Xin ba mẹ đừng sống thay con

Sự thiếu thông hiểu của cha mẹ với rung động đầu đời của con không chỉ đẩy các bạn trẻ ngày càng xa cách cha mẹ mình, hoặc phải sống hai mặt, mà còn có thể gây nên những thương tổn tâm hồn khó lành.

banner ads

Hãy lắng nghe tâm sự của hai độc giả dưới đây:

1508-axxg8wu3.jpg

Ảnh minh họa

Câu chuyện thứ nhất

Ngày tôi bắt đầu học đại học là khi cậu em trai tôi bước vào giai đoạn thiếu niên. Những tình cảm chớm nở ở tuổi mộng mơ đó là điều không thể tránh khỏi. Ba mẹ tôi là những nông dân hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cái ăn cái mặc của chị em tôi là ưu tiên hàng đầu, thời gian đâu mà lắng nghe hay thấu hiểu từng đứa con như các ông bố bà mẹ khác.

banner ads

Em trai đến tuổi cập kê, cũng hẹn hò, cũng giấu các chị vì sợ bị la mắng, bị méc với ba mẹ. Chị tôi khi biết em có bạn gái liền dò hỏi, “mình cần nói chuyện” và khuyên răn đủ điều, khiến việc em có bạn gái càng giống như “chuyện tày trời” và càng tra hỏi thì em càng giấu nhẹm.

Chuyện lên đến “cao trào” khi tình cảm đó gặp sóng gió, hai đứa nhỏ giận nhau và ảnh hưởng kết quả học tập. Chị gái tôi giận dữ, la mắng em rất nhiều và cấm hai đứa tiếp tục hẹn hò, nếu không sẽ cắt luôn phần tiền chu cấp tiêu vặt từ gia đình. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Em hầu như chẳng nói năng gì sau khi từ trường trở về nhà, lủi thủi ăn cơm rồi về phòng học bài đến khi đi ngủ.

Tôi bèn nói chuyện với em, kể chuyện tình cảm học trò đầu đời của mình với anh bạn lớp trên khi chúng tôi học những năm cuối cấp II. Chúng tôi chỉ đón nhau đi học, đưa nhau về, chở nhau đi thăm thầy cô giáo hay cùng tham gia các hoạt động đội nhóm, hoàn toàn ý thức được mình phải ưu tiên việc học. Sau khi nghe tôi kể, em im lặng, một lúc sau cũng mở lòng kể về cô bạn cùng lớp mà em có cảm tình.

Như lời em trai tôi thì cả hai cũng chỉ chờ nhau cùng đi học và chỉ nhau làm bài tập. Mọi việc không như chị gái tôi lo lắng hay “xoắn” đến mức cấm đoán tụi nhỏ có tình cảm với nhau. Tôi thật sự thở phào nhẹ nhõm khi em trai tâm sự, mình đã hiểu em hơn.

Những tình cảm học trò chắc chắn bất kỳ ai trong chúng ta cũng có trong suốt thời gian cắp sách đến trường. Và các ông bố bà mẹ cũng vậy, cũng từng rung động và bồi hồi trước ánh mắt, nụ cười, sự quan tâm của ai đó, y như con trẻ chúng ta hiện tại.

Cảm xúc là như nhau, nhất là khi các con bước vào giai đoạn trưởng thành, ý thức về những rung động đầu đời mãnh liệt hơn bao giờ hết. Có khác chăng là thời buổi này, sự can thiệp và xâm nhập của quá nhiều luồng văn hóa mới nhờ sự phổ biến của mạng xã hội, qua truyền hình, phim ảnh... tất cả tác động lên tư duy và hành xử của trẻ.

Chính điều đó buộc các phụ huynh cần bình tĩnh hơn trong việc lắng nghe và chia sẻ, đưa ra cho trẻ những lời khuyên hữu ích, vừa nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ vừa không tổn thương lên những cảm xúc trong sáng đó.

Một câu chuyện khác để kết lại phần chia sẻ này như một ví dụ buồn. Một người bạn của tôi trước đây từng bị gia đình la mắng vì có bạn trai ở trường trung học. Sau vài lần dằn mặt răn đe, ba mẹ bạn ấy cứ nghĩ là sự im lặng của bạn đồng thuận với sự nhượng bộ và nghe lời.

Đến một ngày nọ, mẹ bạn phát hiện bạn bê bết máu khi tự rạch tay mình trong phòng riêng sau trận la rầy nổ lửa do bạn không đạt điểm cao trong kỳ kiểm tra, mà ba mẹ cho là do bạn mải mê có bồ, bỏ học.

Bạn thoát chết trong lần đó, nhưng những tổn thương nặng nề đã lưu dấu trong tâm hồn. Bạn đã mất khoảng thời gian khá dài sau đó để có thể làm lành lại với ba mẹ mình, cũng như có thể trở lại cuộc sống bình thường như bạn bè cùng lứa.

Tất cả ông bố bà mẹ đều mong muốn mọi điều tốt nhất cho con, không bao giờ muốn trẻ vấp ngã hay thất bại, thế nhưng hãy làm bạn với con trẻ, lắng nghe và chia sẻ bằng cách đặt mình vào vị trí của chính mình ở rất nhiều năm về trước.

Đừng buộc con trẻ phải hiểu hay tin rằng tình cảm đó không có kết quả như hầu hết mối tình tuổi học trò chỉ vì bản thân cha mẹ chúng từng trải qua, đừng lấy kinh nghiệm của bản thân làm kinh nghiệm chống vấp ngã cho trẻ.

Hướng dẫn trẻ chứ đừng sống thay cho trẻ, vì trẻ có quyền sống cuộc sống của riêng mình.

Câu chuyện thứ hai:

Dù đã là sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM, nhưng mỗi khi bị bố mẹ hỏi đến chuyện tình cảm, tôi chỉ biết né tránh hoặc nói dối: “Con chưa có bạn trai”. Tôi quá ngại ngần để có thể chia sẻ với bố mẹ chuyện tình cảm riêng tư. Điều này bắt nguồn từ tâm lý e sợ bởi những lời giáo huấn của bố mẹ từ ngày còn học phổ thông: “Lo học đi con, đừng có bày đặt yêu đương!”.

Mẹ tôi lấy chồng và sinh con khi còn rất trẻ, bà luôn cho rằng cuộc đời mình đã có thể khác hơn, thành công hơn nếu không vướng bận gia đình. Vậy nên bà luôn căn dặn tôi rằng yêu đương chỉ là việc vớ vẩn, học hành mới là quan trọng.

“Yêu đương nhăng nhít rồi hỏng hết người đi, con à!” - mẹ đã cảnh cáo tôi ngay khi tôi bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu ra dáng một thiếu nữ. Trong lòng vốn đang thinh thích một cậu bạn cùng lớp, tôi nghe mẹ răn đe mà rùng mình.

Năm học lớp 10, tôi mang về nhà một bông hồng đỏ vào ngày 8-3, mẹ đã vô cùng tức giận khi nghĩ là của bạn trai tôi tặng. Giải thích mãi mà mẹ vẫn không tin đó là hoa thầy chủ nhiệm và các bạn nam trong lớp tặng. Tôi nói mà nước mắt lưng tròng: “Bạn nào cũng được tặng một bông mà mẹ, mẹ không tin thì gọi hỏi thầy đi!”.

Nghe thế, mẹ tạm tin nhưng vẫn không quên nói: “Mẹ mà nghe mày yêu thằng nào là mẹ đánh cho nhừ xương!”.

Tôi vốn ngoan ngoãn từ bé, lại rất tự giác trong học tập, không khi nào để bố mẹ phải nhắc nhở, thế nhưng lúc nào bố mẹ cũng lo ngay ngáy. Mỗi khi đi họp phụ huynh về mà nghe cô giáo kể lớp có bạn này bạn kia thích nhau là mẹ lại giáo huấn tôi suốt mấy hôm liền.

Bố tôi cũng đồng tình với mẹ, ông nghiêm khắc bảo: “Mẹ nói đúng đó con, lo mà học đi con!”. Tôi chỉ biết lặng thinh mỗi khi bố mẹ dạy dỗ, tôi ngày càng ít nói và xa dần bố mẹ, chỉ biết “vâng, dạ”, mà trong mắt người lớn như vậy lại càng tốt, chỉ khi nào con cái “trả treo” mới đáng lo.

Thật lòng, tôi không hiểu nổi tại sao các bậc phụ huynh cứ phải nhảy dựng lên khi con mình có dấu hiệu “cảm nắng” ai đó. Cứ như thể chỉ cần có tình cảm với bạn khác giới là chúng tôi sẽ ngay lập tức bị “tha hóa”, học hành chểnh mảng, sẽ trở thành con hư, trò dốt. Bố mẹ một mặt cấm đoán, một mặt thỏa hiệp với tôi bằng câu động viên: “Ráng học đi con, đậu đại học rồi muốn gì cũng được!”.

Bố mẹ đâu biết rằng tôi và một bạn cùng trường đang thích nhau và hứa phải cùng cố gắng để “tớ giỏi toán, còn cậu thì giỏi văn nhất trường nhé”.

Cứ như vậy, tôi nắm tay mối tình đầu tiên bước vào đại học, lúc này bố mẹ lại nói: “Mới năm nhất, lo học đi con, từ từ hẵng yêu!”. Khi tôi chia tay mối tình đầu rồi yêu người khác, bố mẹ vẫn bảo: “Khoan yêu vội, bây giờ quanh con toàn mấy cậu sinh viên lông bông thôi, đi làm rồi mới gặp được người chín chắn”.

Nhà tôi không quá xa TP.HCM, đều đặn cuối tuần thấy tôi về thăm, bố mẹ lại càng tin tưởng tôi chưa biết yêu là gì, bởi có người yêu thì hẳn cuối tuần phải đi chơi chứ không về nhà. Trong lúc chờ xem bao giờ bố mẹ thắc mắc: “Sao tới tuổi này mà chưa yêu ai hả con?”, thì tôi đã sống như đúng tuổi trẻ của mình, đã yêu đến mối tình... thứ ba.

Học hết năm bốn, chỉ còn chờ ngày tốt nghiệp, tôi đã vừa học vừa làm hơn một năm, đã va chạm với cuộc sống không ít, trải qua nhiều rắc rối trong công việc, tình cảm. Trong mắt bạn bè, tôi là cô gái năng động, cá tính, hơi “khùng” và “liều lĩnh”, nhưng trong mắt bố mẹ, tôi vẫn là đứa con hiền lành, ngoan ngoãn.

Tôi thật sự lúng túng không biết phải làm gì để nối gần khoảng cách với bố mẹ, có quá nhiều việc tôi cho là đúng và đã làm mà không nói với bố mẹ vì nghĩ bố mẹ sẽ phản đối. Nhìn bố mẹ xem phóng sự về chợ tình Sa Pa, tôi rất muốn sà vào lòng bố mẹ và nói rằng: “Con đi Sa Pa rồi nè, năm ngoái lúc chia tay người yêu, con đã xách balô đi Tây Bắc mười ngày”.

Nhưng tôi không sao nói được, bởi quá lâu rồi, tôi chỉ nói những điều bố mẹ muốn nghe.

Theo TTCT

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI