1. Vitamin C cho bà bầu
Vitamin C đóng vai trò trong việc xây dựng hệ thống miễn dịch cho cơ thể, kháng khuẩn hiệu quả. Đặc biệt đối với cơ thể thai phụ thường có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, thì việc cung cấp vitamin C lại càng quan trọng hơn. Ngoài ra, vitamin C còn thúc đẩy việc hấp thụ canxi và sắt trong thực phẩm hiệu quả hơn đối với cơ thể mẹ bầu.
Trung bình mỗi ngày phụ nữ khi mang thai cần cung cấp 85mg vitamin C và 120mg đối với phụ nữ sau khi sinh và cho con bú. Trường hợp bị thiếu hụt vitamin C sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể người mẹ, thai nhi kém phát triển và không được khỏe mạnh. Nhưng nếu cung cấp dư lượng vitamin C, thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng thai nhi phụ thuộc nhiều vào dưỡng chất này, và sẽ bị thiếu hụt vitamin khi chào đời. Do đó, chị em cần lưu ý cung cấp lượng vitamin C ở mức vừa phải, để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Các loại trái cây như chanh, cam, bưởi sẽ là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào không thể bỏ qua. Ăn hoặc uống nước ép của các loại trái cây này ở mức hợp lý, sẽ góp phần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học ở chị em khi mang thai.
2. Vitamin D cho bà bầu
Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của thai phụ và thai nhi, giúp cơ thể hấp thụ các khoáng chất như canxi, photpho để phát triển hệ thống khung xương cho bé, ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Việc cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể phụ nữ khi mang thai là điều cần thiết, nhưng cũng giống như các loại vitamin khác, thừa hoặc thiếu vitamin D đối với cơ thể đều không tốt. Nếu thiếu vitamin D, bà bầu có thể có nguy cơ bị tiểu đường, tiền sản giật, nhiễm trùng âm đạo, đồng thời còn làm hạn chế sự phát triển về thể chất và trí tuệ đối với thai nhi. Nếu thừa viatmin D, mẹ bầu sẽ bị buồn nôn, choáng váng, đau bụng, nghiêm trọng hơn là sỏi thận hay cao huyết áp. Vì vậy, việc bổ sung một cách đầy đủ nhưng không quá lạm dụng để tránh tình trạng thừa vitamin D là điều quan trọng, cần phải thực hiện đúng ở mẹ bầu.
Nguồn vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm hằng ngày như gan, trứng, cá biển, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, hạnh nhân, bông cải xanh...Thực đơn ăn uống đa dạng với các loại thực phẩm trên sẽ là biện pháp tuyệt vời dành cho chị em, để đảm bảo cung cấp vitamin D ở mức vừa phải. Ngoài ra, các mẹ nên có các hoạt động ngoài trời để tiếp xúc với ánh nắng ở thời điểm thích hợp, cũng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm cung cấp vitamin D cho cơ thể từ ánh nắng mặt trời.
3. Vitamin B6 cho bà bầu
Vitamin B6 tham gia vào quá trình tái tạo tế bào và hồng cầu, củng cố hệ thống miễn dịch và giúp hệ thống thần kinh hoạt động được ổn định, đồng thời giảm thiếu chứng ốm nghén thường gặp ở bà bầu.
Mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp 1 - 1,5mg vitamin B6 là mức hợp lý, để đảm bảo công dụng của loại nguyên tố này đối với sức khỏe của mẹ thai nhi. Nếu cung cấp không đủ mức cần thiết này, mẹ bầu sẽ bị thiếu máu, tổn thương hệ thần kinh và gây ra hiện tượng mất ngủ. Nếu dư thừa vitamin B6, hệ thống thần kinh của thai nhi có khả năng phát triển không được bình thường.
Các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, lúa mạch, khoai tây, cà chua, súp lơ xanh, chuối sẽ cung cấp nguồn vitamin B6 dồi dào cho cơ thể mẹ bầu. Tuy nhiên, chị em cần phân bổ việc sử dụng các loại thực phẩm này trong thực đơn của mình một cách hợp lý, nhằm đảm bảo phát huy công dụng của vitamin B6 mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bổ sung đầy đủ vitamin cho bà bầu và các chất dinh dưỡng khác thông qua các loại thực phẩm, luyện tập hoặc uống thuốc bổ sung một cách khoa học là rất quan trọng đối với phụ nữ khi mang thai. Trong đó, các loại vitamin C, D và B6 luôn đứng trong top danh sách khoáng chất cần thiết để đảm bảo sự ổn định thể chất đối với người mẹ và sự phát triển hoàn thiện của thai nhi. Hy vọng với bài viết trên, chị em đã nắm bắt rõ hơn tầm quan trọng của vitamin đối với bà bầu. Từ đây, sẽ chuẩn bị cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất, cung cấp đầy đủ vitamin cần thiết trong suốt thai kỳ.
Nguyễn Hà tổng hợp