Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng (TCM) có thể xuất hiện rải rác vào các mùa trong năm và các vùng dịch thường xảy ra tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường học. Thông thường, bệnh nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số loại virus như Enterovirus (EV71) có thể làm xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng này thường ảnh hưởng đến tim và hệ thần kinh (gây viêm não) có thể dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm và có tốc độ lây lan rất nhanh, dễ trở thành đại dịch.
Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra. Dấu hiệu chính của bệnh là các nốt phỏng nước nhỏ dưới da ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Cũng chính vì điều này mà bệnh có tên là tay chân miệng.
Con đường lây truyền dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như nước mũi, nước bọt, phân và chất dịch từ ban của người bệnh. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị lây nhiễm, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với bệnh truyền nhiễm này.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sốt trước khi phát ban
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em phổ biến với các dấu hiệu tuần tự sau:
- Sốt: Dấu hiệu ban đầu khi phát bệnh
- Viêm họng: Sau 1-2 ngày sốt
- Có vết loét ở họng, miệng và lưỡi: Đi cùng với dấu hiệu viêm họng
- Nhức đầu: Một số trẻ có dấu hiệu này
- Phát ban với các nốt phỏng nước nhỏ với đường kính từ 3-7 mm trên bàn tay, bàn chân và bẹn. Các nốt phỏng nước thường xuất hiện nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng. Ngoài ra, các nốt phỏng nước có thể được tìm thấy trên mông, cánh tay và chân.
- Chán ăn: Xuất hiện sau khi phát ban
- Ngủ lịm: Bệnh có dấu hiệu trở nặng
Tuy nhiên, các triệu chứng trên của bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể không giống nhau giữa mỗi trẻ và tùy các giai đoạn khác nhau của bệnh. Chẳng hạn một số trẻ có thể chỉ phát ban hoặc một số khác có thể không có triệu chứng gì.
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Loét nặng ở miệng sẽ khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng đau đớn và từ chối thức ăn cũng như đồ uống. Điều này có thể dẫn đến mất nước.
Trong một số ca bệnh nặng có thể có các biến chứng như nhiễm trùng não, phổi hoặc tim. Phần lớn các trường hợp này thường do virus EV71 gây ra và có thể đe dọa đến tính mạng. Các dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Nhức đầu, choáng váng và cứng cổ
- Mất phương hướng, buồn ngủ và khó chịu
- Khó thở hoặc da xanh tái
Xử lý bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay miệng ở trẻ em. Các phương pháp điều trị chỉ làm giảm triệu chứng của bệnh. Nếu nghi ngờ con mắc bệnh tay chân miệng, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ điều trị, bố mẹ có thể thực hiện các bước sau để giảm bớt sự khó chịu của bé và giúp các bé chóng phục hồi:
Cho trẻ uống nhiều nước trong thời gian bệnh
- Cho trẻ uống nhiều nước
- Thay đổi chế độ ăn dạng lỏng, thức ăn mềm nếu loét miệng khiến trẻ từ chối ăn uống
- Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn sirô paracetamol để hạ sốt và giảm đau
- Để trẻ tránh xa anh chị em trong gia đình và các trẻ nhỏ khác.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh tay chân miệng để giúp bố mẹ tiện theo dõi sức khỏe con em mình, đặc biệt là trong những mùa bệnh dễ bùng phát thành dịch. Chúc bé luôn khỏe!
Yeutre.vn (Tổng hợp)