1. Quan hệ tình dục khi mang thai liệu có an toàn không?
Điều thú vị ở đây - câu trả lời an toàn hay không phần lớn lại phụ thuộc vào chính vợ chồng bạn. Theo Phó Giáo sư Dayna Salasche thuộc Đại học Y Feinberg ở Chicago, một số cặp đôi thích tận hưởng đời sống chăn gối trong thai kỳ nhưng số còn lại thì không. Và "yêu" trong thai kỳ khá an toàn với hầu hết phụ nữ nếu họ không nằm trong nhóm có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao.
Tuy nhiên, câu trả lời chung chung này hẳn sẽ không thực sự làm an lòng các cặp đôi, nhất là những ai đang háo hức khi vừa biết tin họ vừa có em bé nhưng kèm theo đó là hàng tá câu hỏi về việc, liệu đời sống chăn gối của họ trong 3 tháng đầu tiên này sẽ như thế nào. Và liệu, khi em bé còn mỏng manh như thế, việc họ "yêu" có ảnh hưởng gì đến con hay không và rất nhiều nỗi băn khoăn đính kèm khác nữa.
2. Bà bầu 3 tháng đầu có được quan hệ không?
Theo kinh nghiệm dân gian hay quan niệm trước đây, thì hầu như bà bầu 3 tháng đầu đều không được quan hệ, vì lý do đưa ra là để an toàn cho em bé. Tuy nhiên, theo nhận định đầu tiên chúng ta vừa đề cập ở trên, thì việc bà bầu 3 tháng đầu quan hệ là việc bình thường, nếu như chị em cảm thấy khỏe mạnh, và muốn duy trì cuộc sống chăn gối trong thai kỳ, dù ngay ở thời điểm đầu tiên.
Vấn đề được đặt ra thực chất không phải là có được hay không, nhưng theo hầu hết các chuyên gia và bác sỹ sản khoa, quan trọng hơn đó là việc các bầu hiểu rõ sức khỏe thai kỳ , cũng như mong muốn của mình như thế nào. Bên cạnh đó là việc cùng trao đổi với người bạn đời, để đời sống chăn gối không bị gián đoạn, mà còn được thăng hoa hơn trong thời gian này.
3. Làm sao để quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu thai kỳ thật an toàn
Trong 3 tháng đầu thai kỳ , khá nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, họ không có ham muốn chuyện chăn gối vì việc ốm nghén hành hạ, cùng những cơn buồn nôn liên tục xuất hiện và sự mệt mỏi hoàn toàn chiếm hữu họ.
Về phía những người chồng và sẽ sớm trở thành người cha trong tương lai thì lại lo lắng rằng, liệu chuyện yêu đương của họ có làm cho em bé bị "kinh động" hay không. Hay, việc quan hệ trong thời gian này liệu có khiến tình trạng sảy ra xảy ra hay không, vì em bé còn quá nhỏ và có thể - theo sự liên tưởng của họ thì, độ liên kết hay bám trụ của em bé vào lòng mẹ còn khá lỏng lẻo,sẽ dễ bị tác động.
Theo các bác sỹ sản khoa tại Trung tâm Y tế Montefiore ở New York, họ đã khẳng định với nhiều cặp đôi rằng, con của họ được bảo vệ an toàn trong tử cung người mẹ và thêm một tầng nước ối . 2 lớp bảo vệ chắc chắn này đủ để cho em bé của họ an toàn. Hay nói rõ ràng theo một cách khác, không có điều gì có thể dễ dàng làm tổn thương em bé của họ được, bao gồm cả chuyện bố mẹ của bé sinh hoạt tình dục. Và, ngay cả Phó giáo sư Salasche cũng đã phải khẳng định điều này nhiều lần.
Dù vậy, việc bà bầu 3 tháng đầu có được quan hệ không thực chất lại không hoàn toàn nằm ở câu trả lời có được hay là không, mà lại tập trung vào vấn đề là, bà bầu quan hệ như thế nào để thực sự không có vấn đề, để cả 2 vợ chồng đều cảm thấy thêm gắn bó, cũng như luôn yên tâm. Và dưới đây là những đề xuất, cùng lưu ý quan trọng của các chuyên gia, dành cho các cặp vợ chồng đang ở tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, - những người vẫn mong đợi cuộc sống chăn gối của mình được viên mãn và không gặp phải trở ngại hay phải lo lắng thái quá.
3.1 Chú ý đến tư thế, tần suất và cường độ yêu của 2 bạn
Chúng ta hẳn ai cũng biết rằng, đề cập đến cuộc sống mẹ bầu , dường như không có ai nhạy cảm cho bằng phụ nữ mang bầu ở 3 tháng đầu. Chính vì sự nhạy cảm đó, chuyện "yêu" với họ cũng đòi hỏi những tiêu chí nhất định. Dù ở thời điểm này, thai chưa lớn và mọi sự chèn ép lên cơ quan sinh dục ở phụ nữ chưa nặng nề, vì lẽ ấy mà tư thế quan hệ của 2 bạn không bị giới hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chọn lựa tư thế quan hệ khi mang thai , nhất là ở 3 tháng đầu, sao cho thoải mái nhẹ nhàng và phù hợp chính là yếu tố bảo đảm sự thăng hoa của 2 bạn, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ ở thời điểm nhạy cảm này. Tư thế yêu ở 3 tháng đầu thai kỳ thường được bàn đến là quan hệ từ phía sau hay tư thế úp thìa hoặc mặt đối mặt.
Các cặp đôi nên tránh các tư thế khó, đòi hỏi nhiều sức hay tần suất nhiều hoặc cường độ mạnh. Đấy là tất cả những gì bạn cần chú ý, thay vì việc lo lắng việc bạn yêu em bé của bạn có biết không và liệu có làm cho em bé "hoảng hốt".
3.2 Tránh quan hệ bằng miệng
Có thể nhiều cặp đôi cho rằng, ở thời điểm 3 tháng đầu có thể quan hệ bằng miệng sẽ an toàn hơn chăng? Điều đáng phải chú ý ở đây là 2 bạn không được khuyên áp dụng cách yêu này vì nó không tốt cho thai kỳ, không chỉ ở 3 tháng đầu mà trong suốt thai kỳ.
Theo các chuyên gia, quan hệ tình dục bằng miệng khi mang thai có thể khiến luồng không khí đi vào âm đạo, gây thuyên tắc khí đi đến phổi, và có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cho sức khỏe của bà bầu lẫn thai nhi.
3.3 Bà bầu nào trong 3 tháng đầu không được quan hệ?
Nếu các bà bầu đang ở các nhóm sau, đều được các chuyên gia, bác sỹ khuyến cáo nên cần phải kiêng khem chuyện yêu:
- Có tiền sử sảy thai nhiều lần
- Có tiền sử sinh non
- Có tiền sử xuất huyết âm đạo hay cổ tử cung
- Cổ tử cung có dấu hiệu co giãn không tốt hay suy cổ tử cung
- Mang thai đôi, đa thai
- Thai có dấu hiệu nhau bám thấp
3.4 7 lưu ý mọi cặp đôi cần ghi nhớ về chuyện yêu khi mang thai 3 tháng đầu
- Vui vẻ, lắng nghe cơ thể và cởi mở với người bạn đời của mình thay vì cả 2 lúc nào cũng canh cánh nỗi lo ảnh hưởng đến em bé.
- Nếu bạn bắt đầu một thai kỳ bình thường, không kèm theo bất cứ cảnh báo nào từ bác sỹ sản khoa, thì bạn hoàn toàn có thể duy trì đời sống chăn gối, dù đang ở tam cá nguyệt đầu tiên.
- Sử dụng bao cao su để tránh viêm nhiễm và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Không nên chủ quan rằng bạn đã có thai rồi thì không cần dùng bao cao su để tránh thai nữa. Ở trường hợp này, chúng ta thực hiện biện pháp bảo vệ để giữ an toàn cho sức khỏe bà bầu, cũng như môi trường sống của thai nhi, không bị đe dọa bởi các bệnh viêm nhiễm, nhiễm khuẩn hay bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Không sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ, để tránh gây hại cho niêm mạc âm đạo.
- Chủ động thảo luận với bác sỹ chuyên khoa sản khám thai cho bạn về việc, bạn có nằm trong nhóm bị "chống chỉ định" quan hệ tình dục trong thai kỳ hay không. Việc tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa ngay từ đầu, về vấn đề duy trì đời sống chăn gối trong thai kỳ luôn hữu ích, vì điều này giúp bạn tránh được các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra.
- Nếu bạn bị chuột rút nghiêm trọng sau khi quan hệ, hãy đến gặp bác sỹ.
- Nếu bạn gặp tình trạng xuất huyết âm đạo hay khí hư có mùi hôi sau quan hệ - trường hợp này cũng phải đến bác sỹ thăm khám ngay.
Như vậy đến đây, chúng ta có thể kết luận một cách ngắn gọn rằng, bà bầu 3 tháng đầu có được quan hệ không - câu trả lời hoàn toàn là có thể. Điều kiện với chị em là mình có sức khỏe thai kỳ bình thường, không ở trong các trường hợp đặc biệt phải kiêng khem, không bị giai đoạn nghén hoặc mệt mỏi cản trở. Và cuối cùng, để cả 2 vợ chồng thực sự an tâm hoàn toàn, cũng như có đời sống chăn gối viên mãn dù đang trong giai đoạn mang thai , 2 bạn hãy chủ động tham khảo ý kiến của bác sỹ sản khoa của mình về điều này ngay từ đầu. Bên cạnh đó, hãy dẹp bớt những lo lắng thái quá về việc ảnh hưởng đến em bé, mà hãy cởi mở cùng nhau, để chọn lựa được những giải pháp tối ưu nhất. Có như thế, giai đoạn thai kỳ của hai bạn sẽ trôi qua một cách nhẹ nhàng, niềm vui thêm trọn vẹn, đầy tràn những ký ức đẹp đẽ và luôn ngọt ngào.
Nguồn tham khảo: WebMD , Romper, What to Expect và Parenting First Cry
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch