10 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thai kỳ

Không ít người vẫn cho rằng chuyện mang thai của người phụ nữ là chuyện hết sức bình thường. Họ không lường trước những tai biến mà người mang bầu có nguy cơ gặp phải. Có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thai kỳ nhưng nếu mẹ bầu chủ quan có thể dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc.

banner ads

Để hiểu về những thay đổi của bản thân và đánh giá đúng mức nguy cấp trong từng trường hợp, mẹ nên tìm hiểu về những dấu hiệu cảnh báo sau:

1. Ra máu

Ngoại trừ đốm máu xuất hiện trong hai tuần do cấn thai hoặc thay đổi ở tử cung gây ra khi trứng thụ tinh làm tổ, còn lại ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ, những trường hợp chảy máu âm đạo đều được xem là bất thường.

Nếu ở giai đoạn đầu thai kỳ, thấy máu chảy nhiều đi kèm với đau vùng bụng hoặc đau bụng dưới cùng với triệu chứng chóng mặt, choáng váng rất có khả năng bạn đã mang thai ngoài tử cung. Do trứng làm tổ ở nơi không thích hợp nên khi thai lớn dần sẽ gây nguy hiểm tính mạng cho người mẹ.

Khi đến tam cá nguyệt thứ hai, xuất huyết đi cùng với cơn co thắt dữ dội ở bụng dưới rất có thể là dấu hiệu của sẩy thai.

banner ads

Vào tam cá nguyệt cuối cùng, xuất huyết kèm theo triệu chứng co cứng tử cung, các cơn đau khiến mẹ lăn lộn, vật vã, huyết áp tụt cùng với đó có thể là tiền sản giật đi cùng. Lúc này mẹ hãy nghĩ ngay đến hiện tượng nhau bong non. Đây là biến chứng rất nguy hiểm khi nhau thai bong ra sớm hơn thời điểm sổ thai dự kiến.

2. Nôn, ói nhiều hơn bình thường

4785-9bee8echuyennhungbabauxanhmatv.jpg

Mẹ bầu bị nghén nặng cần được đều trị nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi

Chuyện nôn nghén của mẹ bầu có thể coi là bình thường. Nhưng nếu như triệu chứng này ngày một trầm trọng, khiến mẹ mất nước trầm trọng và kiệt sức dần vì không có gì trong dạ dày để chuyển hóa và trao đổi chất thì đó lại là vấn đề nghiêm trọng cần được bác sĩ can thiệp. Tình trạng này kéo dài ngoài mẹ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp thì thai nhi cũng chịu những hệ lụy như suy dinh dưỡng, dễ sinh non, thậm chí là dị tật bẩm sinh.

Ngoài ra, khi hiện tượng nôn ọe đi cùng với dấu hiệu xuất huyết âm đạo, đau dữ dội vùng bụng dưới và gây choáng rất có thể mẹ đang bị dọa sẩy thai.

Theo các chuyên gia y tế, vấn đề nghén nặng của mẹ bầu cần được điều trị dứt điểm đế tránh mọi biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

3. Thai nhi giảm hoạt động

Hoạt động của thai nhi được theo dõi qua hiện tượng thai máy. Nếu thấy bé bé ít đạp hơn thường ngày trong một buổi sáng hoặc chiều, hãy tiếp tục theo dõi sau đó. Nếu trở lại bình thường thì không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng nếu ngưng đạp thì có thể trẻ đang thiếu oxy nghiêm trọng hoặc gặp một vấn đề nào đó cần trợ giúp. Thông thường trong vòng 24 tiếng, bé đạp từ 10 -12 lần được coi là ổn.

Khi thấy dấu hiệu bất thường về thai máy hãy gọi cho bác sĩ đang theo dõi bạn hoặc đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

4. Xuất hiện cơn co thắt sớm

Khi những cơn co thắt xuất hiện vào những ngày cuối thai kỳ đó là dấu hiệu cho biết bạn sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy. Sẽ là bất thường nếu các cơn co thắt này xuất hiện trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Đó rất có thể là hiện tượng dọa sinh non.

Tuy nhiên, để phân biệt cơn đau chuyển dạ giả và đau chuyển dạ thật không phải dễ nhất là với những mẹ bầu mang thai lần đầu. Mẹ nên phân biệt được những cơn đau giả (Braxton-Hicks) thường không nhịp nhàng và cường độ không tăng. Nó sẽ giảm dần trong 1 giờ. Riêng cơn co thắt thì xuất hiện đều đặn khoảng 10 phút/lần với tăng cường độ tăng dần theo thời gian.

Do vậy, khi bước sang 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ cần theo dõi các cơn co thắt này để nhận biết dấu hiệu sinh.

5. Rò rỉ nước ối

Khi đến những tháng cuối, mẹ có thể gặp phải trường hợp không mắc tiểu vẫn bị són tiểu. Hiện tượng này xuất hiện là do áp lực bụng bầu đè lên bàng quan gây nên. Cũng vì hiện tượng này mà không ít người nhầm lẫn khi chính mình có triệu chứng rò ối. Vì thế, mẹ nên biết chất lỏng ở vùng kín xuất hiện do rò rỉ ối sẽ ra chậm hơn và nó sẽ không có màu lẫn mùi khai như nước tiểu.

Một khi đã phát hiện mình bị rỉ ối, mẹ không nên sử dụng băng vệ sinh, không ngâm mình trong bồn nước ấm và không quan hệ vợ chồng. Trường hợp thai chưa đủ 37 tuần, mẹ hãy đến bác sĩ ngay để được kiểm tra. Trường hợp thai đã quá 37 tuần trở lên, mẹ không nhất thiết phải vội vàng mã hãy chuẩn bị tất cả đồ đạc, giấy tờ và cả tiền bạc vì bạn có thể sắp lâm bồn nếu cơn chuyển dạ sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ tới.

6. Đau đầu, đau bụng

4786-me-bau-dau-dau.jpg

Những tháng cuối nếu mẹ bầu có triệu chứng đau đầu kèm đau bụng có thể đó là dấu hiệu của tiền sản giật

Khi ở vào tam cá nguyệt cuối, xuất hiện đau đầu kèm theo đau bụng, sưng phù chân tay, rối loạn thị giác rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Đây là biến chứng được các bác sĩ cảnh báo là vô cùng nguy hiểm có khả năng gây tử vong cho mẹ.

Mẹ có thể phát hiện sớm nguy cơ và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu khám thai định kỳ theo lịch.

7. Thường xuyên khát nước và đi tiểu

Khi thấy khát nước thường xuyên và đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn mức bình thường có thể mẹ đang mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Đây là bệnh khá phổ biến trong thời hiện đại do chất insulin của mẹ bầu tiết ra không đủ. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, thông thường các bác sĩ sẽ không kê thuốc mà tư vấn để mẹ thay đổi chế độ ăn uống hợp lý theo khoa học nhằm làm tăng lượng insulin trong cơ thể.

8. Huyết áp cao

Nhiễm độc huyết hoặc tiền sản giật thường đi kèm dấu hiệu cao huyết áp. Triệu chứng này thường xảy ra vào tuần thứ 20 của thai kỳ với các biểu hiện huyết áp cao, đau đầu, mờ mắt, đau dạ dày. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định sinh sớm cho mẹ. Nếu thai đã được gần 37 tuần tuổi thì không quá khó khăn nhưng nếu thai quá non, các bác sĩ thường cho bệnh nhân nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm huyết áp. Tuy nhiên phương pháp này lại không hề tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

9. Mệt mỏi triền miên

Thiếu máu thai kỳ có thể dẫn mệt mỏi triền miên, kéo dài từ ngày này sang ngày khác và mỗi lúc một trầm trọng hơn gây nên suy nhược cơ thể, hụt hơi, khí sắc nhợt nhạt. Thiếu máu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

4787-me-bau-met-moi.jpg

Thiếu máu có thể dẫn đến mệt mỏi triền miên ở mẹ bầu

Hầu hết, mọi phụ nữ mang thai đều phải bổ sung sắt kèm với chế độ dinh dưỡng giàu chất sắt, kẽm. Nếu thiếu máu ở mức độ trầm trọng, bạn sẽ phải truyền máu trực tiếp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

10. Không muốn giao tiếp và ngại trò chuyện

Cảm giác rơi vào vô vọng, trong người thấy bứt rứt, khó chịu và có những hành vi làm tổn thương cho người khác hoặc chính bản thân… đó là tất cả những biểu hiện đáng lo ngại của chứng trầm cảm trước và sau thời gian mang thai.

Đây là một bệnh tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ bầu cần được gia đình và nhất là người chồng ở bên động viên, khích lệ để lấy lại tinh thần. Bệnh trầm cảm ở dạng nặng cần được trị liệu theo liệu trình tâm lý phù hợp cho người mang thai.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI