Hôm nay, bạn sẽ được biết công thức làm cả hai loại mứt gừng dẻo và mứt gừng lát khô theo những hướng dẫn sau:
1. Cách làm mứt gừng lát khô cay nồng
Mứt gừng lát khô cay nồng
Trong hộp mứt Tết đãi khách của các gia đình, mứt gừng sẽ là lựa chọn phù hợp nhất trong những ngày xuân se lạnh.
Nguyên liệu:
- 1kg gừng tươi (chọn gừng già nếu muốn tăng vị cay)
- 450g đường cát trắng
Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị sẵn thau nước bên cạnh, vừa cạo sạch vỏ gừng xong thì thả ngay và thau nước.
Bước 2: Cắt chéo củ gừng nghiêng góc 45 độ thành từng lát mỏng và tiếp tục thả vào thau nước.
Bước 3: Vớt gừng ra thau, cho vào nồi và đun sôi khoảng 8 phút.
Bước 4: Đổ gừng ra thau nước lạnh và xả lại vài lần để làm sạch. Sau đó tiếp tục đem nấu gừng lần 2 để khử bớt vị cay. Sau khi nấu, trút gừng ra rổ và để ráo.
Bước 5: Khi gừng đã ráo khô, bạn cân lại còn khoảng 600g. Lúc này, bạn đem gừng trộn với đường và để ngấu khoảng 4-5 tiếng.
Bước 6: Dùng chảo sâu lòng nấu gừng và nước đường. Khi nước đường sôi lên, bạn hãm nhỏ lửa và sao đều cho đến khi gừng khô lại, đường áo đều quanh mỗi lát gừng thì tắt bếp.
Bước 7: Để gừng nguội và cho vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp đợi ngày đãi khách.
2. Cách làm mứt gừng dẻo ngon
Mứt gừng dẻo thơm
Trẻ con thường không ăn được mứt gừng vì chúng quá cay, nhưng với phiên bản mứt gừng dẻo thì bé có thể nhâm nhi được một chút để giữ bụng ấm trong những ngày Tết.
Nguyên liệu:
- 350g gừng non
- 1 trái dứa nhỏ (khoảng 150g)
- 200g đường
- 1 viên phèn chua
- 2 quả chanh
Cách làm:
Bước 1: Gọt vỏ trái dứa, cắt bỏ mắt, sau đó bổ làm tư, bỏ lõi và băm nhuyễn.
Bước 2: Rửa gừng thật sạch, gọt vỏ và ngâm vào thau nước có pha chanh. Sau đó thái gừng thành từng lát mỏng và tiếp tục thái sợi chỉ. Để gừng không bị thâm đen, bạn nên tiếp tục cho gừng ngâm trong thau nước pha chanh.
Bước 3: Vớt gừng ra, xả lại với nước, sau đó cho vào nồi nước chần qua với phèn chua trong ít phút. Sau khi chần xong, đổ gừng ra rổ và tiếp tục xả lại nước lạnh vài lần để khử sạch phèn.
Bước 4: Trộn gừng, dứa và đường với nước cốt của quả chanh còn lại và ngâm qua đêm để ngấu đường.
Bước 5: Khi đường tan hoàn toàn, cho lên chảo sâu lòng và nấu. Khi nước đường sôi, hãm nhỏ lửa và sên đến khi gừng dẻo thì tắt bếp.
Bước 6: Trải mứt gừng ra mâm và đợi nguội trước khi cho vào hũ thủy tinh đậy kín.
Khi ăn, có thể trộn thêm ít đậu phộng giã thô sẽ thấy được vị bùi quyện trong vị chua, cay, ngọt hài hòa của mứt rất thú vị.
Chúc bạn thành công với 2 công thức làm mứt gừng dẻo và mức gừng khô trên đây nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết sau nếu bạn quan tâm: