Để có món cháo gà cho bé thật thơm ngon và hấp dẫn, lại bảo đảm về dinh dưỡng, đương nhiên chúng ta phải bảo đảm các khâu từ chọn nguyên liệu, đến cách chế biến sao cho đúng và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tuy nhiên, nếu có dịp nhìn lại, hẳn chúng ta sẽ nhận ra một điều, không phải mẹ nào cũng làm đúng cách. Chính vì chưa đúng cách, dinh dưỡng của món cháo cho bé cũng giảm đi ít nhiều. Vậy nấu cháo gà đúng cách cho bé cụ thể như thế nào, mời mẹ cùng theo dõi những chia sẻ ngay sau đây nhé.
1. Chọn nguyên liệu nấu cháo gà cho bé
- Thịt gà : Mẹ nên chọn gà ta có thân hình nhỏ gọn, thịt săn chắc, phần ức hẹp và da có màu vàng nhạt, chỉ có màu vàng đậm ở một số vùng như ức, cánh, lưng. Để tránh mua phải gà bị bơm nước, thì các mẹ khi mua nên dùng tay ấn vào phần đùi và lườn của con gà. Nếu thấy thịt nhão, trơn hoặc bị biến dạng thì gà đã được bơm nước có chứa hàn the, các mẹ nên tránh. Trường hợp mẹ mua gà công nghiệp, nên chọn gà mới nhất và chỉ nên chọn phần thịt ức để nấu cháo cho bé.
- Gạo : Mẹ nên chọn gạo mới, ngon và có mùi thơm. Mẹ có thể chỉ nấu với gạo tẻ ngon hoặc kết hợp với gạo nếp đều được. Tuy nhiên, sử dụng gạo nếp cũng không thực sự cần thiết vì gạo tẻ ngon chất lượng cũng đủ để nấu cho bé món cháo ngon rồi.
- Gia vị : Với trẻ dưới 1 tuổi mẹ không sử dụng nước mắm hay muối hoặc bột nêm nêm vào cháo của bé. Dưới 1 tuổi gia vị tự nhiên trong thực phẩm đã đủ cho bé. Trên 1 tuổi, mẹ có thể thêm chút nước mắm vào cháo của con nhưng lượng nhỏ, để tráng thận của bé phải làm việc quá sức khi mẹ nêm mặn. Với các loại rau thơm, mẹ có thể sử dụng hành lá, hành tím, gừng để món cháo thơm ngon hơn. Các loại này lành, bé từ độ tuổi bắt đầu ăn dặm cũng đã có thể làm quen.
2. Chế biến cháo gà cho bé đúng cách
- Với thịt gà : Mẹ làm sạch thịt gà rồi mang đi luộc chín, lưu ý nên chọn phần ức gà để chế biến, vì thịt ức tốt hơn các phần thịt khác, lại không có mỡ, làm trẻ không bị ngấy khi ăn, đồng thời giúp mẹ chế biến dễ dàng hơn. Sau khi luộc chín gà, mẹ xé thành những miếng nhỏ và xay nhuyễn mịn nếu là cháo cho bé 6 tháng tuổi, xay hoặc băm nhuyễn nếu nấu cháo cho bé 7-8 tháng và tăng dần độ thô với bé 9-12 tháng. Thịt gà khi chế biến ở các mức độ thô, mẹ luôn cần bảo đảm thịt mềm để bé dễ tiêu hóa.
- Với các nguyên liệu phụ nấu cùng cháo : Nếu mẹ kết hợp các loại rau củ nấu cùng cháo như cà rốt, súp lơ,...mẹ có thể luộc chín các nguyên liệu này trước. Tùy vào độ tuổi của con để chế biến độ nhuyễn mịn hay nhuyễn hoặc thô cho phù hợp với bé.
- Với gạo : Mẹ mang gạo đi vo sạch, rồi dùng nước luộc rau củ để nấu cháo. Có nhiều mẹ sẽ thắc mắc tại sao không dùng nước luộc gà để nấu cháo, mà lại dùng nước cà rốt? Điều này nhằm giảm lượng chất béo động vật có trong món ăn của bé, đồng thời giúp bé không bị ngán khi ăn. Còn nước luộc rau củ thì chứa nhiều vitamin sẽ tốt cho hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Do đó, các mẹ hãy dùng nước luộc cà rốt để nấu cháo cho con yêu nhà mình thay nước luộc gà nhé.
- Nấu cháo : Khi mẹ nấu cháo chú ý để nhỏ lửa, thỉnh thoảng nhớ dùng đũa đảo nhẹ cháo để không bị khê. Khi thấy gạo đã nở hết và cháo sánh đặc lại, tùy độ tuổi ăn của con có thể nghiền cháo hoặc không, sau đó đổ thịt gà kèm rau củ đã chuẩn bị trước đó vào nồi. Tiếp tục nấu đến lần sôi tiếp theo. Nếu là trẻ đã dùng được gia vị thì mẹ nêm gia vị vào lúc này. Tắt bếp, có thể cho một lượng nhỏ dầu ăn cho bé vào cháo, trộn đều, để nguội bớt và cho bé dùng.
Cháo gà cho bé là món ăn ngon và chứa nhiều dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, khi mẹ chế biến đúng cách, càng tận dụng tốt nguồn dưỡng chất có trong món cháo này. Thịt gà thuộc nhóm thịt trắng, nên chứa hàm lượng protein cao, nhưng lại có tỷ lệ mỡ rất thấp - tùy vào các bộ phận khác nhau, cho nên rất tốt cho bé. Hơn nữa, thịt gà còn có thể kết hợp với nhiều loại rau củ khác nhau, để cho ra các món cháo ngon và hấp dẫn như cháo gà bí xanh, cháo gà rau mồng tơi, cháo gà đậu Hà Lan..., vì thế, một khi mẹ nắm được cách chế biến chuẩn món cháo gà, sẽ tận dụng được triệt để nguồi dinh dưỡng phong phú này, cho sự phát triển của con.
Kim Chi tổng hợp