1. Có nên dùng khuôn để gói bánh chưng không?
Cùng với bánh tét thì bánh chưng không chỉ là một món bánh đơn thuần mà còn là món ăn không thể tách rời trong ngày Tết của người Việt. Nó thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà và trời đất. Vì thế, cứ đến những ngày giáp Tết, ngoài những nhà chọn mua loại bánh gói sẵn thì hầu hết các gia đình đều muốn tự mình làm những chiếc bánh vuông vắn, xanh tươi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không phải ai nào cũng có thể gói được những chiếc bánh ngon, đẹp mắt. Nhất là hiện nay, việc gói bánh chưng với nhiều gia đình trẻ hoàn toàn là một thử thách.
Gói bánh bánh chưng có hai kiểu: một là gói bánh chưng bằng tay và hai là cách gói bánh chưng bằng khuôn. Trong đó, dùng khuôn là cách thường được nhiều người lựa chọn, nhất là những người chưa “sành” với việc làm món bánh này. So với không dùng khuôn thì gói bánh chưng bằng khuôn dễ hơn nhiều. Nhờ có nó, sẽ giúp việc định hình chiếc bánh trở nên đơn giản, nhanh chóng, cho ra những chiếc bánh thật vuông vắn, đẹp mắt.
Gói bánh chưng bằng khuôn được xem là lựa chọn của hầu hết những ai chưa có kinh nghiệm, mới tập gói hoặc không tự tin về cách gói bằng tay của mình.
Với cách gói bánh chưng bằng khuôn, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu cho thật ngon, cho vào lá rồi đặt vào khuôn và cứ thế là gói thôi. Về cách làm cụ thể, hãy cùng theo dõi các bước hướng dẫn chi tiết ngay sau đây nhé.
2. Cách gói bánh chưng bằng khuôn đẹp
Để gói được bánh chưng ngon thì đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu cho đến cách gói lẫn cách luộc. Vì thế bạn hãy chuẩn bị kỹ một chút.
2.1. Nguyên liệu để gói bánh chưng bằng khuôn
Tùy vào số lượng bánh mà bạn dự định sẽ gói là bao nhiêu chiếc để chuẩn bị nguyên liệu. Thông thường, muốn làm một chiếc bánh chưng chuẩn vị truyền thống, bạn cần chuẩn bị đủ các thành phần chính như dưới đây.
- Gạo nếp: 4 kg
- Thịt heo: 1,2 kg
- Đậu xanh vỡ vỏ: 1 kg
- Lá dong: 60 lá
- Dây lạt buộc bánh: 2 bó
- Gia vị: muối, hạt nêm, đường, tiêu, hành
- Dụng cụ: khuôn gỗ
2.2. Cách gói bánh
2.2.1. Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp: nhặt bỏ hạt bị sâu, chưa bóc vỏ, vô thật sạch sau đó ngâm trong nước lạnh từ 10 – 12 tiếng rồi vo sơ lại, vớt ra rổ để cho ráo nước. Có thể trộn ít muối để tăng thêm vị đậm đà cho vỏ bánh, nhưng chú ý cho một lượng vừa đủ với số lượng gạo.
- Lá dong: mang rửa thật sach hai mặt. Dùng dao gọt bỏ bớt cọng lá, để ráo nước rồi lau khô. Bạn có thể treo lá lên.
- Đậu xanh: đãi hết vỏ, ngâm tầm 10 tiếng rồi vo sạch, rồi cho vào nồi hấp cho đến khi chín mềm, mang ra dùng đũa đánh thật tơi ròi chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi chiếc bánh như vậy sẽ gồm hai nắm, một dưới và một trên lớp thịt.
- Thịt lợn: thịt mua về rửa sạch với nước muối, thái thành miếng dài, ướp chung với các loại gia vị (muối, tiêu, bột nêm) cho thấm. Còn hành cũng cắt lát mỏng, tiêu thì giã nhỏ.
2.2.2. Xếp nhân và gói bánh chưng
Sau khi đã chuẩn bị hết các nguyên liệu và phần nhân bánh, công đoạn tiếp theo và quan trọng nhất chính trong cách gói bánh chưng bằng khuôn gỗ với bước xếp lá, đổ gạo, xếp nhân vào.
- Bước 1: Bạn chọn hai lá dong to nhất rồi xếp chúng đè lên nhau. Tiếp đến đặt thêm một lá nằm ngang, thêm một lá nữa đặt xếp chồng lên trên cùng. Sau đó úp khuôn trong vào giữa các lớp lá được xếp sẵn.
- Bước 2: Bắt từng cạnh của lá dong theo dọc mép khuôn, tiến hành lần lượt từ trái qua phải. Tưởng phức tạp nhưng bạn chỉ cần làm như cách bạn gói một hộp quà vậy đó. Và tất nhiên khi gói bằng khuôn, bạn có thể cắt bớp phần lá dư để chiếc bánh trông gọn và dễ buộc hơn.
- Bước 3: Lồng chiếc khuôn to (tức là phần khuôn ngoài) vào, sau đó mở từng lớp lá ra và nhè nhẹ nhắc khuôn trong ra khỏi lớp lá. Kết thúc quá trình đình hình khuôn cho chiếc bánh.
- Bước 4: Cho các nguyên liệu vào khuôn lá gồm: một bát gạo nếp ở dưới đáy, tiếp theo là một lớp đậu xanh dàn đều. Cho tiếp lớp thịt (thịt nhỏ thì cho 2 miếng, to thì 1 miếng), một lớp đậu nữa lên trên và trên cùng là một bát gạo phủ kín.
- Bước 5: gập các lá thừa vào bên trong cho kín đều bánh chưng. Một tay giữ mối gập, tay kia nhấc nhẹ khuôn bánh ra rồi lần lượt dùng 4 sợi dây lạt buộc theo 4 góc của chiếc bánh. Ấn nhẹ và ép xuống mặt bàn để bánh buộc được chặt và vuông vắn hơn. Bạn có thể cột thêm số lạt để cho bánh được chắc đẹp.
3. Bí quyết để gói bánh chưng bằng khuôn đẹp
Gói bánh chưng là điều mà ai cũng có thể làm được nếu chịu khó thử qua một vài lần. Thế nhưng để chiếc bánh ngon, xanh và chín đều thì cần phải có bí quyết trong cả công đoạn chuẩn bị, cách gói bánh lẫn nấu.
3.1. Tinh tế trong cách chọn nguyên liệu
Lá dong bạn chọn loại lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già và phải rửa thật sạch. Với nếp hãy chọn loại nếp ngon, hạt to tròn, thơm và dẻo. Để bánh chưng có màu xanh bắt mắt có thể cùng lá dứa xay nhuyễn lấy nước cốt trộn vào nếp. Còn nhân bánh thì ưu tiên loại đậu xanh Thái, thịt ba rọi, nhớ ướp đủ gia vị và đừng quên tiêu để tạo mùi thơm cay cho bánh.
3.2. Khéo léo với giai đoạn gói bánh
Một chiếc bánh chưng khéo chỉ nên gói khoảng 2 chén nếp (khoảng 600 g). Khi gói phải cố gắng nén bánh thật chặt, cột lại bằng dây lạt (loại lạt phải là lạt từ cây vầu hoặc cây giang, rất chắc và dai) nhưng bạn không kéo quá chặt nhé, sẽ làm lá bị nhăn, nhìn không đẹp.
3.3. Chú ý khi luộc bánh chưng
Phần lá dong sau khi gói xong còn, bạn dùng xếp xuống đáy nồi cùng với cọng lá, giúp bánh được ráo nước và không bị cháy. Nếu nhiều lá, bạn có thể lót thêm ở xung quanh thành để nước luộc bánh trông xanh, thơm hơn và thành phẩm của bạn nhìn cũng bắt mắt hơn.
Xếp bánh lần lượt vào trong nồi. Lưu ý, xếp thẳng đứng sao cho bánh khít chặt nhau. Đổ nước ngập bánh và luộc trong khoảng nửa ngày, trong khi luộc cố gắng giữ cho nước luôn ngập bánh và luôn đều lửa không tắt. Tốt nhất bạn canh tầm 1 tiếng là chêm thêm nước vào, đảm bảo đủ để đun chín bánh.
Trong khâu thêm nước, bạn lưu ý không nên đổ nước lạnh vào mỗi khi tiếp nước cho nồi bánh, vì nước lạnh có thể làm bánh nửa sống nửa chín, bị lại gạo bạn ạ.
3.4. Công đoạn cuối cùng – lại bánh
Khi bánh chín, bạn vớt bánh ra và nhúng qua nước lạnh, dùng khăn lau sạch mặt nhựa bám bên ngoài lá. Sau đó, đặt bánh ra mâm hay mặt bằng sạch, cho một vật nặng đè lên trên để ép hết nước trong bánh. Ép bánh là công đoạn quan trọng, làm cho bánh chắc mịn và giữ được lâu. Sau đó lại bánh (hay gói bánh) bằng một lớp lá dong tươi bên ngoài cho đẹp.
Như bạn thấy đấy, cách gói bánh chưng bằng khuôn không hề khó một chút nào. Dù những năm gần đây, có nhiều nhà bỏ phong tục làm bánh ngày Tết nhưng vẫn còn không ít gia đình ở nông thôn cứ đến những ngày giáp Tết, lại hối hả chuẩn bị gạo nếp, lá dong,…để gói bánh. Tuy khá đa công cho việc hoàn tất một chiếc bánh chưng gói bằng khuôn, nhưng bù lại, mọi người sẽ có thêm khoảng thời gian quây quần bên nhau cùng ôn lại truyền thống thật đẹp. Ngồi trông chờ nồi bánh chưng đang ùng ục trên bếp lửa, ôn lại câu chuyện của một năm cũng là điều rất thú vị mà chúng ta nên duy trì - phải không bạn nhỉ!
Tuyết Nhi tổng hợp