1. Trẻ 18 tháng biết làm gì phụ thuộc vào từng lĩnh vực
1.1. Bé phát về thể chất và kỹ năng vận động
Trẻ 18 tháng biết làm gì liên quan đến kỹ năng vận động mà không cần sự trợ giúp của ba mẹ? Đến khi con được 18 tháng tuổi, bé đã có thể đi một cách vững vàng mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ. Thậm chí bé còn có thể chạy nhảy, leo cầu thang, tự cầm cốc uống nước hoặc ngồi lên ghế một cách dễ dàng. Đối với một số trẻ tự lập hơn, con còn thể sử dụng thìa hoặc đũa để gắp đồ ăn mà không cần mẹ đút. Tuy nhiên trong thời điểm này, bé vẫn có thể bị vấp ngã nếu chạy quá nhanh hoặc mất tập trung, con cũng chưa thể phối hợp tốt hoạt động giữa các bộ phận, vì vậy mẹ vẫn cần hỗ trợ con trong một số việc đấy nhé.
Với sự phát triển vượt bậc ấy, mẹ nhớ trông nom con cẩn thận hơn, dọn dẹp những vật dụng nguy hiểm có thể làm bé bị thương. Những trẻ có tính năng động thường rất hay leo trèo, nghịch ngợm còn những bé trầm đằm tính hơn lại thích bút màu và vẽ vời. Vì vậy tùy vào tính cách của mỗi bé mà mẹ nên lựa chọn đồ chơi, cách chơi cùng trẻ sao cho phù hợp.
1.2. Về kỹ năng ngôn ngữ
Thật bất ngờ khi ở 18 tháng tuổi, bé còn biết sẽ sử dụng những từ ngữ đơn giản để thể hiện các mong muốn hay nhu cầu của mình. Với vốn từ khoảng 20 chữ, lúc này mẹ không cần phải đoán những yêu cầu của trẻ qua những tiếng ê a nữa. Bé sẽ "đối đáp" và bi bô cả ngày, làm cho cả nhà lúc nào cũng rộn tiếng trẻ con. Tuy nhiên con vẫn chưa thể phát âm chính xác một số từ ngữ, vì vậy mỗi khi bé phát âm sai mẹ cần điều chỉnh và phát âm chuẩn để bé nghe và sửa lại nhé.
Giai đoạn này bé bắt đầu biết tên các bộ phận trên cơ thể, vì vậy mẹ có thể chơi trò đoán tên, hỏi bé vị trí của mắt, mũi miệng. Mẹ cũng có thể bày cho bé tên và công dụng của các đồ vật, từ đó con có thể ghi nhớ và tăng thêm vốn từ vựng của mình.
1.3. Phát triển khả năng nhận thức
Có nhiều mẹ không khỏi thắc mắc về khả năng nhận thức ở trẻ trẻ 18 tháng. Trẻ trong giai đoạn này có khả năng học tập và bắt chước rất nhanh. Bé không chỉ hiểu những gì mẹ nói mà còn có thể bắt chước các hành động của mẹ. Trẻ hiểu về chức năng của các vật dụng quen thuộc như bình sữa, bàn chải đánh răng, điện thoại...Bé biết chơi trốn tìm và biết cách lôi kéo sự chú ý của người khác. Ngoài ra, trẻ nhỏ trong độ tuổi này đã biết tưởng tượng, thích thú với với những chiếc bút màu. Vì vậy, mẹ chớ tức giận khi con lỡ làm bẩn tường nhà mình nhé. Bé chỉ đang thỏa sức tưởng tượng và sáng tạo mà thôi.
Thời gian này trẻ cũng đã phát triển trí nhớ tốt hơn. Bé có thể nhớ được vị trí đồ chơi hoặc các đồ vật trong nhà. Do đó, để con phát triển khả năng ghi nhớ, mẹ hãy thường xuyên nhờ trẻ lấy đồ, cùng bé dọn dẹp và cất các vật dụng đúng vị trí. Ngày qua ngày trí nhớ của bé sẽ được rèn luyện hiệu quả hơn.
1.4. Kỹ năng giao tiếp và cảm xúc
Thời gian này trẻ có thể bướng bỉnh và tức giận nếu bạn không chiều theo ý bé. Điều này khiến nhiều mẹ lo lắng tự hỏi trẻ 18 tháng tuổi biết làm gì để có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Tuy nhiên không nên vì thế mà mẹ nổi nóng hay sử dụng đòn roi với trẻ. Hãy ân cần và tìm hiểu tâm lý của bé, để đưa ra những cách giải quyết hiệu quả hơn. Đồng thời, mẹ cũng nên dạy trẻ cách đưa ra quyết định, việc này sẽ đóng góp một phần quan trọng trong quá trình hình thành tính cách của trẻ đấy.
Trong giai đoạn 18 tháng tuổi, một số bé có thể giành đồ chơi của các bạn, một số khác lại biết chia sẻ đồ chơi của mình với những người xung quanh. Ngoài ra bé cũng biết sợ người lạ và theo mẹ hoặc bố cả ngày. Đây khoảng thời gian mà mọi cảm xúc yêu, ghét, vui, buồn của bé được phát triển rõ rệt nhất so với trước, vì vậy, mẹ nên lưu ý thường xuyên quan tâm, chơi với con nhé, để tránh nguy cơ bé dễ rơi vào tình căng thẳng, thậm chí là bệnh trầm cảm.
2. Mẹ đừng quên những bí quyết chăm trẻ khỏe mạnh ở giai đoạn 18 tháng tuổi
- Dinh dưỡng cho bé
Bé 18 tháng tuổi luôn nhanh nhẹn và vận động cả ngày nên mẹ phải lưu ý bổ sung năng lượng cho con. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu sữa hàng ngày của bé, mẹ nên cho con dùng bữa từ 3 đến 4 lần một ngày. Mẹ nhớ những bữa ăn này phải có đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho bé, có như vậy con mới phát triển toàn diện, thông minh.
Ngoài ra mẹ cần bổ sung đủ nước cùng nguồn năng lượng lành mạnh từ các loại trái cây, nước ép cho cơ thể trẻ. Mẹ cũng nên cho con tham gia vào bữa ăn chung của gia đình, điều này giúp bé có hứng thú với việc ăn uống hơn, mâm cơm gia đình cũng vì thế mà đầm ấm hơn.
- Giữ gìn sức khỏe cho bé thật tốt
Mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, giúp bé phòng tránh các loại bệnh thường gặp. Bên cạnh đó mẹ cũng nên bảo vệ sức khỏe trẻ bằng cách mặc áo ấm cho con khi trời lạnh, hạn chế cho bé ra ngoài nếu trời quá nắng. Khuyến khích bé giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn nhiều rau và thực phẩm giàu chất xơ, điều này có thể giúp bé tăng cường sức đề kháng và chống lại sự tấn công của các loại virut có hại.
Đến đây có lẽ nhiều mẹ đã nắm được việc, trẻ 18 tháng biết làm gì rồi đúng không nào! Đây là thời điểm mà bé có sự phát triển vượt bậc, vì vậy mẹ nên ở cạnh con thường xuyên để bảo vệ, dạy dỗ con phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên tìm hiểu cách dạy con nghe lời sao cho hiệu quả, để có thể giúp bé hình thành nhân cách tốt về sau.
Thương Biện tổng hợp