Rất nhiều trẻ sơ sinh ăn ít, chán bú lâu dần thành thói quen gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nghiêm trọng hơn, việc ăn ít, chán ăn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu chất.
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ăn ít?
- Trẻ sơ sinh ăn ít có thể do nhiều nguyên nhân xuất phát từ cả mẹ và trẻ.
- Do tư thế mẹ cho trẻ bú không đúng cách, làm trẻ khó bú, gặp khó khăn trong quá trình bú, lâu dần thành chán bú sữa mẹ.
- Trẻ sơ sinh ăn ít, ngủ nhiều: Đây là điều các chuyên gia cho rằng sẽ tác động xấu đến sự phát triển toàn diện sau này của trẻ. Để trẻ ngủ quá lâu, trẻ sẽ không bú được làm cho trẻ không được cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết.
- Do sữa mẹ có “mùi lạ”: Điều này có thể do khẩu phần ăn của mẹ có các loại thức ăn có mùi khó chịu làm sữa có mùi. Hoặc mẹ đã nghiền một số loại thuốc vào sữa, làm ảnh hưởng đến mùi vị của sữa nên trẻ không “thích” bú.
Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh ăn ít có thể là do trẻ đang bú mẹ, mà mẹ lại đột ngột ép trẻ bú bình khiến tâm lí trẻ thay đổi, dẫn đến chán bú. Hoặc do dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện, việc tiêu hóa gặp khó khăn khiến trẻ gặp vấn đề trong việc tiếp nhận sữa hay thức ăn. Hay do trẻ mắc các bệnh như đau bụng, táo bón dẫn đến biếng ăn.
2. Nếu trẻ sơ sinh ăn ít sẽ thế nào?
Trẻ sơ sinh ăn ít khiến trẻ chậm lớn. Ảnh hưởng đến quá trình phát triển cân nặng, chiều cao cũng như trí tuệ, chỉ số phát triển cơ thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Trẻ sơ sinh ăn ít lâu ngày khiến sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém là tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ.
Hơn nữa, việc trẻ sơ sinh ăn ít cũng làm hạn chế sự phát triển toàn diện về trí não và thể chất của trẻ về sau.
3. Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh ăn ít?
Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh ăn ít, mẹ nên lưu ý một số điều sau:
Tạo môi trường, tâm lí thoải mái cho trẻ khi trẻ bú mẹ. Cho trẻ bú mẹ đúng tư thế. Không ép trẻ bú bình ngay khi đang bú mẹ. Nếu mẹ bị thiếu sữa, nên tập cho trẻ làm quen với sữa bình trước bằng cách thay phiên cho con bú sữa bình và sữa mẹ. Đến khi trẻ quen với việc bú bình và sữa công thức mẹ hãy dứt hẳn sữa mẹ.
Nếu trẻ bú bình, mẹ nên chọn mua cho trẻ loại bình sữa có kích thước và chất liệu ăn toàn, phù hợp, nhiều màu sắc để tạo cảm giác thích thú khi trẻ bú.
Cho trẻ bú theo nhu cầu, bú đúng lúc và vừa phải, chia làm nhiều lần bú trong ngày, mỗi lần bú cách nhau 3 giờ. Tránh tình trạng ép trẻ bú thật nhiều mỗi lần bú sẽ tạo cảm giác làm trẻ sợ hãi khi bú, dẫn đến ngán sữa và bú ít.
Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh ăn ít, mẹ cũng nên lưu ý đến khẩu phần ăn hằng ngày của mình, tránh ăn các loại thức ăn có mùi khó chịu, làm ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ.
Nếu trẻ sơ sinh ăn ít, ngủ nhiều mẹ nên canh giờ ngủ thích hợp để nhẹ nhàng đánh thức trẻ dậy cho trẻ bú. Hoặc mẹ có thể tập cho trẻ thói quen cho trẻ bú dù khi đang ngủ. Lâu ngày, trẻ sẽ có phản xạ mút ti ngay cả khi còn đang trong cơn “ngái ngủ”.
Hy vọng với những thông tin mà Yeutre.vn chia sẻ ở trên, sẽ giúp mẹ xử lý hiệu quả khi trẻ sơ sinh ăn ít. Chúc mẹ thành công trong việc “trị” chứng biếng ăn “khó chiều” của trẻ mẹ nhé!
Ngọc Hoài tổng hợp