1. Áp xe da
1.1. Áp xe da là gì
Áp xe là cách mà cơ thể cố gắng để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Nó được hình thành sau khi vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng khác xâm nhập vào cơ thể - thường là qua vùng da bị thương hay bị vết cắt hở - và gây viêm. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt và các tế bào bạch cầu sẽ được gửi đến vị trí nhiễm trùng để chống lại tình trạng này. Cuộc chiến sẽ để lại những tế bào bạch cầu cùng các tế bào chết khác tích tụ trong vết thương tạo thành mủ. Khi mủ không thể thoát ra ngoài sẽ hình thành áp xe gây đau đớn.
1.2. Biểu hiện và triệu chứng của áp xe
Một ổ áp xe có thể biểu hiện dưới các dạng như:
- Một khu vực bị đỏ, sưng, có mủ và ấm khi chạm vào.
- Ổ áp xe có thể nằm trên bề mặt da, trong nướu răng, dưới da hoặc sâu trong cơ thể. Áp xe trên da sẽ trông giống như một vết thương chưa lành, hoặc mụn nhọt. Nếu ở dưới da, vùng áp xe sẽ làm cho khu vực da đó sưng lên. Những vùng da bị áp xe thường rất nhạy cảm và gây đau.
Trong một số trường hợp, áp xe có thể gây sốt và ớn lạnh.
1.3. Vì sao trẻ em dễ bị áp xe da
Mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể bị áp xe, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc phải nhất vì các lý do sau:
- Trẻ rất hiếu động và rất tò mò nên dễ bị té ngã và bị thương.
- Trẻ chưa biết tự chăm sóc vết thương nên dễ bị nhiễm trùng.
- Da trẻ rất nhạy cảm nên một hạt cát nhỏ hoặc một sợi vải rơi vào vết thương cũng có thể làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
1.4. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Mặc dù phần lớn tình trạng áp xe da ở trẻ là không nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn cần theo dõi và nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu thấy những biểu hiện sau:
- Vết nhiễm trùng của trẻ không có vẻ lành khi được điều trị tại nhà.
- Vùng áp xe bị đỏ, sưng và đau.
- Xuất hiện vẹt đen hoặc đỏ xung quanh vết thương.
- Trẻ bị sốt hoặc ớn lạnh.
- Trẻ đột ngột thấy yếu hoặc mệt mỏi.
Bác sỹ sẽ đánh giá ổ áp xe và quyết định có cần phải rút mủ hay không. Nếu có, họ sẽ bôi thuốc tê rạch một đường nhỏ để mủ thoát ra sau đó dùng gạc băng lên để vết thương được khô và lành lại.
Thuốc kháng sinh dạng lỏng hoặc viên cũng có thể được kê cho trẻ để điều trị nhiễm trùng.
Bạn hãy giúp trẻ thay băng gạc và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ - kể cả khi trẻ đã thấy khá hơn - để vết thương mau hồi phục nhé.
1.5. Áp xe được điều trị như thế nào?
Hầu hết tình trạng áp xe của trẻ có thể xử lý được tại nhà. Bạn nên đảm bảo trẻ không đụng, cào, gãi hay ấn vào vị trí áp xe vì có thể khiến da bị nhiễm trùng rộng hoặc sâu hơn.
Bạn có thể dùng khăn ấm chườm lên khu vực bị áp xe trong vài phút, vài lần trong ngày. Nếu vùng áp xe tự vỡ, khô đi và vết thương lành dần nghãi là trẻ ổn. Nếu sau vài ngày mà tình trạng không cải thiện, bạn nên đưa con đến gặp bác sỹ.
Bạn lưu ý nên rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc vết thương của trẻ. Ngoài ra không để người khác, đặc biệt là trẻ khác sử dụng khăn, quần áo hay bất cứ đồ dùng gì đã tiếp xúc với khu vực nhiễm trùng của trẻ để tránh lây lan.
1.6. Có thể phòng tránh áp xe hay không?
Vệ sinh tốt là cách duy nhất để phòng tránh bị áp xe. Bạn hãy dạy trẻ cách rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn đúng cách và thường xuyên (rửa dưới vòi nước ít nhất 20 giây) hoặc sử dụng khăn hoặc dung dịch rửa tay.
2. Viêm mô tế bào
2.1. Viêm mô tế bào là gì
Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng da liên quan đến các vùng mô bên dưới bề mặt da. Nó có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực da nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là vùng da tiếp xúc như mặt, cánh tay, vùng chân dưới.
2.2. Nguyên nhân gây viêm mô tế bào
Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây viêm mô tế bào nhưng những loại phổ biến nhất là steptococcus nhóm A và Staphylococcus aureus.
Viêm mô tế bào có thể bắt đầu xuất hiện ở những vùng da bị thương như vết cắt, vết cắn hoặc xước hoặc ở cả vùng da lành đối với những trường hợp bị bệnh mãn tính hoặc dùng thuốc ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Đây là một loại viêm không truyền nhiễm, không lây từ người sang người.
2.3. Biểu hiện và triệu chứng của viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào thường bắt đầu với một vùng da nhỏ và gây:
- Mẫn cảm.
- Sưng.
- Ấm.
- Đỏ.
Khi khu vực này bắt đầu lan rộng, trẻ có thể cảm thấy khó chịu, sốt, đôi khi là ớn lạnh và đổ mồ hôi. Các hạch bạch huyết bị sưng cũng có thể được tìm thấy xung quanh khu vực bị viêm.
Thời gian để các triệu chứng biểu hiện ra ngoài thường khác nhau tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây viêm. Ví dụ trẻ bị viêm mô tế bào do Pasteurella multocida (thường được tìm thấy trong vết cắn của động vật) có thể có các triệu chứng ít hơn 24 giờ sau khi bị cắn. Viêm mô tế bào do các loại vi khuẩn khác có thể không có triệu chứng nào trong vài ngày.
2.4. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu:
- Bất kỳ khu vực nào trên da trẻ trở nên ấm, đỏ và bị đau có hoặc không sốt, ớn lạnh, đặc biệt khi khu vực đó nằm trên mặt, tay, chân hay trẻ đang bị bệnh hoặc tình trạng ức chế hệ thống miễn dịch.
- Trẻ bị vết cắt lớn hoặc vết thương đâm sâu.
Trẻ bị một con vật nào đó cắn, đặc biệt là vết cắn sâu. Viêm mô tế bào có thể xảy ra nhanh chóng sau khi trẻ bị cắn, kể cả vết cắn do người.
2.5. Viêm mô tế bào được điều trị như thế nào
Các trường hợp bị viêm mô tế bào nhẹ có thể được kê thuốc kháng sinh trong 7-10 ngày. Dù trẻ cảm thấy khá hơn trước khi uống hết thuốc được kê, bạn vẫn nên cho trẻ uống đủ liều vì nếu không, tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát.
Đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng thì cần điều trị tại bệnh viện bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.
2.6. Có thể phòng tránh viêm mô tế bào không
Để ngăn ngừa viêm mô tế bào bạn hãy giúp trẻ:
- Bảo vệ da trẻ khỏi vết cắt, xước và bầm tím.
- Cho trẻ dùng miếng đệm khuỷu tay, đầu gối khi trượt băng; đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp; đeo đồ bảo vệ ống chân khi đá bóng, mặc quần áo dài tay khi đi trong rừng, mang dép trên bãi biển.
- Nếu trẻ bị vết cắt hoặc trầy xước, hãy rửa sạch vết thương với nước và xà phòng diệt khuẩn, sau đó bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ và băng lại bằng băng cá nhân hoặc gạc vô trùng. Bạn nên kiểm tra vết thương của trẻ thường xuyên để xem có gì bất thường hay không.
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện những việc sau trong trường hợp trẻ bị viêm mô tế bào:
- Cho trẻ uống đủ liều thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ.
- Tuân theo các hướng dẫn của bác sỹ về việc chăm sóc khu vực bị viêm của trẻ. Ví dụ như nâng cao, chườm hoặc ngâm ấm khu vực bị viêm.
- Cho trẻ dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen (không kê đơn nhưng theo đúng hướng dẫn trên bao bì thuốc) để giảm đau và hạ sốt cho trẻ .
- Theo dõi vết nhiễm trùng của trẻ để xem nó có được cải thiện hay không và thông báo tình hình với bác sỹ.
3. Hăm tã
3.1. Hăm tã là gì
Hăm tã là tình trạng phổ biến xảy ra đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến da trẻ bị đỏ, đau, đóng vảy và nhạy cảm.
3.2. Nguyên nhân gây ra hăm tã
Thông thường hăm tã là kết quả của tình trạng bị kích ứng, nhiễm trùng hay dị ứng:
- Tình trạng kích ứng: da trẻ có thể bị kích ứng khi mặc tã quá lâu, tiếp xúc với tã dơ quá lâu, hay cọ xát với tã quá nhiều.
- Tình trạng nhiễm trùng: nước tiểu của trẻ làm thay đổi độ pH của da làm cho vi khuẩn và nấm dễ dàng phát triển hơn. Các chất ngăn chặn tã bị rò rỉ cũng ngăn chặn cả sự lưu thông của không khí, tạo nên môi trưởng ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển gây phát ban ở da trẻ.
- Tình trạng dị ứng: trẻ có làn da nhạy cảm cũng có thể dễ bị phát ban. Một số loại chất tẩy, xà phòng, tã (hay thuốc nhuộm từ tã) hoặc khăn lau có thể ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của trẻ và gây phát ban.
Ngoài ra, việc bắt đầu cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới có thể làm trẻ đi ị nhiều hơn dẫn đến da bị hăm do tiếp xúc thường xuyên với phân. Nếu trẻ bị tiêu chảy thì có thể làm cho tình trạng hăm tã hiện tại trở nên tồi tệ hơn.
Hăm tã kéo dài hơn vài ngày ngay cả khi đã đổi tã hoặc các thao tác liên quan đến tã của trẻ, có thể do nấm Candida albicans gây ra. Dạng phát ban này thường có màu đỏ, hơi nổi lên và các chấm nhỏ màu đỏ lan ra ngoài các vết ban chính. Nó thường bắt đầu ở các vết gấp da và lan ra xung quanh. Thuốc kháng sinh dùng cho bé hoặc mẹ (cho trẻ bú mẹ) có thể gây ra tình trạng này vì chúng tiêu diệt những vi khuẩn tốt – vốn giữ cho nấm Candida không phát triển.
3.3. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu:
- Các vết phát ban không biến mất mà trở nên tệ hơn hoặc vết loét xuất hiện trên da bé.
- Bé bị sốt, vết ban chảy mủ hoặc bé quấy khóc hơn bình thường
3.4. Hăm tã được điều trị như thế nào
Hầu hết các trường hợp hăm tã có thể điều trị tại nhà bằng các cách sau:
- Thay tã cho bé ngay khi bé tè hoặc ị.
- Nhẹ nhàng lau/ rửa sạch và giữ khô khu vực mặc tã sau đó bôi một lớp dày các loại kem chống hăm mỗi lần thay tã.
- Cho bé không mặc tã một ngày khoảng vài giờ để da bé có thời gian “thở”.
Tinh trạng hăm tã thường sẽ biến mất hoặc cải thiện sau vài ngày chăm sóc tại nhà, đôi khi sẽ kéo dài lâu hơn.
Đối với các trường hợp hăm tã nặng bác sỹ có thể chỉ định kem chống nấm hoặc kem kháng sinh hoặc đề nghị những thay đổi khác đối với thói quen mặc tã cho bé của bạn. Nếu những thay đổi đó không giúp cải thiện tình hình do bé bị dị ứng, bác sỹ có thể kê đơn một loại kem steroid nhẹ trong vài ngày cho đến khi các vết ban biến mất.
3.5. Có thể phòng ngừa hăm tã không
Để ngăn ngừa tình trạng hăm tã, bạn hãy giữ cho da bé sạch và khô nhất có thể và thay tã thường xuyên để phân và nước tiểu của bé không tiếp xúc quá lâu gây kích ứng da bé.
Bạn hãy thử những mẹo sau:
- Thay tã bẩn và ướt cho bé càng sớm càng tốt và vệ sinh vùng mặc tã cẩn thận.
- Thỉnh thoảng ngâm vùng mặc tã của bé trong nước ấm.
- Hãy để da bé khô hoàn toàn trước khi mặc tã mới.
- Dùng vải mềm thấm khô da bé, tránh chà xát vì có thể gây kích ứng da.
- Cài tã lỏng cho bé.
- Thay tã cho bé thường xuyên, tốt nhất là sau mỗi 2 giờ và ngay sau mỗi lần bé ị.
- Nếu bé có làn da nhạy cảm, hãy bôi thuốc mỡ sau mỗi lần thay tã. Tuy nhiên không phải bé nào cũng cần điều này.
- Nếu bạn sử dụng tã vải, hãy kiểm tra hướng dẫn của nhà sản xuất về việc vệ sinh tã một cách tốt nhất. Và chỉ sử dụng lượng chất tẩy rửa theo khuyến nghị và nên xả thêm một lần nước nữa sau khi giặt để loại bỏ hoàn toàn các chất tẩy rửa. Ngoài ra bạn cũng nên tránh sử dụng chất làm mềm vải và tấm sấy vì những loại này có thể gây kích ứng da bé.
- Nếu bé bị dị ứng khi thay đổi loại tã, hãy thử dùng loại không có thuốc nhuộm hoặc mùi thơm. Một số bé khá nhạy cảm với khăn lau, trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng khăn mềm và nước để vệ sinh cho bé.
4. Viêm mé móng (Paronychia)
4.1. Viêm mé móng là gì
Viêm mé móng là bệnh nhiễm trùng da quanh móng tay hoặc móng chân. Khu vực nhiễm trùng có thể trở nên sưng, đỏ đau và một vùng áp xe có thể hình thành.
Viêm mé móng hầu hết đều có thể điều trị tại nhà ngoại trừ một số trường hợp nhiễm trung lan sang phần còn lại của ngón tay/chân và dẫn đến viêm nặng hơn.
Trẻ em thường không bị Paronychia ở chân (trừ khi trẻ có móng chân mọc ngược). Nhưng Paronychia ở tay là một trong những bệnh nhiễm trùng tay phổ biến nhất.
4.2. Nguyên nhân gây ra viêm mé móng ở trẻ
Trẻ có thể bị Paronychia do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào phần da bị kích thích hoặc bị thương xung quanh ngón tay/ chân.
Những thứ có thê làm tổn thương da trẻ gồm:
- Mút ngón tay thường xuyên.
- Móng chân mọc ngược.
- Cắt/ cắn móng tay/ chân quá ngắn.
- Trẻ bị tiểu đường.
4.3. Biểu hiện và triệu chứng của viêm móng mé
Viêm da ở trẻ em dạng viêm móng mé rất dễ nhận diện qua các biểu hiện sau:
- Một vùng đỏ, sưng, đau, mềm và có mủ quanh móng tay/ chân xuất hiện đột ngột.
- Móng tay/ chân chuyển màu, trông như bị tách ra hoặc có hình dạng bất thường.
4.4. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu thấy tình trạng của bé:
- Không khá hơn khi chăm sóc tại nhà.
- Khu vực nhiễm trùng có vẻ lan rộng.
4.5. Paronychia được điều trị như thế nào
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và lan rộng của nhiễm trùng mà viêm móng mé được điều trị khác nhau:
- Đối với trường hợp viêm nhẹ, ngâm nước ấm 20 phút vài lần một ngày có thể giúp vết nhiễm trùng tự lành.
- Nếu có áp xe, bác sỹ có thể phải rạch vết nhiễm trùng để rút mủ. Trong một vài trường hợp hiếm hoi việc cắt bỏ một phần móng là cần thiết. Bác sỹ cũng có thể kê thêm kháng sinh để điểu trị.
- Đối với Paronychia do nấm, bác sỹ có thể chỉ định thuốc chống nấm (bôi hoặc uống).
4.6. Có thể phòng ngừa viêm mé móng không
Để giúp trẻ giảm nguy cơ bị Paronychia, bạn hãy hướng dẫn trẻ:
- Không cắn hay xé móng tay.
- Cắt móng tay hoặc chân bằng bấm hoặc kìm (tốt nhất sau khi tắm vì lúc này móng mềm hơn) và giũa các cạnh, góc nhọn của móng bằng giũa nhám. Không nên cắt móng tay/ chân trẻ quá ngắn.
- Không cắt bỏ lớp biểu bì xung quanh móng vì lớp biểu bì bị tổn thương rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
- Tránh cho móng tay/ chân trẻ tiếp xúc với chất tẩy rửa.
- Nếu trẻ bị tiểu đường, bãn hãy giúp kiểm soát tình trạng của con một cách tốt nhất.
- Tránh để con làm tổn thương móng tay/ chân và phần da xung quanh.
5. Nhiễm trùng khuẩn tụ cầu (Staphylococcus)
5.1. Nhiễm trùng khuẩn tụ cầu là gì
Khuẩn tụ cầu sống vô hại nhiều trên bề mặt da đặc biệt quanh mũi, miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn. Nhưng nếu da bị rách hay xước, loại vi khuẩn này có thể xâm nhập vào vết thương và gây nhiễm trùng. Khuẩn tụ cầu gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn và cũng có thể giải phóng độc tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm hay hội chứng sốc độc.
5.2. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng khuẩn tụ cầu ở trẻ em
Nhiễm trùng khuẩn tụ cầu có thể biểu hiện khác nhau nhưng ở trẻ em phổ biến nhất là tình trạng chốc lở, viêm mô tế bào và hội chứng bỏng da:
- Chốc lở : thường bắt đầu xuất hiện mụn nước hoặc mụn nhọt ở mặt, tay hoặc chân sau đó phát triển thành lớp vảy màu mật ong.
- Hội chứng bỏng da : thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Nó bắt đầu bằng một nhiễm trùng tụ cầu nhỏ nhưng vi khuẩn tụ cầu tạo ra độc tố ảnh hưởng đến da trên toàn cơ thể. Trẻ bị sốt, phát ban và đôi khi là phồng rộp da. Khi mụn nước vỡ ra và phát ban đi qua, lớp da trên cùng bong ra làm cho bề mặt da trở nên đỏ và khô giống như bị bỏng. Bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến da trên cơ thể trẻ giống như bị bỏng nên cần được điều trị trong bệnh viện. Tuy nhiên sau điều trị, hầu hết trẻ đều hồi phục hoàn toàn.
5.3. Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn lây lan như thế nào
Vi khuẩn tụ cầu có thể lây lan khi:
- Trẻ chạm vào bề mặt bị ô nhiễm.
- Lây từ người khác qua các vật dụng như khăn trải giường, khăn lau hoặc quần áo.
- Từ một khu vực trên cơ thể đến một khu vực khác qua móng tay bẩn.
Môi trường ẩm ướt có thể góp phần gây nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, do đó đổ mồ hôi quá nhiều cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng. Trẻ có vấn đề về da như bỏng hoặc chàm dễ bị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn hơn.
5.4. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc đưa trẻ đi thăm khám nếu:
- Tình trạng nhiễm trung đang lây từ người này sang người khác trong gia đình hoặc đang có 2 thành viên trong nhà cùng bị nhiễm trùng.
- Bạn nghĩ rằng trẻ có vết thương nghiêm trọng có thể bị nhiễm trùng.
- Vết chắp tại mắt không biến mất trong một vài ngày.
- Nhiễm trung nhẹ trở nên tệ hơn. Ví dụ trẻ bắt đầu bị sốt, ốm, hoặc khu vực này lan rộng, trở nên đỏ và nóng.
5.5. Điều trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn như thế nào
Hầu hết bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn nhỏ có thể được điều trị tại nhà:
- Bạn cho trẻ ngâm vùng bị viêm vào nước ấm hoặc đắp khăn ấm, ẩm. Chỉ sử dụng một miếng vải hoặc khăn một lần khi bạn ngâm hoặc làm sạch vùng da bị nhiễm trùng. Sau đó, giặt chúng bằng xà phòng và nước nóng và sấy khô bằng máy sấy quần áo.
- Đặt một miếng chườm nóng hoặc chai nước nóng lên da trẻ trong vòng 20 phút, ba hoặc bốn lần một ngày.
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh nếu bác sỹ khuyên dùng.
- Dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp trẻ giảm đau nếu cần. Bạn lưu ý làm theo đúng hướng dẫn trên vỏ bao bì thuốc.
- Băng khu vực nhiễm trùng bằng băng gạc sạch.
- Đối với vết chắp ở mắt, nên đắp miếng chườm nóng (trong khi nhắm mắt) ba hoặc bồn lần một ngày. Luôn luôn sử dụng khăn sạch cho mỗi lần đắp. Đôi khi vết chắp mắt cũng cần được điều trị bằng một loại kháng sinh tại chỗ.
- Bác sỹ có thể kê toa kháng sinh đường uống để trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Trường hợp bệnh nặng cần được điều trị và theo dõi trong bệnh viện. Vùng áp xe nếu không đáp ứng với chăm sóc tại nhà có thể cần được dẫn lưu.
Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tụ cầu khuẩn lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bạn nên giúp trẻ:
- Tránh chạm trực tiếp vào khu vực bị viêm.
- Che phủ khu vực bị viêm bất cứ khi nào có thể.
- Sử dụng khăn dùng một lần hoặc giặt khăn bằng xà phòng diệt khuẩn và nước nóng sau khi vệ sinh vết thương cho trẻ.
5.6. Có thể phòng ngừa nhiễm trùng tụ cầu khuẩn hay không
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước là chìa khóa để phòng ngừa nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Bạn hãy khuyến khích trẻ rửa tay cũng như giữ vệ sinh da hàng ngày để phòng bệnh. Nếu trẻ bị vấn đề về da và không thể tắm thường xuyên thì bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ để được tư vấn.
Nếu trẻ bị thương, bị xây xước da, hãy giúp trẻ làm sạch, sát trùng và làm theo bất kỳ hướng dẫn nào của bác sỹ.
Nếu trong gia đình bạn có người nhiễm khuẩn tụ cầu hãy đừng dùng chung khăn lau, khăn trải giường hay quần áo đến khi bệnh được điều trị dứt điểm.
6. Mụn cóc
6.1. Mụn cóc là gì
Mụn cóc là những mụn nhỏ, chắc mọc trên da do virus họ papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc khá phổ biến ở trẻ em và có thể ảnh hưởng tới bất kỳ khu vực nào của cơ thể nhưng thường gặp nhất ở xung quanh móng tay, trên bàn chân, trên mặt và gần đầu gối.
Hầu hết mụn cóc không đau nhưng nếu chúng mọc ở lòng bàn chân hoặc thường xuyên bị cọ xát thì vẫn gây đau.
Một số loại mụn cóc gồm:
- Mụn cóc thông thường : là những mụn nhỏ, cứng có hình vòm màu nâu xám thường mọc ở ngón tay, bàn tay, đầu gối và khuỷu tay. Nó có bề mặt sần sùi có thể trông giống như bề mặt của súp lơ và bên trong có những chấm đen.
- Mụn cóc phẳng : là những mụn mịn cỡ bằng đầu đinh với đỉnh phẳng, thường có màu hồng, nâu nhạt hoặc vàng. Hầu hết trẻ bị mụn cóc phẳng thường mọc trên mặt nhưng chúng cũng có thể xuất hiện đơn hoặc thành cụm ở bất kỳ vị trí nào.
- Mụn cóc Plantar : thường mọc ở lòng bàn chân gây khó chịu như đang bước đi trên một hòn đá nhỏ.
- Mụn cóc Filiform : có hình dạng giống ngón tay, thường có màu da thịt và mọc trên hoặc xung quanh miệng, mắt, mũi.
6.2. Nguyên nhân gây ra mụn cóc
Mụn cóc do virus HPV gây ra và có thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi hoặc chạm vào thứ gì đó mà người bii mụn cóc chạm vào như khăn tắm, khăn lau hay sàn nhà tắm (chứ không phải do cầm cóc hay ếch mà bị - theo suy nghĩ ngây thơ của trẻ nhỏ).
Những đứa trẻ có thói quen cắn hay cạy móng tay có nhiều nguy cơ bị mụn cóc vì chúng tạo ra các khu vực mở tạo điều kiện cho virus HPV xâm nhập và gây ra mụn cóc. Một vết cắt hoặc xước nhỏ có thể khiến bất kỳ vùng cơ thể nào có khả năng bị mụn cóc cao hơn. Ngoài ra việc cạy mụn cóc khiến chúng lây lan sang các bộ phận hoặc khu vực khác của cơ thể.
Khoảng thời gian trẻ bị mụn cóc sau khi tiếp xúc với virus gây ra mụn cóc và khi mụn cóc xuất hiện là khác nhau. Chúng có thể phát triển rất chậm khoảng vài tuần hoặc có khi lâu hơn để phát triển.
6.3. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu mụn cóc của con có các biểu hiện sau:
- Trẻ còn quá nhỏ khi bị mụn cóc đặc biệt là trẻ sơ sinh.
- Trẻ (ở mọi lứa tuổi) bị mụn cóc ở mặt, bộ phận sinh dục hay trực tràng.
- Mụn cóc lây lan sang những khu vực khác của cơ thể.
- Bạn không chắc có phải trẻ bị mụn cóc hay không.
- Mụn có của trẻ có các biểu hiện sau:
+ Mụn bị đau
+ Mụn bị sưng
+ Mụn đỏ lên
+ Mụn chảy máu
+ Mụn chảy mủ
6.4. Mụn cóc được điều trị như thế nào
Mụn cóc thường sẽ tự khỏi nhưng mất thời gian khá lâu, có thể lên đến vài năm. Bác sỹ sẽ quyết định loại bỏ mụn nếu nó đau, gây cản trở các hoạt động khác hay mất thẩm mỹ.
Các phương pháp loại bỏ mụn cóc bao gồm:
- Sử dụng thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa để bôi nhằm loại bỏ mụn cóc.
- Đốt điện.
- Cắt lạnh (dùng ni tơ lỏng).
- Đốt bằng tia laser.
Sau vài ngày điều trị mụn cóc có thể rơi ra, nhưng vẫn cần áp dụng thêm vài phương pháp để chúng không tái phát.
Nếu một trẻ lớn mọc mụn cóc đơn giản trên ngón tay, bạn hãy tham khảo bác sỹ về việc sử dụng một loại thuốc không kê đơn để điều trị. Sẽ mất khoảng vài tuần hoặc vài tháng trước khi bạn thấy được kết quả. Bạn lưu ý rằng thuốc trị mụn cóc có dược lực khá mạnh nên cần được sử dụng một cách thận trọng vì nó có thể ảnh hưởng tới cả khu vực da khỏe mạnh.
Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi định dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào cho mụn cóc ở khu vực mặt và sinh dục của trẻ.
6.5. Bạn có thể làm gì khi trẻ bị mụn cóc
Nếu trẻ nhà bạn bị mụn cóc bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Giúp con ngâm mụn cóc trong nước ấm sau đó loại bỏ phần da chết trên bề mặt mụn bằng một chiếc giũa nhám trước khi bôi thuốc (không sử dụng lại chiếc giũa cho móng tay). Bạn nên cẩn thận không để thuốc dính vào vùng da khỏe mạnh xung quanh mụn và che phủ khu vực mụn khi đang bôi thuốc.
- Quan sát và nhắc nhở trẻ không chà xát, gãu hoặc cạy mụn vì có thể làm chúng lây lan sang khu vực khác hoặc bị nhiễm trùng.
- Không để trẻ chia sẻ khăn và đồ dùng cá nhân với trẻ khác.
- Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi bạn định sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp nào để trị mụn cóc cho trẻ.
6.6. Có thể phòng ngừa mụn cóc không
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giúp trẻ phòng ngừa mụn cóc, nhưng bạn có thể khuyến khích trẻ những việc sau:
- Thường xuyên rửa tay và da thật sạch.
- Nếu trẻ bị thương hoặc trầy xước hãy hướng dẫn trẻ rửa sạch vết thương với nước và xà phòng diệt khuẩn vì vết thương hở làm tăng khả năng dẫn đến bị mụn cóc và các tình trạng nhiễm trùng khác.
- Cho trẻ đi dép không thấm nước hoặc dép xỏ ngón tại nhà tắm công cộng hay hồ bơi để hạn chế bị lây lan mụn cóc từ virus ở sàn nhà tắm.
7. Bệnh chốc lở
7.1. Bệnh chốc lở là gì
Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo và trẻ ở độ tuổi đi học. Bệnh chốc gây ra tình trạng phồng rộp, lở loét da ở mặt, tay chân và vùng mặc tã.
7.2. Dấu hiêu và triệu chứng của bệnh chốc lở
Bệnh chốc lở có thể ảnh hưởng đến bất cứ vùng da nào trên cơ thể trẻ nhưng phổ biến nhất là vùng quanh mũi, miệng, tay, cẳng tay và vùng mặc tã.
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào loại chốc lở bao gồm:
- Chốc lở không phồng rộp (là loại phổ biến nhất): bệnh bắt đầu bằng các mụn nước nhỏ cuối cùng vỡ ra để lại các mảng da ướt nhỏ có thể chảy nước. Dần dần, các mảng da này sẽ đóng một lớp vảy trông như phủ mật ong hay đường nâu.
- Chốc lở có phồng rộp : bệnh gây ra các mụn nước lớn nhìn rõ ràng hơn, sau đó mờ đục dần và có thể tồn tại trên da lâu hơn mà không vỡ.
- Chốc lở Ecthyma : bệnh gây ra những vết loét lõm với lớp vảy vàng và cạnh vảy màu đỏ.
7.3. Nguyên nhân gây ra bệnh chốc lở
Bệnh chốc lở thường do một trong hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes (còn được gọi là streptococcus nhóm A) gây ra. Trẻ em dễ bị dạng viêm da này khi da đã bị kích thích bởi một tình trạng khác ví dụ như chàm da, côn trùng cắn, nhiễm trùng do tiếp xúc với cây thường xuân độc hay bị thương, trầy xước. Gãi một vết loét hay phát ban là nguyên nhân khá phổ biến gây chốc lở.
Môi trường ấm áp và ẩm ướt cũng là một nguyên nhân gây bệnh.
7.4. Bệnh chốc lở có lây không
Chốc lở là một bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc với vùng da bị viêm hay vật dụng của trẻ bị bệnh như quần áo, khăn tắm, khăn trảu giường. Do bệnh gây ngứa nên nếu trẻ cũng có thể tự làm lây lan sự nhiễm trùng sang các khu vực khác của cơ thể khi chúng gãi.
7.5. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến bác sỹ hay cơ sở y tế
Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế trong các trường hợp sau:
- Trẻ có bất kỳ biểu hiện nào của tình trạng chốc lở, đặc biệt nếu một thành viên trong gia đình hoặc bạn học cùng lớp của trẻ bị bệnh.
- Nếu trẻ đã bị chốc lở và đang được điều trị mà tình trạng không cải thiện sau 3 ngày hoặc trẻ bị sốt hay vùng da xung quanh vết lở bị đỏ, nóng và mềm khi chạm vào.
7.6. Bệnh chốc lở được điều trị như thế nào
Chốc lở thường được điều trị bằng kháng sinh dạng uống hoặc dạng thuốc bôi:
- Khi bệnh ảnh hưởng trên một vùng da nhỏ và không phải dạng phồng rộp, nó sẽ được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh trong 5 ngày.
- Nếu tình trạng chốc lở của trẻ không đáp ứng với thuốc mỡ thì thuốc uống dạng viên hoặc lỏng sẽ được kê trong vòng 7-10 ngày.
Sau khi bắt đầu dùng kháng sinh,bệnh sẽ được cải thiện trong vài ngày. Điều quan trọng là bạn đảm bảo cho trẻ dùng thuốc đúng theo chỉ định, nếu không sự nhiễm trùng có thể phát triển sâu và nghiêm trọng hơn.
Trong khi khu vực nhiễm trùng đang lành, bạn hãy giúp trẻ vệ sinh bằng gạc sạch và xà phòng diệt khuẩn hàng ngày. Nếu có vết chốc nào bị vỡ, bạn nên ngâm vùng đó vào nước xà phòng ấm để loại bỏ phần da bên ngoài.
Để hạn chế chốc lở lây lan sang các khu vực khác trên cơ thể trẻ bạn có thể dùng gạc sạch hoặc băng cá nhân để che phủ vết nhiễm trùng. Đồng thời cắt móng tay và dạy trẻ cách giữ móng tay sạch sẽ để tránh làm trầy xước vết thương có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn.
7.7. Có thể phòng ngừa bệnh chốc lở hay không
Bệnh chốc lở có thể được phòng ngừa nếu trẻ giữ cho da sạch sẽ bằng cách thường xuyên rửa tay và tắm rửa. Đặc biệt bạn cần chú ý đến những vết thương ngoài da (vết cắt, trầy xước hay côn trùng cắn), các vết chàm và vết phát ban vì những khu vực này rất dễ bị nhiễm trùng. Tốt nhất bạn nên che phủ chúng bằng gạc sạch hoặc băng cá nhân.
Để ngăn bệnh lây lan trong gia đình, các thành viên không nên sử dụng chung khăn tắm, khăn lau và đồ dùng cá nhân. Quần áo và khăn của trẻ bị bệnh nên được giặt trong nước nóng. Việc giữ vệ sinh nhà ở và khu vực bếp sạch sẽ cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh.
8. Chàm da
8.1. Chàm da là gì
Hầu hết trẻ đều bị nổi mẩn ngứa lúc này hay lúc khác, nhưng bệnh chàm lại rất gây phiền toái vì có thể khiến tình trạng của một vết xước trở nên tồi tệ hơn.
Thuật ngữ eczema dùng để chỉ một số tình trạng da khác nhau trong đó da bị đỏ và kích thích và đôi khi nổi những mụn nước nhỏ dễ vỡ. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh chàm là viêm da dị ứng (đôi khi được gọi là bệnh chàm sơ sinh), ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn.
Từ “dị ứng” mô tả các điều kiện xảy ra khi trẻ quá nhạy cảm với các tác nhân gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, nấm mốc, bụi cây, vẩy da động vật và một số loại thực phẩm. “Viêm da” có nghĩa là da bị viêm, đỏ và đau.
Trẻ bị bệnh chàm thường có thành viên trong gia đình bị sốt hoa cỏ (gây viêm mũi dị ứng), hen suyễn hay dị ứng khác. Một số chuyên gia cho rằng trẻ có gen di truyền khiến trẻ có khả năng cao mắc bệnh này.
Khoảng một nửa số trẻ em mắc bệnh chàm một ngày nào đó cũng sẽ bị sốt hoa cỏ hoặc hen suyễn. Bệnh chàm không phải là dị ứng nhưng dị ứng có thể kích hoạt nó. Một số yếu tố môi trường như nhiệt độ quá cao hay căng thẳng cũng có thể gây ra tình trạng này.
Khoảng 1 trong 10 trẻ sẽ bị bệnh chàm. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vài tháng đầu đời và hầu như luôn luôn trước khi trẻ lên 5 tuổi. Nhưng một điều đáng mừng là một nửa số trẻ mắc bệnh chàm sẽ vượt qua được căn bệnh này khi chúng tới tuổi thanh thiếu niên.
8.2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chàm da
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chàm da có thể rất khác nhau trong giai đoạn đầu. Khi trẻ được khoảng 2-6 tháng tuổi (và hầu như luôn luôn trước 5 tuổi) trẻ có thể bị ngứa, khô, đỏ da, và nổi mụn nhỏ ở má, trán hoặc da đầu. Tình trạng phát ban có thể lan tới cả cánh tay, chân và thân người trẻ. Các tổn thương màu đỏ, vảy hoặc vết nứt da (sâu) có thể xuất hiện trên bất cứ khu vực nào bị ảnh hưởng.
Trẻ cũng có thể nổi mẩn tròn, hơi nổi lên, ngứa và có vảy ở khuỷu tay, phía sau đầu gối hoặc mặt ngoài cổ tay và mắt cá chân.
Khi trẻ lớn hơn, các vết phát ban thường lớn hơn so với khi bênh bắt đầu xuất hiện, đồng thời da trẻ sẽ cực kỳ ngứa và khô. Những triệu chứng này cũng có xu hướng xấu đi và tiến triển theo thời gian với các đợt bùng phát định kỳ.
Trẻ em thường cố gắng làm giảm cảm giác ngứa ngáy bằng cách chà xát các khu vực bị ảnh hưởng bằng tay hay bất cứ thứ gì trong tầm tay trẻ. Nhưng gãi có thể làm cho tình trạng phát ban tồi tệ hơn và cuối cùng dẫn đến các khu vực này trở nên dày và cso màu nâu. Đây là lý do bệnh chàm được gọi là “ngứa phát ban” chứ không phải là “phát ban ngứa.
8.3. Bệnh chàm kéo dài bao lâu
Trong nhiều trường hợp, bệnh chàm thuyên giảm dần và các triệu chứng có thể biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Đối với nhiều trẻ, bệnh được cải thiện khi trẻ lên 5-6 tuổi, những trẻ khác có thể bùng phát trong suốt tuổi thiếu niên và giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành.
Ở một số trẻ khác, tình trạng bệnh được cải thiện nhưng lại tái phát khi trẻ bước vào tuổi dậy thì do sự thay đổi hormone, sự căng thẳng hay do sử dụng các loại mỹ phẩm gây kích ứng da.
Bệnh cũng có thể xuất hiện ở một mức độ nào đó đối với người trưởng thành với những vùng da ngứa, khô và có vảy.
Bệnh chàm không phải là bệnh truyền nhiễm nên bạn không cần phải giữ trẻ tránh xa anh chị hay các trẻ khác.
8.4. Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ hay cơ sở y tế
Trẻ và thiếu niên bị bệnh chàm rất dễ bị nhiễm trùng da đặc biệt do vi khuẩn tụ cầu và vurus herpes. Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ hay cơ sở y tế ngay nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau:
- Sốt tăng
- Vùng da bị bệnh hoặc xung quanh đỏ hoặc ấm
- Vùng da bị bệnh hoặc xung quanh sưng hoặc có mủ
- Vùng da bị bệnh hoặc xung quanh bị loét hoặc mọc mụn nước
- Vùng da bị bệnh thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu đi hoặc không đáp ứng với các khuyến nghị điều trị của bác sỹ.
8.5. Điều trị bệnh chàm da như thế nào
Để điều trị chàm da, corticosteroid tại chỗ, còn được gọi là cortisone hoặc thuốc mỡ (khác với steroid một số vận động viên sử dụng) thường được chỉ định để bôi lên khu vực bị viêm 2 lần một ngày. Corticosteroid tại chỗ cần được dùng đúng theo chỉ định của bác sỹ, tránh để người khác dùng chung vì dùng sai những loại kem và thuốc mỡ dạng này có thể làm hỏng da đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Thuốc không steroid cũng có sẵn trong các loại kem/ thuốc mỡ bôi và có thể được dùng thay vì hoặc kết hợp với steroid tại chỗ.
Các phương pháp điều trị kèm theo mà bác sỹ có thể chỉ định bao gồm:
- Thuốc kháng histamine (để giúp kiểm soát ngứa).
- Thuốc kháng sinh uống hoặc bôi tại chỗ (để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng thứ phát thường gặp ở trẻ em bị chàm).
- Một số trẻ lớn bị bệnh chàm nghiêm trọng cũng có thể được điều trị bằng tia cực tím dưới sự giám sát của bác sỹ da liễu.
- Trong một số trường hợp, những loại thuốc và phương pháp điều trị mới nhằm làm thay đổi cách phản ứng của hệ thống miễn dịch cũng có thể được sử dụng.
8.6. Phòng ngừa bệnh chàm ở trẻ
Các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân của bệnh chàm là do di truyền nên không có cách nào để ngăn chặn nó. Tuy nhiên do một số kích hoạt cụ thể có thể làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn nên chúng ta có thể ngăn chặn các đợt bùng phát hoặc giúp cải thiện chúng bằng cách tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân có thể kích hoạt sự bùng phát đó. Các tác nhân đó thường bao gồm:
- Phấn hoa
- Nấm mốc
- Bụi bặm
- Lông động vật
- Thời tiết mùa đông khô với độ ẩm thấp làm da quá khô
- Một số loại xà phòng và chất tẩy rửa
- Một số loại vải (như len hoặc vật liệu dệt thô)
- Một số sản phẩm chăm sóc da và nước hoa (đặc biệt là những sản phẩm chứa cồn)
- Khói thuốc lá
- Một số loại thực phẩm (phụ thuộc vào từng trẻ nhưng phổ biến nhất là các sản phẩm từ sữa, trứng, lúa mỳ, đậu nành và các loại hạt)
- Căng thẳng quá mức
- Nhiệt độ cao
- Đổ mồ hôi
Ngoài ra, hạn chế xu hướng trẻ làm trầy xước các vết phát ban có thể ngăn ngừa tình trạng xấu đi cũng như tiến triển gây tổn thương da nghiêm trọng hơn và nhiễm trùng thứ cấp.
8.7. Bạn có thể làm gì để giúp trẻ
Bạn có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh chàm cho trẻ bằng cách giữ cho da trẻ không bị khô, ngứa đồng thời tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân đã đề cập ở trên.
Bạn cũng hãy cố gắng thực hiện những việc sau:
- Tránh cho trẻ tắm nước nóng thường xuyên vì nó có thể làm khô da.
- Sử dụng nước ấm với xà phòng dịu nhẹ hoặc sản phẩm làm sạch không chứa xà phòng khi tắm cho trẻ.
- Tránh sử dụng xà phòng thơm.
- Hỏi ý kiến bác sỹ về các sản phẩm từ yến mạch dùng để ngâm trong bồn tắm giúp giảm ngứa.
- Tránh chà xát và lau quá nhiều sau khi tắm cho trẻ, thay vào đó hãy vỗ nhẹ cho da trẻ được khô.
- Tránh cho trẻ mặc quần áo làm từ len hoặc các vật liệu dệt thô thay vào đó là quần áo mềm mại như cotton.
- Thoa thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm cho trẻ sau khi tắm vài phút (khi trẻ đã được thấm khô người), ngay cả khi trẻ đang dùng kem corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên bạn nên tránh các loại kem có chứa cồn vì chúng làm da trẻ khô hơn. Một số sản phẩm dành riêng cho bé cũng góp phần làm da khô hơn.
- Dùng miếng gạc mát đắp lên khu vực da bị kích thích của trẻ để giảm ngứa.
- Giữ móng tay trẻ ngắn và sạch sẽ để giảm thiểu bất kỳ tổn thương nào do trầy xước gây ra.
- Cho trẻ mặc đồ thoải mái và đeo găng tay khi ngủ để tránh việc trẻ gãi làm trầy da.
- Giúp trẻ tránh bị quá nóng.
- Loại bỏ bất kỳ tác nhân gây dị ứng nào trong nhà bạn.
- Cho trẻ uống nhiều nước để bổ sung độ ẩm cho da.
Bệnh chàm da bên cạnh việc gây khó chịu cho trẻ, nó còn ảnh hưởng về mặt cảm xúc đối với trẻ sau này, đặc biệt khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách dạy trẻ:
- Thiết lập thói quen chăm sóc da.
- Dùng mỹ phẩm, kem chống nắng và kem dưỡng ẩm không mùi, không chứa dầu, được dán nhãn không gây dị ứng.
- Tránh sự cắng thẳng bằng cách tập hít thở sâu, nghỉ ngơi hoặc tập trung vào một hoạt động thú vị nào đó.
- Giảm thiểu các vết trầy xước càng nhiều càng tốt.
Bệnh viêm da ở trẻ em bao gồm những tình trạng có thể gây khó chịu, phiền toái cho cả trẻ và cha mẹ. Nhưng nếu bạn hướng dẫn và giúp trẻ chăm sóc bản thân đúng cách, cũng như tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ thì mọi thứ đều có thể nằm trong tầm kiểm soát của cả bạn và trẻ.
Theo Kid's Health
Lily Nguyễn lược dịch