9 thay đổi cơ bản mẹ phải đối diện sau khi sinh con

Sau sinh người phụ nữ phải đối diện với nhiều thay đổi trên cơ thể gây không ít phiền toái. Dưới đây là giải đáp thắc mắc về 9 thay đổi của phụ nữ sau sinh.

banner ads

1. Sản dịch là gì?

Sản dịch hay còn gọi là dịch tiết âm đạo thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh. Sản dịch bao gồm máu, vi khuẩn và các mảng ô hoại tử bong ra từ lớp niêm mạc cổ tử cung. Theo đó trong vài ngày đầu sau sinh, sản dịch của sản phụ sẽ chứa nhiều máu có màu đỏ tươi giống như máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Sản dịch sau sinh sẽ kéo dài vài tuần đầu sau sinh

Tuy nhiên càng về sau sản dịch sẽ ra ít hơn và có màu hồng nhạt. Cho đến 10 ngày tiếp theo sản dịch sẽ ra rất ít chỉ là chất dịch có màu trắng hoặc màu vàng. Và sau từ 2-4 tuần thì chất màu trắng sẽ giảm và mất hẳn.

2. Vì sao phụ nữ sau sinh lại bị rối loạn tiểu tiện?

Nguyên nhân trong quá trình vượt cạn, khi cổ tử cung co bóp để đẩy em bé ra ngoài em bé sẽ dần dần tụt xuống bụng dưới. Lúc này đầu và trọng lượng cơ thể em bé sẽ gây sức ép lên bàng quang và niệu đạo khiến hai cơ quan này bị tổn thương, có thể phình to lên. Do vậy, sau sinh người mẹ sẽ phải đối diện với rối loạn tiểu tiện hay mất cảm giác tiểu tiện tạm thời.

Việc nước tiểu ứ động quá nhiều ở bàng quang nếu không được giải phóng sẽ khiến bệnh càng nặng hơn, để lâu ngày sẽ gây nguy hại cho bàng quang và niệu đạo, dẫn đến hiện tượng són tiểu. Nguy hiểm hơn sẽ ảnh hưởng đến đường tiết niệu, gây cản trở cho quá trình co bóp và phục hồi tử cung sau sinh, điều này có thể khiến sản phụ bị đau bụng dưới dữ dội và chảy máu âm đạo.

Cách đối phó tình trạng bí tiểu và rối loạn tiểu tiện sau sinh là dù không buồn đi tiểu nhưng mỗi ngày mẹ vẫn duy trì việc đi tiểu bình thường. Bằng cách tập các động tác rặn đi tiểu như bình thường. Còn với phụ nữ sinh mổ, các bác sĩ sẽ đặt ống thông nước tiểu để giải phóng nước tiểu ứ đọng ở bàng quang.

Nếu việc đi tiểu trở nên khó khăn hãy đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị sớm.

3. Sau sinh bao lâu thì âm đạo và đáy chậu sẽ phục hồi?

Với phụ nữ sinh thường, trong quá trình chuyển dạ âm đạo sẽ phải mở rộng ra khoảng 10cm, sau sinh sẽ co lại khoảng 3cm. Trong vài ngày đầu sau sinh, phần bị sưng tím ở âm đạo sẽ dần thuyên giảm, các cơ ở âm đạo sẽ bắt đầu co bóp thu hẹp kích thước “cô bé” lại. Trong vài tuần sau đó, quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn. Để giúp thu hẹp kích thước “cô bé” sản phụ nên tập các bài Kegel sẽ giúp quá trình phục diễn ra nhanh hơn.

Kegel giúp phục thu hẹp kích thước âm đạo sau sinh

Còn với những phụ nữ bị rạch tầng sinh môn, quá trình phục hồi đáy chậu diễn ra chậm hơn. Thông thường phải mất 3-4 tuần thì vết khâu mới lành hẳn. Sau đó quá trình phục hồi và thu hẹp kích thước âm đạo mới bắt đầu. Khi vết khâu tầng sinh môn lành hẳn, sản phụ cũng có thể tập bài Kegel để giúp âm đạo săn chắc, các cơ ở đáy chậu khỏe mạnh và đàn hồi tốt hơn.

Lưu ý: Sau sinh các cặp vợ chồng nên kiêng quan hệ tình dục trong vòng 1 tháng với phụ nữ bị khâu tầng sinh môn nên chờ vết thương lành hẳn mới sinh hoạt tình dục. Hơn nữa, để đời sống tình dục diễn ra suôn sẻ và giảm đau đớn cho sản phụ, khi quan hệ các cặp vợ chồng có thể nhờ sự hỗ trợ của gel bôi trơn. Và đừng quên sử dụng bao cao su khi giao hợp để tránh vỡ kế hoạch.

4. Sau sinh trọng lượng cơ thể người mẹ sẽ giảm được bao nhiêu?

Mặc dù phải mất khá lâu sau đó bạn mới lấy lại vóc dáng và cân nặng chuẩn như thời còn son rỗi. Tuy nhiên ngay sau sinh, trọng lượng của người mẹ cũng giảm đi đáng kể. Theo đó, cân nặng của em bé giao động từ 3-3.5kg, khối lượng nhau thai là 0,5kg, dịch máu và màng ối vài gram nữa, tổng cộng số cân nặng bạn có thể giảm sau sinh là khoảng 5,5kg.

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình mang thai người mẹ tích trữ một khối lượng nước khá nhiều. Vì thế sau sinh, bắt buộc phải giải phóng chúng ra khỏi cơ thể, để giúp cơ thể cân bằng lượng nước vừa đủ. Và trong những ngày đầu sau sinh trung bình mỗi ngày cơ thể sản phụ sẽ giải phóng 3 lít nước. Và cho hết tuần đầu tiên bạn sẽ giảm thêm 1,8 -2,7kg trọng lượng nước trong cơ thể.

5. Những phiền toái nào mẹ phải đối diện khi cho con bú?

Cho con bú trong vòng 24 giờ sau sinh sẽ giúp trẻ được ăn sữa non và kích thích sữa về sớm hơn. Ngoài những lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ đối với sức khỏe em bé thì trong vài ngày đầu cho con bú người mẹ sẽ phải đối diện với nhiều phiền toái như đau co thắt bụng dưới, căng tức ngực…

Căng tức ngực, đau bụng dưới là những điều mẹ phải đối diện khi cho con bú sau sinh

Nguyên nhân trong quá trình em bé bú sữa mẹ, hành động mút của em bé sẽ giúp kích thích sản sinh ra sữa và oxytocxin gây ra những cơn đau co thắt ở tử cung, khiến sản phụ sẽ bị đau quặn hoặc đau râm ran ở vùng bụng dưới. Điều này là hoàn toàn vô hại, việc cho em bé bú sữa mẹ sẽ giúp cho quá trình phục hồi tử cung sau sinh diễn ra nhanh hơn.

Ngoài ra trong vài ngày đầu khi sữa về nhiều, em bé không thể bú hết mẹ có thể bị đau căng tức ngực. Cách tốt nhất nên cho bé bú thường xuyên, massage hai bên bầu ngực, chườm nóng hoặc vắt sữa dư thừa và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để cho em bé ăn khi mẹ vắng nhà.

Nếu bạn gặp các vấn đề bất thường về núm vú như đau đớn, khô nứt núm vú, hoặc viêm tắc tia sữa, áp – xe vú thì nên đi khám bác sĩ để được điều trị sớm.

6. Vì sao phụ nữ sau sinh hay buồn chán?

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm, buồn chán. Sự thay đổi hormone sau sinh, do mất ngủ, mệt mỏi khi phải chăm con, khó chịu về những thay đổi trên cơ thể mình… Cách tốt nhất để vượt qua chứng trầm cảm sau sinh là bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ. Hãy chia sẻ trách nhiệm chăm sóc em bé với người thân trong gia đình và ông xã của bạn. Ngoài ra nghe nhạc, xem phim hài, thiền, tập yoga cũng là những cách hay giúp mẹ bớt buồn chán và khó chịu sau sinh.

7. Tạo sao phụ nữ sau sinh da lại xấu đi?

Sau sinh do căng thẳng, mệt mỏi thức khuya và thay đổi nội tiết tố nên làn da của phụ nữ có nhiều thay đổi. Thường da sẽ bị nám, sạm đen, mọc nhiều mụn, làn da khô và bị lão hóa nghiêm trọng. Những thay đổi này là hết sức bình thường mẹ không nên quá lo lắng, chỉ vài tháng sau sinh da sẽ hết sạm đen.

Sau sinh da phụ nữ thường xấu đi

Bên cạnh đó, để giúp da khỏe và sáng mịn hơn bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Hoặc có thể làm mặt nạ trứng gà mật ong hoặc mặt nạ mật ong và trái cây để tẩy da chết, giúp da đẹp hơn. Trong trường hợp nếu hiện tượng nám, sạm đen… kéo dài bạn cần đi khám bác sĩ da liễu để được hướng dẫn điều trị sớm.

8. Nếu không cho con bú mẹ có bị đau và căng tức ngực?

Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể cho em bé bú sữa mẹ cũng đừng áy náy và cảm thấy có tội với con. Tuy nhiên, nếu mẹ không cho bé bú thì sữa vẫn về như thường, lúc này sản phụ sẽ khó tránh khỏi hiện tượng căng tức ngực do sữa quá nhiều. Cách tốt nhất là nên chọn áo ngực có size lớn, đặt miếng lót mát ở bên trong áo sẽ có tác dụng giảm đau và ức chế quá trình tiết sữa. Vài tuần sau đó sữa sẽ khô và mất hắn.

Trong trường hợp cần thiết mẹ có thể nhờ sự hỗ trợ của acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Nếu sữa quá nhiều bạn có thể vắt bỏ một lượng vừa đủ để giúp mẹ thoải mái hơn. Lưu ý, nên hạn chế việc vắt bỏ sữa hoặc chườm nóng vì nó sẽ kích thích quá trình tiết sữa, điều này sẽ khiến bạn phải chịu đau đớn trong một thời gian dài và thời gian ngừng tiết sữa sẽ kéo dài thêm.

9. Tại sao phụ nữ sau lại bị rụng nhiều tóc?

Do thay đổi nồng độ estrogen nên phụ nữ sau sinh thường bị rụng nhiều tóc

Nguyên nhân là do trong quá trình mang thai, nồng độ estrogen trong cơ thể người mẹ tăng cao vì thế tóc ít rụng hơn. Tuy nhiên sau sinh do thay đổi hormone, khiến nồng độ estrogen giảm đột ngột vì thế tóc sẽ rụng nhiều hơn. Do vậy có thể nói, sự thay đổi estrogen sau sinh là nguyên nhân khiến phụ nữ bị rụng nhiều tóc. Tuy nhiên tình trạng này sẽ mất sẽ được cải thiện sau đó 1 năm hoặc chậm hơn tùy theo thể trạng và quá trình phục hồi sức khỏe sau sinh của mỗi người.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI