8 thay đổi tiêu cực ở trẻ vị thành niên và cách xử lý khôn khéo của ba mẹ

Tuổi vị thành niên, trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Bên cạnh những thay đổi tích cực, không ít trẻ có những thay đổi tiêu cực như hỗn láo, nghiện tình dục, ăn cắp... Vậy cha mẹ nên làm gì nếu chẳng may con trẻ rơi vào những thay đổi tiêu cực trên?

banner ads

Trẻ vị thành niên có nhiều thay đổi tâm lý, cha mẹ cần bình tĩnh để dạy con

1. Trẻ ăn cắp

Ăn cắp là một trong những hành vi đáng lên án và có thể được coi là tội phạm hình sự khi trẻ đủ tuổi thành niên và giá trị tài sản lớn. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng hiểu được điều này và chúng sẵn sàng lấy cắp tiền hoặc tài sản để phục vụ cho nhu cầu bản thân. Hành động này của trẻ sẽ khiến các ông bố bà mẹ bất ngờ, lo lắng, dằn vặt khi nhìn thấy con ăn cắp. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để hành vi tiêu cực này, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo.

Thực tế, trộm cắp chưa bao giờ là sở thích của bất kỳ đứa trẻ nào, đôi khi nó chỉ là những thay đổi tâm lý bất thường, những suy nghĩ nông nổi hoặc ức chế mà dẫn tới hành vi này. Cha mẹ cần tìm hiểu rõ ngọn nguồn của hành vi ăn cắp ở trẻ, giải quyết triệt để từ ngọn để dần thay đổi thói quen của con.

Cha mẹ nên thẳng thắn trao đổi với con về hành vi này và nói với con rằng, hành động của con làm cha mẹ bị tổn thương. Hãy cho con biết, con đường ăn cắp sẽ dẫn tới những điều tiêu cực gì trong cuộc sống, mọi người sẽ nhìn trẻ theo hướng nào. Hãy giải thích để trẻ hiểu và cảm thấy có lỗi với cha mẹ thay vì đánh mắng hoặc dằn vặt chúng. Cha mẹ cũng cần cho trẻ thời gian để thay đổi và nên dành nhiều thời gian dành cho con cái.

2. Tình dục sớm

Quan hệ tình dục sớm thường để lại những hậu quả nặng nề mà không phải đứa trẻ nào cũng có thể lường được. Và đây cũng là hành động khiến không ít bậc cha mẹ bị sốc.

Đặc biệt với môi trường sống hiện nay, internet, báo chí, truyền hình đăng tải tràn ngập các hình ảnh đồi trụy sẽ tác động lớn đến suy nghĩ, thay đổi của trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Vì vậy, nếu cha mẹ phát hiện con tình dục sớm, đừng vội vàng mắng hoặc to ra thất vọng, chế giễu con. Hãy bình tĩnh là điều các chuyên gia khuyên bạn. Bình tĩnh sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn khách quan về vấn đề này và tìm ra nguyên nhân cốt lõi. Tình dục ở vị thành niên trước hết chỉ là sự tò mò, khám phá, dễ kích động và đôi khi là sự lôi kéo, a dua. Hãy ngồi nói chuyện thẳng thắn với con như những người trưởng thành.

Tình dục không phải là xấu, nhưng nếu không tự biết bảo vệ mình nó sẽ trở nên xấu. Hãy nói với con rằng, khi con đủ tuổi, đủ trưởng thành và tự tin, biết bảo vệ mình thì hãy nghĩ đến vấn đề tình dục. Hãy cố gắng chọn từ ngữ nhẹ nhàng, tôn trọng, dễ hiểu nhất, tuyệt đối tránh dùng những từ mang tính tiêu cực, xúc phạm, coi thường (đặc biệt với bé gái) vì có thể làm tổn thương tâm hồn con sâu sắc. Cha mẹ cũng nên dạy con về giới tính khi con bước sang tuổi dậy thì, dạy con cần bảo vệ mình như thế nào và chỉ ra những hậu quả nặng nề nếu không biết tự bảo vệ mình như mang thai ngoài ý muốn, mắc bệnh phụ khoa...

3. Hỗn láo với người lớn

Ở tuổi vị thành niên, cái tôi của trẻ rất lớn, ngang bướng, khó bảo và đôi khi trẻ còn hỗn hào với người lớn. Chắc hẳn các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy bất lực với những hành vi khó bảo ở trẻ và buông xuôi, bỏ mặc trẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi nếu buông xuôi đồng nghĩa với việc bạn khiến con lún sâu hơn vào những hành vi tiêu cực này.

Trẻ hỗn hào có thể do chưa được cha mẹ phân tích, dạy dỗ kỹ lưỡng về ngôn từ giao tiếp cũng như sự tôn trọng người lớn. Hãy nói cho con biết những người xung quanh sẽ cảm thấy con là người thế nào khi nghe con nói hỗn. Cần dạy con về sự tôn trọng, cách ứng xử văn hóa, lịch thiệp. Ngay sau khi thấy con có dấu hiệu hỗn láo, cần chấn chỉnh nghiêm khắc, tuyệt đối không nhún nhường con để thay đổi hành vi này khi nó mới chớm nở.

4. Ghen tị

Đây là hiện tượng tâm lý hoàn toàn bình thường ở tuổi mới lớn. Điều này là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển và nỗ lực ở trẻ trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu ghen tị thái quá và trở nên tiêu cực sẽ rất nguy hiểm. Ghen tị sẽ dẫn tới tính ích kỷ, háo thắng, hơn thua ở trẻ. Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu này cần nói chuyện với trẻ ngay lập tức.

Giải thích với trẻ rằng, mỗi cá nhân đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Lấy ưu điểm của bạn để cố gắng là tốt nhưng nếu lấy đó làm sự thù ghét, ghen tị thì là sai. Hãy cho con biết cha mẹ rất tự hào về con dù con như thế nào đi nữa. Nhờ vậy, trẻ sẽ hiểu ra giá trị bản thân và giảm đi tính ghen tị.

5. Nghiện làm đẹp

Nghiện làm đẹp có thể khiến con chểnh mảng học hành

Đây là thói quen của nhiều cô gái tuổi mới lớn. Làm đẹp là vấn đề bình thường đối với tất cả phụ nữ nhưng "nghiện" thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở tuổi vị thành niên, trẻ rất thích làm đẹp, trang điểm, từ đó dẫn tới những tiêu cực khác như yêu sớm, chểnh mảng học hành, a dua,... Do đó khi thấy con làm đẹp sớm cha mẹ cần can thiệp kịp thời và định hình tư tưởng sớm. Mẹ có thể khuyến khích con làm đẹp theo lứa tuổi nhưng không quá đà, ví dụ học sinh cấp ba không cần thiết trang điểm kẻ mắt, con có thể tô một chút son môi khi đi học là được.

Ngoài ra, mẹ nên thường xuyên đi mua sắm với con để định hướng thời trang giúp con không sa đà vào việc đòi làm đẹp thái quá như mặc đồ phải hợp mốt, tóc tai, đồ trang điểm phải như bạn bè...

6. Tôn sùng mù quáng thần tượng

Có không ít đứa trẻ tôn sùng thần tượng còn hơn cả cha mẹ. Thậm chí nếu cha mẹ nói thần tượng không tốt lập tức hỗn hảo, chửi cha mẹ. Đây đều là những điều khiến cha mẹ đau lòng và bất lực trước con cái. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tâm lý phát triển bình thường ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần đồng hành để giúp con nhận ra vấn đề đúng, sai.

Tôn sùng thần tượng không sai, sai ở chỗ là nó trở nên mù quáng thái quá. Và những đứa trẻ này chủ yếu thiếu đi sự quan tâm hoặc dạy dỗ đúng đắn từ cha mẹ. Việc làm đầu tiên cha mẹ cần tôn trọng thần tượng của con, không chê bai thần tượng. Sau đó, hãy tâm sự với con về thần tượng và việc học tập, hình thành nhân cách.

Hãy nói với con rằng, cuộc sống ngoài thực tế quan trọng hơn cuộc sống ảo với thần tượng trên mạng. Hãy cho con nhận ra rằng, con đang lãng phí thời gian vì thần tượng, thay vào đó con có thể làm được nhiều việc ý nghĩa hơn với gia đình - nơi mới thực sự là nhà và tình thân của con.

7. Nghiện rượu, thuốc lá

Đây đều là hai chất kích thích nguy hiểm, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của con. Đặc biệt là con trai. Một số trẻ dễ bị kích động và bị bạn bè lôi kéo, rủ rê. Ngoài ra, một số khác cho rằng, biết uống rượu, hút thuốc mới là người trưởng thành. Đây đều là tâm lý chung của tuổi mới lớn.

Hiểu được điều này, cha mẹ cần phải can thiệp tâm lý kịp thời, giúp con nhận thấy những chất kích thích đó có thể ảnh hưởng tới tương lai của con. Bởi rượu, thuốc lá sẽ làm suy giảm thần kinh khiến trẻ kém thông minh và thường có những hành vi tiêu cực trong cuộc sống.

8. Thường xuyên tức giận, cáu gắt

Bước vào độ tuổi vị thành niên, trẻ có những thay đổi cảm xúc và khó kiềm chế cảm xúc của mình. Vì vậy, trẻ thường xuyên cáu gắt, bực bội khi nói chuyện với mọi người hoặc khi bức xúc vấn đề gì đó trẻ sẽ không kiềm chế được và cáu gắt. Thậm chí một số trẻ còn tức giận ném đồ đạc hoặc tìm cách gây sự với người khác. Đây đều là những diễn biến tâm lý không bình thường và tiêu cực, cha mẹ cần can thiệp và điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Hãy có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với con về vấn đề này và cho con biết thái độ, hành vi của con đã ảnh hưởng tới mọi người như thế nào. Hãy dạy con biết kiềm chế cảm xúc trong mọi tình huống, có như vậy con mới thực sự trưởng thành và nhận được sự yêu mến tôn trọng từ nhiều người.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI