Bệnh quai bị ở trẻ em - triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả

Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai, hay chàm bàm, là bệnh thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 14 tuổi. Khi trẻ bị nhiễm quai bị, ba mẹ cần biết cách can thiệp phù hợp để không gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con.

banner ads

Quai bị là một trong những bệnh có tính lây lan cao qua đường hô hấp và ăn uống, do vi rút Paramyxo gây ra. Mùa đông xuân là thời điểm dịch bệnh bùng phát. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh vì có sức đề kháng còn yếu. Vì vậy ba mẹ cần hết sức chú ý đến sức khỏe của trẻ.

1. Bệnh quai bị ở trẻ em có triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh quai bị biểu hiện khác nhau theo 3 giai đoạn phát triển của bệnh: Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và hồi phục.

trẻ sưng phồng tuyến mang tai
Sưng phồng tuyến mang tai là biểu hiện điển hình của bệnh quai bị 

Giai đoạn ủ bệnh bắt đầu từ sau khi trẻ tiếp xúc với virus trong vòng 1 đến 2 tuần. Thời gian này trẻ sẽ không có biểu hiện bất thường nào.

Bước qua giai đoạn khởi phát, trẻ bắt đầu có những biểu hiện đầu tiên như: nhức đầu, sốt cao, buồn nôn, ăn không ngon, khô miệng, khó nhai nuốt, bắt đầu sưng tuyến mang tai, cảm giác đau tăng dần khi nhai nuốt. Các biểu hiện này thường kéo dài trong vòng từ 1 đến 2 ngày.

Sau khi trẻ có các biểu hiện sưng đau ban đầu của bệnh, tuyến mang tai bắt đầu sưng to và đau nhức. Thời gian này được gọi là giai đoạn toàn phát của bệnh. Có trẻ sẽ sưng phồng hai tuyến mang tai cùng lúc, có trẻ lại sưng một bên rồi lan qua bên đối diện và tuyến nước bọt khác. Trẻ sẽ cảm nhận rõ ràng tuyến sưng lan ra vùng trước tai, mõm chũm, lan đến dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm. Tuy bị sưng phồng nhưng trẻ sẽ  không có cảm giác đau hay nóng. Trẻ cảm thấy nhức đầu nhiều hơn, sốt, đôi khi rét,khó ngủ, mệt mỏi, đau góc hàm, chán ăn. Thời kỳ bệnh toàn phát có thể kéo dài trong khoảng một tuần. Sau khoảng thời gian này, các triệu chứng bệnh giảm dần. Tuyến mang tai thu hẹp độ sưng phồng, những khó chịu khi trẻ nhai nuốt, nói chuyện, nuốt nước bọt sẽ giảm dần và biến mất. 

Bệnh quai bị chỉ xảy ra một lần trong đời. Bởi sau khi nhiễm bệnh, cơ thể trẻ sẽ tự tiết ra kháng thể miễn dịch với virus gây bệnh. Triệu chứng của bệnh quai bị có thể dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác (viêm tuyến nước bọt, viêm tuyến mang tai,...). Đây có lẽ là nguyên nhân khiến nhiều người nghi ngờ mình bị lại quai bị, về thực chất đây chỉ là một sự nhầm lẫn.

2. Nguyên nhân và con đường lây truyền bệnh quai bị ở trẻ em

trẻ ho

Một cái ho hay hắt hơi có thể khiến cho vi rút lan thuyền trong không khí - Ảnh Internet

Ba mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh quai bị ở trẻ để chủ động phong ngừa, tránh nhầm lẫn với những căn bệnh khác.

Như đã đề cập ban đầu, bệnh do virus Paramyxo gây ra. Quai bị có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào dù là người lớn hay trẻ em. Tuy nhiên vì có sức để kháng yếu hơn, vi rút dễ tấn công hơn nên trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ mắc quai bị cao hơn.

Do vi rút gây bệnh có khả năng phát tán nhanh trong môi trường nên đây là một căn bệnh có nguy cơ lây lan cao. Bệnh lây truyền chính qua đường hô hấp nên trẻ có nhiều khả năng nhiễm bệnh từ bạn bè hay những người xung quanh. Trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp, ăn uống chung, dùng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Ngoài ra ba mẹ cần nhớ bảo vệ cho trẻ trong những môi trường đông người như nhà trẻ, khu vui chơi, ... Vì chỉ cần có người bị bệnh hắt hơi hay ho thì những người xung quanh đã có nhiều nguy cơ nhiễm vi rút.

Hiện nay đang có nhiều nghi ngờ bệnh có thể lây lan qua đường phân hay nước tiểu, khi các nhà khoa học phát hiện virut gây bệnh có thể tồn tại trong nước tiểu từ 2 đến 3 tuần.

3. Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em

Mặc dù quai bị là một căn bệnh lành tính, bệnh có thể tự biến mất mà không cần chữa trị trong khoảng thời gian hơn 2 tuần. Tuy nhiên bệnh lại có nhiều biến chứng khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

biến chứng viêm tinh hoàn có thể dẫn tới vô sinh

Biến chứng viêm tinh hoàn ở trẻ nam có thể dẫn tới vô sinh - Ảnh Internet

Viêm màng não

Trẻ có nguy cơ viêm não hoặc viêm màng não trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 10 sau khi các triệu chứng viêm tuyến mang tai giảm dần. Biến chứng xảy ra khi vi rút tràn vào lớp bảo vệ bên ngoài não. Đây là biến chứng lành tính, trẻ sẽ đau đầu nhiều hơn, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, sốt, nôn ói mệt mỏi. 

Viêm tinh hoàn ở bé trai

Trẻ em nam mắc quai bị có nguy cơ bị biến chứng viêm tinh hoàn. Các triệu chứng thương gặp như nhức đầu, cơ thể lạnh run, sốt cao, buồn nôn, đau bụng, tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Trẻ nam trong độ tuổi dậy thì khi mắc quai bị có khả năng gặp biến chứng viêm tinh hoàn với tỉ lệ lên đến 35%. Một nữa số bệnh nhân nam gặp biến chứng này bị teo tinh hoàn gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng dẫn đến khả năng vô sinh. Các trường hợp còn lại, quá trình sinh tinh có thể trở lại bình thường.

Ba mẹ cần hết sức chú ý đến hiện tượng con bị teo tinh hoàn. Quá trình này xảy ra trong vòng từ 1 đến 6 tháng sau thời kỳ toàn phát của bệnh. Nguyên nhân trực tiếp do sự tác động của vi rút gây bệnh, nguyên nhân thứ phát là do quá trình sưng, viêm vùng mô bị thiếu máu cục bộ. Việc teo mô tinh hoàn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh tinh, làm cho việc sinh tinh giảm dần hoặc mất hẳn. Đặc biệt, trẻ bị vô sinh hoàn toàn nếu cả hai bên tinh hoàn đều viêm.

Viêm buồng trứng ở bé gái

Viêm buồng trứng ở bé gái hiếm gặp và ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hơn. Các triệu chứng đau bụng ẩm ỉ, sốt cao, ra huyết trắng ở bé gái dậy thì xảy ra khi vùng sưng ở mang tai giảm xuống.

Ngoài ra một số biến chứng khác nữa cũng có thể xảy ra với người bị quai bị như: bị mất thính lực; viêm tụy tạng cấp; viêm cơ tim; viêm tuyến lệ.

4. Điều trị bệnh quai bị ở trẻ em

cho trẻ quai bị cách ly với mọi người

Cho trẻ mắc quai bị nghỉ học để dưỡng bệnh ở nhà - Ảnh Internet

Bệnh quai bị có tính chất tự khỏi cho dù có sử dụng thuốc hay không. Tuy vậy, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng không mong muốn vì bệnh quai bị, ba mẹ tốt hơn nên đưa trẻ đến khám bác sỹ để được hướng dẫn và điều trị đúng cách. Vì vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị bệnh quai bị ở chú trọng vào giảm các triệu chứng cho đến khi trẻ khỏe hắn. 

Không cho trẻ vận động nhiều, đặc biệt với trường hợp biến chứng viêm tinh hoàn thì cần cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối. Ba mẹ cần cho trẻ mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau.

Khi trẻ bị sốt ba mẹ có thể chườm đá hay cho uống thuốc hạ sốt. Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước do sốt cao.

Vì bệnh dễ lây truyền từ người này qua người khác, mẹ cần giữ trẻ trong nhà, tránh hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Cho trẻ kiêng gió và nước lạnh để không làm vùng quai hàm sưng to và đau hơn. Tuy nhiên mẹ vẫn cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho con để triệt tiêu vi khuẩn, vi trùng. Cho trẻ tắm nhanh bằng nước ấm và vệ sinh kỹ càng những vùng có chất dịch tiết ra. Đừng quên vệ sinh răng miệng sạch sẽ để vi khuẩn không có điều kiện phát triển. Tránh tự ý bôi đắp các loại thuốc khi chưa rõ công dụng và cách thức sử dụng để phòng nhiễm độc.

5. Dinh dưỡng cho trẻ bị quai bị

cháo dinh dưỡng

Cho trẻ mắc quai bị ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai nuốt và đủ chất - Ảnh Internet

Vì việc ăn uống của trẻ mắc quai bị khó khăn hơn bình thường, nên ba mẹ cần có sự chú ý tới chế độ dinh dưỡng của con. Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm khó nhai, khó tiêu, thức ăn cứng. Bởi trong lúc này, cơ hàm của trẻ đang sưng to, trẻ sẽ khó khăn khi nhai và nuốt thức ăn. Bố mẹ nên chọn thức ăn nhiều dinh dưỡng, mềm, dễ nuốt (bột ngó sen, canh, cháo dinh dưỡng,...) để tăng sức đề kháng cho con.

Ngoài ra nên cho trẻ ăn đa dạng các loại rau xanh, các loại đỗ và hoa quả tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết làm tăng sức đề kháng cho trẻ.

Hạn chế cho trẻ ăn đồ cay, nóng và một số đồ chua (dưa muối,xoài chua), thực phẩm có chất kích thích. Thức ăn có chứa nếp (bánh chưng, bánh tét, cơm nếp, xôi,...) cũng cần phải loại ra trong khẩu phần ăn của bệnh nhân quai bị. Những thực phẩm này có tác dụng tăng tiết nước bọt làm vùng mang tai sưng to hơn.

6. Phòng bệnh quai bị ở trẻ em

tiêm phòng đầy đủ cho trẻ

Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị cho trẻ - Ảnh Internet

Khi phát hiện trẻ bị quai bị, cần cho trẻ cách ly với mọi người, không đi học, cần mang khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với những người xung quanh. Những trẻ nam đã dậy thì bị quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn. Để đề phòng khả năng vô sinh, các em có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh để xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều.

Tránh cho trẻ bình thường tiếp xúc với những người bị quai bị. Vào những mùa cao điểm phát bệnh, ba mẹ nhớ đeo khẩu trang khi cho trẻ tiếp xúc nơi đông người.

Trẻ dưới 1 tuổi sẽ không mắc bệnh quai bị do miễn dịch thụ động từ mẹ sang. Từ một tuổi trở đi trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên khi trẻ sống trong môi trường có dịch bệnh thì có thể tiêm phòng quai bị từ 9 tháng tuổi. Vắc xin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể kháng quai bị đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 đến 7 tuần.

Đến đây hẳn ba mẹ đã tỏ tường về bệnh quai bị ở trẻ em rồi. Tuy đây là một căn bệnh lành tính nhưng lại có nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngay từ bây giờ ba mẹ cần lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh hiệu quả cho bé.

Oanh Nguyễn tổng hợp

Nguyễn Thị Oanh cảm thấy bài viết này Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI