Colic - Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh và cách xử lý

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn sẽ nhận thấy có những lúc bé khóc dai dẳng không nín và việc dỗ dành bé dường như khiến cho các ông bố/ bà mẹ trẻ cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, rồi tất cả cũng sẽ qua nếu bạn thật sự kiên nhẫn.

banner ads

Hội chứng colic

Thuật ngữ colic để chỉ về hiện tượng trẻ sơ sinh khóc ngất và khó dỗ.

Các chuyên gia dùng thuật ngữ colic để chỉ về hiện tượng trẻ sơ sinh khóc ngất và khó dỗ. Thông thường, colic chỉ xảy ra ở độ tuổi từ 2-4 tuần và có thể kéo dài đến khi bé được 3-4 tháng. Đây là một hội chứng tự phát và không cần phải dùng thuốc bé sẽ tự khỏi.

Dấu hiệu colic

- Cùng một thời điểm trong ngày (sáng, trưa hoặc chiều), bé sơ sinh từ 2-4 tuần tuổi khóc thét dữ dội đến nỗi mặt bé đỏ ửng lên.

- Mỗi lúc khóc, bé nắm chặt bàn tay, bụng căng lên, đầu gối co lại và cong lưng.

- Thường khóc giật mình trong lúc ngủ

- Ăn uống cũng gián đoạn vì bé khóc quấy

- Mỗi lúc khóc to tiếng thường thấy bé ợ hơi

- Khóc theo từng cơn với cường độ khác nhau

- Không thể dỗ bé nín trừ khi bé tự nín

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng colic

Hơn 50 năm tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng colic, song cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có được câu trả lời.

- Một giả thuyết cho rằng colic xảy ra là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu đã dẫn đến một số tình trạng khó chịu do tiêu hóa kém hoặc dị ứng, không tiêu, khó hấp thu…

- Số khác lại cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng colic là do trẻ đang trong giai đoạn phát triển thần kinh nên mọi thứ vẫn chưa đi vào ổn định.

- Ngoài ra những ý kiến khác cho rằng có khả năng những cơn ợ hơi khiến bé đau đớn.

Colic có nguy hiểm không?

Cần phải trả lời ngay rằng đây colic không gây bất cứ nguy hại đối với trẻ sơ sinh ngoài việc nó khiến bố mẹ bé phải luôn “đau đầu”. Nếu không thể chịu đựng được những cơn khóc ngất này của bé, bố mẹ có thể cho bé đi khám để tìm xem liệu có một nguyên nhân bệnh lý nào khác khiến trẻ khóc dữ dội như vậy hay không.

Cách xử lý trẻ có hiện tượng colic

Mặc dù cho đến nay nguyên nhân dẫn đến hiện tượng colic vẫn chưa được giải đáp nhưng có những trường hợp cụ thể gắn liền với colic. Tùy theo từng trường hợp cụ thể này, bạn có thể chọn cho mình cách xử lý tình huống tốt nhất:

Khi nghi ngờ bé dị ứng với sữa:

Khi đang trong giai đoạn cho con bú, m ẹ tránh ăn những thức ăn khiến bé "dị ứng".

- Một số loại thực phẩm như thịt bò, sữa bò, sô cô la, rượu, trà, hành, đậu hoặc gia vị cay có thể khiến trẻ khó chịu. Do đó, trong khẩu phần ăn của bé cần tránh những thức ăn này để bé bú mẹ được dễ chịu hơn.

- Trường hợp bé bú sữa công thức, nếu quan sát bé phản ứng nhiều lần với loại sữa đang dùng, hãy đổi sữa cho bé theo tư vấn của bác sĩ hoặc bạn chỉ cho bé ăn đúng nhu cầu bé cần.

Khi nghi ngờ hệ thần kinh bé chưa ổn định:

- Nếu quan sát thấy bé thường giật mình và cong chân tay mỗi lúc như vậy, bạn có thể bế bé lên và ôm vào mình hoặc dùng một chiếc chăn mềm mại đắp lên mình bé.

- Tạo ra tiếng động “trắng” như tiếng máy quạt, tiếng máy xay… những âm thanh đều đều êm tai sẽ khiến trẻ cảm giác quen thuộc hơn vì khi trong bụng mẹ bé đã từng được nghe chúng.

Đong đưa trên tay nhẹ nhàng để ru bé vào giấc ngủ.

- Đong đưa trên tay nhẹ nhàng để ru bé vào giấc ngủ.

- Hạn chế những tác động bên ngoài như ánh sáng, tiếng động thất thanh

- Cho bé tắm bằng nước ấm và sau khi tắm hãy massage cho bé bằng tinh dầu oải hương để bé dễ dàng vào giấc ngủ hơn.

Khi nghi ngờ bé đau do ợ hơi:

- Giúp bé được ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ vào lưng sau mỗi lần cho ăn.

- Luôn đảm bảo tư thế cho bé bú luôn đúng kể cả với bé bú mẹ lẫn bé bú bình.

Giúp bố mẹ giải tỏa căng thẳng trong giai đoạn con có hiện tượng colic

Bạn sẽ thực sự rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ với tiếng khóc colic của con. Vì thế, đừng cố cầm cự khi bạn đã biết mình không thể chịu đựng thêm được nữa. Những cơn stress có thể sẽ khiến bạn mất kiểm soát và có những hành động khiến bạn hối hận về sau. Vì thế hãy:

- Đặt bé xuống nơi an toàn và bước ra ngoài nhờ người nhà giúp đỡ.

- Cố gắng tìm cách để bản thân thư giãn như nói chuyện với ai đó hoặc đơn giản chỉ là hít hà những hơi thở sâu để lấy lại bình tĩnh.

- Khi bạn điềm tĩnh lại, bé cũng sẽ “học” được từ bạn điều gì đó tương tự.

- Điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự kiên nhẫn và không đổ lỗi cho bất kỳ ai trong chuyện này để tránh căng thẳng trong gia đình.

Hãy nhớ tất cả rồi sẽ qua và bạn sẽ thực sự nghiệm ra được nhiều giá trị sống hơn khi cùng con vượt qua được tất cả.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI