Dưới đây là danh sách tổng hợp một số các loại cháo cho bé ăn dặm theo kiểu truyền thống, siêu hấp dẫn dành cho các bé 6 tháng đến 1 tuổi. Các mẹ hãy tham khảo để bổ sung thêm vào thực đơn ăn dặm hàng ngày cho bé.
1. Mẹ nên lưu ý đến công đoạn lựa chọn và chế biến các loại cháo cho bé ăn dặm
- Về lựa chọn thực phẩm: Nên lựa chọn các phần thịt, cá, rau củ tươi, ưu tiên các phần thịt mềm.
- Về lịch ăn: Trẻ 6 tháng tuổi có thể ăn dặm ngày 2 bữa, cụ thể là bữa trưa ăn dặm thịt/ cá/ rau, bữa chiều ăn dặm với hoa quả (nên ăn hoa quả nghiền nhuyễn chứ không nên dùng nước ép). Ngoài ra vẫn cần đảm bảo các cữ bú và uống sữa công thức như bình thường. Lịch ăn dặm của con có thể thay đổi khi bé lớn dần, mẹ có thể cho con ăn dặm ngày 3 bữa.
- Về cách cho ăn: Cho phần thức ăn ra đĩa và dùng thìa nhỏ, xúc từng thìa một cho bé ăn. Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi ăn dặm chỉ là bước khởi đầu làm quen, vì thế, thời điểm này mẹ không nên quá quan tâm đến liều lượng, con ăn nhiều hay ít. Nếu bé không thích ăn thì không nên ép con ăn, thử lại vào các bữa sau. Thực đơn ăn dặm của con được chia theo các giai đoạn cụ thể.
- Giai đoạn trẻ 6 tháng trở lên: Cho các bé ăn chủ yếu ăn các món bột như lòng đỏ trứng gà, đậu hũ, thịt heo, bò, gà, tim, sườn,…
- Giai đoạn trẻ 7 tháng trở lên: Có thể cho bé bắt đầu thử nghiệm với một số món tanh như: bột cua đồng, chim bồ câu, cá, lươn,…
- Giai đoạn trẻ trên 8 tháng tuổi: Có thể cho bé làm quen với hải sản như ngao, ghẹ, tôm, cua, cá...
- Giai đoạn trẻ trên 9 tháng tuổi: Cho trẻ bắt đầu làm quen với cháo hạt hoặc thức ăn được xay mịn.
- Giai đoạn trẻ trên 1 tuổi: Lúc này bé có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm như người lớn, chuyển từ thực phẩm xay mịn sang băm nhỏ, và nên tăng dần độ thô để con tập và hoàn thiện kĩ năng nhai, nuốt.
Các mẹ nhớ không cần nêm gia vị để không ảnh hưởng tới thận, hệ tiêu hóa của con nhé!
2. Thực đơn các loại cháo cho bé ăn dặm dưới 1 tuổi
2.1 Món cháo gà, cà rốt
Nguyên liệu
- Gà thái nhỏ
- Cà rốt thái nhỏ
- Hành tây băm nhỏ
Cách chế biến
- Cho 1 chút dầu vào nồi, dầu nóng già thì cho hành tây vào xào, tiếp theo cho gà vào xào rồi đến cà rốt. Hỗn hợp chín thì cho cháo vào, nấu sôi đến khi cà rốt chín nhừ là xong.
2.2 Cháo chim câu, đỗ Hà Lan và ngô ngọt
Nguyên liệu
- 200g thịt chim bồ câu
- 100g đỗ Hà Lan
- 100g ngô ngọt
Cách chế biến
- Chim bồ câu làm sạch luộc chín cùng đỗ Hà Lan và ngô ngọt.
- Gỡ lấy phần thịt chim rồi băm nhỏ, đỗ Hà Lan và ngô ngọt đem xay nhuyễn
- Lấy nước luộc chim câu và củ quả đem nấu với cháo trắng, cháo chín cho thịt chim vào nấu cùng sau đó cho đỗ Hà Lan và ngô ngọt đã xay vào nấu cùng cháo cho đến khi cháo sôi lục bục trở lại khoảng 2 - 3 phút thì tắt bếp.
- Đổ cháo vào đĩa hoặc bát, chờ nguội bớt đến ấm rồi bắt đầu cho bé ăn.
2.3 Món cháo thịt heo, khoai lang, cà rốt
Nguyên liệu
- 200g thịt heo nạc
- 100g khoai lang
- 1 củ cà rốt
Cách chế biến
- Cho cà rốt và khoai lang thái hạt lưu vào hấp chín.
- Luộc thịt rồi lấy phần nước để nấu cháo trước khi đổ các nguyên liệu đã chuẩn bị vào.
- Nấu đến khi cháo chín, khuấy đều, múc ra cho bé ăn.
2.4 Cháo tôm, cải xanh
Nguyên liệu
- 25 g gạo tẻ,
- 20 g tôm
- 10 g cải xanh
Cách chế biến
- Gạo nhặt sạch, vo sơ, nấu chín mềm để được một bát cháo đặc.
- Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, đuôi, chỉ đen, băm nhuyễn.
- Cải xanh rửa sạch, thái thật nhuyễn hoặc băm nhỏ.
- Hòa cháo đặc và tôm trong 1/2 bát nước, bắc lên bếp nấu sôi 2 - 3 phút. Cho tiếp rau cải xanh vào, đảo đều, tắt bếp. Nếu muốn giảm vị nồng của cải, đun thêm 2 - 3 phút. Để cháo hơi nguội, khuấy đều và múc ra tô cho bé thưởng thức.
2.5 Cháo mực, cà rốt, thì là
Nguyên liệu
- 50g mực tươi
- Củ cà rốt
- Rau thì là
Cách chế biến
- Mực mua về lột lớp mang bên ngoài, dùng dao rạch bụng mực ra bóp với muối và rượu trắng, rửa lại bằng nước thật sạch, thái miếng vừa rồi băm nhuyễn.
- Hành củ băm ra rồi xào với mực, để lửa to và xào nhanh tay và chín tới cho mực không bị ra hết nước ngọt.
- Cà rốt luộc chín tới để giữ lại vitamin trong cà rốt.
- Bé nào ăn được lổn nhổn thì sẽ băm mực xào và băm cà rốt, còn bé nào chưa ăn được thì phải xay nhuyễn, khi xay nhớ thái nhỏ mực và cà rốt ra để xay nát hơn, có thể dùng nước luộc cà rốt xay cùng nha các mẹ.
- Bắc nồi cháo trắng lên, cho mực băm (xay) và cà rốt băm (xay) vào khuấy cùng nêm nếm gia vị cho vừa miệng, cho thì là thái nhỏ vào rồi bắc ra.
- Múc cháo ra tô cho bé ăn.
Các loại cháo cho bé ăn dặm tuy đơn giản những cũng có thể khiến cho các mẹ đau đầu, vì mẹ luôn phải đảm bảo đủ 4 thành phần: tinh bột, đạm, chất xơ và chất béo. Lời khuyên cho các mẹ là không nên cho bé ăn quá nhiều một loại cháo vì như vậy sẽ làm bé dư chất này, thiếu chất khác. Mẹ cần phải thay đổi thực đơn liên tục là rất quan trọng, nhằm cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng, cũng như tránh được tình trạng bé biếng ăn vì ngấy thức ăn.
Hạnh Sử tổng hợp