Nên dạy trẻ 5 tuổi những gì và 5 giá trị quan trọng giúp bạn giải quyết được mọi bối rối

Nên dạy trẻ 5 tuổi những gì là vấn đề có lẽ khiến nhiều bậc cha mẹ có con ở độ tuổi này cảm thấy bối rối, vì đôi lúc không biết bắt phải đầu từ đâu. Trên thực tế, các cha mẹ thường chú trọng đến việc dạy chữ cho trẻ 5 tuổi hơn là những giá trị khác. Có thể bạn nghĩ rằng, dạy 1 đứa trẻ chưa đến tuổi đi học về sự trung thực hay công bằng là còn quá sớm, vì trẻ chưa hiểu gì, tuy nhiên đây là một suy nghĩ sai lầm. Bạn hãy tham khảo 5 giá trị quan trọng trong cuộc sống, mà cần ươm mầm cho trẻ, bắt đầu ngay từ sinh nhật 5 tuổi như dưới đây nhé.

banner ads

Nên dạy trẻ 5 tuổi những gì
Nên dạy con những giá trị quan trọng trong cuộc sống ngay từ khi con lên 5. Ảnh Internet

1. Sự trung thực

Hãy giúp trẻ tìm được cách để nói sự thật.

Và cách tốt nhất để khuyến khích trẻ trung thực đó là chính bạn hãy là người trung thực để làm gương cho con. Bạn hãy xem 2 tình huống sau nhé:

1.1. Tình huống 1

Carol quyết định sẽ hạn chế thời gian cho con trai 3 tuổi của cô là Chris và bạn của Chris là Paul chơi với nhau. Hai cậu bé thường đánh nhau khi chơi chung nên Carol nghĩ nên tách hai đứa trẻ ra. Vì vậy, một hôm khi mẹ của Paul gọi điện đến để hẹn cho hai bé gặp nhau vào buổi chiều, Carol đã nói dối là Chris bị ốm.

Nghe được điều này, Chris đã hỏi mẹ: “Con ốm hả mẹ! Có chuyện gì xảy ra với con vậy?”

Carol đã bất ngờ và ngạc nhiên trước câu hỏi và thái độ sợ hãi của con trai, liền giải thích với cậu rằng cô chỉ nói vậy vì cô không muốn mẹ của Paul buồn mà thôi. Sau đó, cô đã bị kéo vào cảnh phải đưa ra một loạt lời giải thích phức tạp cũng như những lời nói dối khác nhau khiến Chris khá bối rối. Và, tất cả những gì cậu bé có thể hiểu được là đôi khi mọi người vẫn nói dối và điều đó vẫn ổn. Một kết luận khá tai hại đối với một cậu bé 3 tuổi.

Dạy trẻ lên 5
Đôi khi bạn không biết một quyết định nói dối tưởng chừng vô hại mà bạn thực hiện, lại rất tai hại với trẻ. Ảnh Internet

Bạn nên biết rằng trẻ sẽ học theo bạn rất nhanh, vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy cố gắng hết sức tránh khỏi mọi thể loại của việc lừa dối, kể cả những lời nói dối vô hại.

Ví dụ, bạn không nên nói với trẻ rằng “đừng nói với bố là chiều nay chúng ta đã ăn kẹo”. Hãy để trẻ thấy bạn nói sự thật với những người lớn khác trong gia đình.

Đối với trường hợp của Carol, sẽ tốt hơn nếu cô nói với mẹ của Paul rằng “Hôm nay không phải là một ngày đẹp trời để chơi ở ngoài, tôi đã thấy Chris và Paul đánh nhau vào tuần trước, nên nghĩ rằng tuần này chúng ta nên cho bọn trẻ nghỉ ngơi.” Như vậy, nếu Chris nghe thấy mẹ nói chuyện, cậu bé sẽ biết được lý do mình không được ra ngoài chơi vào tuần này, và Carol cũng sẽ có cơ hội để chỉ bảo thêm cho con về việc cùng chơi với bạn như thế nào.

Trẻ đang chơi
Hãy để cho trẻ biết lý do con không được làm gì đó hay không được đi chơi hay không được chơi đùa ở một vài khoảng khắc cụ thể liên quan. Ảnh Internet
1.2. Tình huống 2

Một cách khác để bạn giúp trẻ trung thực đó là đừng phản ứng thái quá nếu trẻ phạm lỗi hay nói dối bạn, thay vì nổi giận và la mắng trẻ, bạn hãy tìm cách giúp con nói sự thật. Bạn hãy xem tình huống sau nhé:

Một buổi chiều, mẹ của bé Janice 4 tuổi bước vào phòng và thấy chậu cây lớn trong phòng bị đổ và vài cành cây bị gãy, cô đoán ngay được chuyện gì đã xảy ra. Hôm trước, cô thấy Janice cho búp bê Barbie của mình chơi trò “trèo cây”, cô đã nói với con rằng cái cây sẽ không chịu nổi đâu. Khi cô yêu cầu Janice giải thích, thì bé đã đổ lỗi cho chú chó của gia đình.

Mẹ của Janice đã hành động một cách rất hợp lý: cô cắt ngang câu chuyện của Janice và nói với bé rằng: “Janice, mẹ hứa sẽ không la con, con hãy suy nghĩ 1 phút sau đó nói cho mẹ biết chuyện gì đã thực sự xảy ra.”

Sau một lúc suy nghĩ, Janice đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và đã phải giúp mẹ dọn dẹp mớ hỗn độn mình gây ra. Đồng thời bé phải chịu phạt không được xem ti vi chiều hôm đó. Tuy nhiên, mẹ của bé vẫn nhấn mạnh rằng việc Janice chịu nhận lỗi là rất đáng khen.

Khi làm như vậy cô đã dạy cho Janice bài học rằng: nói thật không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng bé và mẹ hay cả những người khác sẽ cả thấy tốt và thoải mái hơn nếu nói sự thật.

Dạy con nhận ra điều mình đã sai
Dạy con biết nhận ra điều sai trái của bản thân. Ảnh Internet

2. Sự công bằng

Hãy nhấn mạnh với trẻ rằng trẻ cần sửa đổi.

Dưới đây là một tình huống khá thường gặp:

Trong một cuộc họp mặt gia đình, hai anh em họ 4 tuổi Amy và Marcus cùng chơi trò xây lâu đài bằng các khối gỗ. Bỗng nhiên Amy hất đổ lâu đài của Marcus và cậu bé bắt đầu khóc.

Chứng kiến cảnh tượng đó, ba của Amy đã đến chỗ hai đứa trẻ và yêu cầu cô bé xin lỗi anh mình. Amy nghiêm túc nói “Em xin lỗi.”.

Sau đó ba của Amy đã dẫn bé ra một góc và hỏi: “Con có biết tại sao mình lại hất đổ lâu đài của anh Marcus không?”. Amy trả lời: “Vì lâu đài của anh ấy to hơn lâu đài của con.”

Nghe vậy, anh đã nói với con gái rằng đó không phải lý do con nên phá đổ lâu đài của anh như vậy, nhưng anh có thể hiểu được cảm giác của cô bé, sau đó anh đưa Amy lại chỗ Marcus để chơi tiếp.

Phản ứng của ba Amy tương tự như của những bậc cha mẹ hiểu về tâm lý trẻ khác: đó là anh muốn bé xác định và bày tỏ cảm xúc của mình cũng như hiểu được tại sao trẻ lại hành động như vậy. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Để giúp trẻ tiếp thu được ý nghĩa của sự công bằng, bạn cần khuyến khích chúng thực hiện những hành động giúp bù đắp lỗi lầm của chúng.

Ví dụ trong trường hợp bé Amy, ba của bé có thể đề nghị con gái đến cùng với Marcus xây lại lâu đài hoặc tự bé mang cho anh mình một ít bánh quy như một cử chỉ xin lỗi vậy.

Khuyến khích trẻ có hành động bù đắp đi kèm lời xin lỗi
Khuyến khích trẻ có hành động bù đắp đi kèm với lời xin lỗi. Ảnh Internet

Nói “Tôi xin lỗi” khá dễ dàng với một đứa trẻ, và nó sẽ cho phép trẻ không phải áy náy hoặc không suy nghĩ về cái sai của mình. Giúp trẻ chủ động sửa đổi lỗi của mình sẽ truyền tải được thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều.

Nếu bạn biết trẻ đã phạm lỗi gì với một người nào đó, hãy giúp trẻ nghĩ ra cách bù đắp lỗi lầm của mình đối với người đó. Đó có thể là tặng lại một chiếc xe đồ chơi cho bạn vì trẻ đã làm hư đồ chơi của bạn, hay vẽ tặng em gái một bức tranh vì cả ngày trẻ đã trêu chọc em.

Bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện những cử chỉ như vậy, bạn nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với mọi người – một giá trị thiết yếu sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều sau này, khi chúng phải đối mặt với những mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống.

Dạy trẻ giá trị của sự công bằng
Dạy trẻ giá trị của sự công bằng. Ảnh Internet

3. Sự quyết tâm

Hãy khuyến khích trẻ chấp nhận thử thách.

Cậu bé 5 tuổi Jake cho mẹ xem bức tranh mà cậu vẽ bằng hộp màu sáp mới và được mẹ khen “Thật tươi sáng và nhiều màu sắc, con làm tốt lắm.” Sau đó Jake đã chạy về phòng và cố gắng vẽ thật nhanh những bức tranh khác để được mẹ khen tiếp.

Tuy nhiên thực tế thì cứ bức tranh sau lại lem nhem, cẩu thả hơn bức trước và mẹ bé không biết phải nói gì cả. Một câu trả lời hợp lý trong trường hợp này có thể là: “Chà Jake, mẹ thấy bức tranh này không được vẽ cẩn thận như bức trước, con đã cố gắng hết sức chưa?” Nói như vậy sẽ giúp Jake cố gắng tập trung vào chất lượng bức tranh hơn là số lượng.

Quyết tâm là một giá trị bạn có thể giúp trẻ hình thành và khuyến khích phát triển nó từ khi trẻ còn nhỏ. Cách dễ nhất để thực hiện điều này là hãy tránh những lời khen ngợi quá mức, mà hãy phản hồi với trẻ một cách trung thực, đưa ra những nhận xét nhẹ nhàng có tính xây dựng, để giúp trẻ cải thiện cũng như quyết tâm thực hiện tốt hơn vào lần sau.

Một cách khác để giúp trẻ đó là hãy động viên trẻ thực hiện những việc không dễ dàng, và khen ngợi về sự chủ động của trẻ.

Ví dụ nếu con trai bạn hay mắc cỡ, ngại ngùng, hãy khuyến khích con ra sân chơi làm quen với bạn mới. Nếu con gái bạn dễ nổi nóng, hãy dạy con cách kiềm chế như hít thở hay đếm từ 1-10.

Hãy chúc mừng trẻ khi con tự xoay sở làm được việc gì đó khó khăn. Nếu được nghe thấy cha mẹ khen khi làm được việc gì khó: “Tốt cho con, ba/mẹ biết nó thật sự khó khăn”, sự quyết tâm của trẻ sẽ được củng cố bởi sự công nhận và trẻ sẽ càng cố gắng hơn trong tương lai.

Khuyến khích trẻ chấp nhận thử thách
Hãy khuyến khíc trẻ chấp nhận thử thách. Ảnh Internet

4. Sự quan tâm, ân cần, chu đáo

Hãy dạy trẻ biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Anne đã rất thất vọng vì hai cô con gái 3 và 4 tuổi của mình luôn than thở hoặc cãi nhau khi cùng mẹ đi mua sắm. Cuối cùng, cô đã nói với hai con rằng, cần tìm ra cách để mọi người cùng đi một cách vui vẻ và đã hỏi ý kiến các bé xem nên làm thế nào.

Cô bé 4 tuổi đề nghị mang theo đồ ăn nhẹ từ nhà để bé không phải nài mẹ mua bánh quy. Bé 3 tuổi thì nói mình sẽ hát thầm để thấy vui hơn.

Hai bé đã giữ và thực hiện như lời hứa của mình và lần đi mua sắm sau đó đã thoải mái hơn rất nhiều. Thậm chí khi rời khỏi cửa hàng, bé em gái đã hỏi mẹ: “Bây giờ mẹ còn thấy buồn không mẹ ơi?” Anne nói với con gái rằng cô thấy rất tuyệt vì không có ai cãi nhau cả.

Những bài tập giải quyết những vấn đề nhỏ này có thực sự giúp trẻ học được bài học về sự quan tâm hay không? Bạn hãy thử đặt cược xem.

Theo thời gian, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể thấy được lời nói và hành động có thể khiến người khác mỉm cười, hoặc cảm thấy tốt hơn. Hay khi trẻ tử tế với người khác, người đó cũng đối tốt với trẻ. Sự phản hồi này sẽ khuyến khích các hành động quan tâm khác của trẻ và sẽ giúp trẻ dần hình thành tính ân cần, chu đáo và quan tâm đến người khác.

Trẻ ân cần
Dạy trẻ biết quan tâm và ân cần với người khác. Ảnh Internet

5. Tình yêu

Hãy thật hào phòng với tình yêu thương của bạn.

Cha mẹ thường có xu hướng nghĩ rằng trẻ em yêu thương và hào phóng với tình yêu của chúng một cách rất tự nhiên. Tuy nhiên trên thực tế, điều này không kéo dài mãi, trẻ cũng cần được đáp lại tình cảm như người lớn vậy.

Bạn hãy để trẻ thấy bạn thể hiện tình yêu của mình đối với mọi người xung quanh trong cuộc sống của bạn. Hãy ôm, hôn chồng bạn khi bọn trẻ đang có mặt. Hãy nói với trẻ bạn yêu quý ông, bà, cô, chú, bác và anh em họ của chúng như thế nào.

Và tất nhiên, đừng để một ngày trôi qua mà không thể hiện tình cảm với trẻ. Bạn có thể viết một lời nhắn yêu thương và đặt trong hộp cơm của trẻ hay dán trái tim vào gương phòng tắm để trẻ nhìn thấy chúng.

Hãy ôm hôn và nói yêu trẻ mỗi khi có cơ hội và có thể không vì lý do gì cả. Bạn càng thể hiện tình cảm nhiều với trẻ và các thành viên trong gia đình thì tổ ấm của bạn càng tràn ngập tình yêu. Và, khi trẻ có thể thoải mái thể hiện tình yêu ngược lại với bạn và mọi người, con sẽ thấm nhuần được giá trị lớn nhất đối với mỗi người đó chính là tình yêu thương.

Gia đình yêu thương
Hành động để trẻ hiểu dần được giá trị của tình yêu thương. Ảnh Internet

Hy vọng rằng, bài học về 5 giá trị quan trọng trên đây, sẽ giúp cho câu hỏi nên dạy trẻ 5 tuổi những gì của cha mẹ phần nào được giải đáp. Việc giúp trẻ hình thành và phát triển những giá trị này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho trẻ, trong việc xây dựng nhân cách tốt đẹp, trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai.

Theo Parents

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI