Bà bầu kiêng gì trong ngày Tết thực chất không phải là điều gì quá to tát. Phần lớn những kiêng kỵ liên quan đến các chị em mang thai chủ yếu là do quan niệm xưa. Có thể ngày nay, nhiều gia đình đã không còn quan trọng điều này, tuy nhiên, chúng ta cũng không chắc những gia đình nào còn lưu giữ. Vì thế, dịp Tết gần đến rồi, các bầu cũng nên biết qua một số điều kiêng cữ để bản thân mình cũng như mọi người xung quanh đều được vui vẻ.
1. Bà bầu kiêng gì trong ngày Tết theo quan niệm dân gian?
1.1. Không xông nhà
Với người Việt nói chung, xông nhà ngày Tết rất quan trọng vì theo quan niệm, người xông nhà có thể mang lại nhiều may mắn, vượng tài bình an và sức khỏe cho gia chủ suốt năm mới. Từ xưa đến nay, dù quan niệm này theo thời gian cũng thay đổi nhiều, song phụ nữ nói chung và bà bầu nói riêng luôn được khuyên tránh xông nhà. Bởi, người ta cho rằng, việc phụ nữ hay bà bầu xông nhà đầu năm có thể cản trở những điều may hay tốt lành đến với gia đình. Nghe chừng điều này khá vô lý nhưng lại có thật.
Cũng có nhiều lý do khác nhau tùy từng địa phương, các gia đình đưa ra, liên quan đến việc phụ nữ nói chung, bà bầu nói riêng xông nhà dịp đầu xuân. Chúng ta cũng không xét đến yếu tố có lý hay không, mà dựa trên yếu tố quan niệm và truyền thống. Do đó, tốt nhất, ngày Tết, các bầu lưu ý không xông nhà ai ngày Tết, để tránh việc mình trở thành nhân tố "có tội", lỡ như gia chủ năm đó không gặp may mắn. Như thế thì sẽ tội cho các bầu lắm đấy.
1.2. Không đi chúc Tết
Thông thường, người Việt đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè hay chòm xóm thường là đi cả gia đình hoặc chỉ các ông. Điều này vừa tránh được chuyện lỡ như mình là người đầu tiên đến thăm gia đình người khác đầu năm, tức gánh luôn vai trò xông nhà, phần là vì nhiều lý do như các ông đi nhanh về nhanh nói năng súc tích ngắn gọn không dài dòng như các bà,...
Thêm vào đó, cũng như lý do không xông nhà đầu năm, phụ nữ nói chung các bà bầu nói riêng từ xưa đến nay theo quan điểm của người Việt - hầu như rất ít đi chúc Tết ai. Dù ngày nay cuộc sống hiện đại nhiều gia đình không còn kiêng cữ, song, để "lành" nhất, các bầu cũng không đi chúc Tết nhé.
Trường hợp muốn đến thăm người thân họ hàng hay bạn bè, để "an toàn" các bầu có thể tranh thủ đến thăm mọi người vào những ngày cận Tết như ngày 27, 28 Tết hoặc hãy đợi sau những ngày trọng điểm đầu xuân như mùng 1 Tết & mùng 2 Tết, và có thể đến thăm họ từ sau mùng 4 Tết trở đi là tốt nhất.
1.3. Không đứng giữa nhà hay giữa cửa
Đứng giữa nhà hay giữa cửa nói chung với bất kỳ ai cũng là điều "kém duyên" nếu không phải là những trường hợp cần thiết, có lý do bất khả kháng. Phụ nữ nói chung càng không nên đứng "khơi khơi" giữa nhà hay giữa cửa mà chẳng vì lý do gì, nhất là khi đến thăm nhà người khác. Quan niệm này được cho là bắt nguồn từ "phép tắc" dành cho nữ nhi, tồn tại từ ngày xưa. Phụ nữ hay bà bầu đứng giữa cửa còn được quy vào "tội" cản trở tài lộc, án ngữ đường đi của những điều phước lành vào nhà,...
Thực tế, cho đến nay, loại trừ chuyện "cản trở" hay án ngữ, thiết nghĩ nguyên tắc quan trọng trên cũng vẫn rất cần thiết vì thực nó là phép lịch sự, mà tất cả chúng ta đều cần phải chú ý.
Phải nói rằng, dù trong nhà hay đến thăm bất kỳ gia đình nào hoặc ở những nơi đông đúc, việc đứng ở vị trí phù hợp như một cách thể hiện thái độ lịch sự và là điều chúng ta nên làm. Điều này phản ánh cách ứng xử lịch thiệp của chúng ta với người khác nói chung. Do vậy, các bầu cũng để ý điều này nhé.
1.4. Không mặc đồ đen trắng
Vào ngày tư ngày Tết , chuyện ăn mặc hay màu sắc trang phục chúng ta mặc cũng được lưu tâm rất nhiều. Ăn mặc ngày Tết nói chung là phải rực rỡ tươi sáng - đây là dấu hiệu biểu thị cho sự sáng tươi, vui vẻ hân hoan chào đón năm mới, cũng như sự may mắn.
Chính vì lẽ ấy, cho đến ngày nay, việc mặc đồ đen trắng vào dịp Tết được xem là "đại kỵ". Bà bầu - vốn dĩ được xem là cản trở điều may mà bầu còn mặc đồ đen trắng nữa thì vô cùng tối và xui xẻo. Mặc dù chúng ta đều biết rằng, chuyện ăn mặc thực chất chẳng ảnh hưởng gì đến tài lộc, song tránh là điều vẫn nên. Bởi, ngày Tết màu sắc tươi sáng vẫn khiến mọi người và chính chúng ta cũng cảm thấy tươi "con mắt" hơn phải không các bầu.
1.5. Cẩn thận đừng làm vỡ đồ đạc
Làm bể đồ đạc như chén, đĩa, ly cốc, gương, các món đồ thủy tinh hay sành sứ khác luôn là điều đại kỵ trong đêm giao thừa hay mấy ngày Tết, nhất là ngày mùng 1 cho đến mùng 3 Tết. Lý giải điều này cũng có nhiều ý kiến song tựu chung đều chỉ đến điều không may hoặc điềm báo xui rủi, vận hạn. Vì thế, các bầu cố gắng cẩn thận hết mức với đồ đạc chung quanh mình hay khi dọn dẹp bưng bê nhé, đừng để chúng sứt mẻ hay đổ bể gì. Vì nếu có điều gì xảy ra, chúng ta phải gánh điều tiếng thì không vui chút nào.
1.6. Kiêng quét nhà ngày cuối năm lẫn ngày đầu năm
Người Việt xưa nay đều giữ thói quen không quét nhà sau giao thừa và tối thiểu là hết ngày mùng 1 Tết. Có quan niệm cho rằng quét nhà vào thời điểm thiêng liêng này là quét hết tài lộc đi, đuổi ông Thần Tài đi. Cũng có quan niệm cho rằng làm như thế là "đuổi" ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu,...Cho dù quan niệm nào thì kiêng quét nhà sau giao thừa hay ngày mùng 1 Tết vẫn được phần lớn các gia đình duy trì, mặc dù cuộc sống hiện đại đã có rất nhiều thay đổi và nhiều quan niệm cũ kỹ đã bị loại bỏ.
Chắc ăn nhất, nhất là với những bầu đang còn ở chung với gia đình nhà chồng thì không nên quét nhà sau giao thừa và ngày mùng 1 Tết nhé. Trừ phi gia đình không giữ tục này hoặc trong một số trường hợp buộc phải quét, các bầu nên "xin phép" hoặc hỏi ý kiến của bố mẹ chồng trước rồi mới thực hiện nhé.
2. Kiêng cữ vì sức khỏe của bản thân bà bầu và em bé
2.1. "Kiêng" ăn cho 2 người
Dịp Tết là khi bầu có dịp gặp đông đủ nhất bà con họ hàng và cũng là thời điểm thường dùng cơm gia đình nhiều nhất trong năm. Đặc biệt với các dâu con mới thì chuyện ăn cơm gia đình theo lịch càng diễn ra đều đặn hơn 3 ngày Tết. Và, không nói kỹ chúng ta cũng có thể hình dung, chắc chắn các bầu sẽ được khuyến khích đến "bắt ép" ăn cho 2 người từ các phía.
Trong tình trạng này, tin chắc một điều là bầu cũng khó tránh khỏi chuyện "không thể từ chối" mà buộc phải ăn để làm vui lòng người gắp cho mình, hay đại loại kiểu "vuốt mặt phải nể mũi". Cũng chính vì những lý do như thế, các bầu sẽ rất mệt mỏi trong việc kiểm soát thực phẩm tiêu thụ, chế độ dinh dưỡng và cân nặng của mình trong dịp Tết.
Bầu cần ghi nhớ kỹ rằng, kiểm soát cân nặng và dinh dưỡng cực kỳ quan trọng trong thời gian mang thai. Vì thế, hãy sẵn sàng tư thế "từ chối" và chịu đựng trách cứ, khi bầu bị "ép" ăn cho 2 người. Bầu có thể đưa ra các lý do khéo léo như "nghén", hoặc "nhờ" ai đó, thậm chí là ông xã ăn giúp khi bị ép nhé.
2.2. Kiêng ăn thực phẩm quá nhiều chất béo, cay, nóng
Tết là dịp lên ngôi của nhiều thực phẩm cay nóng vì chúng "không may" là những thực phẩm món ăn tăng khẩu vị, giải ngán, làm phong phú mâm cỗ ngày Tết,...Các bầu cũng cần tỉnh táo để tránh các thực phẩm món ăn này vì sức khỏe thai kỳ của mình nha.
Thực phẩm, cụ thể các món ăn cay nóng quá nhiều chất béo "hiện diện" rất nhiều trong danh sách các món ăn ngày Tết như dưa chua, củ kiệu, hành muối, bánh chưng, các món hầm hì, giò heo,...
2.3. Kiêng ăn đồ ngọt, thức uống có ga hoặc có cồn
Không kém các món ăn có độ béo hay cay nóng, đồ ngọt như mứt, bánh kẹo và thức uống có ga có cồn 3 ngày Tết cũng "ê hề". Chúng thực sự hấp dẫn với tất cả chúng ta không ngoại trừ các bà bầu, nhất là các bầu đang ở giai đoạn hay "buồn miệng", "nhạt miệng" bất chợt, rồi "thèm ngọt", muốn ăn vặt thường xuyên.
Để bảo đảm cho sức khỏe thì bầu hãy tránh xa các đồ ăn thức uống không có lợi cho sức khỏe thai kỳ như trên nhé. Nếu dùng các loại như bánh hoặc mứt hay các loại hạt - các bầu lưu ý và kiểm soát lượng mình dùng.
2.4. Không đi ra ngoài nhiều
Dịp Tết với nhiều người là dịp để "đi". Chúng ta hầu như đa phần đều khó tránh khỏi chuyện phải đi chỗ này chỗ kia, nhà này nhà nọ để thực hiện nghĩa vụ thăm hỏi, ra mắt, nhằm thắt chặt mối thâm tình và sợi dây thân thuộc dịp đoàn tụ ngày xuân. Cũng có nhiều bà bầu có sức khỏe tốt lại thích đi ra ngoài vui xuân thậm chí là đi du lịch. Tuy nhiên, các bầu nên lưu ý rằng, dịp cuối hay đầu năm, bất cứ nơi nào cũng đều đông đúc. Trong khi, những nơi đông đúc thường luôn tiềm ẩn những yếu tố có rủi ro cho sức khỏe, nhất là đối với những đối tượng có đề kháng yếu hơn so với người bình thường như bà bầu, người già và trẻ nhỏ.
Do vậy, để an toàn cho sức khỏe của bản thân và thai nhi rất bé bỏng có sức khỏe mong manh, bầu nên thận trọng khi đi ra ngoài, hay khi đến những đám đông. Nếu không quá cần thiết thì không cần phải đi ra ngoài nhiều. Nếu có đến những chỗ đông đúc thì cần chọn cho mình những khu vực thoáng đãng để tránh tình trạng bị ngột ngạt, dễ bị virus vi khuẩn tiềm ẩn tấn công.
2.5. Kiêng làm việc nặng
Phụ nữ chúng ta hầu như cứ dịp cuối năm hay mấy ngày Tết là rất vất vả về chuyện làm việc nhà. Không cần phải liệt kê thì trong tâm tưởng của phụ nữ nói riêng, mọi người nói chung luôn hiện hữu "hàng tá" việc cả nặng lẫn nhẹ mà chị em phải, lẫn cần làm những dịp này. Vì lý do bầu bí, chị em hoàn toàn có quyền và cần phải "khước từ" những việc nặng, cũng như giảm tải số lượng các công việc nhẹ. Vì đây là điều rất cần thiết.
Các bầu cũng không nên cầu toàn việc mình buộc phải chu toàn trách nhiệm nghĩa vụ với chuyện dọn nhà ngày Tết , mua sắm, mang vác hay xách tay nặng nhọc. Hãy nhớ rằng, chúng ta có...cả cuộc đời với mấy chục cái xuân để chu toàn bổn phận ấy. Còn, giữ gìn sức khỏe và an toàn cho cả bản thân lẫn thai nhi thì chỉ diễn ra một vài lần Tết trong cuộc đời mình mà thôi.
Hơn thế, bớt đi một ít công việc không khiến ngày Tết này "bừa bộn" hơn hay gọn gàng đi, nhưng như thế lại có thể bảo toàn an toàn cho cả một sinh mạng thậm chí còn hơn thế. Vậy nên, hãy nhớ nhé, bầu nhất định phải kiêng bớt việc vì cần phải thế.
2.6. Không buồn phiền và khóc lóc
Phụ nữ đa cảm là chuyện rất đỗi bình thường, phụ nữ mang thai đa sầu lại càng là chuyện bình thường hơn không phải bàn cãi gì thêm. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyện lớn nhỏ, riêng tư hay chuyện công khiến các bầu phải buồn phiền dịp Tết. Chúng ta cũng không cần phải bàn kỹ đó là chuyện gì nhưng Chuyên mục Mang thai của Yeutre.vn cam đoan với chị em là 100% chúng hiện hữu.
Các bầu cũng biết đấy, khi mang thai mà chúng ta phiền muộn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần của bản thân lẫn em bé. Hẳn ai cũng từng nghe khi mang thai mẹ khóc nhiều, buồn nhiều khi sinh em bé ra, mặt mũi thậm chí đến ánh mắt của con cũng phảng phất nỗi buồi phải không nào.
Thai nhi có mối dây ràng buộc, liên đới vô cùng chặt chẽ với mẹ không chỉ về thể chất mà còn cả cảm xúc. Vì thế, để đảm bảo con là một đứa trẻ vui tươi sau khi ra đời, bầu sẵn sàng một tâm thế "bỏ qua", "cho qua đi" trong nhiều chuyện nhé. Hãy tránh cao nhất có thể việc để cho bản thân căng thẳng, buồn phiền, khóc lóc để không ảnh hưởng đến con nha các bầu.
Bà bầu kiêng gì trong ngày Tết - nếu chúng ta nhìn danh sách những điều cần phải kiêng thì quả thật không cảm thấy dễ chịu chút nào. Thậm chí có những "điều khoản" kiêng cữ không hề "hợp tình hợp lý". Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không thừa nhận, trong thời gian mang thai, nếu những điều không tốt ảnh hưởng đến cả thể chất đến tinh thần mà chúng ta tránh được, thì đều rất tốt cho thai kỳ. Vậy nên, các bầu cũng đừng cảm thấy nặng nề quá với những điều mình phải kiêng cữ, hãy nhìn ở khía cạnh tích cực mà chúng đem lại cho ta nhé. Một khi làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái, dễ chấp nhận và tuân thủ nghiêm chỉnh những kiêng cữ này với một tinh thần sảng khoái nhất. Chúc tất cả các bầu của Yeutre.vn một mùa xuân vui tươi gấp đôi, hạnh phúc nhân lên gấp ba và thật nhiều sức khỏe, để đi qua mùa Tết với trạng thái thật nhẹ nhàng, thật phấn khởi.
Cát Lâm tổng hợp