Các món ăn mùa hè cho trẻ và những thắc mắc liên quan dành cho mẹ

Các món ăn mùa hè cho trẻ và những thắc mắc liên quan đều được bàn lại mỗi dịp mùa nóng tràn về. Bởi, việc cho trẻ ăn uống trong những ngày oi bức, với đa số các mẹ đều như một bài toán khó vậy. Để con ăn như thế nào thì tốt, món nào phù hợp cho mùa hè mà con vẫn thích ăn, làm sao cho bé không biếng ăn trong những ngày nóng?...Rất rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh mùa nóng nực này. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, Yeutre.vn đã tổng hợp những chia sẻ giải đáp, và thực đơn với những món ngon tiêu biểu dành cho bé yêu. Các mẹ hãy tham khảo nhé!

banner ads

mẹ nấu ăn
Mùa hè đã tới và việc lựa chọn các món ăn mùa hè cho trẻ một cách hợp lý là điều khiến nhiều bà mẹ nhức đầu. Ảnh Internet

1. Những nhóm thực phẩm mẹ nên cho bé ăn vào mùa hè

Một thực đơn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho bé sẽ trở thành điểm trừ trong màu nóng, nếu mẹ chỉ làm theo cảm tính. Mùa hè nóng nực ảnh hưởng rất nhiều đến khẩu vị, do đó, các mẹ hãy tìm hiểu và cân đối các nhóm thực phẩm, có cách chế biến phù hợp, để vẫn cung cấp cho con đủ chất, mà không chán ăn. Điều này chắc chắn sẽ giúp con vẫn có thể phát triển một cách tốt nhất ngay cả vào những ngày hè nắng nóng.

1.1 Nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết trong thực đơn mùa hè

chat xo
Các loại rau củ có tính mát sẽ giúp ích rất nhiều cho mùa hfe này. Ảnh Internet

Vào những ngày hè như thế này, mẹ nên đảm bảo cho bé được bổ sung đầy đủ chất xơ và các loại rau củ có nhiều vitamin và khoáng chất. Trong các nhóm thực phẩm , rau củ luôn cần thiết, có đặc tính mát sẽ giúp cơ thể bé giải độc, thanh nhiệt và kích thích sự ngon miệng của bé rất hiệu quả. Các loại rau củ có thể đề cập như: các loại đậu, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, rau ngót, mồng tơi, rau dền, rau muống. Thêm vào đó là những loại trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu, nho,... cũng có tác dụng rất tốt trong việc cung cấp nước và hạn chế được táo bón ở trẻ.

Mẹ nên lưu ý những loại trái cây nóng trong mùa hè như nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng, xoài,... sẽ khiến cơ thể bé bị nóng nếu như ăn quá nhiều.

1.2 Nhóm chất đạm

protein
Là nhóm cung cấp nguyên liệu chính để xây dựng các tế bào, xương, cơ và cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Ảnh Internet

Ngoài chú ý cung cấp nhóm thực phẩm rau củ, mẹ cũng nên bổ sung đầy đủ chất đạm (protein) cho trẻ. Là nhóm cung cấp nguyên liệu chính để xây dựng các tế bào, xương, cơ và cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Những thực phẩm giàu đạm và có tính mát mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho trẻ đó là: Nhóm đạm có nguồn gốc từ động vật như thịt nạc, cá tươi, tôm cua, sò, hến, trứng, sữa... Nhóm đạm có nguồn gốc từ thực vật các loại đậu, gạo, nếp, ngũ cốc, vừng, lạc,...

banner ads

1.3 Nhóm chất béo

fats
vai trò của nhóm chất béo này rất quan trọng cho cơ thể. Ảnh Internet

Dù trong mùa hè các mẹ vẫn thường được khuyến cáo là giảm lượng chất béo có trong thực đơn hàng ngày của bé, nhưng không có nghĩa là cắt giảm hoàn toàn. Vì, thực chất vai trò của nhóm chất béo này rất quan trọng cho cơ thể, vừa cung cấp năng lượng vừa là dung môi giúp các vitamin A, D, E, K dễ dàng hòa tan, hấp thu vào cơ thể. Vì thế, vào mùa hè mẹ nên lưu ý cho con ăn vừa đủ lượng chất béo cần thiết để cơ thể phát triển tốt. Nguồn thực phẩm cung cấp chất béo có lợi là từ mỡ cá, phô mát, trứng, sữa chua, dầu olive, dầu mè, bơ, sôcôla đen, các loại hạt,...

1.4 Nhóm bột đường

sugar powder group
Đây là nhóm giúp cung cấp nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Ảnh Internet

Đây là nhóm giúp cung cấp nguồn năng lượng chính cho cơ thể, chiếm 50% tổng nhu cầu năng lượng hằng ngày và là nhóm quan trọng tham gia vào quá trình cấu tạo tế bào. Vì vậy, mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ loại thực phẩm có nhóm này nhé, đặc biệt là vào mùa hè bé rất dễ bị mất sức vì thường hoạt động nhiều hơn. Những thực phẩm giàu chất bột đường thường gặp đó là gạo, mì, bún, phở, miến, các loại khoai, sắn, ngô (bắp), bánh mì,...

Và điều quan trọng nhất trong mùa hè đó là, mẹ nên cho bé uống đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần nhé.

2. Các món ăn mùa hè cho trẻ mẹ có thể tham khảo áp dụng

Để mùa hè không còn là nổi ám ảnh cho các bà mẹ trong vấn đề chọn món hay là thay đổi thực đơn hằng ngày cho bé, Yeutre.vn đã có những gợi ý tuyệt vời dành cho mẹ ngay đây.

thực đơn
Thay đổi thực đơn cho bé hàng ngày là điều nên làm trong mùa hè. Ảnh Internet

2.1 Thực đơn ăn dặm mùa hè cho trẻ sơ sinh

Thời điểm bé bước vào quá trình ăn dặm cũng đã khiến cho các mẹ nhức đầu, vào mùa hè nóng bức khiến con cũng tỏ ra chán ăn và khó chịu, mẹ càng mệt hơn. Tuy nhiên, những món ăn đơn giản nhưng có tác dụng tốt trong việc giải nhiệt và tạo cảm giác lạ miệng cho bé dưới đây, sẽ giúp mẹ giảm bớt khó khăn đi đấy.

2.1.1 Súp thịt bò khoai tây
  • Nguyên liệu: Thịt nạc bò, khoai tây, cà rốt và một chút dầu ăn (Mẹ có thể dùng dầu vừng, olive đều rất tốt cho bé)
  • Cách làm: Cà rốt và khoai tây hấp chín rồi nghiền nhuyễn. Thịt bò xay kĩ rồi thêm một chút nước hòa cho ta ra, mẹ nấu sôi rồi cho hỗn hợp củ nghiền nhuyễn vào, chờ đến khi sôi lại thì tắt bếp. Để nguội bớt và cho bé ăn. 
  • Lưu ý: Khi mẹ múc súp ra cho bé ăn thì thêm một chút dầu ăn cho bé vào khuấy đều nhé. Nếu bé chưa quen với độ thô của thức ăn, mẹ có thể để nguội súp, cho vào máy xay sinh tốt xay nhuyễn thêm, để con dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn. 
potato beef soup
Súp thịt bò khoai tây. Ảnh Internet
2.1.2 Súp gà
  • Nguyên liệu: Đậu Hà Lan, bắp ngọt, nấm hương và thịt gà.
  • Cách làm:  Mẹ cho đậu Hà Lan và bắp vào nồi và ninh nhừ. Tiếp đó ngâm nấm hương rửa sạch và thịt gà luộc chín thái nhỏ. Cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào xay thật nhuyễn sau đó nấu lại với một chút nước. Súp chín, mẹ múc ra để nguội bớt và cho bé dùng. 
2.1.3 Sữa chua dâu tây
  • Nguyên liệu: Dâu tây và sữa chua phù hợp độ tuổi của bé. 
  • Cách làm: Rất đơn giản, mẹ chỉ cần xay nhuyễn dâu tây rồi trộn với sữa chua là xong. Món này rất thích hợp với trẻ kể từ 7-8 tháng trở lên, trong mùa hè này đấy.
Súp dâu tây
Súp dâu tây với cách làm đơn giản nhưng rất bổ dưỡng cho bé yêu vào mùa hè đấy. Ảnh Internet
2.1.4 Cháo yến mạch sườn non hoa thiên lý
  • Nguyên liệu: Sườn non, bắp ngọt, hoa thiên lý, yến mạch.
  • Cách làm: Rửa sạch sườn non và ninh nhừ cùng với bắp. Sau khi ninh xong mẹ lấy phần thịt băm nhỏ. Hoa thiên lý thái nhỏ, yến mạch ngâm nở rồi cho lên bếp đun sôi khoảng 2 phút. Cho thịt sườn và hoa thiên lý vào khuấy đều cho đến khi hỗn hợp chín hẳn. Nếu bé chưa quen độ thô vẫn còn ăn nhuyễn, mẹ có thể để cháo nguội, xay nhuyễn, hâm nóng lại cho bé ăn. 
2.1.5 Cháo yến mạch tôm rong biển
  • Nguyên liệu: Rong biển khô, tôm, yến mạch
  • Cách làm: Mẹ ngâm rong biển khô cho đến khi nở và rửa sạch, băm nhỏ. Tôm luộc chín rồi xay lại cho nhuyễn. Đun sôi yến mạch đã ngâm 15 phút, cho rong biển và tôm vào. Khi hỗn hợp sôi lại lần nữa, đợi thêm vài phút rồi tắt bếp. Múc cháo ra để nguội bớt rồi cho bé dùng. 
chao
Những nguyên liệu của món cháo yên mạch tôm rong biển này thực sự rất bổ dưỡng nếu được kết hợp với nhau đấy các mẹ. Ảnh Internet
2.1.6 Chuối nghiền cho bé vào mùa hè
  • Nguyên liệu: 1/2 quả chuối chín, nước lọc/sữa mẹ/sữa công thức.
  • Cách làm: Cho chuối vào tô rồi nghiền nát, sau đó mẹ cho từ từ sữa hoặc nước vào cho đến khi hỗn hợp đạt được độ loãng, đặc như ý muốn.
  • Lưu ý: Mẹ không nên để món này lâu mà sau khi chế biến cho bé ăn liền vì chuối rất dễ bị thâm đen.
2.1.7 Hạt quinoa chuối và táo
  • Nguyên liệu: Hạt quinoa, chuối và táo
  • Cách làm: Đầu tiên mẹ nên rửa kĩ hạt quinoa để tránh bị đắng sau đó đun sôi cùng với nước trong khoảng 7 phút. Táo gọt vỏ, băm nhỏ và cho vào nồi nấu chung với hạt quinoa trong thời gian khoảng 30 phút. Sau khi hỗn hợp được nấu chín thì mẹ cho thêm chuối đã được nghiền vào.
  • Lưu ý: Mẹ có thể cho thêm sữa vào để tăng hương vị và dinh dưỡng cho bé.
táo
Hương vị của món ăn này chắc chắn sẽ kích thích khẩu vị của bé rất nhiều. Ảnh Internet
2.1.8 Cháo thịt khoai lang và cà rốt
  • Nguyên liệu: Thịt nạc, cà rốt, khoai lang gọt vỏ rửa sạch.
  • Cách làm: Mẹ luộc thịt thật chín rồi lấy phần nước nấu chung với khoai lang và cà rốt cho nhừ, sau đó nêm nếm cho vừa với khẩu vị của bé.
  • Lưu ý: Mẹ có thể xay nhuyễn ra cho bé ăn khi bé còn nhỏ tháng.
2.1.9 Súp khoai tây phô mai
  • Nguyên liệu: Khoai tây, thịt heo hoặc thịt gà, 1 - 2 viên phô mai nhỏ.
  • Cách làm: Việc đầu tiên mẹ cần làm đó là hấp chín và nghiền nhuyễn khoai tây. Sau đó băm nhỏ thịt và xay nhuyễn với nước dùng đun tới khi sôi thì cho khoai tây đã nghiền vào. Chờ tới khi sôi lại thì tắt bếp và cho phô mai vào khuấy đều.
súp
Súp khoai tây phô mai sẽ là lựa chọn lý tưởng cho bé vào mùa hè. Ảnh Internet

2.2 Các món ngon cho trẻ ăn cơm

Trong thực đơn hằng ngày vào mùa hè, với các bé đã ăn cơm, mẹ cũng nên thay đổi thường xuyên các món ăn, để tránh tình trạng bé ngán hoặc là chán ăn. Mẹ có thể tham khảo những món ăn dưới đây để thực đơn cho bé nhà mình thêm phong phú nhé.

2.2.1 Đậu hủ hấp thịt
  • Nguyên liệu: Đậu hủ non, thịt băm, trứng, hành.
  • Cách làm: Hành và thịt thái nhỏ rồi trộn đều với gia vị cho thấm. Cắt đậu hủ non thành từng miếng nhỏ rồi xếp vô tô to. Dàn đều hỗn hợp thịt băm lên đậu hủ sau đó cho trứng đã đánh đều lên trên. Bắc lên bếp hấp đến khi hỗn hợp chín là được.
2.2.2 Thịt gà viên rau củ
  • Nguyên liệu: Thịt gà, rau củ tùy chọn
  • Cách làm: Thịt gà và rau củ rửa sạch xay nguyễn sau đó mẹ chỉ cần khéo léo nặn thành những viên tròn nhỏ và chiên đến khi vàng đều là xong một món ăn hấp dẫn cho bé vào mùa hè.
57c556b994ff7da124ee
Một món ăn vừa lạ vừa quen chắc hẳn sẽ rất đưa cơm trong hè này. Ảnh Internet
2.2.3 Canh gà nấm
  • Nguyên liệu: Xương gà, nấm hương, súp lơ xanh, cà rốt
  • Cách làm: Ngâm nấm hương cho nở rồi làm sạch. Cà rốt gọt vỏ và rửa sạch cùng với súp lơ và thái miếng vừa ăn. Thịt gà mẹ nên ninh nhừ để lấy phần nước ngọt sau đó cho nấm hương vào nấu trước đến khi chín thì mới cho rau củ vào. Nêm nếm và đợi chín nữa là xong.
2.2.4 Cánh gà chiên nước mắm
  • Nguyên liệu: Cánh gà, nước mắm, tỏi và một xíu ớt.
  • Cách làm: Cánh gà rửa sạch luộc sơ sau đó bỏ vào chảo chiên ngập dầu, khi thấy cánh gà vàng giòn rồi mới với ra. Bước tiếp theo mẹ hãy băm nhỏ tỏi cùng với một xíu ớt nhỏ cho có vị. Phi thơm tỏi ớt với dầu, cho nước mắm và đường vào khi thấy hỗn hợp sệt lại thì bỏ từng cánh gà vào lăn đều cho ngấm là được.
cánh gà
Chắc chắn không bé nào có thể bỏ qua món ăn hấp dẫn này đâu ạ. Ảnh Internet
2.2.5 Tôm càng xanh kho nước dừa
  • Nguyên liệu chính: Tôm, nước dừa
  • Cách làm: Tôm làm sạch bỏ đầu xào chung với hành tỏi đã phi thơm, nêm nếm cho vừa ăn rồi cho nước dừa vào kho nhỏ lửa tới khi tôm dậy mùi là được.
2.2.6 Cá hồi nước tương và kỷ tử
  • Nguyên liệu: Cá hồi, nước tương, kỷ tử
  • Cách làm: Ướp hành tím băm nhỏ với nước tương sau đó phi hành thơm và cho cá vào kho đến khi cá chín. Cho thêm kỷ tử vào món ăn để bổ sung chất cho bé.
cá
Cá hồi sốt nước tương và kỷ tử là món ăn rất bổ dưỡng cho bé đặc biệt là vào mùa hè này. Ảnh Internet
2.2.6 Thịt bò cuộn phô mai
  • Nguyên liệu: Thịt bò, lòng đỏ trứng, dầu ăn, phô mai.
  • Cách làm: Thịt bò xay nhuyễn ướp với gia vị cho ngấm, sau đó cuộn lại lấy phô mai làm nhân rồi chiên chín các mặt.
  • Lưu ý: Món này có thể dùng ăn cơm hoặc là ăn vặt cũng rất thú vị đấy.
2.2.7 Cá hồi sốt chanh dây
  • Nguyên liệu: Cá hồi, sữa tươi không đường, chanh dây.
  • Cách làm: Ngâm cá hồi với sữa tươi trong 30 phút rồi để ráo sau đó áp chảo đều hai mặt. Cắt chanh dây lấy nước và hạt cho vào cá hồi đã áp chảo nêm nếm vừa ăn và nấu khoảng 3 - 5 phút là đã xong một món ăn bổ dưỡng cho ngày nắng này.
  • Lưu ý: Cá hồi không nên nấu kĩ vì sẽ dễ mất chất.
cá
Cá hồi áp chảo ăn chung với sốt chanh dây thì mùa hè này mẹ không phải lo bé chán ăn nữa rồi. Ảnh Internet

2.3 Các món cháo ngon bổ cho mùa hè bé nào cũng ăn được

Ngoài những món ăn dặm cho bé ăn dặm, hay các món mặn cho các bé ăn cơm, mẹ có thế thay đổi cho bé thêm những món cháo bổ dưỡng. Các món cháo vừa đổi vị, giúp bữa ăn trong những ngày này phong phú, dễ ăn trong mùa hè, lại bổ dưỡng.

2.3.1 Cháo móng giò hạt sen
  • Nguyên liệu: Móng giò làm sạch, hạt sen bóc vỏ, bỏ tâm, ngâm nước sôi 3-4 tiếng.
  • Cách làm: Cho gạo, chân giò, hạt sen vào nồi áp suất nấu đến khi chân giò và hạt sen nhừ là được.
  • Lưu ý: Mẹ có thể dùng thịt chân giò băm nhỏ rồi xào lên với hành, sau đó cho vào cháo nấu sôi lại một lần nữa. Với các bé còn độ tuổi ăn dặm từ khoảng 7-8 tháng trở lên, mẹ có thể xay nhuyễn cháo cho bé. Tuy nhiên, cho bé ăn lỏng để tránh sình bụng cho con. Với các bé lớn hơn, mẹ cho bé ăn bình thường như người lớn, lưu ý bảo đảm độ nhừ của hạt sen và thịt, tránh tình trạng bé bị hóc nhé. 
2.3.2 Cháo vịt đậu xanh
  • Nguyên liệu: Vịt, gạo và đỗ xanh
  • Cách làm: Cho vịt đã làm sạch và đỗ xanh vào ninh cùng với ít gạo. Sau đó, lấy vịt ra gỡ lấy thịt băm nhỏ và cho vào lại nồi cháo. Ninh nhừ hỗn hợp là đã có ngay một nồi cháo thơm ngon cho bé rồi. Món cháo này dành cho các bé từ 1 tuổi trở lên mẹ nhé. 
vịt
Cháo vịt đậu xanh có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho mùa hè này đấy. Ảnh Internet
2.3.3 Cháo ngao mồng tơi
  • Nguyên liệu: Ngao sống, mồng tơi, gạo tẻ.
  • Cách làm: Ngao ngâm nước khoảng 2 tiếng cho loại hết chất bẩn sau đó rửa sạch và luộc cho đến khi há miệng. Với hết phần ngao ra, lấy phần thịt xào sơ với mồng tơi. Gạo đem nấu chung với nước luộc tới khi thành cháo thì cho phần ngao xào vào đến khi món chao sôi lại là xong. Cháo ngao cũng dành cho các bé 1 tuổi trở lên. Tùy độ thô bé đã làm quen thế nào, mẹ xử lý thịt ngao cho phù hợp nhé. 
2.3.4 Cháo tôm bí đỏ
  • Nguyên liệu: Bí đỏ, ạo nếp, tôm tươi
  • Cách làm: Bí đỏ rửa sạch cắt nhỏ, tôm xay nhuyễn và ướp với chút hạt nêm, đầu hành giã nát. Cho gạo và bí đỏ vào ninh, khi mẹ thấy hỗn hợp cháo đã chín thì cho tôm vào khuấy đều. Với các bé lớn thì mẹ không cần xay tôm, có thể để nguyên con, bé dùng được. 
tôm
Cháo tôm bí đỏ sẽ là lựa chọn lý tưởng cho mẹ vào mùa hè này. Ảnh Internet
2.3.5 Cháo cá lóc đậu xanh
  • Nguyên liệu: Gạo, cá lóc phi lê, đậu xanh, nấm rơm
  • Cách làm: Đậu xanh ngâm qua đêm rửa sạch rồi cho vào nấu cùng với gạo. Nấm rơm rửa kĩ sau đó xào thơm với phần phi lê cá lóc băm nhỏ nêm nếm lại cho thơm rồi tắt bếp. Mẹ có thể cho cá đã xào vào nấu chung với cháo hoặc bỏ lên mặt cháo ăn riêng cũng được. Mẹ cần làm kỹ để tránh còn sót xương trong cháo. Với các bé nhỏ mẹ nên xay cháo, các bé lớn thì dùng như người lớn không cần xay. 
2.3.6 Cháo lươn cà rốt
  • Nguyên liệu: Gạo, thịt nạc, cà rốt, lươn.
  • Cách làm: Hấp chín lươn lấy phần thịt băm nhỏ. Mẹ ninh cà rốt chung với cháo rồi ninh nhừ sau đó bỏ lươn vào. Nêm gia vị phù hợp độ tuổi trẻ, nấu thêm 7 phút nữa là cháo đã chín.
cháo
Món cháo bổ dưỡng với màu sắc đẹp mắt sẽ giúp bé cảm thấy hứng thú hơn với bữa ăn rất nhiều. Ảnh Internet
2.3.7 Cháo tim mướp đắng
  • Nguyên liệu: Mướp đắng hoặc khổ qua, tim heo, rau muống, gạo.
  • Cách làm: Tất cả nguyên liệu mẹ rửa sạch rồi thái nhỏ rau muống và mướp đắng. Tim heo và gạo ninh chung với nhau, sau khi cháo nhừ mẹ cho mướp đắng vào, 2 phút sau thì cho tiếp rau muống và nêm nếm là đã xong. Mẹ cần xay cháo cho các bé nhỏ, các bé lớn nên băm nhỏ hoặc thái mỏng tim heo cho bé dễ ăn. 
2.3.8 Cháo cua biển
  • Nguyên liệu: Bột gạo, bột năng, cua
  • Cách làm: Mẹ luộc trước cua rồi tách lấy phần thịt xay nhuyễn hòa với một chút nước cho tan đều. Cho nước và bột năng vào nấu chín, tiếp tục cho bột gạo, cua vào đảo đều khoảng 2 phút. Thấy cháo mịn thì nêm nếm và tắt bếp. Món cháo này mẹ dùng cho trẻ trên 1 tuổi đề phòng trẻ nhỏ hơn dễ bị dị ứng với cua biển. 
  • Lưu ý: Mẹ nhớ cho bé ăn khi cháo còn nóng để không bị tanh và mất vị nhé.
cua
Mẹ nhớ cho bé ăn khi cháo còn nóng để không bị tanh và mất vị nhé. Ảnh Internet

2.4 Những món ăn vặt lý tưởng ngày hè cho bé

Ngoài những bữa ăn chính mẹ cũng nên thảo khảo thêm những món ăn vặt để làm bữa phụ cho bé. Bữa phụ thường giúp bé cảm thấy thoải mái hơn trong việc ăn uống vào những ngày hè. Đồng thời việc ăn bữa phụ vừa có tác dụng giảm ngán, và cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cho con yêu nữa đấy. Những món ăn vặt rất đơn giản nhưng mới lạ được chọn lọc dưới đây sẽ giúp mẹ làm cho danh sách các bữa phụ thêm phong phú. 

2.4.1 Rau củ chiên giòn

Món ăn vày vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản rất được các bé yêu thích. Dùng cho trẻ trên 1 tuổi. 

  • Nguyên liệu: Bột chiên giòn, đậu đũa, bí đỏ, cà rốt, đậu bắp, hành tây, cà tím, bông bí,...
  • Cách làm: Cắt khúc rau củ thành những miếng vừa ăn. Pha bột chiên giòn với lòng đỏ trứng và nước lạnh. Bước tiếp theo mẹ tẩm rau củ với bột rồi chiên qua dầu.
  • Lưu ý: Những loại củ lâu chín thì mẹ có thể luộc sơ rồi chiên. Món ăn này chấm với tương ớt trộn sốt mayonnaise cũng rất ngon. Món ăn này sẽ giúp bé hứng thú với việc ăn rau củ  trong những ngày chán ăn đó mẹ. 
rau
Một chút biến tấu với rau củ sẽ giúp bé thích ăn rau hơn đấy ạ. Ảnh Internet
2.4.2 Rong biển cuộn khoai tây
  • Nguyên liệu: Khoai tây, đậu hà lan, cà rốt, trứng gà và rong biển khô.
  • Cách làm: Khoai tây gọi vỏ hấp chín và nghiền nhuyễn. Cà rốt thái hạt lựu rồi luộc chung với đậu hà lan. Trứng gà mẹ luộc rồi lấy riêng lòng đỏ nhé. Tiếp theo mẹ cho hỗn hợp khoai tây, cà rốt, đậu và lòng đỏ trứng trộn đều với một chút muối. Nắm khoai tây thành từng viên dài nhỏ và cuộn lại với rong biển là có ngay một món mới lạ cho bé vào mùa hè. Món ăn này cũng dành cho bé trên 1 tuổi. 
2.4.3 Bánh rán đậu hà lan
  • Nguyên liệu: Đậu hà lan, trứng, bột mì, phô mai.
  • Cách làm: Đun sôi đậu với nước trong khoảng 4 phút, sau đó mẹ chia đậu ra thành 2 phần. 1 phần dùng để xay thành hỗn hợp trộn chung với trứng và bột mì. Phần còn lại mẹ trộn chung với phô mai. Bước cuối cùng là thả từng thìa hỗn hợp vào chiên tới khi chuyển vàng. Bánh dùng cho trẻ trên 1 tuổi. Mẹ có thể xay nhuyễn toàn bộ đậu nếu muốn ăn toàn hơn cho bé khi ăn phòng hóc. Với các bé lớn thì không cần xay.  
bánh
Bánh rán đậu hà lan. Ảnh Internet
2.4.4 Bánh khoai lang dẻo
  • Nguyên liệu: Khoai lang, bột năng/bột ngô.
  • Cách làm: Hấp chín khoai lang và nghiền thật nhuyễn sau đó cho bột vào nhào thật đều cho khối bột mềm dẻo. Sau đó, mẹ hãy khéo léo nặn thành những hình thù đẹp mắt và cho bánh vào xửng hấp chín. Bánh này dùng được cho các bé bắt ăn dặm đã ăn thô được. 
2.4.5 Bánh mì chuối
  • Nguyên liệu: Chuối, sữa, bánh mì lát.
  • Cách làm: Chuối dằm nát cùng sữa và một chút bột quế cho đến khi mịn mềm. Bánh mì cắt thành từng phần, nhúng chung với hỗn hợp chuối rồi chiên đều hai mặt. Bánh dùng được cho cả các bé ăn ăn dặm đã ăn thô giỏi. 
bánh chuối
Bánh mì chuối đơn giản nhưng sẽ là một món ăn vặt "đắt khách" cho hè này. Ảnh Internet
2.4.6 Kem chuối phủ phomai
  • Nguyên liệu: Chuối tiêu, kem heavy cream, Kem sô cô la magic 2 thành phần (loại kem này sẽ đông cứng lại khi tiếp xúc với kem), sữa tươi, đậu phộng rang.
  • Cách làm: Mẹ lấy chuối lột vỏ cắt khoanh cho vào xay cùng kem heavy cream, sữa tươi, đường. Cho hỗn hợp này vào khuôn kem để vào ngăn đá tủ lạnh. Khi kem đông hoàn toàn, mẹ lấy ra khỏi khuôn, nhúng vào sô cô la magic shell và rắc đậu phộng lên. Vậy là bé đã có cây kem chuối phủ sô cô la thơm phức giải nhiệt ngày hè rồi. Món ngon giải nhiệt hấp dẫn này dùng cho trẻ trên 1 tuổi trở lên mẹ nhé. 
2.4.7 Kem chanh dừa
  • Nguyên liệu: Chanh, sữa chua, nước cốt dừa.
  • Cách làm: Đầu tiên, để làm kem mẹ cần bào thật nhuyễn vỏ chanh, sau đó vắt nước cốt chanh vào cùng với vỏ, thêm sữa chua và đường bột vào khuấy đều. Cho hỗn hợp này vào máy xay cùng với nước cốt dừa cho thật mịn. Bỏ vào khuôn để vào ngăn đá là mẹ đã có ngay những que kem mát lạnh cho bé. Kem chanh dừa dùng cho trẻ hơn 1 tuổi trở lên. 
kem
Những món kem luôn là những lựa chọn hàng đầu cho bé trong mùa hè oi ả này. Ảnh Internet
2.4.8 Cơm cuộn
  • Nguyên liệu: Cơm, dưa leo, trứng, cà rốt, rong biển dạng miếng, dầu mè, tôm.
  • Cách làm: Cơm mẹ hãy trộn chung với một ít dầu mè cho tơi. Trứng chiên, tôm hấp, dưa leo mẹ cắt thành những thanh dài, còn cà rốt nếu bé không ăn sống được mẹ hãy luộc sơ trước rồi cũng cắt thành từng thanh dài nhé. Giờ thì trải cơm ra rong biển và cuốn chặt tay, cắt thành từng khoanh nhỏ. Giờ thì mẹ đã có ngay một bí quyết dụ trẻ ăn cơm thật dễ dàng rồi. Món ngon hấp dẫn này dành cho trẻ hơn 1 tuổi trở lên. 
cuộn
Với món ăn này thì mẹ đã có ngay một món dụ bé ăn cơm thật dễ dàng rồi. Ảnh Internet

Ngoài những món ăn vặt được kể trên thì mẹ có thể tham khảo thêm những món khác như: bánh flan, chè đậu, bánh quy bơ, kem trái cây,... để thay đổi hằng ngày cho trẻ nhé.

3. Bé nóng trong người nên ăn gì?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị nóng trong người, do thời tiết, các cơ quan trong cơ thể không thể đào thải hết các độc tố ra ngoài trong quá trình chuyển hóa. Nhưng nguyên nhân chủ yếu thường là do chế độ ăn uống quá nhiều chất đạm và uống ít nước. Nếu thấy con yêu đang có những dấu hiệu như lười ăn, khó ngủ, rôm sảy hay táo bón,... tùy từng độ tuổi, mẹ hãy chế biến những món ăn phù hợp để giúp bé trị nóng trong nhé.

Các món ăn được chế biến từ những thực phẩm dưới đây sẽ hỗ trợ rất tốt cho bé cải thiện tình trạng nóng trong người:

  • Rau ngót, mồng tơi giúp thanh nhiệt, dễ tiêu hóa và trị chứng táo bón.
  • Bột sắn dây có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giải cảm, sốt, nhức đầu, khát nước,...
  • Rau má làm giảm rôm sảy, mụn nhọt, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu.
rau má
Rau má rất tốt cho việc giải nhiệt trong mùa hè này. Ảnh Internet
  • Ăn khổ qua sẽ có tác dụng thanh lọc cơ thể, giải độc.
  • Những loại trái cây có tính mát cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều như: dưa hấu, dứa, chanh, táo, chuối, xoài, đu đủ, kiwi,...
  • Các món ăn dễ tiêu như cháo, súp, canh và rau xanh luôn được khuyến khích trong mỗi bữa ăn.
  • Bí đao, dưa leo, rau diếp cá cũng rất tốt cho bé khi bị nóng trong người đấy.
  • Mẹ nên cho trẻ vận động, khuyến khích trẻ lớn luyện tập thể thao để tăng cường giải độc cho cơ thể qua mồ hôi và nâng cao sức đề kháng.

4. Trẻ biếng ăn vào mùa hè mẹ phải làm sao?

biếng ăn
Trẻ biếng ăn vào mùa hè mẹ phải làm sao? Ảnh Internet

Mùa hè là thời điểm biếng ăn của hầu hết các trẻ nhỏ. Thời tiết nóng nực, oi ả của ngày hè là nguyên nhân chính tạo ra cảm giác chán ăn, không thèm ăn của bé, dẫn đến thiếu hụt về dinh dưỡng ảnh hưởng sự phát triển thể chất và trí não. Yeutre.vn sẽ chia sẻ cùng mẹ các giải pháp tối ưu để cứu nguy cho các mẹ trong mùa hè này như sau:

  • Trong những món ăn mẹ hãy cố gắng tạo những hình thù thật bắt mắt và hấp dẫn. Mẹ không nên bỏ quá nhiều đồ ăn cùng một lúc sẽ tạo cảm giác ngán ăn.
  • Thời điểm nhạy cảm này mẹ không nên chế biến quá nhiều món ăn từ dầu mỡ như chiên, nướng. Nên ưu tiên chọn những món hấp luộc để đảm bảo lượng nước nhất định cho cơ thể bé.
  • Các mẹ hãy thay đổi thực đơn thường xuyên và chiều theo những món ăn ưa thích của con để bé có hứng thú và ăn nhiều hơn.
  • Ngoài lượng nước cần nạp vào cơ thể mẹ hãy bổ sung thêm cho bé các loại sinh tố hoặc nước ép từ trái cây, rau củ.
nước ép
Ngoài lượng nước cần nạp vào cơ thể mẹ hãy bổ sung thêm cho bé các loại sinh tố hoặc nước ép từ trái cây, rau củ. Ảnh Internet
  • Ưu tiên nhất thực phẩm giàu kẽm, sắt như tôm, cua, hàu, trứng, tim, thịt bò,... Các hoa quả nhiều vitamin.
  • Không nên ép con ăn quá nhiều. Nếu cảm thấy khó khăn khi trẻ ăn ít mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn hàng ngày.
  • Có thể cho bé tham gia vào quá trình nấu ăn. Điều này sẽ giúp cn cảm thấy hứng thú và ăn hết món mà mình tự tay làm ra.
  • Luôn khuyến khích con và tránh quát mắng sẽ khiến trẻ chán ghét việc ăn uống.
  • Điều quan trọng nhất là mẹ hãy đẩm bảo con có giấc ngủ thoải mái trong mùa hè để giúp bé có thể khỏe khoắn và ăn uống cũng ngon miệng hơn.

5. Những lưu ý cho mẹ khi chế biến thực phẩm mùa hè cho trẻ

paper 1356477_960_720
Lưu ý cho mẹ khi chế biến thực phẩm mùa hè cho bé. Ảnh Internet

Mùa hè là mùa rất dễ gây ra các bệnh lây nhiễm như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, thủy đậu, cảm cúm, nóng trong người. Vì thế không chỉ lựa chọn các món ăn mùa hè cho trẻ một cách phù hợp, mà còn trong quá trình chế biến cũng như lựa chọn thực phẩm mẹ nên lưu ý những điều sau đây:

  • Ăn chín uống sôi: Sử dụng thức ăn chưa chín dễ khiến bé rơi vào tình trạng đau bụng, nôn mửa, ngộ độc thức ăn. Vì thế mẹ hãy luôn đảm bảo rằng thức ăn của trẻ đã được nấu chín hoàn toàn và là những thực phẩm tươi sống.
  • Không nên lưu trữ thức ăn quá lâu: Trong những ngày hè thời tiết nóng sẽ làm thức ăn dễ bị ôi thiu hơn. Vì thế, việc lưu trữ, bảo quản thức ăn chỉ nên để tối đa 2 tiếng đồng hồ trong nhiệt độ thường.
  • Mua những thực phẩm tin cậy: Mẹ nên lưu ý chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng và đảm bảo vệ sinh cho bé. Ví hệ tiêu hóa của trẻ kém hơn so với người lớn nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
  • Chú ý lượng muối trong thức ăn: Tùy vào từng độ tuổi mà trẻ sẽ có tiêu chuẩn lượng muối cho riêng mình. Mẹ nên nắm rõ đẻ tránh tình trạng cho bé ăn quá mặn sẽ gây nên vấn đề thiếu nước và các bệnh liên quan.
muối
Mẹ nên nắm rõ lượng muối cần thiết với độ tuổi của bé để tránh cho bé ăn quá thừa hoặc quá ít so với tiêu chuẩn. Ảnh Internet
  • Vệ sinh sạch sẽ: Trước mỗi bữa ăn mẹ hãy nhắc nhở và hướng dẫn con vệ sinh tay chân kĩ càng. Điều này sẽ hình thành nên một thói quen tốt, rất có lợi cho trẻ.
  • Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Sẽ có rất nhiều loại thực phẩm kỵ nhau và nếu nấu chung sẽ gây ngộ độc hoặc mất hết dưỡng chất như: Tỏi và trứng vịt, sữa đậu nành và đường đen, các loại hải sản và thực phẩm có vitamin C, thịt gà với tôm,...

Việc lựa chọn các món ăn mùa hè cho trẻ một cách hợp lý sẽ giúp bé phát triển một cách tốt nhất và tránh được những bệnh có thể mắc trong mùa hè này. Mẹ cũng nên chú ý cho bé ăn uống một cách vệ sinh, lưu ý cẩn thận trong việc chọn lựa và chế biến, tránh những thực phẩm không tốt cho trẻ trong mùa nóng. Yeutre.vn chúc mẹ cùng bé đón mùa hè trong háo hức và nhất là mẹ sẽ không lo chuyện ăn uống của con trong mùa hè này nữa nhé. 

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI