1. Công dụng của lòng non
Lòng lợn là một loại thực phẩm khá phổ biến với mùi vị dân dã, thường được dùng nấu cháo hoặc dùng trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng bạn đã biết rằng lòng lợn thật ra có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng chất đạm trong nó cũng không thua kém gì các loại thịt cá. Lòng lợn nhất là phần lòng non có chứa chất SIS, rất có lợi cho việc phục hồi chấn thương kể cả các vết thương do bỏng gây ra.
Tuy nhiên vì mùi vị đặc trưng nên không ít người từ chối món ăn này. Nếu không được làm sạch và chế biến đúng cách, lòng lợn sẽ có mùi hôi khó chịu và còn gây hại cho sức khỏe.
2. Cách chọn lòng non
Bạn cần lưu ý để không chọn phải loại lòng đắng, già và lòng để lâu nhé. Lòng non ngon là loại có kích thước nhỏ, màu sắc trắng hồng tươi tắn, chất dịch bên trong dẻo màu trắng đục. Không nên chọn lòng quá bé vì đó có thể là lòng của những con lợn còn nhỏ. Loại lòng lớn, dẹp, thành mỏng và chất dịch bên trong có màu ngả vàng bạn cũng không nên chọn nhé, loại này đắng, ăn dai và kém ngon hơn.
3. Cách sơ chế lòng non
Cách phổ biến nhất là dùng bột mì, muối để bóp sạch lòng. Khi mua về, bạn lộn trái lòng ra và vuốt hết chất dịch bên trong cho sạch. Nên bơm nước vào để sạch hơn nhé. Nên rửa kĩ nhiều lần để sạch chất dịch và giúp lòng trắng hơn.
Tiếp đến, bạn cho một ít bột mì và muối vào, bóp đều để sát khuẩn, khử sạch mùi tanh hôi rồi rửa lại bằng nước sạch.

Bước cuối cùng, bạn vắt nước cốt 1 quả chanh vào rồi bóp sạch lòng để khi luộc lòng được giòn ngon hơn, cũng có thể thay chanh bằng giấm. Sau đó rửa lại bằng nước sạch là được.
4. Cách luộc lòng non
Chuẩn bị nguyên liệu
- Lòng non: 0.5 kg (tùy vào lượng người ăn)
- 1 bát nước lạnh (bạn thả vào vài viên đá nhé)
- Muối, chanh, bột mì
Các bước thực hiện
Bước 1: Lòng non sau khi sơ chế xong, bạn cắt thành đoạn rồi cho vào nồi luộc, để lửa lớn. Đặt bát nước đá bên cạnh bếp để có thể cho ngay lòng sau khi luộc vào.
Bước 2: Khi lòng đã chín săn lại và trắng đều, bạn nhanh tay tắt bếp rồi gắp cho vào bát nước lạnh, vắt thêm nửa quả chanh vào. Việc cho lòng sau khi luộc vào bát nước đá giúp lòng giữ được độ giòn ngon, chanh vắt vào giúp lòng non trắng và bắt mắt hơn.
Bước 3: Chuẩn bị 1 bát nước mắm ớt tiêu để ăn kèm, có thể chuẩn bị thêm rau thơm, tía tô hay rau diếp cá,...để món ăn được ngon đúng điệu. Vớt lòng ra để hơi ráo nước rồi cắt thành miếng vừa ăn là được.
5. Một số lưu ý khi ăn lòng non
Lòng non có thể là món khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên bạn phải cân nhắc và cẩn thận trong việc sử dụng loại thực phẩm này. Tuyệt đối phải chế biến kĩ và ăn chín đối với lòng lợn nói riêng và tất cả các loại nội tạng động vật nói chung.
Hơn thế, trong lòng lợn có chứa nhiều cholesterol và một số loại axit uric gây bất lợi cho cơ thể, nhất là những người bị bệnh gout, bệnh tim mạch và những người béo phì. Không nên ăn quá nhiều lòng lợn mà chỉ nên ăn tối đa 1 lần mỗi tuần.
Tuyệt đối không sử dụng lòng lợn chưa rõ nguồn gốc. Trên thị trường hiện nay xuất hiện tràn lan các loại nội tạng động vật nhập lậu, nội tạng ôi thiêu được "hô biến" lại thành tươi ngon để bày bán cho người dân với vô vàn các hóa chất độc hại. Vì vậy cần cẩn trọng và chọn mua lòng lợn có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên các mẹ bầu cũng nên hạn chế ăn lòng lợn để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Với cách luộc lòng non cũng như những mẹo vặt liên quan đến lòng lợn đã chia sẻ trên đây, Yeutre.vn chúc bạn sẽ dễ dàng chế biến được món ăn này ngon miệng và an toàn nhất.
Hồng Nữ - Tổng hợp