Cách dạy trẻ tập nói theo độ tuổi cực hay mẹ nên áp dụng ngay

Cách dạy trẻ tập nói có lẽ là chủ đề được rất nhiều các bậc cha mẹ quan tâm. Chúng ta có thể nghĩ rằng khi trẻ đủ lớn, biết đi và bắt đầu bập bẹ thì hãy dạy nói cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một hành trình đã bắt đầu từ lúc trẻ mới được sinh ra.

banner ads
Dạy bé tập nói
Cách dạy trẻ tập nói theo độ tuổi là điều nhiều phụ huynh quan tâm. Ảnh Internet 

Nếu cách dạy trẻ tập nói của chúng ta đã được bắt đầu từ những ngày đầu tiên khi con còn rất nhỏ, thì đến khoảng hai tuổi, trẻ đã có một lượng vốn từ nhất định để giao tiếp và diễn tả suy nghĩ, mong muốn của mình. Hãy cùng xem chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ phát triển kỹ năng nói ngay từ sớm nhé.

1. Cách dạy trẻ tập nói từ khi trẻ mới sinh đến 3 tháng tuổi 

Cách dạy bé tập nói
Mẹ có thể dạy trẻ tập nói từ khi con còn bé xíu. Ảnh Internet 

Khi mới sinh đến 3 tháng tuổi, trẻ đã có thể ê a và cố gắng bắt chước những âm thanh mà bạn tạo ra. Bạn có thể giúp trẻ học được những âm thanh vui vẻ khi bạn:

  • Hát cho trẻ nghe.
  • Nói chuyện với trẻ hoặc nói chuyện với người khác khi ở gần trẻ. Trẻ vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu từ nhưng sẽ thích giọng nói cũng như nụ cười của bạn. Trẻ cũng sẽ thích thú khi được nghe và nhìn thấy những người khác.
  • Tạo không gian yên tĩnh cho trẻ vì trẻ sẽ cần một khoảng thời gian và không gian không bị quấy rầy bởi tivi, radio hay các loại âm thanh khác để bi bô, ê a tiếng nói của riêng mình. 
Mẹ nói chuyện với bé
Nói chuyện với trẻ từ khi còn bé để con bắt trước âm thanh của mẹ. Ảnh Internet 

2. Khi trẻ được 3-6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ học cách nói chuyện khi lắng nghe mọi người xung quanh trò chuyện với nhau. Bạn hãy giúp trẻ bằng cách:

  • Ôm trẻ thật gần để trẻ nhìn vào mắt bạn
  • Nói chuyện và cười với trẻ
  • Khi trẻ ê a, hãy bắt chước âm thanh trẻ tạo ra
  • Nếu trẻ cố bắt chước khi bạn nói, hãy lặp lại câu hoặc từ 
Trẻ học cách nói chuyện
Khi trẻ 3-6 tháng, bố mẹ hãy nói chuyện với bé, với nhau thật gần bé để con học cách nói chuyện. Ảnh Internet 

3. Khi trẻ được 6-9 tháng tuổi

Lúc này trẻ “tạo” được nhiều âm thanh hơn và một trong số đó nghe gần giống như từ, ví dụ như baba hay dada. Trẻ cũng có thể cười khi nghe những âm thanh, vui nhộn và ngược lại, khóc, mếu khi nghe tiếng động lạ. Mặc dù trẻ vẫn chưa nói được nhưng bạn vẫn hãy giúp trẻ phát triển khả năng hiểu được lời nói bằng cách:

  • Chơi trò ú òa hoặc pat-a-cake (đập tay) với trẻ, trong khi chơi hãy giúp trẻ di chuyển tay theo nhịp điệu bài hát.
  • Đưa đồ chơi cho trẻ và nói điều gì đó về món đồ chơi đó. Ví dụ: “Hãy xem bạn gấu Teddy có lông mềm chưa này con.”
  • Hãy cho trẻ nhìn vào gương và hỏi “Ai vậy nhỉ?”. Nếu trẻ không phản ứng lại, hãy gọi tên trẻ.
  • Hãy đặt câu hỏi cho trẻ, ví dụ: “Bạn cún đâu rồi con nhỉ?” Nếu trẻ không trả lời, hãy chỉ cho trẻ chú chó con (hoặc mèo con) ở đâu. 
Mẹ chơi ú òa với bé
Khi trẻ được 6-9 tháng, mẹ hãy thường xuyên chơi ý òa với bé. Ảnh Internet 

4. Khi trẻ được 9-12 tháng tuổi

Trẻ đã bắt đầu hiểu được những từ đơn giản ở độ tuổi 9-12 tháng. Con sẽ ngừng lại và nhìn bạn nếu bạn nói “Không” hoặc “không được”. Nếu có người hỏi “Mẹ đâu rồi?” trẻ sẽ tìm bạn.

Trẻ cũng sẽ chỉ, tạo ra âm thanh hoặc dùng cơ thể để diễn tả với bạn điều mình muốn. Ví dụ trẻ nhìn bạn và đưa tay lên khi trẻ muốn bạn bế, hay trẻ sẽ đưa cho bạn một món đồ chơi, nếu muốn bạn chơi cùng. Bạn có thể dạy trẻ tập nói bằng cách dạy con vẫy tay và nói “bye-bye” hoặc vỗ tay. 

Trẻ hiểu được một số từ đơn giản
Khi trẻ 9-12 tháng, con có thể hiểu được những từ đơn giản ở độ tuổi của mình. Ảnh Internet 

5. Khi trẻ được 12-15 tháng

Ở độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu nói được một vài từ và có thể dùng cùng một từ cho nhiều đồ vật hay hoạt động mà trẻ muốn. Nhiều bé nói được 1-2 từ và hiểu được khoảng 25 từ.

Lúc này con đã có thể đưa cho bạn món đồ chơi mà bạn hỏi và dùng cách chỉ, chạm vào, vừa nhìn vừa bập bẹ về món đồ mà trẻ muốn.

Bạn hãy giúp trẻ nói những từ mà trẻ biết bằng cách:

  • Nói về những thứ bạn dùng như cái ly, nước cam, búp bê… và cho trẻ thời gian để nhớ tên chúng.
  • Hỏi trẻ câu hỏi về những hình ảnh trong sách và cho trẻ thời gian để nhớ/ gọi tên những chi tiết trong hình.
  • Cười và vỗ tay khi trẻ gọi tên được những thứ mà trẻ thấy để khuyến khích con, đồng thời nói/ mô tả cụ thể thêm một chút. Ví dụ: “Con nhìn thấy bạn cún không. Bạn ấy to quá nhỉ. Hãy nhìn bạn ấy đang vẫy đuôi kìa.” 
Khen ngợi trẻ
Khen ngợi khi trẻ gọi tên được những thứ mà trẻ thấy để khuyến khích con. Ảnh Internet 
  • Trò chuyện về một thứ mà trẻ thích nhất, cho trẻ thời gian để nói tất cả những gì có thể về điều đó.
  • Hỏi trẻ về những hoạt động hằng ngày của gia đình bạn. Ví dụ như: “Con sẽ chọn áo nào để mặc hôm nay?”, “Con muốn uống nước trái cây hay sữa?”...
  • Bổ sung thêm chi tiết vào điều trẻ nói. Ví dụ nếu trẻ nói “quả banh”, bạn hãy lập lại “Đó là quả banh lớn màu đỏ của con.”
  • Dạy trẻ chơi trò “giả vờ” với món đồ chơi hoặc thú bông/ búp bê yêu thích của trẻ. Ví dụ: “Bạn thỏ bông cũng muốn chơi này, bạn ấy có thể lăn quả bóng cùng chúng ta không con?” 
Mẹ trò chuyện với trẻ
Trò chuyện về điều mà trẻ thích nhất. Ảnh Internet 

6. Khi trẻ được 15-18 tháng

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ dùng những cử chỉ phức tạp hơn để giao tiếp với bạn và xây dựng vốn từ mới của mình.

Trẻ có thể dắt tay bạn đến kệ sách, chỉ vào một cuốn sách nào đó và nói “sác” thay cho câu “Con muốn đọc sách với mẹ”. Bạn sẽ giúp trẻ nói tốt hơn khi:

  • Bạn làm mẫu cho trẻ trước sau đó yêu cầu trẻ chỉ cho bạn xem những bộ phận trên cơ thể như mũi, miệng, mắt, chân, tay, ngón tay...
  • Bạn giấu một món đồ chơi trong khi trẻ quan sát, sau đó giúp trẻ tìm lại món đồ chơi và cùng chia sẻ sự thích thú khi trẻ tìm thấy nó
  • Bạn mô tả cụ thể về thứ/ vật mà trẻ chỉ vào hoặc đưa cho bạn. Ví dụ: khi trẻ đưa cho bạn một cuốn sách hãy nói: “Con đưa cho mẹ quyển sách à, cám ơn con. Con hãy nhìn bức tranh em bé đang lăn quả bóng trong sách nè.” 
Trẻ nói chuyện điện thoại
Ở độ tuổi 15-18 tháng, trẻ sẽ dùng những cử chỉ phức tạp hơn để giao tiếp với bạn. Ảnh Internet 

7. Cách dạy trẻ tập nói khi con được 18 tháng đến 2 tuổi

Trẻ được 18 tháng – 2 tuổi đã có thể thực hiện theo các chỉ dẫn và bắt đầu ghép được các từ lại với nhau, ví dụ “xe chạy”, “uống nước”...

Đây là giai đoạn ngôn ngữ của trẻ đang trên đà phát triển vì vậy bạn hãy khuyến khích trẻ bằng cách:

  • Yêu cầu trẻ giúp đỡ bạn, ví dụ như đặt ly lên bàn hoặc mang giày của trẻ lại cho bạn.
  • Dạy trẻ những bài hát, bài thơ đơn giản và đọc sách cho trẻ nghe. Bạn cũng hãy yêu cầu trẻ chỉ và nói cho bạn nghe về những gì trẻ thấy.
  • Khuyến khích trẻ trò chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình. Trẻ có thể nói với họ về một món đồ chơi mới của mình.
  • “Nâng cấp” trò chơi giả vờ. Bạn hãy cùng trẻ chơi trò giả vờ ở “cấp độ” cao hơn ví dụ như nói chuyện điện thoại, cho búp bê ăn hay tổ chức tiệc với thú nhồi bông. 
Đọc sách cho trẻ nghe
Đọc sách cho trẻ nghe. Ảnh Internet 

8. Khi trẻ được 2-3 tuổi

Đây là giai đoạn phát triển nhảy vọt của trẻ về ngôn ngữ cũng như các kỹ năng khác. Lúc này trẻ đã có thể ghép câu dài hơn, trả lời những câu hỏi khó hơn và thực hiện những mệnh lệnh phức tạp hơn.

Để dạy trẻ nói tốt hơn, bạn hãy:

  • Dạy trẻ nói tên họ của mình
  • Hỏi trẻ về kích thước (to, nhỏ,...), số lượng, hình dạng của những vật trẻ đưa/ chỉ cho bạn. 
Hỏi trẻ kích thước đồ vật
Hỏi trẻ về kích thước đồ vật trẻ đưa cho bạn. Ảnh Internet 
  • Hỏi trẻ những câu hỏi mở để giúp trẻ phát triển tư duy riêng của mình và học cách diễn tả chúng. Ví dụ nếu bạn chỉ cho trẻ những con sâu, hãy hỏi trẻ: “Ôi mấy con sâu có kẻ sọc mập mạp này! Có bao nhiêu con sâu ấy con nhỉ? Chúng đang đi đâu thế? Sau đó hãy đợi và lắng nghe câu trả lời của trẻ. Bạn cũng có thể gợi ý câu trả lời cho trẻ nếu cần thiết. Ví dụ: “Mẹ thấy có 5 con sâu kìa. Chúng đang đi vào công viên hay đi vào cửa hàng ấy nhỉ?
  • Hỏi trẻ về một câu chuyện trong quyển sách trẻ yêu thích. Ví dụ như “Chuyện gì xảy ra với 3 chú lợn con ấy nhỉ?” Việc đọc sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì vậy ngoài thời gian cùng đọc sách ở nhà, bạn hãy đưa trẻ đến thư viện địa phương để trẻ có thể gặp gỡ những trẻ khác nữa.
  • Thường xuyên chơi trò giả vờ với trẻ. Trò chơi này giúp tạo cơ hội cho trẻ sử dụng và học hỏi từ mới. 
Trẻ vui tươi
Thường xuyên chơi trò giả vờ với trẻ để giúp con sử dụng và học hỏi từ mới. Ảnh Internet 

Bạn thấy đấy, có rất nhiều cách dạy trẻ tập nói mà bạn có thể áp dụng ngay từ những ngày đầu đời của trẻ. Bạn càng thực hiện việc dạy trẻ sớm thì trẻ càng có điều kiện thuận lợi để phát triển kỹ năng ngôn ngữ . Trong quá trình dạy trẻ, bạn đừng quên một điều quan trọng là dù ở độ tuổi nào, trẻ vẫn cần có một khoảng thời gian yên tĩnh, không tivi, radio, điện thoại hay các âm thanh khác để chơi đùa, trò chuyện và hát cùng với ba mẹ, cũng như với các thành viên khác trong gia đình, bạn nhé.

Theo Zero to Three

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI