Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh - mẹ đã biết rõ về bệnh này như thế nào?

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh thường không hiếm gặp nhưng không phải mẹ nào cũng nắm một cách tổng quan về căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, Yeutre.vn đã tổng hợp chi tiết và khá đầy đủ về nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị đẹn cũng như phòng tránh cho trẻ sơ sinh, mẹ hãy cùng theo dõi nhé.

banner ads
Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh
Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh thường không hiếm gặp nhưng không phải ai cũng nắm rõ. Ảnh Internet

1. Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh là gì?

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh hay còn được gọi với cái tên là nấm lưỡi, bệnh tưa lưỡi, tưa miệng do một loại nấm men có tên là Candida albicans (Candida hầu họng) gây ra. Loại nấm này bình thường vẫn tồn tại trong khoang miệng với số lượng nhỏ mà không gây hại gì. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, loại nấm này sẽ phát triển không ngừng và gây ra nhiễm trùng nấm trong khoang miệng đặc biệt là ở lưỡi làm trẻ đau rát miệng lưỡi, biếng bú, lười ăn, hay nôn trớ, đau họng khó nuốt. Ở nhiều trường hợp có thể gây viêm sưng đỏ, nhiễm trùng nặng nhưng rất hiếm.

2. Dấu hiệu giúp mẹ biết được trẻ đang mắc bệnh đẹn

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu tiên thường rất khó phát hiện vì chúng chưa có biểu hiện rõ ràng. Chỉ khi những loại nấm men gây bệnh đã phát triển mạnh với số lượng lớn thì chúng mới có những dấu hiệu đặc trưng giúp mẹ dễ dàng nhận biết, đó là:

  • Lưỡi trẻ xuất hiện những mảng trắng trên bề mặt và có những đường nút nhỏ. Tùy theo tình trạng của trẻ mà những mảng trắng này có thể chuyển từ trắng sang ngả vàng, từ vàng sang nâu và lan rộng đến niêm mạc miệng, mép, nướu rồi xuống vùng họng.
  • Những mảng trắng này sẽ bám chặt vào lưỡi trẻ, gây chảy máu khi ba mẹ cạo ra.
  • Góc miệng của trẻ khi mắc bệnh thường có dấu hiệu khô và nứt nẻ.
  • Bé thường đau họng, khó nuốt dẫn đến tình trạng chán ăn, cáu gắt, hay quấy,...
bệnh đẹn
Những mảng trắng này sẽ bám chặt vào lưỡi trẻ, gây chảy máu khi ba mẹ cạo ra. Ảnh Internet

Trẻ sơ sinh khi bị bệnh đẹn hay tưa lưỡi , có thể lây nhiễm sang cho mẹ khi đang cho con bú, cụ thể là ở vùng ngực (núm vú). Lúc này, mẹ và bé sẽ tạo thành một vòng lây nhiễm và tái nhiễm cho nhau. Biểu hện khi mẹ bị niễm nấm đen là:

  • Mẹ thường bị ngứa dữ dội, nhạy cảm hoặc đau ở núm vú, đặc biệt là mỗi lần cho con bú.
  • Xung quanh khu vực này sẽ có da bị bong tróc hoặc trở nên bóng loáng.
  • Lâu dần, mẹ sẽ thấy đau hết vùng ngực.

3. Nguyên nhân bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh

Thông thường, hệ miễn dịch ở trẻ sẽ kiểm soát tốt lượng nấm Candida albicans, các vi sinh vật tốt, xấu trong khoang miệng. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, các loại nấm, vi sinh có hại sẽ phát triển mạnh mẽ, từ đó gây ra nhiễm trùng. Nguyên nhân chính là do hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu bởi:

  • Lượng thức ăn mẹ cung cấp không đầy đủ dưỡng chất, chế biến không kĩ hoặc trẻ có vấn đề về hệ tiêu hóa.
  • Sau khi bú xong, mẹ không vệ sinh miệng trẻ sạch sẽ bằng gạc hoặc cho tráng miệng với nước thì cặn sữa bám trên lưỡi sẽ tạo điều kiện cho nấm bùng phát.
  • Trẻ đang trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Trẻ bị nhiễm HIV hoặc bệnh bạch cầu cũng có khả năng bị đẹn rất cao. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm nấm trong quá trình sinh, hoặc khi mẹ bị nhiễm nấm âm đạo.
  • Trẻ sơ sinh non tháng thường rất dễ bị đẹn do hệ miễn dịch của con chưa hoàn thiện.
  • Những mẹ đang dùng kháng sinh, steroid, thuốc kháng axit, bị stress, dị ứng hoặc ăn nhiều đồ ăn ngọt cũng sẽ dễ bị nhiễm nấm và lây cho bé.
lây nhiễm
Những mẹ đang dùng thuốc, bị stress, dị ứng hoặc ăn nhiều đồ ăn ngọt cũng sẽ dễ bị nhiễm nấm và lây cho bé. Ảnh Internet

4. Tác hại của bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh kéo dài sẽ gây đau đớn, hay nôn trớ, đau họng khó nuốt cản trở việc bú, ăn lâu dần sẽ gây ra tình trạng biếng ăn/ sợ ăn ở trẻ sơ sinh.

Bệnh đẹn sẽ hiếm xảy ra biến chứng nhưng nếu hệ miễn dịch của con yếu cộng thêm cách chăm sóc của ba mẹ không đúng cách cũng sẽ khiến nấm xâm nhập vào máu và lan truyền khắp cơ thể, cụ thể là não, tim và gan. Với những trường hợp ba mẹ cạy lớp nấm trắng ra, chúng sẽ gây chảy máu và dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh khi bị nấm khoang miệng cũng có thể gây ra tình trạng phát ban nặng.

5. Cách điều trị bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được vệ sinh và điều trị đúng cách chúng sẽ rất dễ tái phát và thời gian điều trị cũng rất dài. Mẹ có thể tham khảo thêm các cách chữa trị hiện đại hoặc theo những bài thuốc dân gian, cụ thể là:

5.1. Trị bệnh đẹn bằng thuốc kháng nấm

Cách trị bệnh đẹn bằng thuốc kháng nấm là cách được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng nhất. Những loại thuốc thích hợp mà mẹ có thể dụng để rà miệng cho con có thể kể đến như:

  • Thuốc Miconazole: Trong hầu hết các trường hợp bị đẹn, các bác sĩ đều sẽ đề xuất mẹ sử dụng thuốc Miconazole. Thuốc này có dạng gel trong và được sử dụng để bôi vào vùng bị đẹn trong khoang miệng của bé. Mẹ cần lưu ý, thuốc chỉ được sử dụng 1 lần/ ngày để tránh làm bé nghẹt thở. Ở một số trẻ sau khi dùng gel này có xuất hiện tác dụng phụ, lúc này mẹ cần liên hệ với bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Cách trị bệnh đẹn
Cách trị bệnh đẹn bằng thuốc kháng nấm là cách được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng nhất. Ảnh Internet
  • Thuốc Nystatin: Đây là loại thuốc lỏng (tạm thời) được bôi trực tiếp vào vùng bị đẹn, sử dụng kèm theo thuốc nhỏ giọt cung cấp cùng với thuốc khi mua. Nystatin thường không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào và hầu hết trẻ em đều không gặp khó khăn khi sử dụng.
  • Dùng nước muối loãng: Dùng nước muối để điều trị đẹn là phương pháp điều trị có hiệu quả cao và tương đối an toàn. Vì nước muối sinh lý 0.1% không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé ở bất kỳ độ tuổi nào. Mẹ có thể dễ dàng mua được nước muối sinh lý ở những hiệu thuốc và dùng gạc lau nhẹ nhàng miệng cho con.

Một lưu ý cực kỳ quan trọng cho mẹ rằng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách dùng và liều lượng để tránh gây hại cho con, mẹ nhé.

5.2. Các biện pháp điều trị theo dân gian

Các biện pháp điều trị bệnh đẹn theo dân gian thường khá phổ biến và được áp dụng nhiều. Tuy nhiên, với các cách điều trị dân gian mẹ nên sử dụng cho trẻ đã trên 6 tháng vì có nhiều loại lá không phù hợp cho trẻ nhỏ hơn. Một số biện pháp điều trị hay mà mẹ có thể áp dụng đó là:

  • Sử dụng rau ngót: Mẹ có thể sử dụng lá rau ngót để chữa đẹn cho con rất hiệu quả. Rau ngót rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, sau đó giã lấy nước rồi dùng khăn thấm, lau lưỡi cho bé.
  • Trị đẹn bằng nước trà xanh: Phương pháp này cũng chỉ sử dụng được cho những trẻ trên 6 tháng tuổi thôi mẹ nhé. Trà xanh sau khi rửa mẹ hãy đung sôi cùng một chút muối. Để nguội rồi dùng gạc thấm nhẹ lau lưỡi cho con.
bệnh đẹn
Các biện pháp điều trị bệnh đẹn theo dân gian thường khá phổ biến và được áp dụng nhiều. Ảnh Internet
  • Trị đẹn bằng mật ong: Mật ong chỉ được sử dụng cho bé trên 1 tuổi và sau khi rơ lưỡi mẹ phải cho con uống nước lọc tráng miệng để khỏi lưu lại chất đường trong miệng.
  • Trị đẹn bằng lá hẹ: Lá hẹ sau khi mua về rửa sạch, đập dập đun sôi chắt lấy nước. Sau khi nước hẹ đã nguội, mẹ có thể tiến hành thực hiện rơ lưỡi cho bé nhẹ nhàng.

6. Những lưu ý khi chữa bệnh đẹn cho con

Khi chữa bệnh đẹn cho con dù là theo phương pháp dân gian hay hiện đại mẹ cũng cần hết sức cẩn trọng và nắm rõ những lưu ý sau đây:

  • Mẹ nên bắt đầu rơ từ phần răng hàm sát hai bên má, sau đó lan dần đến vùng răng trên và dưới, sau cùng mới rơ lưỡi.
  • Trong quá trình điều trị, mẹ lưu ý không nên tự cạo hoặc bóc những mảng trắng trong miệng bé vì điều này sẽ làm bé rất đau và có thể khiến bé bỏ ăn.
  • Việc rà miệng cho trẻ nên tiến hành sau khi cho trẻ bú khoảng 2 giờ để sữa xuống hết tá tràng, tránh gây nôn.
  • Khi rà lưỡi, chị em cần cẩn thận, không đưa ngón tay vào quá sâu trong miệng trẻ tránh gây khó chịu cho con.
  • Ngoài việc rà miệng cho trẻ, mẹ cũng cần vệ sinh các vật dụng của bé hàng ngày thật sạch sẽ để tránh mầm bệnh có thể lây lan.
  • Sau khi bé đã bớt hoặc hết đẹn, mẹ nên tiếp tục rà miệng trẻ thêm hai ngày để tránh trường hợp bệnh tái phát trở lại.
bệnh đẹn ở trẻ
Sau khi bé đã bớt hoặc hết đẹn, mẹ nên tiếp tục rà miệng trẻ thêm hai ngày để tránh trường hợp bệnh tái phát trở lại. Ảnh Internet
  • Sau khi điều trị khoảng 7 ngày mà trẻ vẫn không đỡ, mẹ nên đưa bé đi khám để biết nguyên nhân và cách điều trị thích hợp.
  • Khi áp dụng cách điều trị dân gian để chữa bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh, mẹ nên tìm hiểu và tham khảo ý kiến bác sĩ thật kĩ trước khi làm để tránh một số trường hợp đáng tiếc xảy ra.
  • Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn nhiều sữa chua, vì sữa chua sẽ giúp tăng cường lợi khuẩn cho cơ thể trẻ, khiến đẹn miệng khỏi nhanh. Sữa chua cũng mát dịu và dễ ăn, không gây xót, không gây đau cho trẻ.

7. Các biện pháp phòng tránh bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể phòng tránh được, vì thế mẹ nên tìm hiểu thật kỹ những cách phòng ngừa cho con ngay từ bây giờ nhé.

  • Nếu cho con bú trực tiếp, mẹ cũng cần sử dụng các loại thuốc chống nấm cho ngực để phòng tránh bệnh quay trở lại.
  • Mẹ nên lau lưỡi hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, với bé lớn hơn mẹ có thể hướng dẫn con bằng nước súc miệng hay dậy trẻ đánh răng mỗi ngày.
  • Sử dụng miếng đệm điều dưỡng để ngăn chặn các loại nấm lan sang quần áo.
  • Đẹn thường gặp ở trẻ bú sữa bình . Để tránh tình trạng này, mẹ cần vệ sinh bình sữa và núm vú cao su thường xuyên vì các vi nấm thường trú ẩn nơi đây. Sau khi trẻ bú bình xong, mẹ cần cho trẻ uống ít nước chín đun sôi để nguội nhằm làm sạch các bợm sữa trẻ còn ngậm trong miệng chưa nuốt hết.
bú bình
Đẹn thường gặp ở trẻ bú sữa bình, do đó mẹ cần vệ sinh bình sữa và núm vú cao su thường xuyên. Ảnh Internet

Bệnh đẹn ở trẻ sơ sinh rất dễ khắc phục nhưng cũng dễ tái phát trở lại. Do đó, để đảm bảo cho con có một hệ miễn dịch tốt nhất, mẹ nên cân bằng chế độ ăn uống và vệ sinh đúng cách, phù hợp với độ tuổi cũng như tình trạng của con. Bên cạnh đó, đừng quên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện thêm những dấu hiệu bệnh một cách sớm nhất nhé.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI