Bệnh tay chân miệng ở trẻ nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, xảy ra hàng năm, nhất là tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12. Bệnh này lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi với nhiều biến chứng khác nhau.

banner ads

Bệnh tay chân miệng diễn biến nhanh chóng, xuất hiện dưới dạng các ca lẻ tẻ hoặc có thể gây thành dịch lớn. Vì thế, các bố mẹ cần tìm hiểu rõ thông tin để có thể nhận biết sớm, từ đó có cách chữa trị tốt nhất.

 bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm - Ảnh Internet

1. Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng

Virus đường ruột (Enterovirus) gây bệnh ở người có các nhóm: virus bại liệt (Poliovirus), Coxackie virus nhóm A, Coxackie virus nhóm B, Echovirus và Enterovirus mới (EV 68 – 71). Các nhóm virus này có thể gây bệnh với nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại Enterovirus gây nên, nhưng thường gặp nhất là Coxackie virus (đa số là A16, ít gặp với A4, A5, A9, B2, B5). Enterovirus týp 71 có thể tạo thành các trận dịch bệnh tay chân miệng.

Virus gây bệnh tay chân miệng được lây nhiễm qua đường tiêu hóa, được nhân lên trong các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa và vùng hầu họng. Sau giai đoạn phát triển trong ống tiêu hóa là giai đoạn nhiễm virus máu, từ đó, Enterovirus 71 sẽ di chuyển đến các cơ quan nhạy cảm trong cơ thể người bệnh.

 bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus EV71 gây ra
Bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus EV71 gây ra - Ảnh Internet

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng rất dễ nhận biết với các dấu hiệu sau đây:

  • Triệu chứng khởi phát:

- Bé có thể bị sốt ở mức độ nhẹ, vừa hoặc sốt cao.

- Trong một số trường hợp nhất định, bé bị bệnh tay chân miệng giai đoạn đầu có thể bị sốt kèm theo nôn, tiêu chảy phân không có máu.

  • Triệu chứng toàn phát:

- Sang thương da: Các bóng nước nổi trên nền hồng ban, xuất hiện ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối. Ngoài ra, một số bé có thể bị nổi bóng nước ở mông và cơ quan sinh dục. Những bóng nước này có kích thước nhỏ, đường kính khoảng từ 2 – 10mm, dịch trong, đôi khi hơi đục và khi lành sẽ không để lại sẹo trên da bé.

- Sang thương niêm mạc: Bệnh tay chân miệng khiến cho các bé bị nổi bóng nước ở vùng niêm mạc miệng, lưỡi, diễn tiến nhanh chóng thành các vết loét. Lúc này, bé thường bú ít, lười bú, ăn ít. Triệu chứng đi kèm là trẻ hay quấy khóc, chảy nước bọt liên tục (do miệng, lưỡi bị đau nên trẻ không nuốt được nước bọt).

  • Giai đoạn lui bệnh:

Bệnh tay chân miệng thường sẽ khỏi trong vòng 7 ngày kể từ lúc khởi phát. Nếu không xảy ra biến chứng nào, bé sẽ giảm sốt, bú được, ăn dặm bình thường trở lại, hết quấy khóc. Các vết loét ở miệng, lưỡi của bé cũng lành dần, các bóng nước trên da đóng vảy.

 nổi bóng nước đỏ ở lòng bàn chân là một trong các triệu chứng bệnh tay chân miệng
Nổi bóng nước đỏ ở lòng bàn chân là triệu chứng bệnh tay chân miệng - Ảnh Internet

3. Cách chữa trị và phòng bệnh tay chân miệng

3.1 Điều trị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, các bé thường sẽ được dùng kết hợp các biện pháp sau để điều trị những tổn thương ở niêm mạc miệng, da:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
  • Vệ sinh da cho bé để tránh bội nhiễm vi khuẩn vì da của bé rất nhạy cảm, non nớt.
  • Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…
  • Dùng dung dịch Betadin bôi lên các vết tổn thương trên da cho bé sau khi tắm.
  • Cho bé uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như sữa, cháo loãng… súp hầm kỹ, bột dinh dưỡng, sữa chua, phô mai, tàu hủ đường… và nên chia nhỏ các bữa ăn ra nhiều lần hơn bình thường để tốt cho đường tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ dễ ăn, tránh tình trạng hạ đường huyết.
 trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được tắm sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được tắm sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn - Ảnh Internet

3.2 Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu chủng ngừa bệnh tay chân miệng nên việc phòng bệnh trong cộng đồng là hết sức quan trọng. Bố mẹ hãy áp dụng các phương pháp sau đây để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:

  • Bố mẹ phải giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay quần áo, thay tã cho trẻ hoặc sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đồng thời rửa sạch đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm.
  • Thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nguyên tắc "ăn chín uống sôi", đủ chất dinh dưỡng.
  • Không mớm thức ăn cho bé; không cho bé ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho bé dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.
  • Cách ly trẻ bệnh tay chân miệng trong tuần lễ đầu tiên.
rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã cho bé để phòng bệnh tay chân miệng
Rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã để phòng bệnh tay chân miệng - Ảnh Internet

Bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa đặc hiệu và có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Do tính chất nguy hiểm của bệnh tay chân miệng nên các bố mẹ cần nắm rõ các thông tin để có thể chăm sóc con tốt nhất. Với những chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cũng như cách chữa trị nói trên, Yeutre.vn hy vọng các bậc phụ huynh có thể thực hiện đúng theo những hướng dẫn để giúp bé yêu mau khỏe và tránh lây lan bệnh trong cộng đồng.

Mỹ Tiên tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI