1. Độ tuổi ăn cơm nát của bé
1.1 Về tình trạng bé ăn cơm nát và đội tuổi ăn cơm nát của bé
Theo lý thuyết và theo các chuyên gia, tốt nhất bạn nên cho bé ăn cơm nát khi con bắt đầu lên 2. Vì ở thời điểm này, con đã mọc khá nhiều răng, quan trọng hơn là bắt đầu mọc răng hàm thứ nhất và thứ hai. Bên cạnh đó, khi con 2 tuổi thì kỹ năng nhai, cắn, nuốt, cầm nắm hay xúc ăn cũng đã khá nhuần nhuyễn.
Hoặc nếu con chưa có kỹ năng nhai nuốt thuần thục, việc chuyển sang cho con ăn cơm nát ở giai đoạn này, cũng là việc cần làm để con hoàn thiện kỹ năng nhai nuốt. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để bé nhà bạn bắt đầu ăn cơm nát là ở khoảng 2 tuổi.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải chúng ta luôn luôn áp dụng đúng lý thuyết này. Vì, có khá nhiều trẻ mọc răng hàm sớm hơn 18 tháng. Thêm vào đó, có những trẻ chỉ mới 11 tháng, đã không còn thích ăn cháo nữa kể cả cháo đặc. Để giải quyết tình trạng ăn dặm của con, cơm nát nhão đã phải được sử dụng trong thực đơn, xen kẽ với cháo đặc, để đảm bảo con ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày.
Cũng có trường hợp, trẻ sang 3 tuổi, khi chuyển qua ăn cơm, vẫn chưa có kỹ năng nhai tốt, ăn cơm vẫn có rất nhiều vấn đề, chẳng hạn con chỉ nhai cho có lệ, tóm tém rồi nuốt. Hay, có bé ở độ tuổi trên 3 tuổi, có thể xúc cơm ăn, nhưng thường phải trộn canh và "nuốt tửng".
Lý thuyết và lời khuyên từ các chuyên gia không khi nào sai, vì đã qua nghiên cứu và có cơ sở. Tuy nhiên, các mẹ cũng cần biết rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể, có tốc độ phát triển và đặc điểm khác biệt. Thêm nữa, cách nuôi con, cho con ăn uống của các bà mẹ, cũng không hoàn toàn giống nhau. Do đó, độ tuổi ăn cơm nát và tiêu chí cho trẻ ăn cơm nát không hoàn toàn ở độ tuổi lên 2 một cách cứng nhắc, mà phải dựa trên sự hiểu biết của mẹ một cách khoa học và phù hợp về việc ăn uống của trẻ, cũng như mẹ cần hiểu rõ chính con mình.
1.2 Tiêu chí để mẹ bắt đầu cho trẻ ăn cơm nát
1.2.1 Con ăn dặm thức ăn nhuyễn như thế nào - tiêu chí để xác định kỹ năng nhai của con
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và WHO ( Tổ chức Y tế Thế giới ) hay UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), đều khuyến khích các bà mẹ cho con bú mẹ tối thiểu hoàn toàn 6 tháng đầu đời, cho bé ăn dặm khi con qua 6 tháng tuổi.
Nếu xét theo tiêu chí này và nếu mẹ cho con ăn dặm thức ăn nhuyễn, thì sau vài tháng tập ăn, con đã học được kỹ năng nhai, cũng như bắt đầu thích thú với nhiều trải nghiệm về thức ăn, làm quen được nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.
Như thế, nếu bé nhà mẹ đã qua giai đoạn ăn thức ăn nhuyễn kể cả bột, cháo lỏng đến cháo đặc và khá thành công, thì mẹ hoàn toàn có thể yên tâm chuẩn bị cho con chuyển giai đoạn qua ăn cơm xay. Theo đó, mẹ tăng dần độ thô như cơm nát ở các dạng từ thật nát (chỉ hơn độ đặc của cháo đặc một chút) đến tăng dần độ thô, phù hợp với tình trạng mọc răng của trẻ - tức điều kiện đủ để trẻ nhai được cơm bình thường.
1.2.2 Con bắt đầu tập ăn thức ăn thô từ khi nào - căn cứ giúp mẹ làm phong phú món ăn với cơm nát cho trẻ
Với trẻ tập ăn thô ở khoảng 7-8 tháng tuổi. Thông thường, ở khoảng 8-8 tháng rưỡi, nếu được tập, các con đã bắt đầu có thể ăn thô, tập cầm nắm và khám phá thức ăn theo cách trẻ muốn.
Cũng như đã trải qua giai đoạn tập ăn dặm ở thức ăn nhuyễn có bài bạn và đúng tiến trình, nếu ăn thô cũng qua tiến trình từng bước như thế, thì việc chuyển giai đoạn qua cơm xay, cơm nát cho trẻ là hợp lý và không gặp nhiều trở ngại với cả mẹ và bé.
Bên cạnh đó, nếu con được tập ăn thô, thì khi qua giai đoạn ăn cơm nát, nếu mẹ chuẩn bị các món ăn ăn kèm cơm nát, con không chỉ thấy thú vị, được kích thích trong chuyện ăn uống, mà còn được bổ sung nhiều dưỡng chất, thưởng thức thức ăn hay món ăn đa dạng phong phú hơn.
1.2.3 Thời điểm con bắt đầu chán ăn cháo - báo hiệu để mẹ chuyển giai đoạn cho con
Có những bé ở thời điểm 10-11 tháng đã bắt đầu có dấu hiệu chán ăn cháo và mẹ bắt đầu phải chuyển qua cơm xay. Thực tế này vẫn đang diễn ra và khá bình thường với trẻ em Việt.
Nếu bé nhà mẹ cũng chán cháo ở thời điểm này, mẹ cũng có thể cho bé ăn cơm xay, và tăng dần mức thô của cơm xay theo tình trạng mọc răng của trẻ. Cách làm này cũng chính là giải pháp chuyển giai đoạn cho con, về mức độ ăn thô một cách uyển chuyển, con sẽ ăn tốt dần lên.
1.2.4 Thời điểm mọc răng hàm của con - tiêu chí chính giúp mẹ quyết định thời điểm con ăn cơm nát hoàn toàn
Nếu như khi con chưa mọc răng hàm, mẹ cần cho bé ăn cháo đặc, cơm xay, để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con, thì khi con mọc răng hàm, mẹ hoàn toàn có thể cho bé ăn cơm nát mà không cần xen kẽ cháo hay cơm xay nữa.
Thời điểm mọc răng hàm được xem là yếu tố quan trọng nhất, là tiêu chí chính để mẹ có thể chủ động và quyết định cho con ăn cơm nát hoàn toàn với độ thô phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng dựa vào việc mọc răng hàm của con, mẹ có thể chuyển đoạn từ cơm nát sang cơm bình thường, như quá trình chuyển đoạn từ cháo đặc, cơm xay sang cơm nát vậy.
Về thời điểm mọc răng hàm của con để mẹ có thể cho con ăn cơm nát hoàn toàn, theo tình trạng chung, khoảng độ tuổi mọc răng hàm của bé như sau:
- Khoảng 12-16 tháng: trẻ mọc 4 răng hàm đầu tiên
- Khoảng 20-32 tháng: trẻ mọc 4 răng hàm thứ 2
Tuy nhiên, có nhiều trẻ có thể sẽ mọc răng hàm sớm hơn hay cũng có thể mọc răng hàm muộn hơn so với tình trạng manh tính trung bình và phổ biến này.
Như vậy, có thể nói rằng, liên quan đến độ tuổi ăn cơm nát của bé, mẹ có thể khoanh vùng bắt đầu từ khoảng thời gian 11 tháng cho đến 2 tuổi rưỡi. Và dựa vào đặc điểm cụ thể ở thực tế, như quá trình ăn dặm thức ăn nhuyễn để học kỹ năng nhai, quá trình ăn thức ăn thô để trải nghiệm đa dạng thực phẩm cũng như phát triển kỹ năng nhai nhuần nhuyễn và cầm nắm, cùng thời điểm con mọc răng hàm, mẹ sẽ quyết định được thời điểm nào là phù hợp nhất, tốt nhất để cho bé ăn cơm nát. Sự phù hợp và đúng cách này sẽ bảo đảm hơn cho việc con ăn tốt, có quá trình chuyển đoạn tốt, phát triển kỹ năng một cách hoàn thiện, không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con, mà còn tận dụng tốt nhất dinh dưỡng phong phú từ quá trình ăn cơm nát mang lại.
2. Cách nấu cơm nát cho bé sao cho phù hợp
2.1 Chuyển đoạn từng bước từ cơm thật nát sang cơm nát
Bé luôn cần được học hỏi từng bước 1 để con làm quen, thích ứng, thích nghi rồi mới chuyển giai đoạn. Với việc ăn cơm nát cũng không ngoại lệ. Để con tiếp cận với tình trạng ăn cơm nát một cách suôn sẻ và không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cũng như tình trạng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, mẹ có thể lưu ý 2 giai đoạn dùng cơm nát phù hợp như sau:
- Cơm thật nát (độ nhão ở mức chỉ hơn cháo đặc): Áp dụng khi con bắt đầu chuyển từ thức ăn nhuyễn, cháo đặc, và cơm xay qua ăn cơm nát. Và, ở thời điểm con bắt đầu mọc răng hàm, thức ăn cần có độ mềm dễ ăn. Thời gian áp dụng căn cứ vào sự thích nghi của con và tình trạng mọc răng của bé.
- Cơm nát bình thường (cơm nhão): Áp dụng khi con đã quen với cơm thật nát và răng hàm của con đã ổn định, nhai tốt và không còn bị đau.
2.2 Cách nấu cơm nát
Tùy vào thời điểm con mới bắt đầu ăn cơm nát và loại gạo, mà mẹ dùng lượng nước phù hợp để cơm có độ nhão phù hợp cho bé.
2.2.1 Nấu cơm nát bằng nồi cơm điện
Mẹ vo gạo nấu cơm cho gia đình như bình thường, lấy một phần gạo đủ cho bé ăn, bỏ vào chén sứ, thêm nước vào chén gấp đôi so với mức nước nấu cơm bình thường. Cho chén gạo vào nồi, nấu cùng cơm. Khi cơm chín thì cơm trong bát cũng chín có độ nhão phù hợp để bé ăn.
2.2.2. Nấu cơm nát chung nồi cơm gia đình
Mẹ vo gạo nấu cơm như bình thường nhưng vun bớt gạo ra, sao cho một góc gạo trong nồi có mực nước cao hơn phần còn lại. Khi cơm chín, góc cơm này sẽ có độ nhão phù hợp để cho trẻ ăn.
2.2.3 Nấu cơm nát từ cơm bình thường
Mẹ lấy cơm nấu bình thường, lượng vừa đủ cho bé ăn, cho vào nồi nhỏ, thêm nước nóng, nấu xôi với lửa vừa. Cơm xôi, mẹ giảm lửa nhỏ và đậy vung, nấu cho đến khi cơm cạn nước và có độ nhão phù hợp cho trẻ.
3. Gợi ý 5 món mặn bổ dưỡng mẹ dễ chế biến để con ăn cùng cơm nát
3.1 Chà bông cá
3.1.1 Nguyên liệu
- 100g phi lê cá (cá hồi, cá quả, cá diêu hồng hoặc cá ba sa đều được)
- Hành tím, hành lá, 1 miếng gừng nhỏ, dầu ăn
- Nước mắm
3.1.2 Cách làm
- Cá mẹ rửa sạch với nước muối loãng hoặc nước cốt chanh cho bớt tanh, rửa sạch nhiều lần với nước lạnh để ráo.
- Hành tím bóc vỏ, hành lá nhặt sạch, tất cả mang đi rửa sạch. Hành tím bào mỏng hoặc băm nhuyễn, hành lá cắt khúc. Gừng gọt vỏ, rửa sạch, đập dập hoặc cắt lát đều được.
- Mẹ cho hành lá vào tô sứ hoặc inox, cho cá vào, thêm gừng, mang đi hấp cách thủy đến chín rồi để nguội. Cho cá vào cối xay, xay nhuyễn. Nếu mẹ không dùng cối xay có thể xé nhỏ rồi chà xát qua rây cho đến khi cá tơi nhỏ.
- Bắc chảo không dính lên bếp phi hành cho vàng thơm rồi vớt ra, đổ dầu phi hành ra chén riêng. Kế đến cho cá vào rang trên lửa nhỏ đến khi không còn ướt và tơi đều. Mẹ cho nước mắm đảo đều và nếm cho vừa khẩu vị trẻ. Cuối cùng, bóp nát hành phi cho vào cá, cho dầu phi hành vào cùng đảo đều rồi tắt bếp. Đến đây con đã có món chà bông cá thật thơm ngon để ăn cùng cơm nát rồi.
3.2 Thịt băm kho
3.2.1 Nguyên liệu
- 100g thịt nạc heo hoặc thịt bò hay thịt gà đều được
- Hành tím, tỏi, dầu ăn
- Nước mắm
3.2.2 Cách làm
- Mẹ rửa sạch miếng thịt băm thật nhuyễn.
- Hành tím và tỏi bóc vỏ rửa sạch băm nhỏ.
- Bắc nồi nhỏ lên bếp cho dầu ăn phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt vào xào, thịt khô mẹ cho một chút nước mắm và thêm chút nước ấm, để lửa nhỏ, đậy vung nấu cho đến khi thịt chín. Mẹ thêm nước trong quá trình đun sao cho thịt kho có chút nước, con ăn sẽ rất thích.
3.2 Thịt hấp
3.2.1 Nguyên liệu
- 100g thịt nạc heo hoặc thịt bò hay thịt gà đều được
- Hành tím, tỏi, dầu ăn
- Nước mắm
3.2.2 Cách làm
- Mẹ rửa sạch miếng thịt băm thật nhuyễn.
- Hành tím và tỏi bóc vỏ rửa sạch băm nhỏ, phi thơm, bóp nát rồi cho vào thịt, ướp cùng một chút nước mắm, sau đó mang đi hấp cách thủy. Thời gian hấp khoảng 20-30 phút tùy chén hấp mẹ để thịt mỏng hay dày.
- Để kiểm tra thịt chín chưa, mẹ dùng đũa xâm thịt nếu không còn tiết nước hồng, có độ mềm là đã được.
- Khi cho con ăn thịt hấp , mẹ có thể xắn từng miếng, dầm nhỏ ra để con dễ ăn.
3.4 Tôm bằm sốt bơ hoặc cà chua
3.4.1 Nguyên liệu
- 100g tôm tươi
- Hành lá, tỏi
- 1/2 trái cà chua vừa hoặc 1 trái cà chua nhỏ
- Bơ lạt, dầu ăn
- Nước mắm, đường
3.4.2 Cách làm
- Tôm mẹ lột vỏ bỏ chỉ đen, rửa sạch băm nhuyễn.
- Hành lá nhặt sạch rửa sạch, lấy phần lá cắt nhỏ. Còn tỏi bóc vỏ rửa sạch băm nhuyễn. Nếu sốt cà chua, mẹ rửa sạch cà chua, bỏ vỏ, cắt hạt lựu.
- Mẹ ướp tôm cùng tỏi và chút nước mắm khoảng 5-7 phút.
- Nếu sốt cà chua, mẹ cho dầu ăn, xào chút hành rồi cho cà chua vào xào chín, cho thêm nước nấu cho đến khi cà chua chín nhừ thành sốt. Kế đến mẹ hạ lửa, cho vào tôm một chút nước tán đều, cho tôm vào sốt cà chua, khuấy cho đều để tôm không bị vón cục. Mẹ nấu khoảng 5-7 phút, tôm chín mẹ nêm nếm lại gia vị chua ngọt vừa khẩu vị trẻ thì tắt bếp. Mẹ cho vào ít hành lá cắt nhỏ để món ăn thơm ngon hơn.
- Nếu mẹ sốt bơ, mẹ cũng bắc chảo lên bếp, phi chút tỏi băm cho thơm bằng bơ. Kế đến hạ lửa, cho vào tôm một chút nước tán ra rồi đổ vào chảo xào chín. Cách này tôm sẽ không bị vón lại mà tơi ra. Mẹ nêm nếm lại vừa khẩu vị trẻ thì tắt bếp. Múc tôm ra đĩa, với món sốt bơ thì mẹ không cho hành lá cũng được.
3.4 Nấm xào đậu hũ non
3.4.1 Nguyên liệu
- 1 nắm nấm bào ngư (trắng hoặc xám) hoặc nấm mối hay nấm kim châm
- 1/3 miếng đậu hũ non hoặc đậu hũ trắng
- Hành lá, tỏi, 1 miếng hành tây, ngò rí, dầu ăn
- Nước mắm
3.4.2 Cách làm
- Nấm mẹ nhặt sạch, ngâm nước muối loãng rồi rửa sạch và bóp cho ra bớt nước. Mẹ tước nhỏ nấm rồi băm nhỏ.
- Hành lá, tỏi đều nhặt sạch rửa sạch. Hành mẹ thái nhỏ còn tỏi mẹ băm nhuyễn. Ngò rí mẹ nhặt sạch, rửa sạch cắt nhỏ. Hành tây băm nhỏ.
- Đậu hũ mẹ tán nhuyễn hoặc cắt miếng nhỏ vừa cho bé ăn.
- Bắc chảo lên bếp, phi tỏi cho thơm cho hành tây và nấm vào xào, cho chút nước để nấm chín kỹ. Kế đến mẹ cho đậu hũ vào đảo khoảng 5 phút cho chín. Mẹ cho thêm chút nước để món ăn không bị khô nhé. Khi nấm và đậu chín hoàn toàn, mẹ thêm chút nước mắm, nếm vừa khẩu vị trẻ thì tắt bếp. Dọn ra đĩa và cho chút hành lá, ngò rí cắt nhỏ để trẻ dùng cùng cơm nát ngon, lại lạ miệng.
3.5 Trứng bác
3.5.1 Nguyên liệu
- 1 trái trứng gà
- Hành lá, hành tím, dầu ăn
- Nước mắm
3.5.2 Cách làm
- Mẹ đập trứng ra tô, đánh đều và thêm chút nước mắm.
- Hành tím bóc vỏ rửa sạch thái mỏng hoặc băm đều được. Hành lá nhặt sạch, rửa sạch rồi thái nhuyễn.
- Bắc chảo lên bếp phi hành cho thơm rồi đổ trứng vào khuấy đều tay liên tục. Khi trứng se lại, mẹ giảm lửa nhỏ. Có thể thêm chút nước để trứng mềm, nếu con ăn khô, thì mẹ không cần cho nước.
- Trứng chín mẹ có thể nếm lại để điều chỉnh vị cho vừa khẩu vị của con rồi tắt bếp. Mẹ có thể cho vào chút tiêu xay nếu con đã ăn được tiêu. Và cho thêm chút hành lá thái nhỏ để món ăn thêm thơm hơn.
- Lưu ý : Mẹ có thể đổi vị cho trẻ với món trứng bác này bằng cách bác cà chua, trẻ sẽ có thêm món mới với trứng ăn mà không ngán.
Qua chia sẻ khá chi tiết về cách nấu cơm nát cho bé như trên, cùng gợi ý 5 món ăn cho bé thật ngon kèm theo, hẳn đã giúp mẹ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều, trong việc quyết định khi nào cho con ăn cơm nát và cần chuẩn bị như thế nào. Mẹ hãy quan sát con và từ từ cho con tiếp cận, kiên nhẫn tập cho bé, cũng như đừng ngại thử chế biến đa dạng các món ăn kèm. Yeutre.vn tin chắc rằng, giai đoạn ăn cơm nát - giai đoạn chuyển tiếp từ cháo để con chuẩn bị ăn cơm sẽ thành công, và đạt được kết quả tốt như mẹ mong đợi.
Cát Lâm tổng hợp