Chè khoai dẻo như bạn cũng biết đấy là món ngọt rất được yêu thích ở Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông. Món chè nhiều màu sắc bắt mắt, vị thanh dễ chinh phục người thưởng thức đến bất ngờ. Tìm kiếm công thức hay cách làm nguyên bản của món chè khoai này không dễ. Vì khi độ hấp dẫn lan tỏa, bạn mất nhiều thời gian để xác định đâu là công thức gốc. Nhưng, bạn cũng đừng băn khoăn điều này nhé. Vì không nhất thiết bạn phải truy ra công thức gốc mới có món chè ngon.
Có nhiều cách nấu món chè khoai lang dẻo khác nhau dựa trên công thức cơ bản. Bạn hãy mạnh dạn thử các phiên bản khác nhau. Các cách nấu đều cho món chè khoai ngon đủ sức chinh phục người thưởng thức.
1. Chè khoai dẻo Đài Loan đơn giản
Chè khoai dẻo bạn thấy nhiều thành phần màu sắc dễ cảm giác nấu rất phức tạp. Điều này khiến bạn ngại vào bếp thử làm. Nhưng, như Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn đề cập, có nhiều công thức, cách làm khác nhau bạn có thể áp dụng. Điều chính là các phiên bản đều cho món chè ngon, vị ấn tượng. Cụ thể như công thức cách làm món chè rất đơn giản dưới đây:
1.1. Nguyên liệu
- 250g khoai lang vàng hay tím đều được
- 250g khoai môn
- 100g đường
- 140g bột khoai tây/ bột khoai lang
- 100g bột năng
- Đá bào hoặc kem lạnh hay thạch
- Nước xốt caramel hoặc nước đường nâu đều được
1.2. Cách làm chè khoai dẻo Đài Loan đơn giản
Khoai bạn gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng mỏng mang đi hấp chín, để nguội. Bạn nghiền hoặc đánh khoai cho nhuyễn.
- Với khoai môn bạn cho khoảng 40g đường, 80g bột khoai tây hoặc bột khoai lang cùng 40g bột năng. Nhào cho khối khoai nhuyễn mịn. Chia khối khoai thành 3-4 viên, nhồi tròn và tạo hình thành thanh trụ đều nhau. Cắt thanh khoai thành từng khúc ngắn khoảng 1 đốt ngón tay.
- Với khoai lang, bạn cho khoảng 20-30g đường, 60g bột khoai tây/ bột khoai lang và 20-30g bột năng. Khoai lang có độ kết dính và ngọt hơn khoai môn. Nên, bạn giảm bớt lượng bột và đường. Bạn cũng nhồi khoai lang tạo thanh trụ và cắt thành khúc ngắn bằng đốt ngón tay.
Bỏ khoai đã cắt vào phần bột năng còn lại, xóc qua để bột bao khoai. Thực hiện cách này, khoai sẽ không bị bở khi luộc. Bạn có thể cho khoai qua rây, rây đi phần bột không dính trước khi luộc.
Bắc nồi nước lên bếp đun sôi. Cho khoai vào luộc chín. Khoai chín sẽ nổi lên. Bạn vớt ra cho vào tô nước lạnh. Khoai nguội bạn vớt ra. Bạn cho ít đường nâu vào đảo đều để ít phút cho đường tan và khoai thấm là có thể dùng.
Bạn cho đá bào hoặc kem lạnh hương vani hay dừa vào chén. Bạn cũng có thể dùng thạch. Múc ít viên khoai lang và viên khoai môn vào. Cho thêm ít nước xốt caramel và thưởng thức. Chỉ đơn giản vậy nhưng chắc chắn đây là món ăn vặt hay tráng miệng cực kỳ thuyết phục với bất cứ ai nếm thử.
2. Chè khoai dẻo cốt dừa
Chè khoai dẻo cốt dừa là một phiên bản tuyệt vời nhất định bạn nên thử. Món ăn này rất hợp với khẩu vị của đa phần người Việt. Chè khoai dẻo cốt dừa cũng có nhiều công thức khác nhau. Trong chia sẻ này, mời bạn cùng tham khảo công thức chè đến từ Xứ sở Chùa Vàng Thái Lan nhé.
2.1. Nguyên liệu
- 300g khoai môn
- 30g bột nếp
- 30g bột năng
- 100ml nước
- 250ml nước cốt dừa
- 200g đường
- 100ml nước dừa tươi
- 50g dừa nạo
- 3 lá dứa thơm
- Một chút muối
2.2. Cách làm chè khoai dẻo cốt dừa
- Khoai môn bạn gọt sạch, rửa sạch, cắt miếng mang đi hấp chín. Nghiền khoai nhuyễn. Vừa nghiền bạn vừa cho nước vào. Cho bột nếp, bột năng nhồi cho bột thành khối dẻo mịn.
- Ngắt bột và vo viên thành những viên nhỏ. Bắc nồi nước lên bếp, nấu sôi. Bạn cho khoai viên vào luộc. Khoai nổi lên là đã chín. Bạn vớt ra cho vào tô nước lạnh. Khoai nguội, bạn vớt ra.
- Bạn dùng một nồi khác, cho nước cốt dừa, nước dừa tươi, đường và chút xíu muối vào nồi. Bắc lên bếp nấu sôi. Bạn thêm lá dứa thơm đã rửa sạch vào.
- Nấu nước dừa sôi vài phút cho lá dứa thơm thì vớt lá dứa ra. Lúc này bạn cho khoai viên cùng dừa non vào nấu thêm vài phút thì tắt bếp.
Múc chè khoai dẻo ra chén và thưởng thức thôi. Món chè này dùng nóng hay lạnh đều ngon.
3. Chè khoai dẻo bột nếp
Các công thức món chè khoai dẻo bạn thấy dùng bột năng, bột khoai tây, bột nếp, bột khoai lang để nhồi bột. Nếu có công thức dùng chỉ bột năng dành cho người thích độ dai của viên khoai, cũng có loại viên khoai dẻo mềm. Viên khoai kiểu dẻo mềm được dùng ít bột năng, tăng bột nếp. Hoặc bạn cũng có thể dùng chỉ bột nếp như công thức, cách làm dưới đây nhé.
3.1. Nguyên liệu cho món chè khoai dẻo bột nếp
- Khoai môn
- Khoai lang
- Đường
- Bột nếp
- Chút muối
- Nước cốt dừa hoặc nước đường hay xốt caramel (tùy chọn)
3.2. Cách làm chè khoai dẻo bột nếp
- Khoai lang và khoai môn bạn gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng và mang đi hấp chín. Khoai chín, bạn nghiền nhuyễn từng loại.
- Từng phần khoai bạn cho từ từ bột nếp cùng chút muối nhào thành khối dẻo. Bạn chia khối bột, lăn từng khối khoai nhỏ này thành thanh hình trụ nhỏ. Cắt thanh khoai thành từng miếng cỡ 1 đốt ngón tay.
- Mang viên khoai đi luộc chín. Bạn vớt ra bỏ vào tô nước lạnh cho nguội rồi vớt ra. Bạn có thể cho vào ít đường đảo đều để khoai thấm ngọt và không bị dính.
- Tùy theo sở thích bạn có thể dùng nước cốt dừa hoặc caramel để dùng chè.
Bạn cho khoai vào chén, thêm nước dừa hoặc xốt caramel hoặc nước đường. Đảo khoai và cho đá viên hoặc đá bào vào thưởng thức.
4. Chè khoai dẻo nước đường
Chè khoai dẻo nước đường không khác các công thức trên ở cách làm viên khoai. Cách khác biệt là ở chỗ dùng nước đường. Dùng nước đường cho món chè này bạn có thể dùng nước đường thông thường hoặc xốt caramel. Cách làm sao cho ngon? Bạn hãy thao khảo ngay sau đây nhé.
4.1. Nước đường sáng màu dùng cho món chè khoai dẻo nhiều thành phần
Nếu bạn thực hiện món chè khoai dẻo có nhiều thành phần, khoai nhiều màu, bạn nên dùng nước đường sáng màu. Vì món chè này sẽ có nhiều màu sắc, nước đường màu sáng sẽ giữ nguyên màu phong phú, đẹp sáng cho chén chè.
- Nguyên liệu: đường cát trắng, nước, nước cốt chanh, syrup bắp (tùy chọn).
- Cách làm: bạn cho đường vào nồi, đổ nước vào với lượng nước vừa phải. Bạn khuấy cho tan đường và có thể thử độ ngọt vừa ý để điều chỉnh. Cho nồi nước đường lên bếp nấu và không khuấy. Nước đường sôi bạn giảm lửa, nấu cho đến khi nước đường sánh thì cho vào ít nước cốt chanh. Nếu có syrup bắp bạn cho vào khoảng 1 thìa cà phê hay 1 thìa canh. Nghiêng nồi qua lại để cho chanh và syrup tan đều rồi tắt bếp. Bạn để nước đường nguội là có thể dùng cho vào chè khoai dẻo rồi.
4.2. Nước đường nâu dùng cho món chè khoai dẻo đơn giản
Với món chè khoai dẻo ít thành phần, viên khoai nhạt màu thì bạn nên dùng nước đường nâu hay xốt caramel. Cách làm đường nâu hay xốt caramel cũng không khó. Với nước đường nâu bạn dùng đường vàng hay đường nâu và thực hiện như nước đường sáng màu ở trên. Còn, công thức xốt caramel bạn có thể áp dụng 2 cách làm sau:
4.2.1. Xốt caramel nước cốt dừa
- Nguyên liệu: đường cát trắng hay đường nâu đều được, nước cốt dừa.
- Cách làm: Bạn cho đường vào nồi đun trên lửa nhỏ. Đường chảy và có màu vàng cánh dán thì cho từ từ nước cốt dừa. Vừa cho nước cốt dừa vừa khuấy cho đến khi có độ sánh như ý thì ngưng cho nước cốt dừa. Bạn nấu thêm 1-2 phút cho xốt caramel già lửa, nước cốt dừa quyện tốt. Lúc này bạn cho 1-2 thìa cà phê dầu dừa khuấy đều rồi tắt bếp. Để nguội xốt caramel là có thể dùng thêm vào chén chè khoai thật bắt mắt.
4.2.2. Xốt caramel sữa tươi
- Nguyên liệu: đường cát, sữa tươi, chút muối, dầu dừa, nước.
- Cách làm: bạn cho đường vào nồi, thêm nước, mang đi nấu với lửa vừa. Vừa nấu vừa khuấy. Đường chảy và nước đường chuyển sang màu cánh dán thì bạn cho sữa tươi vào từ từ. Đường hơi sánh thì ngưng cho sữa tươi. Tiếp tục khuấy thêm 1-2 phút, bạn cho 1-2 thìa canh dầu dừa, khuấy đều rồi tắt bếp. Để nguội là có thể thêm xốt caramel vào món chè khoai dẻo.
5. Chè khoai dẻo nước gừng
Cũng như chè khoai dẻo nước đường, công thức với nước gừng là nước đường thêm gừng. Nhiều người thích công thức này vì nó có phần giống món chè trôi nước của chúng ta. Khi dùng thì cảm thấy vị ngon khá gần gũi.
Trong món chè khoai dẻo dùng nước gừng, bạn có thể làm viên khoai từ khoai môn hoặc khoai lang đỗ hoặc khoai Nhật. Đương nhiên bạn cũng có thể thêm khoai tím hay bí đỏ đều hợp. Tùy theo sở thích và độ "siêng" mà bạn có thể làm một màu khoai hoặc nhiều màu. Riêng phần nước đường để dùng chè bạn làm theo cách sau:
5.1. Nước đường sáng màu
- Nguyên liệu: đường cát trắng, chút muối, gừng thái sợi, nước.
- Cách làm: bạn cho đường vào nồi thêm xíu muối và nước khuấy đường cho tan. Bạn có thể thử vị ngọt để điều chỉnh như ý. Bạn cho nồi nước đường lên bếp nấu sôi, cho gừng vào, nước đường thơm mùi gừng thì tắt bếp.
5.2. Nước đường nâu
- Nguyên liệu: đường nâu hoặc đường thốt nốt, chút muối, gừng thái sợi, nước.
- Cách làm: nếu dùng đường nâu bạn cho đường vào nồi, thêm nước, chút muối và bỏ lên bếp nấu. Nếu bạn dùng đường thốt nốt dạng viên thì nên cắt hoặc bào đường ra rồi thêm nước nấu. Như vậy nấu sẽ nhanh hơn. Nước đường sôi bạn cho gừng. Gừng thơm bạn tắt bếp, để nguội là có thể dùng.
Có thể nói, chè khoai dẻo khi chúng ta đề cập chi tiết, sẽ khám phá được không ít điều thú vị. Phong phú cách làm, cho đa dạng hương vị. Dù thế, cơ bản món chè không thay đổi. Đây cũng là điểm cộng cho món ăn. Vì, đôi khi chỉ cần bạn nắm công thức nền tảng, tùy vào khả năng và sự sáng tạo, bạn sẽ có nhiều vị. Như thế sẽ không nhàm chán. Qua chia sẻ trên, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn cũng tin rằng, bạn đã bỏ túi thêm được vài phiên bản tuyệt vời của món chè khoai dẻo. Một khi thực hiện, chắc chắn bạn sẽ làm cả nhà thêm ngạc nhiên và càng hứng thú thưởng thức món chè này hơn.
Cát Lâm