1. Các bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến nhất
Theo các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Excellence Úc về Khoa học thị lực cho rằng, sức nhìn của trẻ có thể giảm dần sau 15 tuổi, do đó để đề phòng các bệnh về mắt cho con, thì ngay từ bây giờ, bố mẹ hãy nắm thật kỹ những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ nhỏ để phòng ngừa và điều trị càng sớm càng tốt. Các bệnh về mắt ở trẻ em thường gặp nhất được liệt kê như dưới đây.
1.1. Tắc tuyến lệ
Theo các thống kê, có khoảng 6% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ khi sinh ra. Tuy không quá nguy hiểm nhưng tình trạng tắc tuyến lệ cần được điều trị sớm để tránh xảy ra viêm nhiễm và tạo tâm lý lo lắng về sau cho các bậc phụ huynh.
1.1.1. Nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ
Nước mắt thường được tạo ra từ tuyến lệ đạo, đóng vai trò bôi trơn và làm sạch cho mắt. Khi cử động, những giọt nước mắt này sẽ bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong của mắt, nhờ đó, nước mắt thoát ra khỏi mắt nhỏ xuống ống lệ tỵ (ống mũi - lệ) vào phía sau của mũi. Tuy nhiên, nếu ống dẫn không được mở hoàn toàn sẽ khiến cho các giọt nước mắt không thoát ra được sẽ tạo nên hiện tượng tắc tuyến lệ.
Bên cạnh đó, tắc tuyến lệ ở trẻ còn do tình trạng viêm nhiễm gây nên. Chúng làm cho nước mắt không được lưu thông khiến đôi mắt của bé lúc nào cũng ngập nước mắt.
1.1.2. Dấu hiệu của viêm tuyến lệ
Mẹ hoàn toàn có thể nhận thấy những thay đổi bất thường từ mắt bé khi bị viêm tuyến lệ thông qua:
- Bé thường xuyên bị chảy nước mắt.
- Mắt trẻ lúc nào cũng ươn ướt kèm theo đỏ.
- Sau khi ngủ dậy, xung quanh mắt con có nhiều gỉ vàng.
- Vùng da xung quanh mắt nổi ban đỏ do kích ứng hoặc sưng.
1.1.3. Các biện pháp điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ
Theo như khuyến cáo, tất cả các biện pháp điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ cần có sự hướng dẫn và cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Nhất là đối với những trường hợp cần phải sử dụng thuốc kháng sinh. Trong đó, các biện pháp chữa trị phổ biến nhất là:
- Lau sạch mắt cho bé: Mẹ cần dùng nước sạch và bông gòn nhẹ nhàng lau hết những gỉ vàng ở mắt bé. Cần phải giữ cho mắt bé thật sạch sẽ để tránh viêm nhiễm. Nếu trong quá trình bệnh, nếu mẹ thấy mắt bé xuất hiện những dấu hiệu như đỏ, sưng hay vàng thì chứng tỏ mắt bé đang bị nhiễm trùng. Khi đó, cách tốt nhất là đưa con đến gặp bác sĩ.
- Massage tuyến lệ đúng cách: Trước khi tiến hành cách này, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Để massage tuyến lệ, mẹ dùng ngón tay (đã được vệ sinh sạch) di chuyến nhẹ nhàng từ góc trong của mí mắt về phía mũi của con. Quá trình massage sẽ tạo áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và mở chúng ra. Mỗi lần thực hiện nên kéo dài trong khoảng từ năm đến mười phút, ít nhất sáu lần một ngày, mẹ nhé.
- Thông tuyến lệ: Đây là cách làm sau cùng khi đã áp dụng những biện pháp trên không hiệu quả. Lúc này, bố mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị. Bé có thể được dùng thuốc hoặc biện pháp thông bằng một ống nhỏ luồn vào bên trong tuyến lệ bị tắc để thông. Nếu các biện pháp trên đều thất bại bé cần được tiến hành phẫu thuật mở rộng tuyến lệ.
1.2. Tật khúc xạ - một trong các bệnh về mắt ở trẻ em cực kỳ phổ biến
Tật khúc xạ là 1 trong các bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến nhất. Có 3 loại tật khúc xạ phổ biến nhất mà trẻ thường hay gặp nhất là cận thị, viễn thị và loạn thị. Trong đó, cận thị chiếm tới 2/3 số ca mắc tật khúc xạ. Cụ thể:
1.2.1. Cận thị
Trẻ bị cận thì thường chỉ nìn thấy rõ các vật ở gần và nhìn mờ tương đối với các vật ở xa hơn nhờ vào chức năng điều tiết của mắt.
Về cơ chế bệnh sinh, cận thị được chia làm 4 loại:
- Cận thị đơn thuần: Đây là loại cận thị thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học từ 8 đến 18 tuổi và thường đi kèm vưới loạn thị. Nguyên nhân là do mắt phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thể thủy tinh bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Lúc này, để có thể nhìn rõ, trẻ phải đưa hình ảnh lại gần và mắt sẽ nhìn không rõ các vật ở xa tùy theo mức độ cận thị. Tuy nhiên, cận thị đơn thuần thường có độ cận nhỏ hơn 6 đi-ốt, chỉ phát triển trong một thời gian và ngưng lại ở một mức độ nhất định.
- Cận thị thứ phát: Cận thị thứ phát có thể là do trẻ bị sơ hóa thủy tinh thể, tác dụng phụ khi tiếp xúc với các loại thuốc kê đơn, do đường huyết tăng cao hoặc một số nguyên nhân khác. Cận thị thứ phát thường tồn tại một thời gian ngắn, sau đó, mắt hồi phục như bình thường.
- Cận thị ban đêm: Đây là tình trạng cận thị khi tầm nhìn của trẻ bị giảm vào ban đêm hoặc khi ánh sáng yếu, nhưng ban ngày tấm nhìn của mắt vẫn bình thường. Do cường độ ánh sáng yếu, nên cảnh vật có độ tương phản không tốt, làm cho mắt không có một điểm kích thích điều tiết. Khi bị bệnh, đồng tử sẽ phải điều tiết giãn ra để thu được nhiều ánh sáng hơn dẫn đến việc hình ảnh sẽ bị biến dạng khi tới mắt.
- Cận thị giả: Tình trạng cận thị giả xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, khiến các cơ thể (mi) phụ trách chỉnh khả năng điều tiết (mắt) bị co cứng, khiến tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời. Biểu hiện cũng sẽ như cận thị đơn thuận nhưng sẽ hồi phục nếu tuân thủ chế độ nghỉ ngơi đầy đủ
1.2.2. Viễn thị
Ngược lại với cận thị, trẻ bị viễn thị chúng có thể nhìn thấy những vật ở xa rất tốt, nhưng gặp khó khăn khi tập trung vào những vật ở gần, do trục của mắt quá ngắn hoặc giác mạc không đủ độ cong. Có 3 nguyên nhân chính gây nên tật viễn thị đó là:
- Do bẩm sinh và một số trẻ có khả năng hết viễn thị khi lớn.
- Không giữ đúng khoảng cách khi học tập và làm việc
- Do khối u nhưng hiếm gặp
- Trẻ bị viễn thị thỉnh thoảng sẽ thấy nhức đầu hoặc đau mắt, phải nheo mắt hoặc cảm thấy mệt mỏi khi làm việc ở khoảng cách gần.
1.2.3. Loạn thị
Tình trạng loạn thị xảy ra khi trẻ nhìn thấy hình ảnh bị méo mó, nhòe hoặc mờ ở mọi khoảng cách, do độ cong của giác mạc hoặc thủy tinh thể không đồng đều và trơn láng. Nguyên nhân có thể là do bẩm sinh, sau một chấn thương về mắt hoặc do phẫu thuật. Người bị loạn thị có thể cùng lúc mặc tật cận thị hoặc viễn thị hay có khi chỉ bị loạn. Loạn thị ở trẻ sơ sinh thường tự biến mất hoặc có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Mặc dù không gây ra nhiều nguy hiểm, nhưng các tật khúc xạ sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập, cuộc sống và các hoạt động khác. Ba mẹ cần nhận biết kịp thời để có các biện pháp điều trị thích hợp mang đến tầm nhìn tốt hơn cho con. Các biện pháp phổ biến hiện nay là đeo kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật.
1.3. Lác/ lé mắt ở trẻ - bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến thứ 3 sau tắc tuyến lệ và tật khúc xạ
Bệnh lác hay còn gọi là bệnh lé mắt là tình trạng hai mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Lé mắt có thể bị trên một mắt hoặc cả hai mắt theo hướng lệch vào trong hay lệch ngoài. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lác mắt nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến thị lực.
1.3.1. Nguyên nhân gây ra bệnh lác mắt ở trẻ
Bệnh lác mắt xảy ra do sự khác biệt về cơ xung quanh mỗi mắt, cụ thể mắt bạn có 6 cơ xung quanh chỉ cho phép tập trung vào một vật. Nếu một trong các cơ không còn phối hợp đồng bộ với nhau sẽ dẫn đến hiện tượng lác/ lé mắt.
Bên cạnh đó, ở một số trường hợp, lé mắt còn có thể do bẩm sinh, do các tật khúc xạ hoặc từ các bệnh khác như tiểu đường, bệnh Grave, hội chứng Guillain-Barré, chấn thương sọ não.
1.3.2. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lé mắt
Lé mắt rất dễ nhận biết khi thấy hai mắt có sự lệch nhau, tuy nhiên đối với những trường hợp lé ẩn thì phải cần đến bác sĩ nhãn khoa mới phát hiện được, nhưng nó vẫn có các triệu chứng chủ quan như:
- Trẻ thường xuyên bị mỏi mắt, khả năng tập trung của con kém.
- Đi lại hay vấp té, hậu đậu và làm việc không được chính xác.
- Bên mắt lé thường sẽ mờ hơn bên không lé.
1.3.3. Điều trị bệnh lé mắt ở trẻ
Tùy theo độ tuổi và trường hợp lé sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau:
- Tập liếc, qui tụ sang hướng ngược chiều lé.
- Che mắt ở mắt khỏe hơn và tập nhìn mọi vật bằng mắt yếu hơn.
- Phẫu thuật điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa hai mắt về thẳng trục.
- Tiêm thuốc,...
1.4. Viêm kết mạc do nhiễm khuẩn
Kết mạc mắt là lớp màng niêm mạc che phủ phần củng mạc (lòng trắng) của nhãn cầu và phía trong của mi mắt. Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ xảy ra khi lớp niêm mạc bị viêm do các tác nhân bên ngoài, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em.
1.4.1. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm kết mạc
1.4.1.1. Viêm kết mạc do virus
Viêm kết mạc do virus là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là do Adenovirus và rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của bệnh nhân.
Biểu hiện chủ yếu khi bị viêm kết mạc do virus là kết mạc mắt bị đỏ, ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm ở mắt, phù mi, đôi khi còn kèm theo ho, sốt, viêm họng, giảm thị lực, có thể bị ở một hoặc cả hai mắt.
Bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên bố mẹ cần chườm mát, rửa mắt cho bé bằng nước sạch, tránh để mắt khô bằng cách nhỏ thêm nước mắt nhân tạo kèm kháng sinh phòng bội nhiễm.
1.4.1.2. Viêm kết mạc mắt do vi khuẩn
Do các vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza... bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vận dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt, có thể gây tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng chủ yếu là ngứa, chảy nước mắt, xuất hiện gỉ mắt màu xanh/ vàng dính vào mi khi ngủ dậy, kết mạc mắt đỏ, ở trường hợp nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi, có thể bị ở một hoặc cả hai mắt.
Bố mẹ có thể điều trị cho trẻ bằng kháng sinh hoặc thuốc tra mắt theo hướng dẫn của bác sĩ.
1.4.1.3. Viêm kết mạc mắt do dị ứng
Có thể xảy ra trên những người dị ứng với bụi, lông vật nuôi, phân hoa, thuốc..., bệnh có thể tái đi tái lại theo mùa và không lây. Triệu chứng của viêm kết mạc do dị ứng là xuất hiện theo mùa, ngứa và chảy nước mắt, thường kèm theo viêm mũi và bị ở cả hai bên mắt.
Đối với bệnh viêm kết mạc này, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân chính gây dị ứng ở bé và điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, nước nhỏ mắt nhân tạo để giảm khó chịu.
2. Các bệnh về mắt ở trẻ em ở mức độ rất nguy hiểm
Đối với những bệnh về mắt gây nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến thị giác cần phải được tìm hiểu thật kỹ nhằm tránh để lại cho con các biến chứng không đáng có. Cụ thể như:
2.1. Ung thư võng mạc
Ung thư võng mạc thường xảy ra ở trẻ nhỏ với 90% ca được chuẩn đoán là dưới 4 tuổi, đây là dạng ung thư khởi phát ở võng mạc - lớp cuối cùng bên trong mắt, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến võng mạc, mô thần kinh sau mắt và đe dọa đến tính mạng. Đây được coi là bệnh ung thư mắt phổ biến nhất ở trẻ em. Nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư võng mạc được cho là do đột biến gen retinoblastoma-1 (RB1) di truyền từ bố mẹ sang con, hoặc do khi mang thai người mẹ bị nhiễm virus.
2.1.1. Triệu chứng của ung thư võng mạc
Triệu chứng rõ ràng nhất mà bố mẹ có thể phát hiện ra đó là ở con ngươi của bé hiện lên màu trắng khi được chiếu ánh sáng vào và rõ ràng hơn khi chụp ảnh dưới đèn flash.
Bên cạnh đó còn có các triệu chứng khác như:
- Mắt trẻ trông có vẻ như nhìn theo hai hướng khác nhau.
- Mắt đỏ và sưng trong thời gian dài.
- Nhãn cầu to hơn bình thường, lồi mắt.
- Dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau),...
2.1.2. Điều trị ung thư võng mạc ở trẻ
Việc điều trị ung thư võng mạc ở trẻ con phụ thuộc vào một hay hai mắt bé bị ảnh hưởng và tình trạng lây lan của bệnh ra các bộ phận khác.
Trong đó, các hướng điều trị bao gồm:
- Nếu khối u của con lớn cần được tiền hành loại bỏ mắt để bảo toàn thị lực cho mắt còn lại hoặc để tránh lây lan.
- Nếu khối u nhỏ có thể dùng bức xạ/ không khí cực lạnh/ dùng laze/ dùng nhiệt hoặc dùng thuốc để diệt tế bào ung thư.
Do đó, để phòng ngừa tốt nhất cho trẻ là trong vòng 3 năm đầu tiên phải đưa đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Đặc biệt là đối với những trẻ mà gia đình có tiền sử bệnh để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
2.2. Bệnh glôcôm bẩm sinh ở trẻ
Glôcôm bẩm sinh là căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm không thể hồi phục như mù lòa, mờ mắt. Bệnh glôcôm hay còn gọi là bệnh cườm nước phần lớn được phát hiện muộn sau khi sinh và tỉ lệ gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái (65%/35%) với nhiều triệu chứng khách nhau bao gồm: Trẻ thường xuyên cảm thấy chói mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng mắt không trong suốt, co quắp mi. Ở giai đoạn muộn, nhãn cầu trẻ sẽ to bất thường và nhìn kém.
2.2.1. Nguyên nhân gây ra tình trạng glôcôm bẩm sinh
Nguyên nhân gây bệnh glôcôm bẩm sinh là do: Cơ thể bé ngừng phát triển hoặc kém phát triển của góc mống mắt giác mạc ở giai đoạn thai kỳ làm tăng kháng trở thoát lưu thủy dịch, ngoài ra bệnh còn do di truyền, cấu trúc của mắt nhỏ, cận thị, tiểu đường, chấn thương,...
2.2.2. Phương pháp điều trị glôcôm bẩm sinh
Hiện nay, phẫu thuật mở góc không can thiệp vào các mô xung quanh mắt trong điều trị bệnh này đã được thực hiện thành công giúp mắt trẻ ít bị kích thích và phục hồi nhanh. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý và đưa trẻ đi khám để điều trị sớm khi thấy những triệu chứng bất thường.
2.3. Đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em
Bệnh đục thủy tinh thể không chỉ xuất hiện ở người già, nhưng đây lại là một nhận định hoàn toàn sai. Theo một số thống kê cho thấy, đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù cho khoảng 5% - 20% trẻ em trên thế giới, nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì khi lớn lên cho dù đã được tiến hành mổ thay thế thủy tinh thể thì thị lực của trẻ cũng sẽ rất kém.
2.3.1. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể bẩm sinh như: di truyền, do nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân. Đặc biệt là đối với các mẹ trong thời gian mang thai nếu nhiễm virus cũng có thể gây biến chứng đục thể thủy tinh ở trẻ.
2.3.2. Những dấu hiệu của đục thủy tinh thể
Việc phát hiện bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ thường rất khó, tuy nhiên bố mẹ có thể áp dụng những cách sau:
- Đồng tử của mắt có ánh sáng khi chiếu đèn vào.
- Trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi chưa biết quan sát theo tay mẹ khi chỉ các đồ vật.
- Với những trẻ lớn hơn con ngươi mắt có dấu hiệu đục dần.
- Trẻ nhìn kém và nheo mắt khi nhìn xa nhưng khác với cận thị là cho dù trẻ đeo kính cũng không hề được cải thiện.
2.3.3. Cách chữa trị bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ em
Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể sao cho hiệu quả và phù hợp với trẻ là hết sức quan trọng. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thị lực bị giảm nhiều hay ít mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, trong đó:
- Điều trị nội khoa là bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để làm để làm chậm tiến triển của bệnh và đeo kính kính thuốc có độ tụ phù hợp.
- Điều trị bằng phẫu thuật chỉ được thực hiện khi bệnh đã tiến triển nặng để thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.
3. Làm thế nào để mẹ nhận biết được con đang bị bệnh về mắt
Làm thế nào để có thể dễ dàng nhận biết, khác phục và phòng các bệnh về mắt ở trẻ em một cách hiệu quả nhất mà không làm tổn thương nhiều đến đôi mắt của bé thì không phải tất cả các mẹ đều nắm rõ. Một tin mừng cho mẹ là vào thời kỳ chớm bệnh, chúng sẽ đều có những dấu hiệu tương tự nhau giúp mẹ dễ dàng phát hiện, như:
- Ngứa mắt: Khi bé có những triệu chứng như ngứa mắt, mắt có ghèn kéo thành sợi và chảy nước mắt nhiều, rất có thể ngay lúc này, cơ thể bé đang phản ứng với những tác nhân gây hại từ bên ngoài. Lúc này, bé thường có thói quen dụi mắt và làm tổn thương đến giác mạc và dẫn đến những bệnh nguy hiểm hơn như viêm giác mạc, dị ứng mắt, viêm kết mạc.
- Bé sợ ánh sáng: Khi trẻ có dấu hiệu chảy nước mắt nhiều và sợ ánh sáng thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra vì đây là một trong những dấu hiệu phát triển không bình thường về mắt, đôi khi còn kèm theo nhiều nguy hiểm.
- Bé thường xuyên nheo mắt: Những trẻ dưới 3 tuổi, khi mẹ nhận thấu có các dấu hiệu như hay nghiêng đầu, nhức đầu, nheo mắc, vẹo cổ thì rất có thể con đang mắc các bệnh về mắt có tính di truyền như cận, viễn, loạn hay nhược thị.
- Xuất hiện nốt ruồi ở lớp bên trong mắt: Theo bác sĩ nhãn khoa Sophie J. Bakri - Trung tâm Y tế Mayo Rochester, Minnesota, "Khối ung thư có thể trông giống như các nốt ruồi bên trong lớp sắc tố võng mạc". Do đó, nếu mẹ nhận thấy trẻ bỗng dưng có nối ruồi ở mắt thì hãy nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra sớm nhất.
4. Cho trẻ ăn gì tốt cho mắt
Để con có được thị lực tốt và giảm các nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng về mắt thì ngay bây giờ, bố mẹ hãy hình thành một thói quen ăn uống tốt khi con còn nhỏ. Dưới đây là một số loại chất dinh dương, vitamin quan trọng tốt cho đôi mắt.
4.1. Vitamin A
Thành phần đầu tiên luôn được liệt kê trong danh sách những thực phẩm giữ cho mắt luôn khỏe mạnh đó là vitamin A . Viatamin A rất cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng của mắt, còn được gọi là thụ cảm quang. Và nếu cơ thể không được cung cấp đủ loại vitamin này, bé có thể bị chứng mù đêm, mắt khô hoặc những bệnh lý nghiêm trọng hơn, tùy theo mức độ thiếu hụt.
Theo các nghiên cứu, vitamin A chỉ tìm thấy được trong các thực phẩm từ nguồn gốc động vật, bao gồm gan, lòng đỏ trứng. cá và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, ở thực vật còn có chất chống oxy hóa carotenoid provitamin A cũng cung cấp khoảng 30% nhu cầu vitamin A cho cơ thể được tìm thấy trong một số lượng lớn trái cây và rau quả như cải xoăn, rau bina, cà rốt, ớt đỏ, cà chua, đu đủ,....
4.2. Lutein và zeaxanthin
Đây là 2 chất chống oxy tập trung ở phần võng mạc. Lutein và zeaxanthin hoạt động như một chất chống nắng , bào vệ đôi mắt khỏi ánh sáng có hại từ mặt trời. Vì thế, bố mẹ cần cung cấp khoảng 6 mg lutein/zeaxanthin mỗi ngày để giúp bé giảm nguy cơ bị thái hóa điểm vàng.
Phần lớn hai chất này được tìm thấy nhiều nhất ở các loại rau lá xanh đậm và hoa quả màu vàng, đỏ như cam, ngô, ớt chuông đỏ, trứng,... Bên cạnh đó, lutein và zeaxanthin sẽ hấp thụ tốt hơn khi ăn kèm với chất béo, bố mẹ nên thêm một ít bơ hoặc dầu khi cho bé ăn cùng những thực phẩm trên nhé.
4.3. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 là một nhóm gồm những axit béo không no, bao gồm axit α-linolenic (ALA), được tìm thấy trong dầu thực vật, eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA) được tìm thấy trong các loại dầu sinh vật biển. Trong đó, một lượng lớn DHA được tìm thấy trong võng mạc, nơi giúp duy trì chức năng của mắt, điều này cũng cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển trí não và mắt ở trẻ sơ sinh.
Thường xuyên bổ sung omega 3 từ dầu cá hoặc những thực phẩm tự nhiên như cá hồi, cá thu, các trích, hàu, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó,... có thể làm giảm triệu chứng khô mắt, các bệnh về mắt do tiểu đường và bảo vệ mắt một cách hiệu quả.
Ngoài ra, việc bổ sung Axit Gamma-Linolenic (omega 6) trong tinh dầu hướng dương, tinh dầu cây bạch dương,... còn giúp chống viêm, hạn chế bệnh viêm mắt đỏ mắt.
4.4. Vitamin C
So với các cơ quan khác trong cơ thể, mắt cần một lượng chất chống oxy hóa cao hơn, đặc biệt là chất chống oxy hóa trong vitamin C. Thường xuyên bổ sung loại vitamin này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ đục thủy tinh thể không chỉ ở trẻ em mà còn rất tốt cho người lớn tuổi. Bố mẹ có thể cung cấp vitamin C cho trẻ thông qua các loại rau quả như ót chuông, trái cây học cam, quýt, cải xoăn và bông cải xanh,...
4.5. Vitamin E
Cũng nằm trong nhóm chất chống oxy hóa có lợi cho mắt, vitamin E sẽ bảo vệ các axit béo khỏi sự oxy hóa có hại, và rất cần thiết cho võng mạc vì đây là nơi tập trung nhiều axit béo nhất.
Vì thế, bố mẹ cần thường xuyên bổ sung vitamin E cho bé khoảng 7 mg mỗi ngày giúp làm giảm nguy cơ đục thủy tinh, thái hóa võng mạc, suy giảm thị lực,.... Nguồn thức ăn giàu vitamin E nhất bao gồm hạnh hạnh nhân, hạt hướng dương và dầu thực vật, chẳng hạn như dầu hạt lanh.
Trẻ em ngay từ khi sinh ra hoặc trong quá trình lớn lên đều rất có khả năng mắc các bệnh về mắt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt. Do đó, các bậc phụ huynh trong thời gian chăm sóc con cũng cần chú ý thật nhiều về triệu chứng của các bệnh về mắt ở trẻ em, để có hướng xử lý kịp thời nhất. Nếu trong quá quá trình chăm sóc con nhỏ, bố mẹ còn thắc mắc về các vấn đề chăm sóc hoặc các bệnh thường gặp ở trẻ trong đó gồm các bệnh về mắt thường gặp, thì hãy tham khảo thêm trong chuyên mục Có con 1-12 tuổi của Yeutre.vn nhé.
Hiền Anh tổng hợp