1. Bé không chịu bú bình - vì sao?
Theo sự phát triển trong từng giai đoạn, trẻ con khoảng 3 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu nhạy cảm nhận biết được đâu là hơi mẹ, hay đâu là “ti thật” và đâu là “ti giả”. Bởi thế, bé hoàn toàn có thể bài xích chuyện bú bình vì hơi của mẹ thì luôn khiến bé dễ chịu, còn ti của mẹ thì giúp bé cảm nhận được sự mềm mại và ấm áp hơn chiếc núm cao su thô cứng kia.
Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng không nên cho trẻ làm quen với việc bú bình quá sớm (thường là khi bé chưa đủ 2 tháng tuổi thì không nên cho bé bú bình). Bởi vì, việc bú bình sớm sẽ khiến trẻ bị nghiện bình sữa dẫn đến việc từ bỏ ti mẹ liền sau đó, như vậy sẽ khiến mẹ dần mất sữa và bé con cũng mất đi một nguồn dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Do đó, các mẹ chỉ cần cho con tập bú bình từ 2 tuần đến 1 tháng trước khi đi làm trở lại là được.
2. Những “mẹo nhỏ nhưng có võ” để mẹ tập cho trẻ bú bình được tốt
Đầu tiên, bạn nên cho con chơi với “ti giả” trước khi tập cho trẻ bú bình. Đồng thời, bạn nên thay đổi nhiều loại ti để bé tìm ra “ti” mà mình thích. Ngoài ra, các mẹ nên mua “ti giả” thật mềm và gần giống với ti của mình nhất, như vậy sẽ giúp bé dễ dàng chịu bú bình hơn.
Thứ hai, khi cho bé làm quen với việc bú bình, mẹ không nên pha sữa công thức ngay mà hãy vắt sữa của mình ra cho vào bình và làm ấm rồi mới cho bé bú. Bởi sữa công thức và sữa mẹ khác nhau rất nhiều, hãy để bé làm quen từ từ từng chút một, không nên bắt bé làm quen với hai sự thay đổi cùng lúc (vừa đổi “ti” vừa đổi sữa). Vì bé của bạn vốn dĩ đã quen với nguồn sữa mẹ thanh đạm, mát lành nên nếu cho bé bú bình mà sữa trong bình lại có mùi vị xa lạ, thì sẽ càng khiến bé khó chịu và chán ghét việc bú bình hơn.
Nếu sữa trong bình là sữa mẹ thì may ra bé còn cảm thấy quen thuộc và chịu bú, sau đó, mẹ có thể từ từ thay sữa mẹ trong bình thành sữa bột. Như vậy, bé mới dần quen với việc bú bình và không bài xích ngay từ đầu.
Thứ ba, tùy vào “tính nết” của bé nhà mình mà mẹ lựa chọn người tập cho trẻ bú bình, nếu như bé của bạn “đòi hỏi” người cầm bình là mẹ mới chịu bú thì bạn hãy làm, còn nếu bạn thấy khi bé có hơi mẹ là nhõng nhẽo, đòi ti thì bạn nên tránh mặt và để cho ông/ bà hoặc chồng của mình tập cho trẻ bú bình.
Thứ tư, mẹ có thể “đánh lạc hướng” bé bằng cách mở những thiết bị tạo âm thanh, hay đồ chơi màu sắc để lôi cuốn sự chú ý của bé trong những lúc bé đang đói. Như vậy, mẹ có thể dễ dàng lợi dụng thời cơ để đút “ti giả” của bình sữa vào miệng bé mà bé không hay biết. Chỉ cần làm vài lần, bé sẽ quen với việc bú bình.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là mẹ nên thật tập trung và cẩn thận khi cầm bình cho con bú vì nếu không chú ý cách cầm bình thì bé có thể bị sặc hoặc nôn trớ khi bú. Ngoài ra, mẹ cũng không nên để con nằm khi bú bình vì như vậy dễ khiến sữa xâm nhập vào vòi tai gây nguy hiểm cho bé.
3. Yếu tố quan trọng trong quá trình tập cho bé bú bình
Sự kiên nhẫn của mẹ là yếu tố quan trọng trong quá trình tập cho trẻ bú bình. Trên thực tế, không phải em bé nào cũng chấp nhận việc bú bình một cách nhanh chóng và dễ dàng. Thậm chí, có những bé không bao giờ bú bình và mẹ chỉ còn cách là đút từng muỗng sữa cho con. Vì vậy, khi đã làm mọi cách tập cho trẻ bú bình nhưng mẹ lại không tỏ ra “sắt đá” và thiếu kiên nhẫn thì rất dễ thất bại.
Chẳng hạn như khi thấy bé khóc dữ dội đòi ti mẹ mà bạn mềm lòng cho bé bú sữa mẹ trực tiếp thì bé sẽ “ăn quen” và không chịu bú bình làm gì nữa. Hãy cố tỏ ra lạnh lùng và “sắt đá” với bé một chút để buộc bé phải bú bình. Bên cạnh đó, khi mẹ thấy bé gào khóc và không chịu bú bình mà cứ cố ép thì lại càng phản tác dụng nghiêm trọng. Lúc này đây, mẹ cần hết sức kiên nhẫn, hãy cất bình sữa đi và đợi lát sau hãy đem ra lại để “dụ” bé tiếp.
Không nên mất kiên nhẫn, mà hãy cố thử các cách tập cho trẻ bú bình như các gợi ý ở trên, rồi mẹ sẽ thấy tập cho con bú bình không còn là vấn đề gây “đau đầu” nữa. Chúc bé của mẹ luôn vui khỏe và hy vọng rằng các cách tập cho trẻ bú bình mà Yeutre.vn đã “gợi ý” ở trên sẽ được các mẹ áp dụng thành công khi cần thiết nhé.
Hoàng Oanh tổng hợp