30 mẹo về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho mẹ trong 30 ngày đầu tiên

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh là một trong những kiến thức quan trọng, mà các cha mẹ cần chuẩn bị, khi muốn có em bé hoặc trong thai kỳ. Tuy nhiên, dù đã tìm hiểu kỹ càng hết sức có thể, bạn cũng không tránh khỏi những bối rối trong những ngày đầu mới “gặp” con. Để góp phần giúp bạn tự tin hơn khi chăm bé trong khoảng thời gian này, hãy tham khảo thêm 30 mẹo khá hay dưới đây nhé.

banner ads
Chân trẻ sơ sinh
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh là kiến thức quan trọng cha mẹ nào cũng cần chuẩn bị khi muốn có em bé. Ảnh Internet 

1. Hãy tận dụng mọi sự giúp đỡ xung quanh bạn

Bạn có thể suy nghĩ đến những nguồn giúp đỡ ngay từ trong thai kỳ như học hỏi kinh nghiệm của một người bạn nuôi con tốt, tìm kiếm một bác sỹ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng đáng tin cậy, tham gia một hội nhóm về nuôi con, nói chuyện thường xuyên với mẹ của bạn,…

Bất cứ sự giúp đỡ nào cũng đều rất quý giá đối với bạn thời gian đầu sau sinh, vì đây là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với bạn. Lúc này bạn không những vừa trải qua một cơn đau quá sức khi sinh con, vừa đối mặt với những thay đổi về tâm lý khi phải chịu nhiều áp lực về việc chăm sóc em bé cũng như thích nghi với nếp sống mới. 

Tay bé sơ sinh
Tận dụng mọi sự giúp đỡ xung quanh bạn. Ảnh Internet 

2. Hãy sử dụng dịch vụ của bệnh viện

Ngay từ khi mang thai, bạn hãy tìm hiểu và tham gia các lớp học về chăm sóc trẻ sơ sinh. Khi đã sinh em bé, trong thời gian còn ở bệnh viện, bạn hãy hỏi bác sỹ hoặc y tá bất cứ điều gì bạn thắc mắc từ cho con bú , tắm cho bé, cho bé ngủ,…tất cả những gì mà bạn có thể nghĩ ra về việc chăm con.

3. Hãy chuẩn bị chu đáo

Khi ở nhà, có thể bạn sẽ gác mọi thứ qua một bên để cho em bé bú ngay khi con khóc tìm bạn. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến bản thân trước để việc cho con bú được thoải mái nhất. Hãy uống một cốc nước, chuẩn bị một quyển sách hoặc tạp chí và đi vệ sinh trước, vì em bé có thể ăn khá lâu đấy. 

banner ads
Vừa ho con bú vừa đọc sách
Em bé có thể bú lâu, nên bạn có thể chuẩn bị một quyển sách để đọc. Ảnh Internet 

4. Hãy thử chườm nóng

Khi cho con bú bạn có thể đôi lần bị tắc sữa . Tình trạng này sẽ làm bạn đau tức và khó chịu. Việc dùng túi hoặc khăn để chườm nóng sẽ làm bạn thấy dễ chịu hơn.

Tuy nhiên nếu bạn bị đau nghiêm trọng và sốt, hãy đến gặp bác sỹ để được giúp đỡ nhé.

5. Hãy thử cả chườm lạnh

Ngoài tắc sữa, bạn cũng có thể trải qua tình trạng nứt, hoặc trầy đầu ngực sau khi cho bé bú. Bạn có thể dùng túi chườm lạnh hoặc túi đậu đông lạnh để làm dịu cảm giác đau.

Chườm lạnh
Bạn có thể chườm lạnh để giảm đau ngực do bé bú. Ảnh Internet

6. Hãy giới thiệu cho bé bú bình song song với bú mẹ trước 3 tháng tuổi

Nếu bạn muốn cho trẻ bú bình song song với bú mẹ, hãy giới thiệu cho bé trước khi bé được 3 tháng tuổi. Nhiều bác sỹ khuyên nên thực hiện việc này trong khoảng 6-8 tuần tuổi của trẻ. Nhưng nhiều bà mẹ thấy trẻ đáp ứng tốt hơn khi cho trẻ làm quen với bú bình ngay ở 3-4 tuần tuổi.

7. Hãy thôi ám ảnh về sự mệt mỏi

Bạn hãy nghĩ đến mục tiêu cần thiết duy nhất hiện tại là chăm sóc thiên thần bé bỏng của bạn. Và một điều không cần bàn cãi đó là bạn sẽ phải chịu sự mệt mỏi trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, hãy đối mặt với sự thật này và chấp nhận chỉ “mệt mỏi” hay “mệt mỏi và bực bội”. Chắc chắn rằng chỉ “mệt mỏi” không sẽ dễ dàng hơn. 

Mẹ bế bé hạnh phúc
Hãy thôi ám ảnh về sự mệt mỏi về việc chăm bé sơ sinh, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Ảnh Internet 

8. Hãy thực hiện sự luân phiên

Bạn và chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình hãy luân phiên chăm sóc bé, đặc biệt là vào ban đêm. Bạn có thể cho bé ăn cữ đêm hôm nay và chồng bạn trông bé vào sáng hôm sau để bạn nghỉ ngơi. Sau khi bạn đã lấy lại sức thì đến phiên ông xã được “nghỉ ca” vào buổi trưa.

9. Hãy ngủ khi bé ngủ

Câu ngạn ngữ “Ăn tùy chủ ngủ tùy con” rất hay được người lớn áp dụng khi nói chuyện với mẹ sau sinh và nó khá đúng. Bạn hãy tranh thủ ngủ khi con ngủ để cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng cho công việc chăm con vất vả kéo dài ngày này qua ngày khác nhé. 

Mẹ ngủ khi bé ngủ
Hãy ngủ khi bé ngủ. Ảnh Internet 

10. Hãy chiều theo ý trẻ để đối phó khi trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ

Bạn hãy thử và áp dụng bất cứ cách gì khiến trẻ buồn ngủ: có thể là vỗ về, hát ru trẻ, để trẻ ngủ trên vai bạn hay trên ghế xe hơi,…Đừng quá lo lắng về việc tạo thói quen xấu cho trẻ vì hãy còn quá sớm và vấn đề là bạn cần phải “sống sót” trước đã.

11. Hãy quấn trẻ theo cách mô phỏng tư thế trong tử cung

Chìa khóa để bạn làm dịu một đứa trẻ sơ sinh đang quấy khóc là quấn khăn theo cách mô phỏng tư thế của trẻ khi còn trong tử cung, cho trẻ bú và ôm hai bên của trẻ. Việc này sẽ kích hoạt phản xạ nguôi ngoai giúp trẻ dễ chịu hơn.

12. Hãy cho trẻ nghe nhạc

Bạn hãy quên đi phần lý thuyết có vẻ mơ hồ là âm nhạc giúp trẻ thông minh hơn. Mà hãy tập trung vào thực tế rằng âm nhạc có khả năng làm dịu em bé. Bạn có thể cho trẻ nghe những bản nhạc êm dịu hoặc tùy vào phản ứng của trẻ mà bạn chọn loại nhạc phù hợp. 

Xoa dịu con bằng âm nhạc
Xoa dịu con bằng âm nhạc. Ảnh Internet 

13. Hãy hâm nóng mọi thứ lên

Một số bà mẹ thấy rằng việc thay tã cũng có thể gây ra một cuộc “khủng hoảng” lớn với em bé, nhưng nếu dùng khăn ấm để lau thì mọi thứ lại ổn. Việc hâm nóng đồ dùng – đặc biệt là những món tiếp xúc trực tiếp với làn da nhạy cảm của bé – sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.

14. Hãy áp dụng những mẹo nhỏ khác để dỗ trẻ

Bạn có thể thử hoặc vô tình phát hiện ra một hành động, cử chỉ nào đó có thể khiến trẻ bình tĩnh lại, hãy áp dụng nó cho những lần sau. Ví dụ một số bé thích được mẹ ôm ở tư thế quỳ gối với vai sát xuống, trẻ khác lại muốn được ôm đứng dựa đầu vào vai bạn, có trẻ lại thích nằm trên bụng bạn,… 

Mẹ hát dỗ trẻ
Áp dụng những mẹo nhỏ để dỗ trẻ. Ảnh Internet 

15. Hãy tắm để làm trẻ thấy dễ chịu hơn

Nếu mọi cách bạn đã thử đều không có tác dụng khi dỗ trẻ, hãy thử cùng trẻ tắm nước ấm (với điều kiện rốn trẻ đã khô và rụng). Việc này vừa giúp bạn dỗ trẻ, vừa khiến bạn được thư giãn.

16. Hãy để ba của trẻ tham gia cùng bạn

Nhiều người cảm thấy lo lắng khi làm bố lần đầu vì sợ mình sẽ làm sai và làm bạn nổi cơn thịnh nộ. Tuy nhiên, bạn không nên quá khắt khe với “đối tác" của mình. Hãy để anh ấy tham gia vào việc chăm con để có cơ hội học hỏi, cải thiện và chia sẻ công việc khó khăn với bạn. 

Bố bồng bé
Hãy để ba của trẻ tham gia chăm con cùng bạn. Ảnh Internet

17. Hãy đề nghị ông xã bạn nghỉ làm

Sau khi tất cả những người có thể giúp đỡ gia đình bạn đã thực hiện vai trò của mình và rời đi, bạn hãy đề nghị ông xã nghỉ làm (vài ngày hoặc một khoảng thời gian phù hợp) để tiếp tục phần việc đó. Vì như vậy, anh ấy vừa chăm sóc được bạn và trẻ, vừa có nhiều thời gian ở bên con hơn.

18. Hãy chia sẻ trách nhiệm

Bạn và chồng hãy chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc con và làm các công việc nhà khác. Ví dụ như anh ấy có thể lau dọn nhà cửa và đi chợ, hoặc trông con một khoảng thời gian nào đó trong ngày để bạn được nghỉ ngơi thêm một chút. 

Chia sẻ trách nhiệm
Hãy đề nghị ba của trẻ chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm con và các công việc nhà khác. Ảnh Internet

19. Hãy nhớ rằng các ông bố cũng thích làm việc gì đó vui vẻ, ngộ nghĩnh cùng với trẻ

Khi ở cùng trẻ, một số ông bố có thể thích làm việc gì đó vui vẻ ví dụ như cởi trần và ôm bé trên ngực và cùng ngủ trưa. Bạn hãy để cho anh ấy được làm những điều nhỏ ngộ nghĩnh đó để tăng sự gần gũi với trẻ nhé.

20. Hãy phớt lờ những lời khuyên khiến bạn thấy bối rối hoặc không thoải mái

Vì xét cho cùng, bạn là cha/ mẹ của bé và bạn là người quyết định điều gì tốt nhất cho con. Hãy bỏ qua những lời khuyên mà bạn thấy không có ích cho bạn hoặc trẻ để tránh những áp lực không đáng có khiến bạn khó chịu.

21. Hãy tạm gác lại việc nhà trong một vài tháng đầu sau sinh

Công việc quan trọng nhất trong thời gian đầu sau khi sinh đó là tập trung vào em bé và làm sao để hiểu được con chứ không phải làm việc nhà. Nếu ai đó phàn nàn về tủ kệ phủ bụi hoặc chén đĩa chưa rửa, bạn hãy mìm cười và đưa cho họ cây phủi bụi hoặc nước rửa chén. 

Mẹ âu yếm bé
Tạm gác việc nhà và tậm trung vào em bé. Ảnh Internet 

22. Hãy nhận sự giúp đỡ

Chăm con là công việc cực kỳ vất vả nên bạn hãy nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh, có thể là người thân, bạn bè hay hàng xóm, bất kỳ ai đủ thiện chí và đáng tin cậy.

23. Hãy mạnh dạn đưa ra yêu cầu cụ thể đối với những người sẵn sàng giúp đỡ bạn

Bạn có nhiều nguồn giúp đỡ xung quanh nhưng không biết phải sắp xếp như thế nào? Tốt nhất bạn đừng nên ngại ngùng mà hãy đưa ra yêu cầu của mình một cách cụ thể. Có như vậy thì mọi việc mới được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả.

24. Tuy nhiên, đừng nhờ mọi người làm những việc quá nhỏ nhặt

Dù có nhiều người trợ giúp nhưng bạn cũng đừng nên nhờ họ làm những việc quá nhỏ nhặt ví dụ như thay tã cho em bé. Bạn cần được giúp giải quyết những công việc tốn nhiều thời gian hơn như đi chợ, nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa. 

Thay tã cho bé
Nhận sự giúp đỡ từ mọi người nhưng việc thay tã cho em bé thì bạn đừng nhờ nhé. Ảnh Internet 

25. Hãy duy trì sự kết nối với môi trường bên ngoài

Để không bị (hoặc không cảm thấy) lạc lõng, tụt hậu với thế giới bên ngoài, bạn hãy dành cho mình một khoảng thời gian để đi đâu đó dù chỉ 5 phút. Việc này sẽ giúp bạn giảm áp lực đồng thời nạp thêm năng lượng tích cực hằng ngày.

26. Hãy tranh thủ sự trợ giúp của một bà mẹ có kinh nghiệm khác

Chuyến ra ngoài đầu tiên đến một khu vực công cộng, bạn hãy đi với một bà mẹ giàu kinh nghiệm khác để được hỗ trợ và không bị bối rối với em bé mới sinh của mình. 

Mẹ và bé vui vẻ
Hãy ra ngoài kết nối với thế giới bên ngoài không cảm thấy bị lạc lõng tụt hậu nhé. Ảnh Internet 

27. Hãy đến những nơi có thể chào đón em bé nếu bạn chỉ đi một mình

Nếu chuyến “du hành” ngắn đầu tiên đến nơi công cộng của bạn không có ai đi cùng, bạn hãy đến những chỗ có thể hoan nghênh em bé mới sinh và bạn như nhà sách hay thư viện. Ở đó bạn và trẻ sẽ thấy vui vẻ và thoải mái hơn.

28. Hãy chuẩn bị túi đồ sẵn sàng khi ra ngoài

Khi bạn có ý định ra ngoài cùng với trẻ, hãy chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước một cách gọn gàng trong túi đeo hoặc ba lô. Không có gì khiến bạn mất hứng bằng việc bạn và bé đã sẵn sàng nhưng đồ đạc thì chưa. 

Chuẩn bị ra ngoài
Mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng nếu muốn ra ngoài. Ảnh Internet

29. Hãy chuẩn bị cả đồ dự phòng cho bạn

Khi bạn chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho em bé, đừng quên đồ dự phòng cho chính bạn. Vì bạn không biết “tai nạn” nhỏ nào có thể xảy ra: một vết trớ sữa, vết tè hay ị của bé trên áo mình.

30. Hãy sẵn sàng từ bỏ một kế hoạch bạn đã sắp xếp

Khi chăm sóc một em bé mới sinh, dù bạn lên kế hoạch gì và chuẩn bị chu đáo như thế nào, thì mọi thứ đều có thể thay đổi ở phút chót. Vì vậy hãy luôn giữ mọi thứ thật đơn giản và luôn trong tư thế sẵn sàng từ bỏ những gì bạn dự định làm một cách nhẹ nhàng và vui vẻ. 

Em bé khóc
Nếu phút chót không theo kế hoạch, bạn hãy từ bỏ nó một cách nhẹ nhàng và vui vẻ. Ảnh Internet 

Bạn thấy đấy, dù bạn làm cha mẹ lần đầu hay lần thứ n thì cách chăm sóc trẻ sơ sinh luôn là việc bạn phải học hỏi và cập nhật. Vì mỗi em bé đều đặc biệt và là duy nhất, nên bạn không thể áp dụng mọi thứ một cách máy móc và rập khuôn. Điều quan trọng là bạn luôn quan sát trẻ để chọn ra và áp dụng những cách phù hợp. Có như vậy thì bạn và trẻ mới có thể đồng hành một cách nhẹ nhàng, thoải mái và tràn ngập tình yêu.

Theo Parents

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI