1. Thuốc rụng trứng
Thuốc rụng trứng hay thuốc kích rụng trứng là các loại thuốc nội tiết, được chỉ định sử dụng trong trường hợp người phụ nữ bị hội chứng đa nang buồng trứng. Những người có nang noãn không phát triển hoặc thường xuyên không rụng trứng.
Tiêm thuốc kích trứng cũng được các bác sĩ chuyên khoa sản áp dụng trong trường hợp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thuốc kích trứng có hai dạng uống và dạng tiêm. Thông thường, việc tiêm thuốc kích trứng được chỉ định khi người phụ nữ đáp ứng kém đối với uống thuốc kích trứng. Tỷ lệ phụ nữ có thai nhờ tiêm thuốc kích trứng được thống kê là cao hơn so với những người sử dụng thuốc uống kích trứng.
2. Tiêm thuốc rụng trứng vào ngày thứ mấy của chu kỳ
Thuốc tiêm kích trứng được gọi là gonadotropin. Thuốc này chứa chất kích thích nội tiết tố (FSH). Khi tiêm thuốc vào người phụ nữ không có khả năng rụng trứng tự nhiên, thuốc sẽ gây ra sự phát triển của một hoặc nhiều nang trứng. Đa phần thuốc kích trứng được khuyến cáo tiêm bắp hoặc tiêm dưới da vùng rốn.
Việc tiêm được bắt đầu sớm, thường là ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt và được tiếp tục trong khoảng 8 - 14 ngày cho đến khi có một hoặc nhiều hơn các nang trứng phát triển tốt.
Các bác sĩ sẽ theo dõi điều này thông qua siêu âm buồng trứng. Thời điểm đó, bệnh nhân sẽ được tiêm thêm mũi HCG gây rụng trứng trong vòng 36 giờ đồng hồ sau đó.
Tiêm thuốc kích rụng trứng vào ngày thứ 8 - 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Internet3. Chuyện gì xảy ra sau khi tiêm thuốc kích rụng trứng
Liên quan đến việc tiêm thuốc rụng trứng, các cặp đôi hầu như đều thắc mắc là sau khi tiêm thuốc bao lâu thì quan hệ để có thể thụ thai.
Trên thực tế, sau khi tiêm thuốc, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của các nang trứng. Khi nang trứng phát triển đến một mức phù hợp, đồng thời niêm mạc tử cung cũng dày đến mức độ thích hợp, cặp đôi sẽ được thông báo để quan hệ tự nhiên hoặc tiến hành (IUI) hay (IVF).
Tuy việc điều trị hiếm muộn bằng các loại thuốc kích trứng được thống kê là đem lại hiệu quả đến 60%, vẫn có những trường hợp không thành công. Sau khi điều trị tiêm thuốc kích trứng từ 3 - 6 tháng mà không có hiệu quả bác sĩ sản khoa sẽ khuyên bạn nên cho buồng trứng “nghỉ ngơi” một vài chu kỳ tránh tình trạng suy buồng trứng.
Một lưu ý nhỏ, đó là một số bệnh nhân có thể bị dị ứng thuốc kích trứng và có thể gặp phải hội trứng quá kích buồng trứng. Do vậy, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi tiêm thuốc cũng cần được báo ngay cho bác sĩ.
4. Cẩn thận quá kích buồng trứng (OHSS) khi tiêm thuốc kích trứng
4.1 Hội chứng quá kích buồng trứng
Các loại thuốc rụng trứng không chỉ kích thích sự phát triển của một nang trứng cụ thể mà là kích thích hàng loạt nang trứng.
Và khi tiêm, lượng hormone lớn được tiêm vào cơ thể có thể gây quá kích, khiến buồng trứng của bạn trở nên sưng đau.
Bạn có thể nhanh chóng phát hiện ra hội chứng quá kích buồng trứng khi thấy cơ thể tăng cân nhanh chóng, khó thở hoặc chóng mặt.
Sử dụng tiêm kích rụng trứng sẽ giúp tăng cường khả năng sinh sản. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Tự ý tiêm thuốc kích rụng trứng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gây vô sinh.
Các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng thường bắt đầu trong vòng 10 ngày sau khi tiêm thuốc kích trứng. Các triệu chứng có thể từ nhẹ, vừa đến nặng. Nếu không được sự tư vấn kịp thời của bác sĩ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là:
- Đau bụng lâm râm hoặc đau quặn ở vùng bụng dưới
- Bụng to lên
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều
- Tiêu chảy
- Khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim đập nhanh
- Tăng cân nhẹ hoặc tăng cân nhanh chóng
4.2 Nguyên nhân của hội chứng quá kích buồng trứng
Tiêm thuốc rụng trứng tức là đưa một lượng nhất định human chorionic gonadotropin (HCG) vào cơ thể. Đây là một hormone thường được sản xuất trong thời kỳ mang thai ở phụ nữ.
Ở một số người, mạch máu buồng trứng phản ứng bất thường để nhận HCG và bắt đầu thoát dịch cấp tính ra ngoài.
4.3 Điều trị
Trước hết, bác sĩ sản khoa sẽ khám lâm sàng, kế đến là siêu âm bụng, rồi cho làm xét nghiệm máu. Các bước này sẽ giúp để biết bệnh nhân đã điều trị tiêm thuốc kích trứng có thực sự bị quá kích buồng trứng hay một bệnh lí khác. Và tùy theo mức độ nhẹ đến nặng sẽ được các cân nhắc và điều trị riêng. Các điều trị thường sẽ là: uống thuốc chống nôn, kiểm tra qua siêu âm thường xuyên tránh nguy cơ tràn dịch.
Lời khuyên tốt nhất cho các bệnh nhân điều trị hiếm muộn với liệu pháp tiêm thuốc kích trứng là nên uống nước nhiều trong ngày, hạn chế quan hệ vợ chồng với tần suất cao.
Nếu tiêm thuốc kích trứng không đáp ứng thuốc tốt bạn nên đề nghị bác sĩ điều trị để thay đổi phác đồ điều trị.
Như vậy, tiêm thuốc rụng trứng hay uống thuốc đều không thể tùy tiện, mà phải theo liệu trình điều trị được theo dõi nghiêm ngặt. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định nên kích trứng theo phương pháp nào, trong thời gian nào thích hợp. Bạn hãy kiên trì và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhé, chắc chắn bạn sẽ sớm đón được con yêu.
Việt Thư tổng hợp