1. Nguyên liệu cần có cho món canh dân dã
- 1/2kg cua đồng. Nên chọn mua cua cái (có yếm to hơn nhiều so với cua đực), chạy nhanh, có mai màu xám đục và cứng, như vậy thịt cua sẽ chắc - thơm và nhiều gạch.
- Rau đay, rau mồng tơi mỗi loại một bó khoảng 300 gram.
- 2 trái mướp hương.
- Gia vị: tiêu xay, hạt nêm, muối, đường, nước mắm, dầu ăn,...
2. Cách chế biến món canh
Bước 1: Làm cua
Cua đồng rửa sạch, để tránh bị cua kẹp có thể cho vài cục đá vào chậu đựng cua, để nước đá tan ra lạnh, cua sẽ nằm im, dễ làm hơn. Tách mai cua, lột bỏ phần yếm và khều lấy phần gạch cua vàng để riêng.
Cua đã làm sạch thì tiến hành giã hoặc nhuyễn, nhớ bỏ thêm chút muối vào cua khi giã (xay) để thịt cua dẻo lại, đóng thành màng khi nấu và không bị rã nát. Cho nước vào hòa với phần thịt cua đã giã nhuyễn, dùng tay bóp cho thịt cua ra hết rồi bắt đầu lọc qua rây, bỏ đi phần xác cặn của vỏ.
Bước 2: Sơ chế các loại rau
Rau đay, rau mồng tơi nhặt, rửa sạch, để ráo nước rồi xắt nhỏ.
Mướp hương gọt hoặc cạo qua lớp vỏ xanh bên ngoài, không nên gọt quá dày vì như vậy sẽ làm giảm hương thơm của mướp khi nấu chín. Mướp bổ đôi theo chiều dọc rồi cắt miếng nhỏ vừa phải.
Bước 3: Nấu canh cua
Đổ phần nước thịt cua đã được lọc bỏ cặn vào nồi, bật bếp để lửa vừa cho nước sôi. Trong quá trình nấu nước cua, cần chú ý theo dõi, tránh để nước sôi trào ra ngoài. Khoảng 10 - 15 phút, khi nước cua sôi, thịt cua đã kết lại thành miếng lớn nổi trên mặt nước thì dùng đũa gạt nhẹ phần thịt cua sang một bên
Sau đó cho các loại rau vào nấu theo thứ tự mướp cho vào nấu trước khoảng 3 phút thì cho cả rau đay và mồng tơi vào. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, hợp khẩu vị (có thể cho thêm một muỗng nhỏ mắm tôm tùy vào sở thích mỗi người). Để canh sôi lại và rau chín trong khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Khi cho rau vào nấu, chú ý không nên khuấy đảo trong nồi nữa vì như thế thịt cua sẽ dễ bị vỡ và không thể kết thành tảng được. Canh cua trong lúc nấu rất dễ sôi bùng và trào ra ngoài, vì vậy cần lưu ý để lửa vừa và quan sát nồi canh liên tục.
Bước 4: Đối với phần gạch cua, tiến hành chưng gạch riêng
Gạch cua sau khi được khêu xong thì đổ nước sạch và cho chút muối vào, sau đó đổ qua rây để rửa sạch, bớt mùi hôi. Gạch cua đã rửa sạch, có thể đánh tan rồi đổ trực tiếp vào nồi canh đang sôi, nấu thêm khoảng 2 - 3 phút thì hoàn thành. Tuy nhiên, để tăng thêm mùi thơm hấp dẫn và màu vàng đẹp mắt cho món canh cua rau đay - mồng tơi - mướp hương, chúng ta nên chưng riêng phần gạch cua.
Bắt một chảo nhỏ lên bếp, cho khoảng 1 muỗng canh dầu ăn, phi thơm 1 củ nhỏ hành tím xắt mỏng hoặc bằm nhuyễn, sau đó cho gạch cua vào xào chín, đến khi gạch có màu vàng óng bắt mắt và mùi thơm thì đổ vào chung với canh đã nấu xong. Khuấy đều nhẹ và bật lại bếp trong vòng 2 phút để phần gạch cua hòa quyện với màu nước canh, tăng màu sắc và mùi thơm cho món canh.
Như vậy chúng ta đã có món canh cua thơm ngon, thanh mát cho mùa hè nóng bức. Món canh cua rau không thể thiếu đĩa cà pháo muối giòn giòn, chua chua để ăn kèm.
Cách nấu canh cua với rau đay thật đơn giản phải không cả nhà. Chúc các bà nội trợ, các chị em phụ nữ và cả những cánh mày râu của gia đình, khi vào bếp đều dễ dàng thành công ngay với món canh thanh mát, rẻ và bổ khỏe trong những ngày nắng nóng nhé.
Thúy Hằng - Tổng hợp