1. Các yếu tố gây nên trầm cảm sau sinh
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc trầm cảm sau sinh của chị em phụ nữ. Có thể do sau khi sinh, cuộc sống có quá nhiều thay đổi khiến các chị em chưa kịp thích nghi dẫn đến suy nhược cơ thể và sa sút về mặt tinh thần. Nói cách khác trầm cảm sau sinh là bệnh tâm lý của đa số phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Thậm chí, các ông chồng cũng có thể bị “lây” căn bệnh này từ vợ của mình, vì họ lo lắng cho sức khỏe của vợ, lo vợ không đủ sức chăm con hay phải chật vật một mình khi chồng vắng nhà.
Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?
Chào đón đứa con ra đời sẽ tạo nên sự thay đổi cảm xúc mạnh mẽ cho người mẹ, bao gồm cả niềm vui hạnh phúc, phấn khích lẫn lo lắng và sợ hãi khi ám ảnh cơn đau đẻ. Đôi khi nó chỉ đơn giản là biến chứng của sinh nở. Nếu bạn bị trầm cảm sau khi sinh con, hãy điều trị ngay để kịp thời kiểm soát các triệu chứng, đồng thời an toàn cho cả bạn và bé yêu. Sau lần vượt cạn, sự sụt giảm mạnh các hoocmon estrogen và progesterone sau khi sinh, hoặc do thiếu ngủ cũng có thể gây ra trầm cảm.
Một số phụ nữ cảm thấy mâu thuẫn về việc thay đổi bản thân và trách nhiệm mới của họ, điều này có thể là nguyên nhân. Nếu bạn đã bị trầm cảm trong quá khứ, bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng "Baby Blues"(chán nản, ủ rũ sau sinh). Tỉ lệ mắc hội chứng này từ 60 - 80%. Nhưng sự khác biệt là các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh sẽ dữ dội và kéo dài hơn, cuối cùng nó tác động, can thiệp vào khả năng chăm sóc em bé và xử lý các công việc thường ngày khác.
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường phát triển trong vài tuần đầu, nhưng cũng có thể bắt đầu xuất hiện sau sinh tới 6 tháng. Một số trường hợp sẽ xảy ra những trạng thái nghiêm trọng hơn, được định nghĩa là trầm cảm sau sinh. Đôi khi các bà mẹ còn bị rối loạn tâm lý cực đoan, hay được gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.
2. Triệu chứng trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Tâm trạng chán nản hoặc tâm trạng biến động lớn
- Khóc rất nhiều
- Khó khăn trong giao kết với em bé
- Thu mình, tách biệt khỏi gia đình, bạn bè
- Không thèm ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều so với bình thường
- Lúc nào cũng mệt mỏi hoặc cảm thấy không có năng lượng
- Giảm quan tâm, niềm vui đối với các hoạt động trước đây bạn từng thích thú
- Hay khó chịu, tức giận dữ dội
- Lo sợ bản thân không phải là người mẹ tốt
- Có cảm giác vô dụng, xấu hổ, tội lỗi hoặc bản thân không phù hợp
- Suy giảm: khả năng suy nghĩ rành mạch, khả năng tập trung, khả năng đưa ra quyết định
- Lo lắng và hoảng loạn nghiêm trọng
- Có suy nghĩ làm hại bản thân hay em bé
- Thường nghĩ đến tự sát hoặc nghĩ về cái chết
Những dấu hiệu đáng chú ý khác như:
- Khi cô ấy nói những lời ác ý hoặc gây hại cho chính mình và con nhỏ.
- Làm những việc lạ như không có phản ứng khi được hỏi, hay ngồi một mình, không trò chuyện với con và thay đổi cảm xúc thất thường.
- Không có giao tiếp xã hội
- Có tâm trạng tuyệt vọng, nói những điều bi quan, chán nản....
3. Mẹ giết con vì trầm cảm, tại sao?
Những trường hợp người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, sau đó có hành động tự sát, giết con không phải là hiếm. Theo thống kê, trên thế giới có 0,15% phụ nữ sau sinh mắc chứng loạn thần - trầm cảm sau sinh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trong quá trình mang thai, nồng độ estrogen và các chất dưỡng thai cao. Khi sinh con xong, nồng độ các chất này bị giảm đột ngột sinh ra các rối loạn tâm thần sau sinh. Người phụ nữ luôn trong trạng thái bất an, cảm thấy rất căng thẳng, bi quan, không ngủ được, lo âu nhiều, thậm chí xuất hiện âm thanh ảo trong đầu
Nếu không điều chỉnh được những biểu hiện này trong một tuần, bệnh trầm cảm của người phụ nữ sẽ tiến triển nặng hơn, còn được gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi sinh 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng.Nếu phát hiện bệnh lần đầu, đa số phụ nữ sau sinh ở trong tình trạng loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng. Đó là nguyên nhân nhiều mẹ đã giết chính đứa con của mình hoặc tự sát khi mắc căn bệnh này.
Chứng trầm cảm sau sinh xảy ra khá phổ biến, nhẹ thì ngay chính người nhà bệnh nhân cũng không nhận ra, nặng thì bệnh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, thế giới cũng chứng kiến không ít những sự việc đau lòng do trầm cảm sau sinh gây ra như:
- Vào ngày 22 tháng 7 năm 1995, tại Nam Carolina, Susan Smith bị buộc tội dìm chết hai cậu con trai của mình: Michael Daniel Smith 3 tuổi và Alexander Tyler Smith 14 tháng tuổi. Susan Smith sau đó thừa nhận rằng ban đầu cô đã có ý định tự sát, nhưng cuối cùng không hiểu vì điều gì đã xúi giục cô sát hại hai cậu con trai mà cô yêu quý của mình.
- Hay một trường hợp khác của Andrea Yates (Theo tạp chí Time thuật lại), cô đã bị kết án vì vụ giết người chấn động, xảy ra vào ngày 20/6/2001. Vụ án đã gây sự chú ý của giới truyền thông, cũng như sự phẫn nộ của dư luận về cái chết của 5 nạn nhân chính là 5 đứa con ruột của Yates. Chính tay Yates đã dìm chết 5 đứa trẻ trong bồn tắm. Bác sỹ chẩn đoán Yates bị trầm cảm sau sinh và rối loạn thần kinh.
4. Làm cách nào để thoát khỏi trầm cảm sau sinh?
Đừng ngại hỏi bác sĩ về những thông tin của bệnh trầm cảm sau sinh và tìm hiểu các triệu chứng lạ của cô ấy có thể liên quan đến căn bệnh này. Nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời bằng liệu pháp tâm lý, bệnh sẽ nhanh chóng bình phục và không phải phụ thuộc vào các loại thuốc chữa trầm cảm lâu dài.
Người mẹ cần chủ động phòng chống bệnh trầm cảm bằng những cách làm bạn thấy tốt hơn. Nếu bạn cảm thấy chán nản, các biện pháp sau đây có thể giúp đỡ bạn:
- Chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè
- Hãy nghỉ ngơi khi bạn có thể
- Trò chuyện với những bà mẹ đã trải qua những gì bạn đang trải qua
- Thuê một người giữ trẻ và dành thời gian cho chính mình.
- Chế độ ăn uống và tập thể dục. Tập thể dục mỗi ngày hay đơn giản là đẩy xe đẩy em bé đi xung quanh cũng có thể cải thiện tâm trạng của bạn.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và uống nhiều nước cũng có thể giúp bạn trở lại là chính mình.
Sự quan tâm từ các thành viên trong gia đình
Thiếu sự chia sẻ là yếu tố chính trong chứng trầm cảm sau sinh. Các thành viên trong gia đình, nhất là các ông chồng nên quan tâm vợ mình nhiều hơn để cô ấy cảm nhận được rằng mình không phải là " ngôi sao cô đơn" giữa một đống bỉm với sữa. Nếu không ở nhà thường xuyên thì ít nhất các quý ông cũng nên điện thoại kiểm tra thường xuyên để xem vợ mình đang làm gì, ăn uống nghỉ ngơi ra sao. Nên san sẻ cùng vợ những việc vặt như: giúp vợ làm việc nhà hay chăm con, cho con bú để "bà xã" có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn lấy lại tinh thần.....
5. Một vài ý tưởng giúp phụ nữ thoát khỏi trầm cảm sau sinh sớm
- Ngoài những gợi ý trên, bạn cũng nên áp dụng một vài cách dưới đây để giúp bà xã mình bình phục sức khỏe tinh thần sau sinh nhanh hơn, như:
- Thông báo cho người thân biết tin gia đình bạn vừa có thêm em bé và mời họ đến nhà thăm mẹ con cô ấy.
- Dành thêm nhiều thời gian cho gia đình, thay vì công việc.
- Dành thêm nhiều thời gian cho những đứa trẻ khác của bạn, chứ không riêng gì em bé mới.
- Nấu cơm, giặt giũ cho vợ
- Tắm cho con giúp vợ
- Hôn và va chạm cơ thể với bà xã nhiều hơn
- Tâm sự với cô ấy nhiều hơn
- Tỏ ra hài hước để cô ấy cười nhiều hơn
- Đảm bảo được vấn đề tài chính để người ấy yên tâm tập trung vào việc chăm sóc con nhỏ.
- Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực để đem lại động lực cho cô ấy.
- Kiểm soát việc dùng thuốc chữa trầm cảm của cô ấy.
- Áp dụng biện pháp tránh thai trong thời kỳ cô ấy dùng thuốc chữa trầm cảm ít nhất một năm trước khi cố gắng mang thai lần tiếp theo.
Bệnh trầm cảm sau sinh cần phải được điều trị sớm và có sự kết hợp với chính thái độ cũng như lối sống của bệnh nhân. Bạn có thể liên hệ với các chuyên gia tư vấn tâm lý hay các bác sỹ chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm để được giúp đỡ và hỗ trợ. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp ích cho bạn vượt qua những khó khăn sau sinh nở.
Bạn hãy ghi nhớ một điều rằng gia đình luôn là tất cả. Hãy vì gia đình nhỏ của mình, vì nụ cười của thiên thần nhỏ bụ bẫm, đừng bao giờ bỏ cuộc khi mọi thứ vẫn còn có thể. Chúc bạn thành công với những yêu thương đong đầy!
Anh Thy - Tổng hợp