Rau mầm chứa nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Là một loại rau phát triển nhanh, dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, phát triển tốt mà không cần đất nên rất tiện để trồng tại nhà dù không có nhiều đất hay không gian. Rau mầm là loại rau non, nên chất dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với rau sau khi đã phát triển, mùi vị của rau cũng mềm, ngon và đặc trưng hơn. Trồng rau mầm tại nhà không những cung cấp nguồn rau sạch, thay đổi khẩu vị bữa ăn trong gia đình mà đây còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể.
1. Chuẩn bị
1.1. Hạt giống rau mầm
Có rất nhiều loại hạt giống có thể trồng rau mầm, rau mầm thường được trồng với các loại hạt giống phổ biến như: Cải ngọt, cải bẹ xanh, củ cải, cải tần ô, rau muống, rau dền hành tây…Trừ một số loại củ, hạt sau khi lên mầm có chứa độc tố thì hầu hết đều có thể sử dụng để trồng rau mầm.
Lựa chọn hạt giống theo sở thích vì mỗi một loại rau mầm đều mang đến hương vị khác nhau. Nên chọn hạt giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên mua các loại hạt giống không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại hạt giống rau thông thường vì các loại hạt giống này thường chứa chất bảo quản.
1.2. Đất trồng (Giá thể)
Hầu hết các loại hạt giống đều đủ dinh dưỡng để cây nảy mầm và ra hai lá nhỏ trước khi cần đất và ánh sáng để phát triển vì thế trồng rau mầm không nhất thiết phải cần đất. Có thể thay thế đất bằng khăn giấy ăn, xơ dừa làm giá thể.
1.3 Khay
Có thể tận dụng những khay nhựa hay i-nox, thùng xốp hay xoong nồi.
2. Hướng dẫn cách trồng rau mầm không cần đất
2.1. Ngâm hạt rau mầm
Ngâm hạt giống trong nước ấm, tùy vào độ dày của vỏ mỗi loại hạt giống mà có thời gian ngâm khác nhau. Các loại hạt to, vỏ dày thời gian ngâm càng lâu. Một số hạt không cần ngâm qua nước cũng có thể nảy mầm và phát triển tốt.
Khi ngâm hạt giống, loại bỏ những hạt lép, hạt sâu, những loại hạt này không nảy mầm được, nếu có nảy mầm thì chất lượng mầm không tốt và dễ bị chết giữa chừng. Hạt giống sau khi ngâm vớt ra, để ráo nước.
2.2. Gieo hạt
Cho giá thể (xơ dừa, hay khăn giấy ăn) vào khay, độ dày của giá thể tầm 2 – 3 cm. San bằng giá thể trong khay để tránh dồn hạt khi gieo. Tưới nước làm ẩm giá thể sau đó phủ một lớp khăn thấm hoặc khăn giấy ăn lên bề mặt, tiếp tục tưới nước lần hai.
Gieo hạt giống vào khay rồi tưới ướt nước. Dùng bìa cứng đậy khay lại trong 2 ngày.
2.3. Chăm sóc
Đảm bảo độ ẩm trong khay, không tưới quá nhiều nước tránh cho trường hợp mầm cây chết do bị úng nước. Nên dùng bình xịt phun nước, tưới đều đặn 1 – 2 lần mỗi ngày.
Sau 2 – 3 ngày các hạt đã nảy mầm chuyển khay ra nơi có nhiều ánh sáng hơn, tránh để khay dưới ánh nắng trực tiếp. Tưới nước cho khay mỗi ngày, nên tưới vào chiều tối hoặc sáng sớm.
3. Thu hoạch
Khi đã cho khay ra ánh sáng, rau sẽ xanh, khoảng sau 7 ngày từ khi gieo hạt là đã có thể thu hoạch được. Dùng dao cắt sát gốc hoặc nhổ rau lên. Rau rất sạch sẽ vì không hề dính đất, nếu không sử dụng hết trong một lần, bảo quản rau trong tủ lạnh để sử dụng dần.
4. Lưu ý
Một số loại rau củ khi lên mầm sẽ sản sinh ra các độc tố có hại cho cơ thể, thậm chí có thể gây ngộ độc. Các loại rau mầm có độc tính và tuyệt đối không được ăn đó là: Khoai tây, khoai lang, cây sắn, đậu kiếm, đậu mèo, đậu trứng chim, đậu ván, măng…
Như vậy, chỉ với các bước đơn giản trên, chúng ta đã học được cách trồng rau mầm cực kì đơn giản, mà không cần sử dụng đất cũng không tốn nhiều không gian, thời gian chăm sóc. Các chị em còn chờ gì nữa mà không áp dụng ngay phương pháp trồng rau mầm đơn giản này, để cung cấp rau mầm thơm ngon, bổ dưỡng cho bữa cơm gia đình.
Chúc các chị em thành công!
Mỹ Duyên - Tổng hợp