1. Trẻ ngủ không sâu giấc do ngủ lệch thời gian sinh học
Lệch thời gian sinh học có thể là do trẻ phải đi ngủ quá sớm hoặc con ngủ quá trễ. Tình trạng này rất thường xảy ra nhưng đôi khi chúng ta không thực sự coi trọng.
Nếu các mẹ muốn dành nhiều thời gian để giải quyết công việc tại nhà, hay làm việc nhà mà bắt trẻ đi ngủ quá sớm, sẽ làm cho trẻ không thoải mái khi nằm trên giường và cảm thấy khó ngủ. Ngược lại, nếu các mẹ để trẻ chơiđùa, hoạt động vượt quá giờ đi ngủ thì cơ thể sẽ tự sản xuất hormone gây stress khiến trẻ ngủ không sâu giấc sau đó, thay vì sản xuất hormone melatonin giúp trẻ làm dịu cơ thể và thư giãn.
Việc phá vỡ đồng hồ sinh học của trẻ sẽ khiến trẻ bị đảo lộn thời gian biểu, tâm trạng cáu gắt, khó chịu và tệ hơn là khiến trẻ ngủ không sâu giấc. Vậy nên, các mẹ nên tuân theo thời gian biểu của các con để đảm được chất và lượng cho giấc ngủ vàng của trẻ. Thói quen ngủ sao cho thật đúng giờ luôn cần phải được luyện tập và mẹ cần kiên nhẫn tập cho trẻ, để giấc ngủ của trẻ thực sự chất lượng.
2. Không gian ngủ không phù hợp cũng làm trẻ ngủ không sâu giấc
Không gian ngủ không đủ lý tưởng, không khiến con thoải mái cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Chiếc giường với nệm nằm quá cứng, gối quá cao, phòng chật hẹp không thông thoáng hoặc không sạch, máy lạnh hoặc quạt để mức công suất không phù hợp, ánh sáng không hợp lý, quá nhiều tiếng ồn ảnh hưởng....tất cả những yếu tố này đều góp phần làm cho không gian quanh trẻ không đủ tốt, sẽ khiến trẻ ngủ không thẳng giấc.
Do thế, các mẹ cần chú ý đến không gian, phòng nơi con ngủ. Phòng ngủ, nơi ngủ của trẻ cần được cách âm, tránh tiếng ồn. Ánh sáng trong phòng không quá chói mà phải là ánh sáng dịu nhẹ. Giường ngủ, chăn mền được vệ sinh sạch sẽ tạo cảm giác thoải mái, êm ái cho trẻ trong lúc ngủ. Chung quan nơi ngủ cũng nên được trang trí một chút, làm cho trẻ thích thú,...Những điều kiện lý tưởng này sẽ giúp trẻ tự làm dịu cơ thể và dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu.
Thêm vào đó, ba mẹ cũng nên hát ru hay đọc truyện cho trẻ trước khi ngủ để não trẻ được thư giãn. Một lưu ý quan trọng khác là mẹ cũng nên lưu ý khuyến khích trẻ nằm ngửa khi ngủ, để giảm thiểu nguy cơ SIDS - Hội chứng đột tử ở trẻ trong lúc ngủ.
3. Quá no hay đói cũng khiến trẻ ngủ không sâu giấc
Việc cho trẻ ăn hay uống sữa quá nhiều cận giờ đi ngủ khiến trẻ quá no dẫn tới đầy hơi, khó tiêu, nguy hiểm hơn có thể bị trào ngược thực quản. Ngược lại, nếu trẻ chưa ăn đủ no thì khi đi ngủ trẻ dễ tỉnh giấc, khó chịu làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.
Và, các mẹ nên lưu ý, với các trẻ còn bú mẹ, mẹ không nên duy trì thói quen cho trẻ bú trong khi ngủ, việc này làm trẻ ngủ không sâu giấc. Bởi vì, bú trong lúc ngủ sẽ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động trong khi trẻ lại cần sự “yên tĩnh” để nghỉ ngơi.
Vậy nên, các mẹ phải đảm bảo cho bé bú, uống sữa vừa đủ và vận động nhẹ trước khi đi ngủ để trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái không bị đầy bụng hay khó tiêu, để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
4. Trẻ ngủ không sâu giấc do bị thiếu canxi
Quá trình hoạt động của hệ thần kinh trung ương phụ thuộc vào hàm lượng canxi trong cơ thể của trẻ. Nếu trẻ bị thiếu canxi thì việc dẫn truyền thần kinh diễn ra chậm gây ức chế não, làm trẻ dễ căng thẳng và không thoải mái.
Do đó, những trẻ bị thiếu canxi, còi xương thường bị mơ màng và giật mình trong lúc ngủ, giấc ngủ của con sẽ không thể sâu và có chất lượng tốt được. Bởi thế, các mẹ nên cung cấp đủ canxi cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng và cho trẻ tắm nắng sáng thường xuyên. Hoạt động này vừa giúp xương trẻ khỏe mạnh, trẻ ngủ ngon và chóng lớn.
5. Tinh thần bị kích động khiến trẻ ngủ không ngon
Những kích thích mãnh liệt từ bên ngoài tác động liên tục đến trẻ sẽ làm cho tinh thần trẻ dễ bấn loạn, không ổn định. Những trẻ nếu bị ba mẹ liên tục la mắng, hay có những nỗi sợ nhất định trong cuộc sống hàng ngày rất dễ khiến trẻ ngủ không sâu giấc, trẻ dễ trằn trọc, lo lắng mơ hồ, có thể giật mình khóc thét về đêm . Không chỉ dừng ở đó, những trẻ quá hiếu động, vận động, chơi đùa quá mệt trước giờ ngủ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Như vậy, liên quan đến giấc ngủ của trẻ sao cho chất lượng, sâu giấc, ba mẹ cũng cần nhẹ nhàng với trẻ, lưu ý lắng nghe và dạy bảo con từ từ trong các vấn đề xảy ra thường ngày. Bên cạnh đó, cũng cần nhắc nhở, cho phép trẻ chơi nhưng không vận động quá mạnh trước giờ ngủ, nhằm đảm bảo trẻ có được giấc ngủ sâu.
Có thể nói rằng, những giấc ngủ sâu vô cùng quý giá đối với quá trình phát triển thể chất của trẻ cũng như tâm sinh lý của con. Nếu từ trước đến nay, mẹ chưa tích cực tìm ra nguyên do, hoặc chưa tích cực trong việc thử các cách phù hợp để giúp con cải thiện khắc phục, thì ngay từ bây giờ cần phải làm điều này. Trẻ ngủ sâu giấc không phải chỉ để con yêu được tận hưởng những giấc ngủ vàng thật trọn vẹn, hay để chúng ta yên tâm, mà còn vì mục tiêu phát triển tốt và toàn diện từ thể chất lẫn trí não của trẻ, nhờ chất lượng của giấc sâu, ngủ ngon của con.
Minh Tâm tổng hợp