Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng để chống viêm nhiễm trùng rốn là việc mà các mẹ nên lưu ý, để giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt từ khi mới lọt lòng.
1. Thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh
Nếu mẹ biết cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh cẩn thận và không xảy ra các biến chứng nào khác thì khoảng 6 – 10 ngày sau khi sinh, dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng tự nhiên. Ngoài ra, có trường hợp rốn của trẻ có thể phải mất 1 tháng để rụng đi hoàn toàn.
2. Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng
Rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng vẫn cần được chăm sóc tốt và luôn giữ khô thoáng. Mỗi ngày, mẹ cần làm sạch đáy rốn bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn sát khuẩn 1- 2 lần và tiếp tục băng lại cho đến khi rốn bé liền sẹo.
Mẹ nên gấp mép của tã xuống dưới bụng để rốn được thông thoáng, tránh để nước tiểu dính vào rốn. Khi cuống rốn rụng, mẹ có thể thấy một chút máu dính trên tã, điều này hoàn toàn bình thường. Tuyệt đối không dùng tay kéo cuống rốn của bé dù nó đã rụng gần hết.
3. Một số lưu ý trong cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh vốn không đơn giản. Mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
3.1 U hạt rốn ở trẻ sơ sinh
Sau khi cuống rốn rụng đi, mẹ vẫn có thể nhìn thấy một ít hạt thịt nhỏ nổi lên, đây gọi là u hạt rốn. Những u hạt rốn có tự thể biến mất hoặc có thể nhờ bác sĩ can thiệp, những hạt nhỏ này không chứa dây thần kinh nên việc điều trị sẽ không làm bé đau. Tình trạng này cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho bé, ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ sau này.
3.2 Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi
Khi nào rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi kèm theo các biểu hiện khác như chảy dịch vàng, vùng da xung quanh rốn sưng, đỏ, trẻ bị sốt, quấy khóc không rõ nguyên nhân,…thì bé mới có nguy cơ gặp phải nhiễm trùng rốn. Còn nếu không, bé chỉ đơn thuần là chảy ít dịch và có mùi hôi thì mẹ không cần lo lắng, việc cần làm lúc này là mẹ tiếp tục cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh theo sự hướng dẫn của hộ lý và cho trẻ bú mẹ đầy đủ, để bé có đủ kháng thể chống lại các chứng viêm nhiễm.
3.3 Rốn trẻ sơ sinh bị ướt sau khi rụng
Thường thì sau khi trẻ sơ sinh rụng rốn, vài ngày sau đó nó vẫn chưa khô hẳn và có thể chảy ít nước. Để đảm bảo mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám cẩn thận, nhất là khi nước rỉ ra có màu vàng, mùi hôi hoặc có lẫn máu.
4. Một số dấu hiệu nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Nếu rốn của trẻ sơ sinh có những triệu chứng dưới đây thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Rốn trẻ rỉ nước dịch vàng hoặc rốn có mùi hôi.
- Rốn trẻ sơ sinh chảy mủ.
- Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu.
- Da quanh rốn sưng nề, tấy đỏ.
- Rốn có chồi hạt, rỉ nước kéo dài.
5. Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh giúp phòng chống viêm rốn
Khi rốn của bé sơ sinh đã rụng, để phòng viêm rốn sau khi đầu còn lại của rốn rụng thì cần giữ cho rốn luôn khô thoáng, sạch sẽ. Sau đó, lau thật sạch các chất tiết ra ở xung quanh lỗ rốn. Đặc biệt nên hết sức thận trọng không được dùng tã lót cuốn quanh rốn để tránh bị nhiễm trùng. Thêm vào đó còn cần chú ý ngay cả cách thay băng rốn hàng ngày cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ bị viêm rốn, nếu nhẹ có thể dùng cồn 35 độ thấm bông y tế lau sạch lỗ rốn, sau đó dùng dung dịch ôxy già 3% lau chùi hết mủ hoặc các chất tiết ra. Nếu đầu rốn còn lại đó bị rụng thì cần phải lật mở lỗ rốn ra. Quan sát nếu thấy mặt ngoài của rốn đã có vảy nhưng bên trong vẫn còn tích tụ mủ thì phải dùng bông thấm Nitrofurazone 0,1 % đắp vào rốn mỗi ngày 3 – 4 lần. Khi cần có thể dùng cả thuốc kháng sinh.
Nếu sau khi rốn rụng chỉ có một ít nước rỉ ra thôi, thì chỉ cần mỗi ngày 2 lần dùng cồn 75% để lau khô, sát trùng chỗ đầu rốn đó. Sau mấy ngày là vết thương khô và khỏi. Trường hợp này không phụ thuộc chứng bệnh viêm rốn nói trên.
Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đòi hỏi mẹ phải cẩn thận và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Hy vọng những chia sẻ trên của Yeutre.vn ở trên, sẽ giúp ích cho các mẹ thật nhiều, khi chăm sóc con yêu.
Ngọc Huyền