thương tích cho bé khi va vào. Cũng như, mẹ cần bọc lại những góc sắc nhọn ở cửa, bàn ghế, tivi, tủ, hay bất cứ nơi nào có thể gây trầy xước cho bé khi bé đứng lên, ngồi xuống dễ có khả năng va vấp.
3. Cất các chướng ngại vật làm bé dễ ngã
Bé mới tập đi và cảm giác về đôi chân của bé với mọi thứ xung quanh chưa nhạy bén lắm, do đó, mẹ nên rà soát hết một lượt các loại dây nhợ trong nhà, hoặc các đồ vật mà bé có thể vướng ngã . Cất thảm chùi chân, kéo lại các tấm thảm lỏng lẻo bị xê dịch, cất hết đồ chơi và những vật dụng không cần thiết như các loại chai lọ, bình xịt hay thuốc men trong tầm với của bé. Tránh trường hợp bé cầm nắm, bốc bỏ miệng. Nên dạy bé tập đi trong không gian bằng phẳng, rộng rãi, ít chướng ngại vật nhất có thể.
4. Có tủ cất và khóa lại tất cả các món đồ có khả năng gây nguy hiểm cho bé
Sau khi đã dịch chuyển những chướng ngại vật gây trở ngại cho quá trình dạy bé tập đi, sẽ có những món đồ mẹ không biết để đâu. Khi đó, mẹ nên cho chúng vào các tủ nhỏ và có chìa khóa khóa lại, để tránh tình trạng bé tò mò mở tủ và khám phá.
5. Chọn cho bé một đôi giày tập đi thật phù hợp
Chọn giày tập đi cho bé là một việc làm vô cùng quan trọng khi dạy bé tập đi để hạn chế các tình trạng té ngã hay tổn thương ở bàn chân bé lúc bé chập chững bước đi. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý, khi ở trong nhà, tốt nhất mẹ nên để bé đi bằng chân trần. Bàn chân trần giúp bé cảm nhận và bám vào các mặt phẳng trơn như gỗ hay gạch men tốt hơn. Chỉ dùng giày tập đi khi bé tập đi bên ngoài.
Các bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo mẹ nên tìm mua một đôi giày tập đi vừa vặn với chân bé để hổ trợ việc tập đi của bé một cách tốt nhất. Đừng mua giày vào đầu giờ sáng, vì chân thường phát triển thêm khoảng 5% vào cuối ngày. Hãy bảo đảm mẹ có thể ấn toàn bộ chiều rộng ngón cái của mình vào giữa chóp giày và cuối ngón chân bé, gót chân chỉ nên vừa đủ khoảng trống để ôm gọn ngón út của mẹ.
Khi mua giày tập đi cho bé, nên để bé chập chững đi giày quanh tiệm trong khoảng năm phút, sau đó cởi giày ra và quan sát chân bé. Nếu có các vết kích ứng nào thì đôi giày đó không phù hợp, mẹ nên chọn đôi giày khác cho con. Mẹ cũng phải thường xuyên kiểm tra độ vừa vặn của giày hàng tháng cho bé, vì ở giai đoạn này chân bé phát triển rất nhanh.
Hy vọng, với 5 nguyên tắc an toàn khi dạy bé tập đi trên đây, bé nhà bạn sẽ “in dấu chân khắp nhà”, mà không gặp bất cứ trở ngại nào về vấn đề an toàn trong lúc tập đi.
Ngọc Hoài tổng hợp