1. Chuyên viên tâm lý trẻ em - danh xưng chính xác của các bác sĩ tâm lý trẻ em
Thông thường, khi đưa con đi gặp chuyên viên khám tâm lý liên quan đến sự phát triển của trẻ, ba mẹ đều cho rằng, họ chính là bác sĩ tâm lý trẻ em. Tuy nhiên, quá trình thăm khám và điều trị của họ không giống với trình tự, và cách thức của các bác sĩ trẻ em chuyên khoa khác. Do đó, danh xưng "bác sĩ tâm lý trẻ em" không thuộc về họ. Những nhà chuyên môn thăm khám và điều trị rối loạn tâm lý cho trẻ em được gọi là chuyên viên tâm lý trẻ em.
Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành theo trình tự sau: thăm khám – chẩn bệnh – kê đơn thuốc/ tiêm thuốc/ phẩu thuật (tùy tính chất của loại bệnh) – tái khám theo định kì (nếu cần thiết). Trong suốt tiến trình đó, bệnh nhân phụ thuộc phần lớn vào khả năng chữa bệnh của bác sĩ và loại thuốc điều trị bệnh.
Quá trình điều trị của các chuyên viên tâm lý trẻ em thì khác. Họ nhìn trẻ ở góc độ là một thực thể phát triển tổng thể, và tiếp cận trẻ theo cách thức riêng. Họ tập trung và tích cực lắng nghe tất cả các vấn đề trẻ đang gặp phải. Chuyên viên tâm lý trẻ em sẽ tìm ra các triệu chứng xuất hiện ở trẻ, đồng thời, đánh giá tình trạng phát triển thể chất lẫn tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, các thông tin như lịch sử cá nhân của trẻ, cách giáo dục của ba mẹ, mối quan hệ trong gia đình trẻ,...cũng được các chuyên viên tâm lý trẻ em quan tâm.
Tất cả những yếu tố đó chính là căn cứ sâu xa chẩn đoán các rối loạn tâm lý ở trẻ. Đặc biệt, quá trình trị liệu cho trẻ dựa trên việc áp dụng các học thuyết, kĩ thuật, và bài tập dành cho trẻ và cả ba mẹ của trẻ. Can thiệp tâm lý cho trẻ không ưu tiên việc dùng thuốc, trừ các trường hợp trẻ có gặp rối loạn nặng liên quan đến thần kinh. Trị liệu tâm lý cho trẻ là một tiến trình giúp trẻ thay đổi nhận thức, hành vi, cách biểu hiện cảm xúc, cách ứng xử xã hội, các vận động tinh và vận động thô, phát triển ngôn ngữ,...bằng cách cho trẻ thực hành các bài tập đều đặn.
Không những vậy, chuyên viên tâm lý trẻ em còn tư vấn, hướng dẫn ba mẹ giúp con thực hiện các bài tập, và thay đổi cách giáo dục, cư xử của từng thành viên trong gia đình đối với trẻ. Trong nhiều trường hợp, các rối loạn tâm lý không xuất phát từ trẻ, mà căn nguyên là do mối tương quan không lành mạnh giữa các thành viên trong gia đình. Chính mối quan hệ căng thẳng giữa ba – mẹ đã tác động tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển các đặc điểm tâm lý của trẻ, từ đó, làm xuất hiện các triệu chứng không mong muốn. Đây là "báo động đỏ" cho thấy, ba mẹ cũng cần được tham vấn từ các chuyên viên tâm lý để chữa lành tự chữa lành cho mình, kéo theo trẻ cũng có cơ hội được chữa lành và phát triển bình thường. Tiến trình điều trị sẽ kết thúc khi trẻ đạt được các chỉ số phát triển đặc điểm tâm lý ở mức độ trung bình, như những đứa trẻ phát triển lành mạnh khác.
2. Tiến trình trị liệu tâm lý trẻ em của chuyên viên tâm lý
2.1. Tiến trình trị liệu tâm lý trẻ em
Buổi thăm khám đầu tiên
Chuyên viên tâm lý trẻ em đánh giá toàn diện về sự phát triển của trẻ dựa trên khả năng trí tuệ, hành vi và các triệu chứng tâm lý. Sau đó, họ có thể:
- Đề nghị ba mẹ đưa trẻ đến các bác sĩ để khám tổng quát về sự phát triển thể chất.
- Tư vấn cho ba mẹ căn cứ trên kết quả khám toàn diện và loại trừ các nguyên nhân thực thể (do sức khỏe cơ thể).
- Khám, đánh giá chuyên sâu tâm lý của trẻ, và trao đổi với gia đình về kết quả chẩn đoán, hoặc kế hoạch đánh giá tiếp để có kết quả chẩn đoán chính xác.
Các buổi trị liệu tiếp theo
- Chuyên viên tâm lý trẻ em sẽ tiếp tục gặp riêng trẻ, sau đó, gặp chung với cả ba mẹ, để hiểu rõ hơn về vấn đề của trẻ, môi trường gia đình và hướng giải quyết.
- Trao đổi kết quả chẩn đoán với gia đình và lên kế hoạch điều trị, để thống nhất với gia đình cùng phối hợp thực hiện.
- Bố trí để trẻ tham gia lớp học hoặc trị liệu tâm lý riêng với 1 chuyên viên tâm lý trẻ em nhất định.
- Kết quả trị liệu sẽ được chia sẻ tới ba mẹ của trẻ sau 1 tháng lên kế hoạch trị liệu và mục tiêu cần đạt được của tháng sau.
2.2. Nhiệm vụ của chuyên viên tâm lý trẻ em
- Lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc của ba mẹ.
- Quan sát hành động giáo dục, chăm sóc trẻ của ba mẹ và người gần gũi với trẻ nhất.
- Chơi trực tiếp với trẻ để kích thích khả năng giao tiếp của trẻ.
- Cùng gia đình xác định phương hướng hành động.
- Hướng dẫn gia đình cách chơi với trẻ để giúp trẻ hòa nhập và phát triển, khắc phục điểm yếu.
Các lĩnh vực can thiệp của chuyên viên tâm lý trẻ em bao gồm các dạng rối loạn lo âu của trẻ, trầm cảm ở trẻ, trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ có vấn đề về hành vi, nâng đỡ tâm lý trẻ mồ côi, trẻ trong gia đình không toàn vẹn,...
2.3. Môi trường trị liệu tâm lý trẻ em
- Mỗi trẻ sẽ được chuyên viên tâm lý trẻ em đánh giá và trị liệu tại phòng riêng với môi trường gần gũi và thân thiện với trẻ.
- Phòng khám tâm lý được thiết kế với không gian thoáng đãng, có cửa sổ để trẻ cảm thấy không bị ngột ngạt hay lo sợ, có các công cụ đánh giá và các đồ chơi trị liệu cho trẻ.
- Chuyên viên tâm lý trẻ em sẽ đồng hành như một người bạn giúp trẻ cảm thấy an toàn, thân thiện, cởi mở bộc lộ hết các đặc điểm của trẻ. Họ còn là người hướng dẫn trẻ cách chơi, cách thực hiện các bài tập trong suốt tiến trình điều trị.
Như vậy, có thể thấy rằng, cách chẩn đoán và trị liệu tâm lý trẻ em không giống hoàn toàn với công việc khám và chữa bệnh về mặt thực thể cho trẻ. Đây là lý do thuật ngữ bác sĩ tâm lý trẻ em không phù hợp với những chuyên viên trị liệu tâm lý trẻ em. Khi nhận thấy con mình xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ rối loạn tâm lý , ba mẹ cần tìm hiểu kỹ về các nhà chuyên môn can thiệp tâm lý trẻ em, để có sự lựa chọn phù hợp, hướng đến điều trị trẻ hiệu quả.
Minh Tâm tổng hợp