1. Trẻ ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 1 (5-6 tháng tuổi)
Đây là giai đoạn đầu tiên con bắt đầu ăn dặm nên với mục tiêu ở giai đoạn này, mẹ chỉ nên cho con tập làm quen với những loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ, đồng thời cho con làm quen với thìa. Trẻ đủ 6 tháng tuổi tức là hệ tiêu hóa đã hoàn thiện cho việc ăn dặm cũng như hình thành những phản xạ khi muốn ăn món gì đó. Trẻ có xu hướng muốn nếm thử các món ăn xung quanh, biết mở miệng khi mẹ đút thức ăn tới và chóp chép khi trong miệng có thức ăn nữa. Vì đây chỉ xem như là giai đoạn làm quen với ăn dặm kiểu Nhật, nên các mẹ hãy kiên nhẫn từng chút một nhé!
- Theo các chuyên gia, vào giai đoạn đầu, mẹ đừng nên bắt ép con ăn mà thay vào đó, nên "thử" con bằng từng thìa cà phê cháo loãng nhỏ. Mẹ nên thay vài cử sữa của con bằng cử ăn dặm và chỉ nên cho con ăn một ít, sau đó cho con bú nếu con có nhu cầu.
- Tốt nhất mẹ nên cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày đối với trẻ 5 tháng và 2 bữa/ngày đối với trẻ 6 tháng. Thời gian cho trẻ ăn dặm nên là khoảng 10 giờ sáng, bữa dặm phụ thứ hai vào khoảng 7 giờ tối.
- Trong giai đoạn này, thức ăn dặm cho trẻ phải thật mềm mịn và lỏng như sữa chua. Độ thô của cháo có tỷ lệ tốt nhất là 1 bột gạo/10 nước.
2. Trẻ ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2 (7-8 tháng tuổi)
Sang tháng thứ 7 và 8 thì thường là giai đoạn 2 của quá trình ăn dặm kiểu Nhật. Mẹ cũng nên thử xem con đã bắt đầu muốn ăn đồ ăn dạng sệt hơn hay con đã biết dùng lưỡi để nghiền thức ăn chưa. Nếu con vẫn còn muốn nuốt thức ăn dạng loãng thì mẹ nên cho con thêm thời gian để ăn dặm giai đoạn 1. Đồng thời từ từ giảm lượng nước, tăng độ sệt của thức ăn lên để con quen dần và chuyển sang giai đoạn 2 không quá đột ngột.
- Mẹ nấu 2 bữa ăn dặm cho con mỗi ngày, một bữa ăn vào khoảng 10 giờ sáng, bữa còn lại ăn khoảng 5 giờ chiều. Mẹ cũng vẫn cho con bú sữa nếu con có nhu cầu sau khi ăn dặm.
- Tròn 7 tháng tuổi, trẻ đã ăn được cháo với tỷ lệ 1 gạo/7 nước. Đầu giai đoạn 2, mẹ vẫn rây mịn cháo sau khi nấu nhé, vì chỉ tăng độ đặc sánh cho cháo thôi nhưng con vẫn nên ăn thức ăn được rây mịn. Từ giữa tháng thứ 7 và bước sang tháng thứ 8, hoặc đến khi nào mẹ thấy con đã không còn nuốt chửng thức ăn nữa, lúc đó thay vì rây thức ăn, mẹ hãy dùng thìa để tán nhuyễn thức ăn cho con. Một vài mảnh thức ăn nhỏ và mềm lẫn trong món ăn sẽ khiến con phải dùng lưỡi để đẩy thức ăn lên vòm hàm để nghiền chúng ra. Đồng thời với món cháo ăn dặm cho con , mẹ cũng hãy chuyển từ cháo hạt vỡ sang cháo nguyên hạt trong giai đoạn này.
- Mẹ có thể bổ sung thêm đạm cho bữa ăn của con từ bây giờ bằng cách cho thịt và cá vào thực đơn ăn dặm của con. Đối với các loại rau hoặc cải mềm, mẹ hãy lấy phần lá để chế biến món ăn cho con. Giai đoạn ăn dặm này của con, mẹ chưa cần phải thêm gia vị khi nấu.
3. Trẻ ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 3 (9-11 tháng tuổi)
Bước vào giai đoạn 3 của ăn dặm kiểu Nhật - khoảng thời gian 9-11 tháng tuổi, trẻ có thể học được nhiều kỹ năng hơn, chế độ dinh dưỡng của trẻ qua từng bữa ăn dặm cũng được đầy đủ hơn. Các mẹ hãy chú trọng nhiều hơn vào thành phần bữa ăn cho trẻ, vì những bữa ăn dặm trong giai đoạn này sẽ cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho trẻ thay vì là sữa mẹ như trước đây.
- Mục tiêu trong giai đoạn này là giúp con có thể dùng lưỡi đẩy thức ăn qua lại hai bên và dùng lợi để nhai thức ăn. Mẹ cũng hãy tập cho con biết cầm nắm thức ăn bằng tay, cho thức ăn vào miệng và làm quen dần với việc cầm nĩa, thìa xúc thức ăn. Con lúc này cũng đã biết bộc lộc thái độ và cảm xúc với đồ ăn như nhè thức ăn ra khỏi miệng, mím chặt môi khi mẹ đút thức ăn, quay mặt đi,...nên mẹ hãy chú ý nhé.
- Để con hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn từ những bữa ăn dặm, mẹ hãy tăng số bữa ăn dặm lên thành 3 bữa/ngày nhé. Mỗi bữa ăn nên cách nhau khoảng 4 tiếng đồng hồ. Bữa thứ nhất ăn vào khoảng 10 giờ sáng, bữa thứ hai khoảng 2 giờ chiều và bữa thứ ba ăn vào khoảng 6 giờ tối.
- Mẹ nên nấu thức ăn thật mềm để con dễ nhai hơn (mềm cỡ chuối tiêu), mẹ hãy thử độ mềm thức ăn bằng cách dùng một ngón tay ấn nhẹ, nếu thức ăn nát ra là được. Bước sang tháng thứ 10 hoặc 11, mẹ có thể bắt đầu cho con ăn cơm nát. Mẹ có thể sử dụng bột năng để tạo độ sệt cho vài món ăn trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật của con. Mẹ nên thái thức ăn thành từng thanh dài từ 2-3 cm cho con dễ cầm và xúc ăn nhé.
4. Trẻ ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 4 - (12-18 tháng tuổi)
Bước vào giai đoạn 4, trẻ đã bắt đầu ăn được thức ăn to và cứng hơn ba giai đoạn ăn dặm trước đó. Có nhiều trẻ sau khi kết thúc giai đoạn này đã có thể cai sữa và ăn các bữa cơm như người lớn. Trẻ bắt đầu dùng răng cửa để cắn thức ăn và bết điều chỉnh độ mạnh, nhẹ khi nhai thức ăn. Tuy vậy, do mỗi trẻ có quá trình phát triển khác nhau, nên các mẹ đừng quá nóng vội mà hãy cẩn thận quan sát con mình để có thể nấu ăn phù hợp với khả năng của con nhé.
- Mục tiêu trong giai đoạn này là giúp trẻ giảm uống sữa bột và hấp thu chất dưỡng chất chính bằng các bữa ăn dặm. Đồng thời sau khi kết thúc giai đoạn ăn dặm này, trẻ đã hoàn toàn chuyển qua uống sữa nguyên kem. Bước sang tháng thứ 12, tập cho trẻ có thể tự ăn bằng thìa hoặc nĩa, ngồi ăn cơm gần như là người lớn.
- Mẹ hãy duy trì số lượng bữa ăn như ở giai đoạn 3, nghĩa là vẫn nấu 3 bữa/ngày cho con nhưng tăng lượng đồ ăn lên một chút trong mỗi bữa. Bên cạnh đó, mẹ hãy giảm lượng sữa xuống còn 400-550ml/ngày để cân bằng với lượng thức ăn bé nạp vào mỗi bữa ăn dặm.
- Mẹ hãy nấu thêm nhiều loại thực phẩm phong phú hơn cho con trong thực đơn ăn dặm hàng ngày. Vì bước sang giai đoạn này, trẻ đã dần cai sữa nên cần thêm nhiều dưỡng chất hơn trong bữa ăn dặm. Mẹ có thể nêm gia vị trong thức ăn của con nhưng chỉ nên nêm nhạt để tốt cho sức khỏe của con. Kích thước thức ăn mẹ thái như giai đoạn 3, có điều mẹ hãy nấu cứng hơn một chút để con tập cắn và nhai nhiều hơn mẹ nhé.
5. Lưu ý cho mẹ khi áp dụng ăn dặm kiểu Nhật cho trẻ
- Đảm bảo đầy đủ và cân bằng các nhóm chất trong khẩu phần ăn dặm của con gồm có: tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
- Mẹ nên để ý trong quá trình con ăn để có thể kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ.
- Vì ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp nuôi con khá mới, mẹ nên từ từ và kiên nhẫn thực hiện. Không nên bắt ép con ăn khi con không muốn. Điều chỉnh lượng thức ăn và độ sệt của món ăn vừa phải, không nên cho con ăn quá nhiều hoặc quá nhanh sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của con.
- Mẹ không nên thêm nhiều dầu ăn khi chế biến thức ăn cho con đâu nhé. Vì dầu ăn có thể khiến cho hệ tiêu hóa của con hoạt động yếu hơn, gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Mẹ nên sử dụng dầu ăn đúng cách để phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn ăn dặm của con. Việc đa dạng hóa các loại thực phẩm và sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo cho con cũng là một cách để thay thể dầu ăn trong thực đơn ăn dặm rất tốt.
- Tùy theo sự phát triển và sở thích ăn uống của con mà mẹ hãy điều chỉnh quá trình ăn dặm kiểu Nhật một cách linh động nhất có thể. Nếu con chưa thể cai sữa, mẹ cũng hãy bổ sung thêm cử sữa cho con theo nhu cầu. Không nhất thiết mẹ phải tuyệt đối theo lịch ăn dặm của chuyên gia, hãy lắng nghe và quan sát con mẹ nhé!
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được các chuyên gia đánh giá là rất tốt để trẻ nhận thức được mùi vị và rèn được tính tự giác khi ăn uống. Bên cạnh đó, bé cũng sẽ có khoảng thời gian vui vẻ thưởng thức những món ngon do mẹ nấu và tăng cân đều đều. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này, các mẹ sẽ biết rõ hơn về những giai đoạn trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và áp dụng nó một cách phù hợp nhất với bé ở nhà. Mẹ cũng đừng quên theo dõi Chuyên mục Có con 0-12 tháng để cập nhật những thông tin bổ ích về các phương pháp ăn dặm khoa học giúp bé ăn ngon và phát triển tốt nhé!
Nguyễn Diệp tổng hợp