1. Khi nào mẹ nên cai sữa cho trẻ?
Hẳn đây là băn khoăn đầu tiên với bất cứ người mẹ nào có con nhỏ trong độ tuổi sơ sinh. Thời điểm cai sữa cho bé đã, đang và chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi vì nhiều lý do khác nhau và hầu như mẹ nào cũng chịu áp lực không nhỏ từ điều này.
Chúng ta cần nắm rõ rằng, hiện nay chưa có khoảng thời gian chuẩn nào quy định việc cai sữa cho bé. Nhưng, các khuyến cáo cho thấy, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu trong thời gian 6 tháng đầu đời. Thời điểm này bé đang dần hoàn thiện hệ tiêu hóa cũng như nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Việc hấp thu sữa mẹ trong thời gian này cũng sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Tại một số quốc gia, các bậc phụ huynh được khuyến khích cho trẻ bú tới khi trẻ đủ 2 tuổi. Điều này cũng được UNICEF ( Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc ) khuyến cáo. Khi trẻ bước vào thời điểm ăn dặm, mẹ vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ. Ở từng giai đoạn khác nhau, sữa mẹ sẽ có khả năng tự điều chỉnh theo nhu cầu cũng như lợi ích của trẻ. Và ở các giai đoạn khác nhau đến 2 tuổi, sữa mẹ luôn có những đóng góp tích cực quan trọng trong việc phát triển của trẻ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của bé.
Việc khi nào cai sữa cho trẻ sẽ phụ thuộc vào mẹ và cả bé. Các yếu tố như điều kiện, hoàn cảnh gia đình cũng sẽ tác động tới thời điểm trẻ cai sữa.
2. Cách cai sữa cho trẻ hiệu quả nhất
Như đề cập ở trên, việc cai sữa cho trẻ không có thời điểm ấn định như nhau mà hoàn toàn khác với mỗi trẻ. Và cũng tùy mỗi trẻ, mỗi mẹ mà việc cai sữa cho trẻ diễn ra có hiệu quả nhanh chóng hay không, thời gian cai sữa diễn ra bao lâu cũng rất khác biệt. Có trẻ chỉ mất 1 tuần, có trẻ phải trải qua khoảng thời gian cai sữa khó khăn này dai dẳng đến vài tuần hoặc cả tháng.
Vậy làm sao để khi cần cai sữa cho con, quá trình cai sữa diễn ra nhẹ nhàng và bớt thử thách cho cả mẹ và bé? Dưới đây là các gợi ý mẹ nên tham khảo.
2.1. Lên kế hoạch chuẩn bị
Để áp dụng những cách cai sữa cho trẻ hiệu quả, bạn cần chuẩn bị tinh thần trước vài ngày hoặc 1 tuần. Bên cạnh đó, chuẩn bị các cách cai sữa cũng là điều cần thiết, để một khi tiến hành cai sữa cho con, thì quá trình không nên gián đoạn, nếu không sẽ khó thành công.
Hãy khiến bé quên dần đi việc bú mẹ bằng những thứ bé thích. Chẳng hạn bạn có thể lựa chọn cho bé những đồ chơi con yêu thích, cho bé nghe bài hát bé rất quan tâm, cho bé ăn những món bé ưa chuộng,... Tất cả những điều này sẽ góp phần làm cho con bị xao nhãng các cữ bú hay ti mẹ và giúp cho việc cai sữa với bé trở lên nhẹ nhàng hơn.
2.2. Các cách cai sữa cho trẻ hiệu quả và phổ biến
- Cách 1: Làm xấu ti mẹ
Làm xấu ti mẹ hay còn gọi là hóa trang ti mẹ là cách cai sữa cho trẻ rất phổ biến được nhiều mẹ áp dụng thành công nhưng khá nhẹ nhàng với cả hai mẹ con. Khi bắt đầu cai sữa, mẹ hãy làm xấu đi bầu ngực bằng cách tô vẽ lên đầu ti với son, nhọ nồi, kẹo đắng, buộc sợi chỉ, … bé sẽ cảm thấy ti mẹ kém phần hấp dẫn.
- Cách 2: Thực hiện giã lá dâu hay lá lốt uống lấy nước
Theo quan niệm dân gian sau khi sử dụng 2 loại nước này sẽ khiến mẹ bị mất sữa. Khi ti mẹ, trẻ không thấy sữa sẽ chán và tự bỏ ti. Phương pháp này được đánh giá là cho hiệu quả tốt nhưng thường mẹ sẽ bị đau rát đầu ti khi bé đòi bú trong những ngày đầu.
- Cách 3: Chế biến các món ăn dặm ngon và đảm bảo hợp khẩu vị cho bé
Với các bé đang ăn dặm, các món ăn dặm vị ngon hợp khẩu vị sẽ khiến con ăn tích cực, không đói và khiến các cơn thèm bú của bé thưa dần. Chẳng hạn bình thường trẻ có xu hướng g ti mẹ 5 lần/ngày thì dần dần giảm xuống 3 -4 lần/ngày và 1-2 lần/ngày. Để giảm các cữ bú hiệu quả, mẹ nên bổ sung thêm các loại hoa quả, đồ uống mà con yêu thích trong thực đơn mỗi ngày.
3. Cai sữa giúp mẹ không khó chịu hay đau đớn khi lượng sữa vẫn về
Khi cai sữa, nhất là với các mẹ nhiều sữa, có thể sữa vẫn về liên tục thường khiến bầu ngực cương, tức khó chịu. Mẹ có thể áp dụng theo cách sau để giảm sự khó chịu:
- Sử dụng lá bắp cải để trong tủ lạnh ngăn mát rồi đắp lên ngực. Để mỗi bên 1 lá hoặc thực hiện giã nát và lấy khăn sữa của bé cho lá bắp cải vào sau đó để lên hai bầu ti. Phương pháp này sẽ giúp sữa rút nhanh hơn.
- Khi sữa căng tức, mẹ có thể sử dụng tay hay máy vắt sữa để vắt bớt. Mỗi lần vắt mẹ luôn nhớ đừng vắt kiệt mà nên vắt cho giảm đau, lần vắt thưa dần và giảm dần lượng sữa vắt. Trước khi thực hiện vắt, mẹ sử dụng khăn ấm đắp lên ngực cho mềm rồi mới vắt để tránh bị đau nhé!
4. Những lưu ý không thể bỏ qua khi cai sữa cho bé
Khi áp dụng các cách cai sữa cho trẻ muốn thành công, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Kiên trì, nhẫn nại.
- Bạn có thể sẽ phải thử nhiều cách cai sữa khác nhau mới có được hiệu quả cuối vùng. Vì, mỗi bé mỗi khác, cách này có thể phù hợp với bé này nhưng với bé khác thì không thể áp dụng cách tương tự.
- Trong thời điểm cai sữa, ban ngày nên chơi với con, cho con ăn những món con thích. Vào ban đêm khi trẻ đòi bú, bạn hãy cho trẻ thức dậy ngay. Đừng để trẻ trong trạng thái chập chờn vì điều này sẽ khiến trẻ theo thói quen đòi bú. Hãy cho bé ăn, chơi cùng bé một lát, sau đó bé sẽ ngủ tiếp mà quên ti mẹ. Thực hiện trong khoảng vài hôm một cách kiên nhẫn sẽ khiến bé quên dần việc đòi bú.
- Mẹ có thể cho bé ngủ riêng nhưng nên tránh việc xa bé hoàn toàn trong thời điểm cai sữa. Vì, ngoài việc khát sữa bé còn bất ngờ phải xa mẹ, sẽ khiến tâm lý trẻ không tốt. Điều này có thể sẽ gây phản ứng ngược cho việc cai sữa.
- Tránh tiến hành cai sữa khi trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe như ốm, trẻ bị sốt , trẻ mọc răng, cảm cúm,... Đây là thời điểm sức đề kháng của trẻ suy giảm, trẻ khó thích nghi được với sự thay đổi đột ngột. Nếu mẹ thực hiện cai sữa, con sẽ quấy khóc, biếng ăn dẫn đến còi xương, chậm phát triển.
- Khi thực hiện cai sữa, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Mẹ có thể xin lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để tăng cường đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ nhỏ.
- Trong thời gian cai sữa, trẻ sẽ thường quấy khóc nhiều. Nếu trẻ phản ứng quá dữ dội hoặc không chịu ăn uống, mẹ cần hết sức kiên trì. Tránh tình trạng dọa dẫm hay ép trẻ ăn làm cho bé sợ, ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của con.
Cách cai sữa cho trẻ hiệu quả là một hành trình bắt buộc phải diễn ra và sẽ gặp không ít thử thách. Chuyên mục Có con 0-12 tháng mong rằng, những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn thêm phần bình tĩnh, có kế hoạch cụ thể, chấp nhận những khó khăn và cố gắng xem xét, chọn được cách cai sữa phù hợp nhất với bé của mình. Và cuối cùng, trong những trường hợp cần thiết và thực sự bạn không thể giải quyết, hãy xin thêm ý kiến tư vấn từ bác sỹ hoặc chuyên gia, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và con trong hành trình cai sữa này, bạn nhé!
Linh Ann tổng hợp