10 điều trong quá trình mang thai và sinh nở luôn khiến bạn phải ngạc nhiên

Quá trình mang thai và sinh nở là một hành trình thật kỳ diệu của người phụ nữ. Dù mới làm mẹ hay đã sinh con, thì hành trình này luôn chứa đựng những điều khiến chị em cảm thấy bất ngờ. Chúng ta hãy cùng điểm qua 10 điều dưới đây và thử xem mình đã từng trải qua bao nhiêu điều nhé.

banner ads

Quá trình mang thai
Quá trình mang thai và sinh có rất nhiều điều khiến bạn phải ngạc nhiên. Ảnh Internet

1. Bạn cảm nhận được bản năng làm tổ

Rất nhiều phụ nữ cảm nhận được bản năng làm tổ của mình khi thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón em bé.

Bạn có thể tích cực lau dọn tủ chén hay cọ rửa tường nhà…, những việc mà trước khi có thai bạn không thường làm. Hành động này có thể bắt nguồn từ suy nghĩ cần phải chuẩn bị một nơi thật sạch sẽ, gọn gàng cho thiên thần sắp chào đời. Việc này cũng rất có ích vì nó sẽ làm cho “danh sách những việc cần làm” của bạn giảm đi. Tuy vậy bạn đừng làm quá sức vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhé.

Dọn dẹp nhà cửa
Khi mang thai, nhiều phụ nữ rất tích cực trong chuyện dọn dẹp nhà cửa. Ảnh Internet

2. Bạn khó tập trung

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, sự mệt mỏi cũng như tình trạng ốm nghén khiến bạn thấy tinh thần bị suy nhược. Nhưng ngay cả khi được nghỉ ngơi đầy đủ thì bạn vẫn có thể thấy rất kho tập trung.

Việc suy nghĩ về em bé sắp chào đời và sự thay đổi hormone là nguyên nhân chính của tình trạng này. Khi có thai thì tất cả mọi thứ bao gồm: công việc, các loại hóa đơn, cả những cuộc hẹn với bác sỹ đều không quan trọng bằng em bé và cuộc sinh nở sắp tới của bạn.

Để giúp hạn chế bị bỏ sót những việc cần thiết và quan trọng, bạn hãy lên danh sách và kiểm tra chúng thường xuyên nhé.

Khó tập trung
Bà bầu rất khó tập trung nhất là đầu thai kỳ. Ảnh Internet

3. Bạn dễ thay đổi tâm trạng

Nhiều vấn đề trong thai kỳ có tác động đến tâm trạng của bạn. Ngực bạn thì tăng cỡ và trở nên nhạy cảm hơn, hormone thay đổi, sự mệt mỏi, ốm nghén, tăng cân…mọi thứ dễ khiến tâm trạng của bạn thay đổi. Bạn có thể vừa thấy vui vẻ, sau đó lại buồn phiền và chán nản.

Đây là tình trạng bình thường mà phụ nữ mang thai thường trải qua. Bạn sẽ phải đối mặt với nó nhiều nhất ở tam cá nguyệt đầu tiên và gần cuối tam cá nguyệt thứ ba.

Nhiều phụ nữ cũng có thể bị áp lực hoặc trầm cảm trong thai kỳ. Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, thay đổi thói quen ăn uống hay thay đổi tâm trạng trong hơn 2 tuần liên tục, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nhé.

Thay đổi tâm trạng
Bà bầu rất dễ thay đổi tâm trạng. Ảnh Internet

4. Bạn phải đổi size áo lót

Sự tăng kích thước của bầu ngực là một trong những dấu hiệu của việc mang thai. Ngực bạn lớn dần là do tác động của hormone estrogen và progesterone, và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong suốt thai kỳ của bạn.

Ngực bạn cũng có thể lớn hơn do sự tác động của lồng ngực. Vì khi mang thai, phổi của bạn sẽ nở ra để lấy thêm ô xy. Cả hai yếu tố này sẽ khiến bạn phải đổi size áo ngực (có thể là nhiều lần) trong suốt thai kỳ.

Thay đổi size áo lót
Bạn thường xuyên phải thay đổi size áo lót. Ảnh Internet

5. Sự thay đổi của làn da

Trong suốt thai kỳ, sự thay đổi hormone sẽ ảnh hưởng tới khá nhiều cơ quan, trong đó dễ nhận thấy nhất là làn da.

Khi bạn mang thai , thể tích máu tăng lên để tăng lượng máu cung cấp cho tử cung và các cơ quan, đặc biệt là thận, việc này làm tăng tiết tuyến dầu khiến bạn dễ bị mụn. Bên cạnh đó, các vết tàn nhang hoặc đốm nâu trên da bạn có thể trở nên sẫm màu hơn.

Ngoài ra, một số phụ nữ có thể xuất hiện các mảng màu nâu, vàng được gọi là chloasma hay “mặt nạ thai kỳ”. Một số người thì xuất hiện đường sọc màu tối dưới rốn kéo dài xuống phần bụng dưới, hoặc tăng sắc tố vùng đầu ngực, cơ quan sinh dục ngoài và vùng hậu môn. Tình trạng này là do hormone thai kỳ khiến cơ thể tạo ra nhiều sắc tố hơn.

Sự tăng sắc tố này thường không đồng đều do đó vùng da sẫm màu thường xuất hiện dưới dạng đốm màu sẫm. Tuy việc da bị sạm đi không thể ngăn chặn nhưng việc dùng kem chống nắng có thể giảm mức độ sạm của các đốm này.

Nhiều chị em còn có thể bị nổi mẩn, ngứa, rạn và bong tróc da. Lúc này bác sỹ có thể khuyên dùng kem để làm dịu da khô và ngứa.

Nói chung, mang thai có thể là thời gian “ngứa ngáy” của chị em, nhưng hầu như các vấn đề về da sẽ biến mất sau khi bạn sinh con , vì vậy đừng quá lo lắng nhé.

Da sạm màu
Khi mang thai da bà bầu sẫm màu do tăng sắc tố. Ảnh Internet

6. Sự thay đổi của tóc và móng tay

Nhiều phụ nữ có những thay đổi về kết cấu và tăng trưởng của tóc khi mang thai. Hormone thai kỳ sẽ làm cho tóc mọc nhanh và ít rụng hơn. Một số người có thể mọc lông ở những vị trí không mong muốn như mặt, bụng hay quanh đầu vú. Sự thay đổi kết cấu tóc làm cho tóc trở nên khô hoặc dầu hơn, thậm chí đổi màu. Tuy nhiên những thay đổi này không phải là vĩnh viễn. Khá nhiều chị em bị rụng tóc sau khi sinh con và trong thời gian cho con bú.

Tương tự như tóc, móng tay và chân của bạn cũng có thể thay đổi kết cấu trong thai kỳ. Chúng có thể trở nên cứng hoặc mềm hơn dẫn đến tình trạng dễ xước hoặc gãy. Vì vậy, bạn nên thường xuyên cắt tỉa móng tay, chân và hạn chế các loại hóa chất cũng như sơn móng tay.

Thay đổi móng tay
Tóc và móng tay cũng có những thay đổi rất dễ thấy khi mang thai. Ảnh Internet

7. Sự thay đổi kích cỡ giày

Thông thường, lượng chất lỏng tăng lên khi mang thai dễ khiến chân của bạn bị phù hoặc sưng to hơn bình thường, vì vậy có rất nhiều khả năng bạn phải đổi size giày khi có em bé. Những loại giày, dép, sandal trệt và hở mũi sẽ khiến bạn dễ chịu hơn so với các loại giày bít mũi.

Giày trệt
Giày dép trệt là người bạn đồng hành với bạn mỗi ngày trong suốt quá trình mang thai. Ảnh Internet

8. Bạn cần cẩn thận hơn khi vận động

Khi mang thai, cơ thể bạn tạo ra hormone relaxin để chuẩn bị vùng xương mu và cổ tử cung cho việc sinh nở. Hormone này làm lỏng các dây chằng trong cơ thể khiến bạn dễ bị mất thăng bằng và bị thương hơn. Đặc biệt đối với sự vận động ở các khu vực khớp xương chậu, lưng dưới và đầu gối. Vì vậy, khi tập thể dục hoặc nâng vật gì đó, bạn cần phải nhẹ nhàng, chậm rãi tránh hoạt động quá đột ngột để tránh bị thương.

Bà bầu tập thể dục
Bạn dễ bị thương hơn khi mang thai nếu vận động mạnh, vì vậy ngay cả tập thể dục cũng phải rất cẩn thận. Ảnh Internet

9. Tình trạng giãn tĩnh mạch, trĩ và táo bón

Giãn tĩnh mạch, trĩ và táo bón là những tình trạng khá thường gặp khi mang thai do tác động của hormone thai kỳ.

  • Giãn tĩnh mạch : Khi mang thai, tình trạng giãn tĩnh mạch thường thấy ở khu vực chân và vùng sinh dục, khi các mạch máu bị giãn rộng gây khó chịu thậm chí ngứa và đau. Để giúp hạn chế tình trạng này, bạn nên mặc quần áo rộng, đeo ống hỗ trợ, kê cao chân khi ngồi và tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
  • Trĩ : cũng là một dạng của giãn tĩnh mạch nhưng xảy ra ở trực tràng. Đây là tình trạng khá phổ biến khi mang thai. Vì lượng máu tăng và sự tăng kích thước của tử cung gây áp lực lên vùng chậu của bạn. Từ đó, các tĩnh mạch trong trực tràng có thể bị tác động và giãn ra gây trĩ. Bệnh trĩ gây ngứa, đau, khó chịu hoặc chảy máu khi bạn đi đại tiện.
  • Táo bón : cũng là một trong những tình trạng rắc rối phổ biến của thai kỳ. Do hormone thai kỳ mà quá trình tiêu hóa của bạn bị chậm lại. Đồng thời tử cung lớn dần gây áp lực lên ruột già làm cho bạn khó đi vệ sinh. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên bệnh trĩ trong thai kỳ.

Để phòng tránh cũng như hạn chế bệnh trĩ và táo bón trong thai kỳ, bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều chất lỏng cũng như tập thể dục một cách đều đặn. Một số loại thuốc làm mềm phân cũng có thể có ích. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để được chỉ định loại thuốc phù hợp nhé.

Giãn tĩnh mạch
Bà bầu dễ bị giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai. Ảnh Internet

10. Những thứ thoát ra khỏi cơ thể khi bạn chuyển dạ

Có thể bạn đã trụ vững qua tất cả những bất ngờ đã kể trên, nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Vì ngày bạn sinh con có lẽ sẽ đem đến những bất ngờ lớn nhất cho cuộc đời bạn.

Khi bạn bắt đầu hoặc đang chuyển dạ, bạn có thể bị vỡ ối (chất lỏng bao quanh thai nhi trong thai kỳ), nước ối có thể chảy ra nhiều và đột ngột hoặc chỉ nhỏ giọt (phụ thuộc vào vị trí đầu em bé). Hoặc đôi khi bác sỹ phải chọc vỡ ối nếu tử cung đã mở đủ.

Trong quá trình chuyển dạ, bạn còn có thể buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, hoặc xì hơi vì trong giai đoạn này, bạn thường bị mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.

Bạn có thể trao đổi trước với cơ sở y tế nơi bạn sinh con hoặc bác sỹ đỡ đẻ hoặc y tá, để được trợ giúp đối với các tình trạng này, cũng như những vấn đề khác của quá trình sinh nở.

Sinh con
Khi sinh nở bạn có thể gặp rất nhiều vấn đề với những thứ thoát ra khỏi cơ thể mà bạn không thể kiểm soát được. Ảnh Internet

Bạn thấy đấy, quá trình mang thai và sinh nở mang đến cho bạn vô số điều bất ngờ. Nó có thể khiến bạn thấy thú vị, vui vẻ hoặc cũng có thể khó chịu, đau đớn. Nhưng sau tất cả, không điều gì ngọt ngào và gây bất ngờ lớn hơn cảm giác khi ôm một sinh linh bé bỏng mới chào đời trong vòng tay, phải không bạn.

Theo Kid's Health

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI