1. Ngày 20/11 để tri ân thầy cô giáo - ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam quan trọng
Nhìn lại lịch sử của Ngày Nhà giáo để thấy không riêng Việt Nam mà trên thế giới đất nước nào cũng xem trọng nghề giáo. Minh chứng rõ ràng nhất chính là cột mốc tháng 7 năm 1946, Liên hiệp Quốc tế Công đoàn giáo dục được thành lập và cho ra đời bản Hiến chương nhà giáo 3 năm sau đó. Trong bản Hiến chương này nêu rõ những quan điểm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, khoa học cũng như tôn vinh, nêu cao nghề dạy học, bảo vệ quyền lợi cho giáo giới.
Riêng Việt Nam, gia nhập liên hiệp này vào năm 1953, và ngày 20 tháng 11 năm 1958 chính thức có ngày “Quốc tế Hiến chương các ngày giáo” ở miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, đến ngày 20 tháng 11 năm 1982, ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên cả nước và trở thành một trong những lễ hội ngành nghề thu hút sự quan tâm của người dân.
Từ những cột mốc lịch sử cùng với những quan điểm ghi rõ trong bản Hiến chương nhà giáo, chúng ta thấy được rằng trong những ý nghĩa thiết thực của Ngày Nhà giáo Việt Nam thì điều quan trọng nhất đó chính là tri ân. “tri” là ghi nhớ, “ân” là “công ơn”, tức vào ngày lễ này phụ huynh, học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung sẽ xem là dịp để mình nhớ đến công ơn của thầy cô, từ đó có những cách thể hiện tình cảm trân trọng đối với những người đứng trên bục giảng. Ngoài ra, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam còn là dịp để giáo giới đòi hỏi quyền lợi cơ bản về nghề giáo cũng như để họ nói lên tiếng nói người thầy.
So với các quốc gia trên thế giới, Ngày Nhà giáo Việt Nam có nhiều nét đặc biệt hơn. Điều này thể hiện ở việc người dân Việt Nam xem trọng vai trò người thầy trong xã hội và nâng tầm nghề giáo lên cao hơn các ngành nghề khác. Vì thế mà Ngày Nhà giáo Việt Nam thường gắn với những hoạt động sôi nổi như lễ mít-tinh, khen thưởng, vinh danh những gương mặt thầy cô giáo nổi bật, văn nghệ chào mừng, thi viết văn thơ ca ngợi thầy cô giáo… Bên cạnh đó, những món quà từ phụ huynh, học sinh gửi tặng đến thầy cô giáo thường không thể thiếu trong dịp lễ ngày.
2. Ngày nhà giáo 20/11 - dịp để cộng đồng lẫn nhà giáo hiểu hơn về nghề giáo
Người ta thường nói, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, bởi đây là một nghề gắn với “sản phẩm” là con người. Dạy học không đơn giản là lao động như những ngành nghề khác mà ở đó đòi hỏi người thầy phải có kiến thức, tình cảm lẫn hành vi chuẩn mực để hình thành nên tư tưởng, tích cách… cho học trò. Vì lẽ đó, nghề giáo trong thế giới phẳng hôm nay trở thành nghề dễ bị “săm soi” nhất.
Trong thời gian vừa qua, những câu chuyện buồn về giáo dục càng khiến nhiều người có cái nhìn khác về nghề giáo. Cộng với việc sống giữa hiện đại học trò có thể tiếp thu tri thức chỉ bằng những cú lướt, khiến nhiều người mất niềm tin vào những người thầy. Vì thế, việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định những giá trị truyền thống. Dù nghề giáo ở cuộc sống hiện tại không được “trọng vọng” nhưng giá trị “không thầy đố mày làm nên” không bao giờ mất đi. Và vai trò của nghề giáo trong quá trình phát triển của đất nước là không thể phủ nhận.
Như vậy, một trong những thông điệp quan trọng của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là để cộng đồng hiểu, chia sẻ, quan tâm nhiều hơn đến nghề giáo. Trước ngày lễ 20/11 các cơ quan, tổ chức chính quyền sẽ sắp xếp lại công tác để tới thăm hỏi giáo viên tiêu biểu cũng như tổ chức buổi gặp mặt thân tình để khen thưởng, biểu dương những thầy cô có thành tích xuất sắc trong ngành giáo dục.
Bên cạnh ý nghĩa để cộng đồng hiểu hơn về nghề giáo, ngày 20/11 hằng năm còn là dịp để “thầy cô hiểu hơn về chính mình, về nghề của mình”. Dịp này những người làm nghề dạy học sẽ suy ngẫm lại con đường mình đã và đang đi để từ đó có những định hướng đúng đắn, tốt hơn trong thời gian tới.
3. Ngày Nhà giáo để ôn lại những kỷ niệm tuổi học trò
Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh người thầy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 còn là dịp để ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Cho dù bạn còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã trưởng thành, dịp lễ 20/11 chính là lúc ngồi nhớ lại những ký ức rất đáng ghi nhớ và thậm chí không thể quên của một giai đoạn trong cuộc đời của mình.
Bạn sẽ nhớ đến những năm cấp I được bố mẹ chở đến nhà thầy cô để tặng những món quà nhỏ xinh mà bạn cặm cụi làm từ đêm hôm trước. Bạn cũng sẽ nhớ về những năm cấp II cả lớp biết “góp quỹ” mua chung một bó hoa hay một cuốn sổ giáo án tặng thầy cô chủ nhiệm. Và bạn nhớ nhiều về mái trường trung học phổ thông nơi mà mỗi khi ngày lễ Nhà giáo Việt Nam đến cả lớp lại rộn ràng làm báo tường, tập văn nghệ hay cố nghĩ ra những “món quà độc, lạ” để làm cô thầy bất ngờ.
Như vậy, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ dành cho những người gắn bó với nghề giáo mà còn dành cho tất cả chúng ta - những người từng có những năm tháng học trò gắn với nhiều điều từ ước mơ, những ấp ủ, niềm vui và bao nhiêu thứ khó có thể bỏ quên được.
Sau cùng, khi nói về ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi người ở một góc nhìn sẽ có những suy ngẫm riêng. Dẫu là ở góc nhìn nào, chúng ta cũng ghi nhớ, ngoài điều cốt lõi nằm ở việc tôn vinh những người thầy người cô đang đứng trên bục giảng, chúng ta cũng còn những điều khác để đề cập tới. Và, có lẽ trong ngày 20/11 sẽ chẳng cần đến những khẩu hiệu hay băng rôn ngập đường để biểu thị tôn vinh, khi những lời cám ơn chân thành đến từ phụ huynh, học sinh và tất cả những ai quan tâm tới giáo dục đều được thể hiện. Đây cũng chính là điều sẽ làm Ngày Nhà giáo Việt Nam thêm nhiều nồng ấm, luôn sống động mỗi dịp 20/11 lại về.
Đức Lộc