Bé sơ sinh trong năm đầu đời, nhất là giai đoạn 6 – 11 tháng tuổi rất dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần. Nguyên nhân là do kháng thể thụ động dự trữ mà bé nhận được từ mẹ đã cạn, kháng thể tự tạo lại chưa hoàn chỉnh. Mặt khác, khả năng ô nhiễm từ thức ăn hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh khi bé tập bò tăng lên. Vì thế, các mẹ cần phải biết cách chăm sóc cũng như có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho bé.
1. Chế độ dinh dưỡng cho bé bị đi ngoài
1.1 Bé bị đi ngoài nên ăn gì?
Đối với trường hợp bú mẹ hoàn toàn, các mẹ vẫn tiếp tục cho bé bị đi ngoài bú bình thường, thậm chí tăng số lần bú để bù lại lượng nước bị mất qua phân của bé.
Trong trường hợp bé dùng sữa công thức, chị em nên chia bữa bú của bé thành nhiều lần, mỗi lần một ít. Các mẹ nên lưu ý là pha sữa loãng hơn mức bình thường (cắt giảm nửa lượng sữa, giữ nguyên lượng nước).
Nếu bé bị đi ngoài đang trong độ tuổi ăn dặm thì các mẹ nên kiểm tra lại chế độ ăn uống của bé nhà mình. Ngoài sữa mẹ, các mẹ chỉ nên cho con ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá như: bột gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa đậu nành, cà rốt, đặc biệt là sữa chua vì trong sữa chua có một số chủng vi khuẩn có lợi, có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch
Lời khuyên cho các mẹ là nên cho con ăn các món mềm, dễ hấp thụ như: súp, cháo thịt gà băm nhỏ, cơm nhừ…, đồng thời cho trẻ uống thêm nước hoa quả tươi. Các mẹ cần lưu ý là dù bé trong độ tuổi nào thì nếu bé bị đi ngoài, các mẹ cũng cần phải bù nước cho bé bằng nước lọc hoặc nước dừa.
Sau khi tình trạng bé đã ổn định, các mẹ nên cho bé ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền. Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn, mẹ nên cho bé ăn giảm lại và tăng số bữa trong ngày lên, để giúp cho bé hồi phục nhanh, tránh tình trạng suy dinh dưỡng có thể xảy ra.
1.2 Bé bị đi ngoài không nên ăn gì?
Để đảm bảo sức khỏe cho bé, các mẹ cần tránh những thực phẩm sau đây:
Mẹ nên tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: các loại rau thô (rau cần, măng) hay tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi cá, nem chua, mắm tôm, mắm tép… chưa nấu chín và không uống nước lã để đảm bảo chất lượng sữa cho bé.
Đường hay các loại đồ ăn có chứa nhiều đường, bánh, kẹo các loại nước giải khát công nghiệp có thể chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng bé bị đi ngoài ngày càng tệ hơn do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột. Vì thế, nếu các bé bú mẹ hoàn toàn, các mẹ nên hạn chế dùng các món này. Trường hợp bé ăn dặm, các mẹ tuyệt đối không cho bé ăn những món này.
2. Cách chăm sóc bé bị đi ngoài
2.1 Theo dõi triệu chứng để kịp thời xử lý
Khi thấy bé bị đi ngoài, các mẹ hãy theo dõi bé trong vòng 2 ngày. Nếu thấy con có 1 trong 6 triệu chứng sau đây thì phải mang trẻ đi gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả:
- Bé bị sốt cao
- Bé có biểu hiện khát nước nhiều
- Bé bú kém, ăn kém
- Bé bị đi ngoài có máu trong phân
- Bé nôn nhiều lần
- Bé đi ngoài nhiều lần và trong phân có nhiều nước
2.2 Tăng cường biện pháp phục hồi cho bé khi bé khỏi bệnh
Sau khi tình trạng bé bị đi ngoài đã khỏi, các mẹ cần chú trọng cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn cho bé:
- Phải cho bé ăn thêm 1 bữa trong ngày, ít nhất 2 tuần sau khi bé bị đi ngoài nhằm nhanh chóng phục hồi dinh dưỡng cho bé
- Các mẹ nên theo dõi cân nặng của bé theo biểu đồ tăng trưởng.
Tóm lại, trong năm tháng đầu đời, tình trạng bé bị đi ngoài không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc, vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Hy vọng những thông tin mà Yeutre.vn cung cấp ở trên có thể giúp các bố mẹ yên tâm chăm sóc bé cưng nhà mình thật tốt.
Mỹ Tiên tổng hợp