1. Ăn uống trước khi mang thai như thế nào là lành mạnh
Để có một chế độ ăn uống lành mạnh trước mang thai, bạn hãy ghi nhớ những điểm sau:
- Chọn thực phẩm cơ bản là nguồn giàu tinh bột. Ví dụ như bánh mì, cơm, mì ống, khoai tây. Đối với ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc, bạn nên chọn loại nguyên hạt.
- Chọn thực phẩm giàu chất xơ. Ví dụ như trái cây, rau xanh, yến mạch, các loại đậu,…
- Ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau xanh mỗi ngày. Trong đó, 3 khẩu phần rau nếu được.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo không bão hòa “tốt”. Ví dụ như quả bơ các loại hạt, dầu cá và hạt mầm.
- Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa “xấu”. Ví dụ như thực phẩm chiên rán, bánh ngọt, bánh quy, bánh nướng và bánh kem.
- Tránh các loại thực phẩm và nước uống nhiều đường. Ví dụ như nước ngọt có ga, thực phẩm ngọt,…
2. Bạn có cần bổ sung thêm dưỡng chất gì không
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng có thể cung cấp hầu hết các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể bạn. Tuy nhiên để chuẩn bị cho việc mang thai, bạn cần lưu ý bổ sung đầy đủ một số chất quan trọng sau:
2.1. Axit Folic
Mọi phụ nữ đều cần bổ sung axit folic trước khi mang thai . Việc này nhằm tạo một lượng dự trữ nhất định để bảo vệ thai nhi ở mức độ cao nhất khỏi dị tật ống thần kinh. Loại dị tật này thường xuất hiện khá sớm, trong giai đoạn đầu thai kỳ, khi hệ thần kinh của bé đang hình thành. Đây chính là lý do bạn cần uống axit folic trước để “dựng sẵn hàng rào bảo vệ” cho con. Vì chế độ ăn uống hầu như không thể cung cấp đủ lượng axit folic cần thiết cho cơ thể bạn.
Thông thường, một phụ nữ cần khoảng 400mg axit folic mỗi ngày trong hai tháng trước khi mang thai. Và việc bổ sung này sẽ kéo dài đến tuần thứ 12 của thai kỳ.
Nếu bạn bị tiểu đường, động kinh, bạn là người hút thuốc hay uống rượu nặng, thì có thể cần lượng axit folic cao hơn. Điều này sẽ được bác sĩ sản khoa chỉ định.
Axit folic được sản xuất dưới dạng viên rời hoặc được bổ sung cùng các vitamin và khoáng chất khác trong viên uống vitamin tổng hợp tiền mang thai. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ của mình để lựa chọn loại phù hợp.
2.2. Vitamin D
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ xương chắc khỏe. Một số phụ nữ có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin D và cần bổ sung. Nhóm phụ nữ này bao gồm:
- Phụ nữ gốc Nam Á, Châu Phi, Địa Trung Hải hay Trung Đông.
- Phụ nữ có da ít tiếp xúc với ánh nắng. Ví dụ như ít ra ngoài trời hay che phủ kín khi ra ngoài.
- Phụ nữ có chế độ ăn kém vitamin D, ví dụ như những người ăn chay.
- Phụ nữ có BMI trên 30.
Nếu bạn dự định có thai, không nên tự ý sử dụng các loại sản phẩm thảo dược hay đông y.
Bạn cũng không nên sử dụng những loại viên uống giàu vitamin A như dầu cá. Vì hàm lượng vitamin A cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng.
2.3. Sắt
Nếu bạn có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt, bạn có khả năng cần phải bổ sung loại khoáng chất này từ trước khi mang thai. Biểu hiện của tình trạng thiếu sắt có thể gồm:
- Mệt mỏi và uể oải
- Khó thở
- Hồi hộp
- Da nhợt nhạt
Thiếu máu do thiếu sắt cần được điều trị trước khi mang thai. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị tình trạng này, hãy trao đổi với bác sĩ để được xét nghiệm máu nhằm xác định một cách chính xác. Bạn có thể được chỉ định bổ sung sắt bằng các viên uống với liều lượng phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được khuyên ăn các thực phẩm giàu sắt. Ví dụ như rau lá xanh đậm, ngũ cốc tăng cường sắt, thịt, đậu hột (như đậu lăng, đậu hà lan, và các loại hạt đậu khác).
3. “Đối tác” của bạn cũng cần ăn uống trước khi mang thai một cách lành mạnh
Việc mang thai do cả hai bạn quyết định. Vì vậy, ăn uống trước khi mang thai một cách lành mạnh cũng cần cả nửa kia của bạn thực hiện. Theo đó, anh ấy cần:
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và cá. Những thực phẩm này có liên quan đến việc cải thiện chất lượng tinh trùng .
- Ăn 1 khẩu phần hạt óc chó 1 ngày. Việc này sẽ góp phần làm tăng khả năng di động của tinh trùng.
Ngoài ra anh ấy cũng cần tránh hoặc hạn chế các loại đồ ăn chế biến (như thịt muối hay xúc xích), rượu, thuốc lá, thịt đỏ, chất béo bão hòa. Chúng có liên quan đến việc làm giảm chất lượng tinh trùng.
4. Caffein là chất bạn cần lưu ý về liều lượng sử dụng
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, bạn cũng cần lưu ý về lượng caffein trong chế độ ăn uống trước khi mang thai.
Caffein không chỉ có trong cà phê, trà, mà còn cả các loại nước ngọt có ga, nước tăng lực, nước uống điện giải (đồ uống thể thao), chocolate,…
Việc tiêu thụ trên 200mg caffein có thể gây hại cho em bé của bạn. Vì vậy, bạn nên tránh loại đồ uống chứa caffein ngay khi ngưng sử dụng biện pháp tránh thai.
Bạn nên cố gắng thay đồ uống chứa caffein bằng nước lọc hay nước trái cây (chỉ cần lưu ý về hàm lượng đường).
Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn caffein ra khỏi cuộc sống hằng ngày, bạn nên hạn chế tối đa tiêu thụ chúng. Hãy lưu ý 200mg caffein tương đương với 2 tách cà phê uống liền hoặc 1 tách cà phê phin. Bạn cũng cần tính cả các loại nước uống kể trên và chocolate để xác định lượng tiêu thụ caffein của mình trong ngày và ngưng lại khi cần thiết.
Ăn uống trước khi mang thai là một trong những bước chuẩn bị khá quan trọng đối với thai kỳ. Áp dụng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp bạn có cơ thể khỏe mạnh để nuôi dưỡng em bé trong suốt gần một năm dài một cách tốt nhất. Bạn cũng nên kết hợp việc ăn uống với tập thể dục điều độ. Nó sẽ rất có lợi cho quá trình mang thai và phục hồi cùa bạn sau khi sinh.
Theo Tommy's
Lily Nguyễn lược dịch