1. Nguyên nhân trẻ bị tưa lưỡi
Nguyên nhân khiến trẻ bị tưa lưỡi chủ yếu là do nhiễm nấm Candida albica. Thông thường nấm Candida albica sinh sống ở đường ruột và không gây hại. Nguyên nhân khiến nấm sinh sôi và phát triển mạnh có thể do bé dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh, hoặc mẹ uống thuốc kháng sinh và cho bú. Kháng sinh đi vào cơ thể bé sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và nấm Candida albica được dịp sinh sôi nảy nở, phát triển rất nhiều, gây nên bệnh tưa lưỡi ở trẻ.
Nguyên nhân trẻ tưa lưỡi có thể do bị nhiễm nấm - Ảnh InternetTrẻ cũng có thể bị nhiễm nấm Candida albica từ mẹ trong quá trình sinh nở. Nếu sinh thường mà mẹ nhiễm nấm ở âm hộ thì khi trẻ sinh ra cũng dễ bị nhiễm. Còn sinh mổ, nếu trước đó các mẹ có dùng kháng sinh phòng liên cầu khuẩn B thì cũng thể lây truyền nấm cho trẻ.
Ngoài ra, nấm Candida albica phát triển tốt ở môi trường ẩm, ấm và có đường. Do đó miệng trẻ rất thích hợp cho nấm phát triển nếu sau khi cho bé bú hay ăn ba mẹ không vệ sinh miệng cho trẻ kỹ.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tưa lưỡi
Triệu chứng trẻ bị tưa lưỡi thường không rõ lắm khi bị nhiễm nấm ban đầu. Vì vậy ba mẹ nên thường xuyên kiểm tra miệng trẻ và đưa trẻ đi khám nếu có những dấu hiệu sau:
Trong miệng bé xuất hiện các mảng trắng giống như cặn sữa và rất khó lau chùi. Mảng trắng có cả ở vòm miệng, má trong và ở lưỡi. Nếu ba mẹ chỉ thấy ở lưỡi thì nên theo dõi thêm vì có thể đó chỉ là cặn sữa mà thôi.
Với trẻ nhỏ khi bú thường hay quấy khóc có thể là do tình trạng nhiễm nấm đã khá nặng và gây đau đớn cho trẻ. Còn với các bé lớn hơn, khi ăn cũng làm bé đau và không chịu tiếp tục ăn nữa.
Nếu ba mẹ nghi ngờ trẻ bị nhiễm nấm thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Đừng tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng các mẹo dân gian để chữa để tránh gây hại cho con.
3. Phòng ngừa trẻ bị tưa lưỡi
Cách ngăn ngừa tình trạng tưa lưỡi ở trẻ là ba mẹ phải chú ý vệ sinh miệng cho trẻ sạch sẽ, để không tạo điều kiện cho nấm phát triển. Cách vệ sinh lưỡi cho bé cụ thể như sau:
- Đối với các bé nhỏ, ba mẹ nên dùng băng gạc tiệt trùng nhúng nước muối sinh lý để rơ lưỡi cho trẻ 2 lần/ ngày. Khi rơ nên nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh khiến lưỡi bé bị trầy xước và đau.
- Đối với các bé lớn hơn, ba mẹ thường xuyên đánh răng cho trẻ 2 lần/ ngày và cho bé súc miệng với nước muối sinh lý.
- Bé bú bình thì các bình sữa, núm ti nên được tiệt trùng hoặc tráng qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm nấm cho trẻ.
- Còn với các bé bú mẹ thì trước và sau khi cho con bú mẹ nên vệ sinh vú thật kỹ, dùng tay gỡ nhẹ những cặn bẩn bám ở đầu ti và lau sạch với nước ấm trước cũng như sau khi con bú.
Ba mẹ cũng không nên cho trẻ ăn bánh, kẹo, đồ ngọt trước khi đi ngủ. Nếu có thì phải đánh răng súc miệng thật sạch để phòng ngừa nấm phát triển khiến trẻ bị tưa lưỡi.
Tóm lại, việc trẻ bị tưa lưỡi có thể phòng ngừa được từ sớm, nếu ba mẹ chịu khó vệ sinh miệng sạch sẽ cho trẻ, dù trẻ còn nhỏ đang bú mẹ hay đã lớn hơn. Trường hợp trẻ bị tưa lưỡi rồi thì ba me không nên cố gắng cạy những mảng trắng ra, vì như vậy sẽ gây viêm nhiễm nguy hiểm hơn cho trẻ. Hãy cho trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách điều trị ba mẹ nhé.
Thanh Ngân tổng hợp