Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, thời điểm tốt nhất các mẹ nên cai sữa đêm cho con là sau 6 tháng. Tuy nhiên, nửa đêm bé hay giật mình quấy khóc, rất nhiều mẹ bỉm đã dùng cách cho con bú như cứu cánh để dỗ dành bé. Việc này khiến cho việc cai sữa đêm khó chấm dứt được. Ngay cả khi bé không đói thì bé cũng dễ tỉnh giấc vào giữa đêm và sẽ rất khó khăn để thay đổi thói quen này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong quá trình cai sữa ban đêm cho bé là mẹ phải bắt đầu thật từ từ, không nên quá nóng vội mà phải thật nhẹ nhàng. Có như thế, việc cai sữa đêm cho con sẽ trở nên dễ dàng hơn.
1. Ảnh hưởng của việc cho bé bú đêm
Tại sao chúng ta nên cai sữa đêm cho bé - đều có lý do cả. Thông thường, các mẹ thường lo lắng về vấn đề cân nặng hoặc là coi đây biện pháp hữu hiệu để dỗ dành nên thường duy trì việc cho bé bú đêm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng cho bé bú đêm quá nhiều và kéo dài sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất của bé. Dưới đây là những tác hại của việc duy trì cho trẻ bú đêm mà các bác sĩ nhi khoa đã chỉ ra:
1.1. Bú đêm ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất
Giấc ngủ đêm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Khoảng thời gian từ từ 23h đêm đến 1-2h sáng là khoảng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra mạnh nhất. Việc trẻ thức dậy nhiều lần bú sữa đêm sẽ hạn chế sự tiết hormone tăng trưởng làm trẻ chậm phát triển chiều cao, gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến trí tuệ, thể chất của trẻ.
1.2. Nguy cơ mắc bệnh răng miệng cao
Vào ban đêm, trẻ thường ngủ kéo dài khoảng 10 – 12 giờ, thời gian này chỉ có một lượng nhỏ nước bọt được tiết ra, do đó dưới tác động của các chất đường từ trong sữa lắng đọng lại trên răng sẽ làm phá hủy men răng. Nếu trẻ có thói quen bú đêm lâu ngày mà không được vệ sinh răng miệng sẽ dẫn đến răng bị sâu. Hậu quả là các răng sữa ở hàm trên của bé sẽ xuất hiện những lỗ sâu răng hay những khiếm khuyết lớn màu đen hoặc lớp men răng có thể bị phá hủy hoàn toàn.
Sâu răng do bú đêm lâu ngày sẽ làm cho trẻ bị đau nhức và gặp khó khăn trong việc ăn nhai, nghỉ ngơi, học tập và ảnh hưởng đến thẩm mỹ… Trường hợp trầm trọng hơn, các răng sâu có thể gây ra nhiễm trùng nặng phải nhổ răng. Tuy nhiên, nếu phải nhổ sớm các răng sữa thì các răng vĩnh viễn mọc lên sau này sẽ bị ảnh hưởng đến việc chức năng nhai và thẩm mỹ.
1.3. Ảnh hưởng sức khỏe của mẹ
Con bú đêm không những gây ảnh hưởng cho con mà còn gây mệt mỏi cho mẹ vì phải canh giờ cho con bú. Mỗi đêm cho con bú nhiều, mẹ sẽ bị mất ngủ dẫn đến căng thẳng, không tốt cho sức khỏe và tổn hại nhan sắc. Đồng thời, khi ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến lượng sữa mẹ tiết ra giảm dần. Chính vì vậy, các mẹ đừng nên do dự cai sữa đêm cho con nhé, điều này không những tốt cho con mà còn đảm bảo sức khỏe và chất lượng của nguồn sữa mẹ nữa.
2. Thời điểm thích hợp cai sữa đêm cho bé
Bước qua tháng thứ 7, sau khi đã được ăn dặm thì bé đã có đủ lượng calorie để ngủ xuyên đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để mẹ có thể cai sữa đêm cho con. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này của trẻ là một việc không phải dễ dàng. Chính vì vậy, mẹ cần phải kiên nhẫn và tập từ từ để bé có đủ thời gian làm quen và thích nghi.
3. Các cách cai sữa cho bé vào ban đêm hiệu quả
Có rất nhiều cách cai sữa cho bé áp dụng được cho cả trường hợp cai sữa đêm cho con. Tuy nhiên, mỗi mẹ đều có cách riêng. Dưới đây là tổng hợp kiến thức cai sữa đêm đúng cách đã được rất nhiều mẹ bỉm áp dụng thành công, bạn có thể tham khảo.
3.1. Giảm dần số lần cho bé bú
Nhiều mẹ cai sữa cho con bằng cách giảm dần số lần ti cả ngày và đêm. Đồng thời tăng cường chế biến các món ăn hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng cho bé. Bé ăn đủ chất sẽ tự động giảm số lần ti mẹ. Đây là cách làm khoa học nhưng mẹ sẽ phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới có thể cai sữa đêm hoàn toàn được cho bé.
3.2. Biến hình đầu ti
Các mẹ có thể dán băng dính vào đầu ti. Khi con bú không thấy ti mẹ đâu thì giải thích là ti đi chơi rồi. Hoặc có thể biến hình đầu ti bằng cách: tô son, buộc tóc, vẽ hình... khiến bé nhìn vào không muốn đòi ti nữa. Các mẹ lưu ý hãy giải thích cho con bằng những lí do phù hợp tránh việc dọa cho bé sợ ảnh hưởng đến tâm lý của bé sau này. Cách làm dễ thương này được nhiều mẹ bỉm đánh giá cao và đã áp dụng rất thành công.
3.3. Cách ly bé
Cách làm này được rất nhiều mẹ áp dụng. Mẹ có thể cho con ngủ riêng với bố hoặc gửi ông bà khoảng 2-3 đêm để bé quen dần với việc không ti đêm nữa. Tuy nhiên, những ngày đầu bé sẽ rất khó chịu và quấy khóc, chính vì thế các mẹ phải thật quyết tâm mới thành công được.
3.4. Tạo cho bé thói quen mới trước khi đi ngủ
Nếu như bú mẹ là thói quen của bé trước khi đi ngủ thì giờ đây bố mẹ nên tập cho bé một thói quen mới chẳng hạn như: Hát ru con , đọc truyện, chơi cùng bé,...Điều này sẽ giúp bé quên đi việc đòi bú và cảm thấy thoải mái trước khi đi ngủ. Đừng vội nản chí và bỏ cuộc, hãy cứ tự tin làm theo kế hoạch bạn đề ra trước đó chắc chắn bạn sẽ thành công.
Để cai sữa đêm cho bé thành công, ngoài tâm sinh lý của trẻ thì sự kiên định của mẹ cũng đóng vai trò to lớn trong giai đoạn này. Bởi, việc chúng ta phải nghe tiếng khóc của trẻ là điều không dễ chịu chút nào. Mong rằng những thông tin hữu ích mà Chuyên mục Tập cho bé chia sẻ ở trên, sẽ giúp mẹ có quyết tâm và cùng bé vượt qua giai đoạn thử thách này một cách dễ dàng.
Phụng Nguyễn tổng hợp